Pages

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Lại xô xát vì lý do sắc tộc ở Campuchia?

Biểu tình chống Việt Nam ở Phnom Penh hôm 11/8/2014
Báo Campuchia cho hay một vụ xô xát ở một ngôi làng gần Phnom Penh dẫn đến biểu tình nhỏ chống Việt Nam hôm 1/9.
Báo Phnom Penh Post nói sự việc xảy ra ở Quận Chbar Ampov, khi một thanh niên địa phương tên là Keo Sotheara bị một đám đông được cho là người Việt tấn công.

Cảnh sát sau đó đã hốt cả tám người về đồn, dẫn đến một cuộc biểu tình chống Việt Nam có sự tham gia của khoảng 30 người bên ngoài đồn cảnh sát Quận Chbar Ampov, theo báo Phnom Penh Post.
Keo Sotheara, 16 tuổi, đang chơi đá bóng với các bạn thì bị một nhóm bảy người Việt dùng dao và mảnh chai lọ vỡ đánh.

Những người biểu tình đòi đưa ngay Keo Sotheara vào bệnh viện, đồng thời bày tỏ tinh thần chống Việt Nam của họ.
Bà Kong Sothea, cô của Sotheara, được dẫn lời nói: "Tôi muốn cảnh sát đánh bọn chúng để xem máu trong người chúng có phải là máu Khmer hay không".
Một điều đáng chú ý là lãnh đạo đối lập Campuchia Sam Rainsy, Chủ tịch đảng Cứu nguy Dân tộc, nhanh chóng đưa một đoạn video quay cảnh biểu tình lên trang Facebook của mình, dẫn đến hàng trăm bình luận bài xích Việt Nam trên mạng.
Tâm lý bài Việt Nam hiện đang ngày càng dâng cao ở Campuchia.
Hồi tháng Hai, một người gốc Việt đã bị đánh chết sau khi liên quan tới một vụ tai nạn giao thông ở Phnom Penh.

Trục xuất về nước

Đã có người gốc Việt bị đánh chết, nghi là vì lý do sắc tộc
Trong một diễn biến khác, loạt sáu người Việt đầu tiên vừa bị trục xuất khỏi Campuchia sau khi cuôc điều tra dân số mà giới chức nước này thực hiện phát hiện ra là họ không có giấy phép lao động.
Sáu công nhân Việt Nam đã phải rời tỉnh Ratanakiri hồi cuối tuần trước.
Meung Sineath, phát ngôn viên của tòa thị chính Ratanakiri nói rằng nhiều người Việt Nam đã bị rà soát giấy tờ trong dịp này nhưng hiện mới phát hiện ra sáu trường hợp vi phạm.
Đợt điều tra dân số bắt đầu từ 15/8.
Ông Meung Sineath cho hay sáu người nói trên đã sinh sống và làm việc bất hợp pháp ở Campuchia chừng 1-2 tháng trong ngành xây dựng và làm nghề mộc.
Đợt điều tra dân số bắt đầu từ tỉnh Pursat và chuẩn bị bắt đầu ở tỉnh Kampong Chhnang, là những nơi có đông người Việt.
Một số nhà vận động, như Chhay Thy, từ tổ chức Adhoc ở Ratanakiri, chưa hài lòng với con số người bị trục xuất.
Ông này được dẫn lời nói: “Chúng tôi ít khi thấy chính quyền bắt và trục xuất người Việt. Họ phải có thêm biện pháp trong tương lai chứ không chỉ dừng ở đây".

Không có nhận xét nào: