Rồi ngày 28.8 báo chí đưa tin Bộ Công Thương nói đó không phải là tiền “lót tay” mà là tiền DN trả cho chứng từ chứng nhận xuất xứ. Không rõ các DN này có nhận biên lai thu tiền của cán bộ đó không? Chắc chắn khoản này không đúng quy định của Nhà nước.
Dư luận hẳn muốn biết số tiền “lót tay” trên cả nước trong một năm cỡ bao nhiêu? Rất khó tính, song các nhà khoa học có cách ước lượng. Nếu coi tất cả các khoản chi không đúng quy định và được trao cho “cán bộ” là khoản lót tay, đút lót, thì hoàn toàn có thể ước lượng qua đo lường bằng những điều tra.
Theo Tổng cục Thống kê năm 2012 cả nước có 312.600 DN đang hoạt động và tạo ra 361.997 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Dựa vào những kết quả điều tra DN của Tổng cục Thống kê và các điều tra khác, một số nhà nghiên cứu đã ước lượng tỷ lệ chi phí đút lót của các DN so với lợi nhuận trước thuế của chúng, trong một hội thảo về tham nhũng vừa diễn ra tại Hà Nội. Theo đó, để có được 1 đồng lợi nhuận trước thuế, thì DN phải bỏ ra từ 0,78 đến 1,07 đồng chi phí không chính thức.
Dựa vào đó và tổng lợi nhuận trước thuế của các DN, có thể suy ra số tiền đút lót của các DN (tạm gọi là ĐL) trong năm 2012 ước tính từ 264.000 tỷ đồng đến 362.000 tỷ đồng. Hãy so hai con số này với một vài số thống kê khác. Trong năm 2012, theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách từ thuế và phí là 688.936 tỷ đồng.
Nếu lấy con số ĐL chia cho tổng thu từ thuế và phí ta có: 38,3% ≤ ĐL/(thu thế và phí) ≤ 52,5%. Nói cách khác riêng số tiền đút lót của các DN (chưa kể của các hộ kinh doanh, của dân cư) đã bằng cỡ 40 -50% tổng thu thuế và phí! Nếu không có khoản đút lót này thì lợi nhuận trước thuế của DN gần như tăng gấp đôi! Nhà nước mất đi khoản thuế đáng kể mà lẽ ra DN có thể đóng thêm (do lợi nhuận cao hơn). Các quan tham đã ăn chặn của DN và gián tiếp ăn trộm thuế. Thực chất họ đã thu loại “thuế” hoàn toàn phi pháp vào túi mình.
Có bao nhiêu quan tham? Không ai biết! Chỉ biết rằng tổng số biên chế công chức nhà nước năm 2012 là 281.702 người (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và công chức cấp xã). Nếu bạn đọc lấy số ĐL kể trên chia cho số công chức nói trên thì được từ 0,9 - 1,3 tỷ đồng/công chức trong năm 2012. Lưu ý số người tham nhũng có thể ít hơn số công chức trên rất nhiều (chưa tính cảnh sát) nên con số này không nói lên mức tham nhũng trung bình của một quan chức tham nhũng mà chỉ giúp bạn đọc hình dung độ lớn của nó.
Mới chỉ ước lượng tiền đút lót của DN, cái chóp của tảng băng tham nhũng, cũng cho chúng ta thấy tham nhũng là vấn đề xã hội vô cùng nhức nhối.
Nguyễn Quang A
Nguồn: danviet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét