Pages

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Góc nhìn: Để không còn bối rối với lao động nước ngoài

Việt Nam nên ứng xử thế nào với lao động nước ngoài trong bối cảnh hội nhập hiện nay?...

Góc nhìn: Để không còn bối rối với lao động nước ngoài
Lao động Việt Nam chuẩn bị ra nước ngoài. Sự dịch chuyển lao động là một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập.
Những tranh luận gần đây quanh kế hoạch tuyển dụng thêm lao động nước ngoài của một tập đoàn đưa tới vấn đề: hài hòa các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng trong bối cảnh nền kinh tế đã và đang hội nhập sâu rộng thực sự là một thử thách ngày càng lớn cho chính quyền.

Chính sách và thực tế

Cho tới nay, Việt Nam vẫn đang là một quốc gia thực hiện một chính sách khá “đóng” với lao động nước ngoài. Những năm đầu mở cửa thu hút FDI, tinh thần hạn chế người nước ngoài là bao trùm mọi văn bản pháp quy về vấn đề này.

Cho đến năm 2003, Nghị định 105/NĐ-CP/2003 của Chính phủ quy định rằng người sử dụng lao động “được tuyển lao động nước ngoài với tỷ lệ không quá 3% so với số lao động hiện có của doanh nghiệp, nhưng nhiều nhất không quá 50 người, ít nhất cũng được tuyển 01 người”. Đối với một số trường hợp khác, dù không áp dụng “tỷ lệ 3%”, doanh nghiệp cần tuyển lao động nước ngoài vẫn phải xin phép “tùy vào tình hình thực tế”.

Nhiều năm liền, “giới hạn 3%” là nỗi đau đầu của nhiều doanh nghiệp FDI, đồng thời đưa tới tranh cãi bất tận tại các diễn đàn về kinh doanh. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục chẳng hạn, đã rất mệt mỏi với quy định này, vì “lao động” của họ chủ yếu là các thầy cô giáo, và họ buộc phải tuyển dụng người nước ngoài để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Với việc gia nhập WTO, “giới hạn 3%” đã được dỡ bỏ, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là lao động nước ngoài có thể dễ dàng vào Việt Nam, đồng thời mặc dù số lượng có tăng lên hàng năm, cũng không thể nói là có một “làn sóng” lao động đến Việt Nam, chưa kể nhập tịch thì càng ít.

Nghị định 34 năm 2008, Nghị định 46 năm 2011 hay Nghị định 102 năm 2013 về quản lý lao động nước ngoài đều mở ra nhiều thứ cho doanh nghiệp, nhưng cũng duy trì nhiều “rào cản kỹ thuật”, do đó bản thân các nhà đầu tư nước ngoài vẫn cảm thấy các quy định là khá chặt.

Nếu như trong giai đoạn đầu mở cửa, những lo lắng về an ninh được nhấn mạnh, thì gần đây, các nhà soạn thảo đứng trước áp lực từ những ý kiến cho rằng việc mở cửa đối với lao động nước ngoài sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tìm việc làm của lao động trong nước.

Các nghị định về lao động nước ngoài đã được sửa đổi liên tục với tần suất “hai năm một lần”, theo thừa nhận của một quan chức Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bởi vì “luôn có sự phát triển nên có vấn đề mới đặt ra phải xử lý, hoàn thiện”.

Trong khi đó, Tiểu nhóm lao động thuộc Nhóm công tác sản xuất - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) lại luôn nhấn mạnh thông điệp rằng “việc thuê lao động nước ngoài ở Việt Nam chủ yếu là do sự thiếu hụt đội ngũ lao động đủ trình độ, chứ không phải là lấy đi việc làm của lao động trong nước”.

Giữa năm 2013, tiểu nhóm này cho biết sau bảy năm thực hiện các cam kết của WTO và chính sách miễn giấy phép lao động áp dụng với 11 ngành dịch vụ, họ “không thể tìm được một thành viên nào từng được miễn giấy phép lao động theo quy định này do không có quy định cụ thể về những văn bản cần cung cấp”.

Các vấn đề về giấy phép lao động, lý lịch tư pháp, điều kiện cho lao động trong từng ngành cụ thể… tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài mang ra “tranh đấu” với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với hy vọng các thủ tục và điều kiện sẽ được cải thiện hơn nữa.

Lũy kế nhiều năm, cho đến hết năm 2013, mới có khoảng hơn 77 ngàn người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; trong đó số lao động đã được cấp phép là 40.529 người, không thuộc diện cấp phép là 5.500 người và chưa được cấp phép là 31.330 người.

Ở chiều ngược lại, mặc dù cũng chịu nhiều quy định ràng buộc, hành trình của lao động Việt Nam ra nước ngoài thuận lợi hơn nhiều!

Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, riêng trong năm 2013, dù thị trường lao động thế giới tiếp tục khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm sau khủng hoảng, Việt Nam vẫn đưa được 88.155 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 103,7% so với chi tiêu kế hoạch năm, tăng 9,75% so với năm 2012.

Trong một năm, số lao động Việt Nam ra nước ngoài thậm chí còn cao hơn lũy kế số lao động nước ngoài đang ở Việt Nam từ trước đến nay.

Đáng chú ý là trong năm 2013, Việt Nam đã duy trì và phát triển được 10 thị trường có quy mô tiếp nhận trên 1.200 lao động/năm, trong đó 8 thị trường tiếp nhận từ 2 nghìn đến trên 46 nghìn lao động/năm, đứng đầu là Đài Loan với 46.368 lao động, chiếm 72,46% số lao động đưa đi trong khu vực này và 52,60% 50 với tổng số lao động đưa đi trong năm 2013.

Đấy mới là thống kê về dịch chuyển lao động, chưa tính đến thống kê về di cư. Ví dụ hiện nay, có tới 150 ngàn phụ nữ Việt Nam đã sang Hàn Quốc và Đài Loan qua đường hôn nhân.

Hành xử nào cho phù hợp?

Gần đây, một tờ báo trong nước đã so sánh kế hoạch tuyển dụng gần 10.000 lao động Trung Quốc của tập đoàn Formosa với hình ảnh “một sư đoàn vào Việt Nam”, một cách so sánh mà theo người viết là có phần hơi thiếu thiện chí, thậm chí mang tính kích động.

Bối cảnh căng thẳng biển Đông thời gian qua có thể làm gia tăng sự ủng hộ đối với cách so sánh này, mà dễ làm quên mất khía cạnh khác của vấn đề: khi một nhà đầu tư muốn “tăng tốc” đầu tư và giải ngân, đấy nên được xem là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.

Cũng cần nhắc lại là số lượng lao động mà Formosa đề xuất được tuyển dụng là tổng hợp từ các nhà thầu, hiện đang muốn “bù tiến độ” sau ảnh hưởng khá nghiêm trọng từ “biến cố tháng Năm”.

Lưu ý thêm là theo quy định của Nghị định 102 năm 2013, lao động do nhà thầu tuyển dụng thì không được coi là lao động của nhà đầu tư và do đó, chịu ít ràng buộc hơn vì đây là lực lượng “có tính thời vụ”.

Những lo lắng của người dân về sự hình thành những cộng đồng dân cư nước ngoài ngay trên đất Việt Nam là đáng trân trọng và chia sẻ. Tuy nhiên, bối cảnh hội nhập sâu rộng, sự dịch chuyển lao động và di cư ngày càng mạnh mẽ trên toàn thế giới là một thực tế mà các cơ quan chức năng cần phải đối mặt.

Vì những lý do lịch sử, những cộng đồng người Việt đã hình thành và bám rễ ở nhiều quốc gia, từ châu Âu, châu Mỹ, từ nước Nga đến Đông Á, và cả ở châu Phi xa xôi.

Dù tràn đầy lòng tự hào dân tộc, chúng ta cũng phải thấy được rằng các quốc gia khác đã và đang phải xử lý các vấn đề của các cộng đồng người Việt khắp nơi, từ những chuyện trái “thuần phong mỹ tục” sở tại như “làm thịt chó”, “trộm bồ câu”, hay nghiêm trọng hơn là buôn lậu, thậm chí trồng cần sa. Nhưng tinh thần đối xử chung của các chính phủ vẫn là sử dụng pháp luật một cách bình đẳng nhất có thể, cho dù sự kỳ thị dành cho người Việt cũng xuất hiện ở một số nơi.

Khách quan mà đánh giá, phần lớn các cộng đồng người Việt cũng đã đóng góp ít nhiều cho nền kinh tế nước sở tại, và có đóng góp trở lại cho Việt Nam, với minh chứng rõ nhất là dòng kiều hối nhiều tỷ USD mỗi năm.

Suy cho cùng, chúng ta không thể mãi chơi một mình một sân, khi thúc đẩy việc đưa lao động ra nước ngoài và cũng không hạn chế việc người Việt di cư ra nước ngoài, trong khi lại đóng cửa thị trường lao động nội địa hay hạn chế các cộng đồng người nước ngoài.

Thay vào đó, hoàn thiện các quy định pháp lý theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, để có thể quản lý chặt chẽ các nhóm người ngoại quốc, đảm bảo rằng họ sinh sống và làm việc theo tinh thần thượng tôn pháp luật, phát huy mọi năng lực của mình để đóng góp cho nền kinh tế một cách tốt nhất, mới là hành xử văn minh.

Với góc nhìn đó, truyền thông có lẽ nên cung cấp thông tin một cách khách quan, đầy đủ, đa chiều hơn nữa, để công chúng hiểu sâu về các vấn đề, đồng thời không chất thêm khó khăn cho các quan chức Chính phủ khi hàng ngày phải xử lý các công việc đối ngoại đầy áp lực.

Khi một cô dâu Việt bị ngược đãi ở nước ngoài, chúng ta mong mỏi người đó được pháp luật và nhà nước sở tại bảo vệ và che chở. Nhưng gần đây, khi Chính phủ “hỗ trợ nhân đạo” cho những lao động nước ngoài bị đánh đập và chịu thiệt hại kinh tế trong “biến cố tháng Năm”, tiếc thay, vẫn còn nhiều tiếng nói chỉ trích.

Vĩ thanh

Nhiều năm theo dõi về lĩnh vực FDI, cá nhân tôi cũng cảm thấy thật khó khăn, khi chứng kiến nhiều nhà thầu tuyển lao động Trung Quốc mà không tuyển lao động Việt Nam. Nhưng khi hỏi về việc này, đại diện một nhà thầu nói thẳng rằng: “Trong khi một lao động Việt Nam ăn một đĩa cơm thì một lao động Trung Quốc ăn tới hai đĩa cơm, nhưng họ làm gấp ba”.

Hỏi làm thế nào mà “gấp ba” được, vị này bèn đáp: “Lao động Việt Nam vác bao xi măng đi 100 m thì nghỉ, trong thời gian đó lao động Trung Quốc hai nách kẹp hai bao, và đi nhanh gấp rưỡi. Xin hỏi nếu anh là ông chủ, thì anh chọn ai?”.

Phép so sánh bắt buộc tôi phải đối mặt với thực tế rằng, nếu lao động của Việt Nam không đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường, thì hoặc sẽ “bật cửa” trước lao động nước khác, hoặc sẽ phải chấp nhận lương thấp hơn.

Cùng làm việc trên tàu cá Hàn Quốc, lao động Việt Nam thường phải chấp nhận lương thấp hơn so với lao động Philippines hay Indonesia, chỉ vì tiếng Anh kém hơn, sức khỏe kém hơn, kỷ luật và kỹ năng lao động yếu hơn.

Với hiệp định TPP đang được đàm phán, các yêu cầu về mở cửa thị trường lao động thậm chí còn cao hơn cả WTO, khi mà nguyên tắc “đối xử bình đẳng” được đề cao và quy định khá chi tiết.

Nguyên một chương về lao động đã được thiết kế trong khung dự thảo, và các quy định về bảo vệ lao động là rất chi tiết. Một khi các rào cản kỹ thuật không còn phát huy tác dụng, lao động Việt Nam không có cách nào khác là phải tự cạnh tranh để giành việc làm, ngay chính trên “sân nhà” của mình.

Cuối cùng, chúng ta sẽ phải đối diện với sự hiện diện của lao động nước ngoài trên đất Việt Nam như thế nào? Rõ ràng trước một xu hướng khó thay đổi, không có cách nào khác là hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý một cách tốt nhất, thay vì nhắm mắt tẩy chay một cách cực đoan.

Những sắc luật về an ninh quốc phòng cần thiết phải được xây dựng để bất kỳ dự án, nhà đầu tư hay cá nhân người lao động nào nếu được chứng minh là có nguy cơ cho an ninh quốc gia, thì sẽ bị xử lý, ngăn chặn một cách nhanh chóng, triệt để và công khai.

Nhưng ngược lại, một khi pháp nhân hay thể nhân ngoại quốc hiện diện hoàn toàn vì mục đích kinh tế, chúng ta phải tôn trọng và bảo vệ họ, cho dù họ đến từ đâu.

Một người bạn của tôi sang định cư tại một quốc gia châu Mỹ suốt ba năm nay. Sau ngần ấy thời gian tìm hiểu về cơ cấu xã hội của nước đó, ông nói rằng cho dù nhiều người dân cũng đang sống một cách vất vả và có những sự bất bình với chính quyền, dẫn tới biểu tình, chống đối nọ kia. Tuy nhiên, đáng chú ý là hầu như người dân nào cũng cảm thấy “hàm ơn nhà nước”.

“Đa phần người dân cảm thấy hàm ơn nhà nước, luôn cảm thấy rằng những điều mình nhận được từ nhà nước là quá nhiều, nhất là về giáo dục và y tế, trong khi những đóng góp của mình, cụ thể nhất là đóng thuế, lại chưa được bao nhiêu”, ông kể, nhấn mạnh rằng có lẽ đó là lý do khiến tấm hộ chiếu nước đó có giá trị trên bình diện toàn cầu, trong khi luôn có hàng triệu người đang trong giai đoạn chờ đợi để được nhập tịch.

Sự an nguy của một quốc gia hay một chế độ không nằm ở sự “thuần chủng” hay đa sắc tộc, mà quan trọng là các công dân ở đó nghĩ về nhà nước như thế nào, và có thật sự tôn trọng hệ thống pháp luật của đất nước đó hay không, và hệ thống pháp luật ở đó có thực sự “quản lý” được họ một cách minh bạch, hiệu quả và nhân văn hay không.

Khi đông đảo người dân dù là “bản xứ” hay “nhập tịch” cùng chia sẻ những giá trị chung, hướng tới những lợi ích chung, chính phủ ở đó không cần phải bận tâm quá nhiều về các “nguy cơ” nữa.

Chính vì vậy, khéo léo sử dụng vốn liếng, công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như chất xám, tài năng và sức lao động của các cá nhân người ngoại quốc trên cơ sở phát huy các lợi thế tự nhiên của mình để thúc đẩy phát triển kinh tế, có lẽ mới là lựa chọn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Hơn thế, điều đó sẽ giúp thúc đẩy một xã hội dân chủ, được quản lý bởi một nhà nước thực sự pháp quyền, trong đó mọi người dân yêu nước có cơ hội góp tay ngăn ngừa các “nguy cơ” từ ngoại quốc, thay vì tranh luận một cách cực đoan và thiếu căn cứ như hiện nay.

Mong rằng làm được như vậy, Việt Nam sẽ tiến nhanh hơn để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ dặn, đủ sức bảo vệ mình trước mọi “nguy cơ”, và hy vọng không còn phải bối rối trước những tấm hộ chiếu từ năm châu bốn biển, xa hơn là không còn bối rối trước những đổi thay liên tục và ngày càng sâu rộng của thời cuộc.

Hoàng Anh Minh

(VnEconomy)

Không có nhận xét nào: