Pages

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Nguyễn Văn Huy - Võ Nguyên Giáp, một sự nghiệp đầy thăng trầm

Kết luận về cuộc đời và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp, người ta chỉ có thể nhìn nhận ông là một nhà quân sự có tài mặc dù chưa bao giờ được huấn luyện quân sự nhưng có khả năng chỉ huy và điều động một lực lượng quân sự khổng lồ với hàng trăm tướng lãnh trong suốt một thời gian dài từ 1946 đến 1980.
 
vonguyengiap02

Võ Nguyên Giáp có lẽ là vị tướng có tuổi thọ cao nhất tại Việt Nam, 102 tuổi. Các tài liệu chính thức cho biết ông sinh năm 1911 tại làng Ân Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lộc Thủy, tỉnh Quảng Bình. Theo một số người thân cận ông cho biết, năm sinh thật sự của Võ Nguyên Giáp là 1908, năm nay đúng 105 tuổi.

Xuất thân từ một gia đình Nho giáo truyền thống, ông được đào tạo và huấn luyện để trở thành một quan lại. So với những thiếu niên cùng thời, cuộc đời của ông quả có nhiều may mắn : năm 14 tuổi (1925) sau khi tốt nghiệp tiểu học ở Đồng Hới, ông trúng tuyển vào trường Quốc Học Huế. Học được hai năm ông bị đuổi học vì tham gia tổ chức một cuộc bãi khóa, từ đó cuộc đời của một nho sinh bắt đầu thay đổi. Ông tham gia sinh hoạt chính trị với đảng Tân Việt Cách Mạng (thân cộng), làm việc trong ngành xuất bản và báo chí : Quan hải tùng thư và Tiếng Dân. Bị bắt năm 1930, vì viết báo bênh vực cuộc nổi dậy của nông dân Xô Viết Nghệ Tĩnh, và được trả tự do cuối năm 1931. Theo các tài liệu chính thức, khi ra khỏi tù ông ra Hà Nội học tiếp tại trường Albert Sarraut và đậu tú tài (không rõ năm nào) và tốt nghiệp Đại học Luật và Kinh tế Chính trị năm 1937 và năm 1939 dạy môn sử ở trường tư thục Thăng Long. Việc ông học trường Pháp là có thực vì cho đến bây giờ ông vẫn còn nói thông thạo tiếng Pháp. Đến đây thì mọi việc đều viên mãn, nhưng lý tưởng cộng sản đã quá mạnh để dẫn ông đến một khúc quanh khác.

Năm 1940 ông lên Cao Bằng sang Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh và gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương, lúc đó chỉ có vài người và ông trở thành một nhân vật lãnh đạo. Vì thiếu người, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh cử làm huấn luyện viên quân sự cho những thanh niên vừa mới gia nhập vào đảng. Là một người có học thức cao hơn những thành viên khác và chịu khó học hỏi, Võ Nguyên Giáp trở thành chiến lược gia của phong trào cộng sản và hoạt động trong vùng rừng núi quanh thành phố Cao Bằng. Vì thiếu trang bị và thiếu người, Võ Nguyên Giáp chủ trương du kích chiến, một chiến thuật tác chiến thích hợp nhất trong giai đoạn này. Trong giai đoạn này, Võ Nguyên Giáp là một trong những người khai sinh phong trào Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội) ngày 19/5/1941, mà ông là người phụ trách thành lập và huấn luyện lực lượng quân sự. Thật ra trong giai đoạn từ 1941 đến 1945, lực lượng quân sự của Võ Nguyên Giáp chỉ làm công tác tuyên truyền và tuyển mộ binh sĩ. Cho đến cuối năm 1944, lực lượng này mang tên Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân, gồm 34 người với 34 khẩu súng loại thô sơ. Chiến công đầu tiên của lực lượng quân sự quân sự này là chiếm hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần ngày 25/12/1944 trên vùng Trung Du Bắc Phần, sau khi quân trấn đóng Pháp rút về Hà Nội để bảo vệ các cơ sở hành chánh trước áp lực của quân Nhật.

Ngày 9/3/1945, sau cú đảo chánh quân sự của Nhật, quân đội Pháp hoàn toàn bị tan rã, lực lượng quân sự Việt Minh tràn vào các đồn bót của quân đội Pháp thu nhặt vũ khí và quân trang quân dụng do quân Nhật bỏ lại. Với số lượng vũ khí này, lực lượng Việt Minh bắt đầu phát triển mạnh và củng cố lực lượng, chủ yếu trên vùng Việt Bắc. Giữa tháng 4/1945, lực lượng quân sự của Võ Nguyên Giáp kết hợp với dân quân du kích của Chu Văn Tấn (người Nùng, bí danh Tân Hồng), với tên gọi Cứu Quốc Quân, thành Giải Phóng Quân với khoảng 450 người và được trang bị rất thô sơ.

Cũng nên lưu ý là trong giai đoạn này tranh chấp quyền lực giữa Võ Nguyên Giáp và một số chỉ huy quân sự khác đã bắt đầu manh nha : người ta phê bình Võ Nguyên Giáp là cấp chỉ huy văn phòng chứ không trên chiến địa. Những người chiến đấu trực tiếp chỉ phục tùng các cấp chỉ huy của họ tại chiến trường, như của ông Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, v.v. Chính vì thế trong Chính Phủ Liên Hiệp Lâm Thời (từ ngày 28/8 đến tháng 12/1945), Chu Văn Tấn được cử làm bộ trưởng quốc phòng, và Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến, Phan Anh được cử làm bộ trưởng quốc phòng, Võ Nguyên Giáp được cử làm bộ trưởng nội vụ kiêm phó bộ trưởng quốc phòng. Ông chỉ được giao chức bộ trưởng quốc phòng từ tháng 11/1946 đếh tháng 8/1947 trong chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, sau đó phải nhường cho Tạ Quang Bửu, một trí thức từ Pháp về, từ tháng 8/1947 đến tháng 8/1948.

Sự khôn ngoan và kiên nhẫn của Võ Nguyên Giáp trong suốt giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp là, ngoài Hồ Chí Minh, ông còn biết tự lu mờ trước những ngôi sao đang lên như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Lê Duẩn, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng, v.v. là những cấp chỉ huy dám xông pha vào lửa đạn. Với thời gian, khả năng chiến lược của các cấp chỉ huy quân sự vừa kể đã đạt tới giới hạn, chức bộ trưởng quốc phòng mới được giao trở lại cho Võ Nguyên Giáp từ tháng 8-1948 đến 1976. Là người có học thức cao hơn những lãnh tụ khác trong đảng, ông có đủ tư cách để bàn thảo chiến lược và chiến thuật với các tướng lãnh Trung Quốc, lúc đó đang còn tranh chấp với phe Tưởng Giới Thạch. Vai trò chỉ huy quân đội của Võ Nguyên Giáp càng được củng cố sau khi Mao Trạch Đông chiếm lĩnh trọn vẹn Hoa lục ngày 1/10/1949.

Từ sau tháng 10/1949 trở đi, với sự tiếp tế súng đạn và cố vấn quân sự của Trung Quốc, lực lượng du kích Việt Minh chuyển thành lực lượng chính quy, với những cấp trung đoàn, sư đoàn, đại đoàn được trang bị đầy đủ có thể chống trả hoặc tấn công quân đội Pháp được trang bị đầy đủ hơn. Với sự giúp sức của lực lượng quân sự Trung Quốc, đặc biệt là pháo binh, phe Việt Minh làm chủ cả một vùng Trung Du rộng lớn phía Đông Bắc Hà Nội. Quân đội Pháp bị đẩy lùi khỏi khu vực Cao Bằng, Lạng Sơn, nơi vận chuyển người và vũ khí từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trong suốt giai đoạn từ 1950 đến 1954, Võ Nguyên Giáp đã giữ tất cả các chức vụ cao nhất trong quân đội : tổng chỉ huy và tổng chính ủy (theo cách gọi Trung Quốc), hay tổng tư lệnh quân đội kiêm tổng quân ủy (theo cách gọi Việt Nam).

Với một lực lượng quân sự lên tới 50.000 người, gọi là Vệ quốc quân, ngày 25/1/1948 Võ Nguyên Giáp được phong đại tướng, ông Nguyễn Bình trung tướng, các ông Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Binh thiếu tướng. Cũng nên biết những tướng lãnh này không tốt nghiệp bất cứ từ một trong sĩ quan hay võ bị nào, mà chỉ giản dị là do kinh nghiệm chỉ huy trực tiếp tại chiến trường. Với quân hàm đại tướng, Võ Nguyên Giáp được sự kính trọng của tất cả các cấp sĩ quan trong quân đội, ông được cất nhấc vào các chức vụ cao nhất trong đảng cộng sản : ủy viên ban thường ụ trung ương đảng cộng sản Đông Dương (tháng 5/1945), ủy viên hội đồng quốc phòng tốc cao (tháng 8/1948), ủy viên bộ chính trị đảng Lao Đông (1951). Tuy nhiên với kiến thức quân sự thô sơ của một nhà giáo, khả năng của ông chỉ giới hạn trong chiến thuật chiến tranh du kích, khả năng vận động chiến với các lực lượng chính quy phải nhờ vào các cố vấn quân sự Trung Quốc.

Trong cuốn "Những Chặng Đường Lịch Sử", xuất bản tại Hà Nội năm 2001, ông Võ Nguyên Giáp đã không ngần ngại xác nhận vai trò áp đảo của các cố vấn Trung Quốc, trong các quyết định quân sự của phong trào Việt Minh, như các ông La Quý Ba (ủy viên trung ương đảng cộng sản Trung Quốc), Vị Quốc Thanh (trưởng đoàn cố vấn quân sự), Mai Gia Sinh (cố vấn tham mưu), Mã Tày Phu (cố vấn hậu cần), Trần Canh (ủy viên trung ương đảng cộng sản, cố vấn quân sự). Với sự giúp đỡ hùng hậu về quân sự của Trung Quốc, lực lượng quân sự Việt Minh bắt đầu đảm nhiệm vai trò chủ động trong các chiến dịch : biên giới (Đường số 4, 1950), trung du Bắc phần (1950), đồng bằng sông Hồng (1951), đông-bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, 1951), Hòa Bình (phía tây Hà Nội, 1951), tây-bắc (Tuyên Quang, Lào Kai, 1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954).

Trong trận Điện Biên Phủ (từ 13/3 đến 8/5/1954), phe Việt Minh đã đánh bại quân đội Pháp, dẫn đến hội nghi Genève chia đôi đất nước tháng 7/1954. Dư luận thế giới, nhất là Pháp, đã rất ngạc nhiên trước sự huy động sức người của Việt Minh trong việc vận chuyển vũ khí và đạn dược lên các đỉnh núi bao bọc khu lòng chảo Điện Biên Phủ. Hình ảnh từng đoàn người vận chuyển những cơ phận đại bác tháo rời, vũ khí, đạn dược và lương thực trên những chiếc xe đạp ọp ẹp lên các đỉnh núi bao bọc khu vực Điện Biên, hay sự hăng hái của những đoàn quân nông dân ngụy trang với cây lá rừng ngày đêm tiến đến chiến trường Điện Biên... đã tạo sự thán phục của mọi người. Các cấp lao động quân sự Pháp càng ngạc nhiên hơn trước lối đánh tiếp cận bằng địa hào của binh lính Việt Minh, đây là sở trường của quân đội Pháp trong suốt hai cuộc đại thế chiến. Cho đến một ngày gần đây người ta mới biết lối đánh này do các cố vấn Trung Quốc hướng dẫn (rút kinh nghiệm từ chiến trường Triều Tiên năm 1953 với chiến thuật biển người sau khi tiến tới sát quân địch bằng địa đạo).

Sau chiến thắng này uy tín của Võ Nguyên Giáp vang lừng thế giới, báo chí quốc tế đã hết lời ca tụng thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp. Những địch thủ của ông như tướng Raoul Salan, và sau đó là tướng William Westmoreland, đã không hết lời thán phục ông. Ngược lại, uy tín của ông trong nội bộ đảng cộng sản và dư luận trong nước (miền Bắc) không những đã không tăng mà còn suy giảm. Các cấp chỉ huy quân sự tham gia trực tiếp trận Điện Biên Phủ phê bình tướng Võ Nguyên Giáp chỉ là vị tướng chỉ huy từ xa, nghĩa là một tướng văn phòng, không dám xông pha như họ.

Trong giai đoạn từ 1954 đến 1956, những thành phần tiểu tư sản theo Việt Minh như ông Võ Nguyên Giáp đều bị thất sủng, những người còn bị kết án tử hình trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và trăm hoa đua nở. Nhờ được Hồ Chí Minh tận tình che chỡ, ông Võ Nguyên Giáp không những không bị truy tố mà còn được được giữ nguyên các chức vụ cao nhất trong đảng cộng sản như ủy viên bộ chính trị, bí thư quân ủy trung ương, tổng tư lệnh quân đội, bộ trưởng bộ quốc phòng, phó thủ tướng... nhưng ông không còn nắm giữ thực quyền như trước. Trong quân ủy trung ương, những đối thủ chính trị của ông đã gài thêm bốn nhân vật thân tín để hạn chế quyền lực của ông. Những quyết định quân sự quan trọng đều do 5 người này quyết định, trong đó Võ Nguyên Giáp chỉ là một trong năm tiếng nói, nghĩa là thiểu số. Đó là các tướng Văn Tiến Dũng, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn.

Trong giai đoạn kế tiếp, từ 1958 đến 1975, bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam chủ trương tiến chiếm miền Nam bằng vũ lực. Mặc dù vẫn còn giữ chức vụ bộ trưởng bộ quốc phòng kiêm tổng tư lệnh quân đội, tất cả mọi quyết định quan trọng đều do hai ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thao túng.

Trái với lầm tưởng của mọi người, trận tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 không do Võ Nguyên Giáp chủ động, mặc dù là bộ trưởng bộ quốc phòng kiêm tổng tư lệnh quân đội. Theo một nguồn sử liệu gần đây cho biết (nhà nghiên cứu quân sử Merle Pribbenow, cựu chuyên viên ngôn ngữ học thuộc cơ quan tình báo CIA của Mỹ), tác giả tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 là các ông Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng, trong khi Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp không ủng hộ giải pháp táo bạo này. Tất cả chỉ vì hai ông Lê Duẩn và Văn Tiến Dũng ganh tị với tài ba và danh tiếng của Võ Nguyên Giáp. Ông Lê Duẩn là đối thủ chính trị của ông Võ Nguyên Giáp trong nội bộ đảng cộng sản. Hai nhân vật này đã xung khắc với nhau từ năm 1956 khi tướng Giáp được toàn đảng ủng hộ giữ chức tổng bí thư sau khi Trường Chinh từ nhiệm, sau cùng nhờ sự giúap đỡ của Lê Đức Thọ và những dàn xếp nội bộ Lê Duẩn được giữ chức vụ tổng bí thư năm 1957. Còn ông Văn Tiến Dũng, thuộc cấp của Võ Nguyên Giáp, muốn thay thế ông trong chức vụ cao nhất trong quân đội.

Khi cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân bắt đầu, dư luận trên thế giới đều cho rằng Võ Nguyên Giáp muốn dằn mặt quân đội Hoa Kỳ lúc đó đang hiện diện đông đảo tại miền Nam, trên 500.000 người. Dư luận quốc tế cho rằng Võ Nguyên Giáp đã vi phạm một sai lầm chiến lược khi muốn đi tắt đến chiến thắng trong chiến tranh, hơn 125.000 quân tinh nhuệ của phe cộng sản đã bị tiêu diệt trong ba cuộc tổng tấn công : tháng 1, 5 và 8/1968. Phải đợi đến ba năm sau, năm 1971 lực phe cộng sản mới xây dựng lại được lực lượng.

Sau ngày 30/4/1975, phe Lê Duẩn-Lê Đức Thọ hoàn toàn thắng thế, Văn Tiến Dũng trở thành người hùng của cuộc "đại thắng mùa xuân", nhưng dư luận và báo chí quốc tế chỉ nhắc đến Võ Nguyên Giáp và coi ông là nạn nhân của cuộc đấu đá trong nội bộ đảng cộng sản. Sự ganh tức trước uy tín của Võ Nguyên Giáp trong nội bộ đảng cộng sản nói chung và phe Lê Duẩn-Lê Đức Thọ nói riêng ngày càng gia tăng để cuối cùng vào năm 1980 bị tước hết mọi quyền lực, ở thôi làm bộ trưởng bộ quốc phòng mặc dù vẫn còn giữ chức vụ ủy viên bộ chính trị (đến năm 1982) và phó thủ tướng đặc trách khoa học kỹ thuật. Đối thủ của ông là Văn Tiến kiêm tổng tham mưu trưởng quân đội. Không hiểu vì một lý do gì năm 1983 ông Võ Nguyên Giáp nhận lãnh chức vụ không liên quan gì đến quân đội và khoa học : chủ tịch Ủy Ban Sinh Đẻ Có Kế Hoạïch. Đối với dư luận trong và ngoài nước đây là một thái độ nhục mạ mà không hiểu sao ông Võ Nguyên Giáp lại chấp nhận. Người ta đồn rằng vì ông Võ Nguyên Giáp muốn giữ những đặc quyền đặc lợi mà đảng cộng sản đã dành cho ông và gia đình. Cũng nên biết ông Trương Gia Bình, nguyên là con rể của Võ Nguyên Giáp, chủ tịch công ty FPT, là người giàu có nhất Việt Nam. Tuy vậy ông Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp tục giữ chức vụ ủy viên trung ương đảng kiêm phó thủ tướng đến năm 1991 để về hưu vào tuổi 80.

Nếu được sinh trưởng ở một quốc gia phương Tây và có những thành tích như đã kể, sự nghiệp và cuộc đời của ông Võ Nguyên Giáp phải lên tới tột đỉnh của vinh quang và danh vọng, khi qua đời tên ông chắc chắn sẽ được đặt cho một con đường quan trọng nhất tại thủ đô hay trong các thành phố lớn. Nhưng cái bất hạnh của ông là đã sinh ra tại Việt Nam, nhất là một đảng viên cộng sản, những đặc ân vừa kể đã không trọn vẹn. Trong đảng cộng sản, uy tín cá nhân không đặt ra vì tất cả đều là tập thể, chính vì thế tên tuổi ông đã không được đề cao trong suốt hai cuộc chiến tranh Đông Dương vừa qua. Là một đảng viên cộng sản kỳ cựu, ông chấp nhận sống vô danh và làm tất cả để chứng tỏ thái độ trung thành với đảng cộng sản. Hơn nữa, dưới chế độ cộng sản không ai được quyền nổi tiếng hơn Hồ Chí Minh.

Trong đợt cải cách ruộng đất và nhân văn giai phẩm từ 1954-1956, ông đã im lặng để sóng gió qua đi và giữ vững địa vị. Khi tranh chấp trong nội bộ đảng cộng sản bùng nổ giữa ông và Lê Duẩn năm 1956, ông chấp nhận thua thiệt để tiếp tục giữ được chức vụ lãnh đạo quân đội. Khi thất bại trong việc ngăn cản một cuộc tự sát tịp thể trong trận tổng tấn công năm Mậu Thân (1968), ông đã không từ chức và tiếp tục giữ chức tổng tư lệnh quân đội và bộ trưởng quốc phòng. Năm 1975, ông bị giành mất thắng lợi trong chiến thắng miền Nam nhưng quyết không từ chức bộ trưởng quốc phòng. Ông chỉ thôi chức bộ trưởng quốc phòng năm 1980 khi hoàn toàn bị thất sũng và cam chịu giữ chức vụ chủ tịch ủy ban sinh đẻ có kế hoạch năm 1983.

Kết luận về cuộc đời và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp, người ta chỉ có thể nhìn nhận ông là một nhà quân sự có tài mặc dù chưa bao giờ được huấn luyện quân sự nhưng có khả năng chỉ huy và điều động một lực lượng quân sự khổng lồ với hàng trăm tướng lãnh trong suốt một thời gian dài từ 1946 đến 1980. Ông rất được quân đội mến mộ, nhưng tư cách và quan niệm về cuộc sống của ông không phải là một mẫu mực để đời sau bắt chước. Ông đã nhắm mắt làm ngơ trước những bất công và đày đọa của dân tộc dưới chế độ cộng sản. Chỉ mới gần đây, năm 2006 ông mới lên tiếng về sự nhũng lạm công quỹ nhà nước qua vụ PMU18 thuộc bộ giao thông vận tải, dự án phá bỏ Hội trưởng Ba Đình trên khu di tích hoàng thành Thăng Long, hay quyết định cho phép Trung Quốc khai thác bauxite trên Tây Nguyên. Ông đã không dám nói thẳng những suy nghĩ của ông, trong cương vị là một nhà lãnh đạo, một người có học thức, vì sợ tước mất quyền lợi đang có của ông và gia đình về tình trạng suy đồi của đất nước.

Cũng như mọi nhân vật "nguyên là" trong chế độ cộng sản, chỉ sau khi gần đất xa trời và không còn gì để mất, ông Võ Nguyên Giáp mới dám phát biểu mạnh dạn, nhưng những lời trăn trối cuối cùng của ông đã như nước đổ lá môn, nghĩa là không có một tác dụng nào đối với những quyết định của cấp lãnh đạo trẻ đương quyền hiện nay.

Nguyễn Văn Huy

(Thông luận) 

Không có nhận xét nào: