Pages

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Việt Nam – Cổng sang châu Á của Nga?

Cho đến gần đây thì Nga không nằm trong số những nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế Việt Nam. Dòng tiền của Nga chảy vào Việt Nam bắt đầu diễn ra hồi đầu năm nay, khi Nga trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba chỉ đứng sau Nhật Bản và Singapore.

Nga-Viet

Sự hợp tác giữa Moscow và Hà Nội có thể sẽ được đẩy mạnh hơn nữa khi (và nếu) hai nước ký thỏa thuận thương mại tự do vốn đã có kế hoạch. Và khi Nga là một phần của Liên minh thuế quan (một khối thương mại trong đó bao gồm khu vực thương mại tự do với mức thuế nhập khẩu chung từ bên ngoài), hàng hóa Việt Nam sẽ được tiếp cận miễn phí vào các thị trường của các thành viên Liên minh khác – chẳng hạn như Belarus và Kazakhstan.

Cuộc họp tháng Ba năm 2013 giữa Thủ tướng của hai nước đã thông báo rằng thương mại Nga–Việt có khả năng vượt mức 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020 – tăng nhẹ từ 3 tỷ USD trong năm 2012.

Tuy nhiên, giữa lúc hiệp định thỏa thuận thương mại tự do vẫn chưa được vạch ra thì có một số lĩnh vực kinh tế mà các công ty của Nga đặc biệt chú ý đến.

Nhà máy hạt nhân đầu tiên 

Trong số đó là các dự án hydrocacbon và năng lượng hạt nhân.

Theo một số quan chức thì việc xây dựng các nhà máy hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam – Ninh Thuận 1 – là một trong những dự án ưu tiên trong số hơn 80 dự án khác mà Nga hiện đang hoàn thành tại nước này.

Dự án này sẽ được xây dựng ở phía nam Việt Nam do Atomstroiexport, công ty con thuộc tập đoàn nhà nước Rosatom của Nga, thực hiện. Nhà máy 2.000 megawatt này sẽ bao gồm hai lò phản ứng nước nhẹ tiên tiến. Nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020.

Trong năm 2011, Nga đã đồng ý cung cấp cho Việt Nam vay 9 tỷ USD để tài trợ cho dự án này.

Với các thỏa thuận đạt được, Rosatom hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Nga tại Việt Nam – cùng với hai tập đoàn năng lượng khác là Gazprom và Zarubezhneft.

Dầu khí

Các thỏa thuận khai thác hydrocarbon xuất phát từ thời xã hội chủ nghĩa giữa Việt Nam và Liên Xô cũ. Trở lại thập niên 1980, một công ty liên doanh có tên Vietsovpetro đã được thành lập và thậm chí hai mươi năm sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ thì phần ‘sov’ vẫn còn hoạt động tốt.

Theo một số ước tính, Zarubezhneft – công ty thuộc sở hữu của chính phủ Nga chuyên phát triển các mỏ dầu bên ngoài nước Nga, thu về khoảng 80% lượng dầu của Việt Nam.

Một số cổ đông của Nga cho biết Vietsovpetro “là dự án Zarubezhneft hiệu quả nhất”.

Tuy nhiên, Nga thừa nhận rằng đỉnh điểm của việc sản xuất dầu Việt Nam đã qua hồi năm 2002. Thậm chí với lượng sản xuất năng động nhất, Việt Nam không phải là một nước có lượng hydrocarbon lớn trong khu vực Đông Nam Á.

Theo EIA (Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ) thì Việt Nam có lượng dự trữ dầu thô lớn thứ ba ở châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ (theo BP thì Việt Nam có khoảng 4,4 ​​tỷ thùng tính đến cuối năm 2012, so với 17,3 tỷ thùng tại Trung Quốc và 5,7 tỷ thùng ở Ấn Độ).

Và nhu cầu năng lượng đã vượt quá số lượng sản xuất: sản xuất 361.000 thùng dầu mỗi ngày so với số lượng tiêu thụ là 348.000 thùng mỗi ngày.

Rõ ràng thì Viêt ̣ Nam phải dựa vào các nguồn năng lượng khác. Nhưng trữ lượng khí đốt tự nhiên của nước này thậm chí còn khan hiếm hơn. Công ty dầu khí nhà nước PetroVietnam ước tính rằng nước này sẽ thiếu khí đốt sau năm 2015 khi lượng khí đốt trong nước sụt giảm.

Ở đây, sự hợp tác với Nga có thể là một lợi ích to lớn. Nga có thể giúp nhập khí đốt hóa lỏng tự nhiên (LNG) vào Việt Nam.

Năm ngoái, Gazprom – tập đoàn độc quyền về khí đốt của Nga, và tập đoàn dầu khí PetroVietnam đã ký thỏa thuận sơ bộ về nguồn cung cấp LNG. Gazprom hiện đang xây dựng một nhà máy LNG tại Vladivistok ở vùng Viễn Đông nước Nga.

Sau khi hoàn tất vào năm 2018, nhà máy ở Vladivistok có thể sản xuất lên đến 15 triệu tấn khí đốt mỗi năm. Nga hy vọng sẽ có nhiều nước đặt mua loại khí đốt này, và số lượng có thể lớn gần gấp đôi so với mức tiêu thụ của Việt Nam.

Trước đó Gazprom cũng đã nhận được 49% cổ phần trong các mỏ dầu ở Biển Đông. Công ty này đã tiến hành khám phá các lô ở vùng này. Tuy nhiên, dự trữ tại khu vực này trong thực tế nhỏ rất nhiều hơn so với lượng khí đốt mà Gazprom sản xuất mỗi năm.

Tương tự như các nước khác, các mối thỏa thuận năng lượng là những yếu tố chính đối với lợi ích của Nga tại Việt Nam. Mặc dù trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tại các thị trường châu Âu đang giảm đi nhưng châu Á đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các dự án khí đốt khổng lồ của Nga.

Các nhà quan sát cho rằng Việt Nam là một trong những cổng có thể giúp Nga xuất khẩu năng lượng vào toàn bộ khu vực.

Ekaterina Drobinina
, RBTH
Hiền Trang chuyển ngữ, CTV Phía Trước
 
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2013

Không có nhận xét nào: