Pages

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Alibaba và bảy thằng ăn trộm


Ngô Nhân Dụng
Tin lớn nhất từ thị trường chứng khoán New York (NYSE) ngày hôm qua là chuyện một công ty Trung Quốc bán cổ phiếu lần đầu cho công chúng. Alibaba kinh doanh trong những ngành tin học mà các công ty Amazon, Ebay và Paypal đang hoạt động. Cả ba công ty ở Mỹ bây giờ đều trị giá thấp hơn vì theo giá cổ phiếu ngày hôm qua Alibaba trị giá 321 tỷ đô la chỉ còn thua Microsoft ($385 tỷ) và Google ($401 tỷ). Mặc dù chỉ có lợi nhuận 6.8 tỷ đô la, bằng một phần tám của Amazon, trị giá của Alibaba lớn gấp hơn hai lần (Amazon $150 tỷ).

Vụ bán cổ phiếu lần đầu (IPO) này được chờ đợi và bàn tán trong mấy tháng nay. Với giá đề nghị là 68 đô la mỗi cổ phần, khi NYSE mở cửa giá trao đổi đã vọt lên gần $93 đô la, rồi tiếp tục tăng lên, có lúc tới gần 100 đô la, rồi xuống đến $93.89 lúc thị trường đóng cửa.

Người sáng lập và hiện là chủ tịch CEO của công ty là Mã Vân (Jack Ma), bây giờ có tài sản 21 tỷ đô la, giàu nhất nước Tàu. Ðặc biệt, Mã Vân làm giàu mà không nhờ quan hệ gia đình trong Ðảng Cộng Sản. Ông xuất thân là một giáo sư tiếng Anh ở Hàng Châu, được làm quen với Internet trong một chuyến đi thăm bạn ở Mỹ, khi về nước, năm 1999 lập ra một công ty bán hàng trên mạng, nối các xí nghiệp nhỏ với khách hàng của họ. Sau đó, Jack Ma đã mở rộng ra các ngành hoạt động khác, theo gót ba công ty đã thành công ở Mỹ kể trên.
Trước khi công ty Alibaba ra mắt thị trường tư bản Mỹ, ở Trung Quốc nhiều người đã hỏi: Liệu Jack Ma có tính di cư hay không? Ông cực lực cải chính, nhưng vẫn có tin đồn rằng ông đang xin làm dân thường trú ở Hồng Kông.
Những người Trung Hoa sướng nhất ngày hôm qua là các cộng tác viên cùng Jack Ma từ những ngày đầu, rồi đến các nhân viên công ty. Ngày hôm qua, khi NYSE mở cửa là hơn 9 giờ tối ở Hàng Châu; pháo bông đã tung lên trời trước cửa trụ sở công ty. Ngay cả một nữ nhân viên cũ, cũng vẫn được lợi. Bà họ Tân đã nghỉ việc từ hai năm trước, nay đang mở quán cà phê, đã theo dõi giá cổ phần Alibaba và tính ra rằng số cổ phần bà còn giữ sẽ có giá trị $938,000. Bà triệu phú Mỹ kim này tuyên bố bao giờ bán được các cổ phần sẽ di cư sang Úc! Các cổ phần tặng cho nhân viên không được bán trong thời hạn sáu tháng.
Một người ngoại quốc được lợi lớn nhất là ông Masayoshi Son, người sáng lập và CEO của công ty SoftBank tại Nhật Bản. Trước đây 14 năm, khi Alibaba còn sơ sinh, SoftBank đã góp vốn 20 triệu. Ngày hôm qua, số cổ phần họ làm chủ trị giá 50 tỷ Mỹ kim! Masayoshi Son chỉ làm chủ 19% công ty, tài sản đã tăng lên thành 16.4 tỷ, ông bây giờ giàu thứ nhì ở nước Nhật, sau ông Tadashi Yanai, giàu $16.6 tỷ. Ðối với người Nhật gốc Hàn Quốc này thì chuyện lên xuống hôm qua không có gì đáng kể, vì có lúc tài sản của Son đã lên tới 70 tỷ đô la! Nhưng ngày hôm qua Alibaba cũng làm giàu cho 35 nhà ngân hàng đầu tư, họ đóng vai tổ chức việc bán cổ phiếu và được trả tiền công lên tới 300 triệu đô la. Trong đó hai ngân hàng lớn Thụy Sĩ, Ðức và ba ở Mỹ mỗi anh xơi 45 triệu, vì họ có khả năng giới thiệu và môi giới các nhà đầu tư sẵn sàng đứng ra mua ngay lúc mở màn.
Sự kiện Jack Ma đem công ty của mình đi gây vốn ở NYSE cho thấy thị trường tài chánh nước Trung Hoa vẫn chưa trưởng thành. Từ khi thành lập Alibaba đã nhờ vốn ngoại quốc, của Yahoo (Mỹ) và SoftBank (Nhật), vì giới tư bản trong nước Trung Hoa chưa dám liều. Nhưng bây giờ việc kinh doanh của Alibaba đã thành công rõ ràng, mà công ty vẫn muốn đi gây vốn ở New York. Các thị trường chứng khoán ở Thượng Hải và Thẩm Quyến không đủ khả năng cáng đáng một việc giao hoán lớn, các ngân hàng đầu tư của Trung Quốc chưa bắt được vào dòng chảy của đồng tiền tư bản quốc tế. Nhiều công ty Trung Quốc lớn trong cùng lãnh vực Internet cũng không ghi tên trên các thị trường nội địa, như Tencent được mua bán trên thị trường Hồng Kông, Baidu và Sina ở thị trường New York.
Trong ngày hôm qua, 90% các cổ phần của Alibaba được bán cho người ngoại quốc, đại đa số là các công ty đầu tư ở Mỹ. Giá tăng vọt từ $68 đô la lên hơn $90 đô la thì những người đó được lời ngay. Chỉ có 10% số cổ phần lần đầu IPO là được bán cho cá nhân; trong đó hơn 6% được Jack Ma dành bán cho nhân viên của công ty. Cuối cùng, chỉ còn gần 4% được bán cho các người mua lẻ. Năm trước, khi Facebook bán IPO, họ tự tin dành 25% cho nhà đầu tư nhỏ. Vì luật lệ Trung Cộng khó khăn trong việc kiểm soát tiền vốn ra vào, các người mua cổ phiếu Alibaba thực ra không chính thức làm chủ các cổ phần. Họ chỉ làm chủ cổ phần của những công ty tài chánh gọi là VIE (variable interest entity) ký hợp đồng về sở hữu Alibaba. Các công ty Trung Quốc ghi tên trên các thị trường ngoại quốc đều dùng thủ tục rắc rối này.
Nhắc đến tên Alibaba ai cũng nhớ tới 40 tên ăn trộm. Nhưng sự thành công của Jack Ma trên thị trường mua bán hàng qua Internet là do khả năng thiết lập được tín nhiệm của công chúng sử dụng. Một người Trung Hoa như Jack Ma phải rất liều lĩnh mới bày ra mạng lưới mua bán trên Internet, vì Trung Quốc thiếu tất cả các thứ gọi là “hạ tầng cơ sở” cho công việc này, bây giờ cũng như trước đây 15 năm.
Người Trung Hoa trong lục địa chưa tập thói quen dùng thẻ tín dụng; việc mua bán thường trả tiền mặt.
Không có những công ty giao hàng như FedEx, mà Sở Bưu Ðiện thì vừa chậm, vừa hay mất mát. Ði mua hàng nhìn tận mắt còn lo bị hàng giả, làm sao người ta tin nhau mà đi mua trên mạng? Jack Ma đã dám nghĩ đến chuyện vượt qua các trở ngại đó. Lúc đầu công ty Alibaba chỉ lo việc mua bán giữa các xí nghiệp, trong nước, rồi mở rộng ra thị trường ngoại quốc. Làm môi giới giữa các công ty nước ngoài với các nhà cung cấp nhỏ trong nước, và ngược lại, dễ kiểm soát hơn. Sau đó, khi mở mang sang thị trường bán lẻ, Alibaba đã phải sử dụng mạng lưới những người giao hàng bằng xe đạp, đưa hàng tận tay người mua và nhận tiền mặt. Alibaba là một công ty bán lẻ đầu tiên ở Trung Quốc chấp nhận cho người mua trả lại hàng; sau khi đã chứng kiến các cửa hàng lớn ở Mỹ thực hành và thành công. Năm 2011, sau khi Alibaba mở cuộc điều tra riêng, khám phá ra có nhân viên mưu mô với một số 2,300 nhà cung cấp bán hàng giả và hàng kém phẩm chất, công ty đã trình bày sự việc công khai, báo cáo với công chúng đầy đủ, thay vì giấu nhẹm đi để “giữ tiếng tốt.” Công ty sa thải cả những nhà quản lý chịu trách nhiệm, dù ở cấp cao. Nhờ chính sách minh bạch, công khai này mà Alibaba đã thành công nhờ gây được lòng tin. Nhờ thế, hiện nay Alibaba chiếm 80% thị trường bán lẻ trên mạng ở Trung Quốc; với số người sử dụng lên tới 279 triệu, họ đặt mua gần 300 tỷ đô la Mỹ tr một năm.
Khi giá cổ phiếu IPO của Alibaba được ấn định là 68 đô la mà trong một ngày tăng lên 94 đô la, thì các người đầu tư được lợi. Số lợi này, có thể tính được, 26 đô la mỗi cổ phần, tổng cộng thành $9 tỷ đô la. Thường những quỹ đầu tư mua cổ phiếu trong lần phát hành đầu tiên (IPO) vẫn được lợi như vậy; nhưng trong trường hợp Alibaba thì số lợi gia tăng đặc biệt.
Các cổ phiếu IPO của những công ty kinh doanh tin học và Internet phát hành IPO trong năm 2014 trung bình tăng thêm 26% trong ngày đầu. Những người mua IPO của Alibaba được lời 38%. Số lời phụ trội này chính là số tiền mà Alibaba mất. Nếu giá phát hành IPO của Alibaba được ấn định là $75 thay vì $68 mỗi cổ phiếu thì giá sau cùng trong ngày ($94) đã tăng lên khoảng 26%, như các công ty kinh doanh tin học khác. Nghĩa là Alibaba thiệt mất $7 đô la đối với cổ phần phát hành; tổng cộng mất hơn 17 tỷ đô la.
Ðáng lẽ Alibaba được hưởng số lời phụ trội đó, thu thêm được 17 tỷ đô la làm vốn. Có thể nói Alibaba đã chịu thiệt thòi chỉ vì thị trường tài chánh Trung Quốc chưa làm đủ nhiệm vụ làm nơi giúp các công ty gây vốn, cho nên họ phải phát hành IPO ở ngoại quốc. Alibaba không thể gây vốn ở trong nước mà phải sang Mỹ chỉ vì thị trường tài chánh và vốn Trung Quốc còn lạc hậu, mặc dù đã cải tổ kinh tế được 36 năm. Nguyên nhân chính là vì Ðảng Cộng Sản Trung Quốc muốn bảo vệ quyền lợi của các cán bộ, đảng viên, nhất là giới lãnh đạo tham nhũng.
Ông Tập Cận Bình đã đề cao chủ trương cải tổ “cho thị trường đóng vai trò quyết định” trong nền kinh tế; nhưng hiện đang còn chưa tiến được mấy bước. Bước đi quan trọng nhất là cải tổ hệ thống tài chánh, ngân hàng, với mục tiêu thiết lập thị trường vốn có hiệu quả như ở các nước tư bản. Khi nền tài chánh có hiệu quả, người có vốn tìm được nơi đầu tư có lợi nhất, các xí nghiệp cần gây vốn tìm được nguồn vốn giá rẻ nhất. Nhưng chế độ Cộng Sản chỉ cải tổ kinh tế nửa vời vì họ sợ mất quyền lực chính trị.
Ðể thành công, Jack Ma cũng không thoát khỏi cảnh phải “biết điều” với mạng lưới quyền lực của Ðảng Cộng Sản. Khi công ty đã có tiếng và kiếm ra tiền rồi, năm 2012 Alibaba mời người góp thêm vốn và nhắm vào một số quỹ đầu tư do con cháu các cán bộ cao cấp làm chủ, trong đó có gia đình của các lãnh tụ như Giang Trạch Dân, Ôn Gia Bảo. Nhưng vương tôn công tử này chỉ tham dự sau khi công ty đã đủ vững vàng, 12 năm sau khi thành lập. Với những người góp vốn có thế lực, công ty Alibaba đã được bảo vệ về mặt chính trị. Năm nay Jack Ma cũng đi tháp tùng Tập Cận Bình trong chuyến công du Nam Hàn. Có thể nói, công ty Alibaba đang phải cộng tác với những tên ăn trộm đang đứng đầu nước Trung Hoa. Không phải 40 tên mà hàng ngàn tên ăn trộm trong Ðảng Cộng Sản đứng đầu là bảy ông trùm trong Thường Vụ Bộ Chính Trị!

Không có nhận xét nào: