Việt Hoàng - Theo chúng tôi thì có ít nhất ba lý do khiến trí thức Việt Nam không muốn hay ngần ngại tham gia vào các tổ chức chính trị đối lập dân chủ: 1) Do sợ hãi. 2) Do chưa có tổ chức nào xứng tầm. 3) Do chưa vượt qua được chính mình.
1. DO SỢ HÃI
Lý do đầu tiên là “do sợ hãi” thì có lẽ ai cũng hiểu. Chính quyền Việt Nam mà cụ thể là ông Nguyễn Tấn Dũng từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần là “kiên quyết không để nhen nhóm các tổ chức đối lập…”. Đang độc quyền, một mình một chợ, muốn hét giá nào thì được giá đấy, thằng nào không chịu thì tẩn cho một trận bắt phải đồng ý… thì ai mà không thích và cố giữ bằng được? Nguyên lý chung để mỗi chính quyền tồn tại là dựa trên hai trụ cột: “thuyết phục” và “khuất phục”, trong đó “thuyết phục” phải là trụ cột chính, “khuất phục” chỉ dùng đến khi quá bí bách hoặc khi “thuyết phục” hết tác dụng. Với sự phát triển của mạng lưới thông tin toàn cầu thì việc chính quyền cố “thuyết phục” người dân Việt Nam tin vào một thiên đường mù (là chủ nghĩa cộng sản của Mác-Lênin) đã thất bại và hết tác dụng. Trụ cột duy nhất của chính quyền hiện nay chỉ còn duy nhất một cột chống đỡ là “khuất phục” người dân bằng bạo lực. Chính vì vậy đàn áp chỉ có thể gia tăng chứ không thể giảm đi trong thời gian tới. Bằng chứng mới nhất là các vụ bắt giữ một loạt blogger rất ôn hòa như Anh Ba Sàm-Nguyễn Hữu Vinh, giáo sư Hồng Lê Thọ, và nhà văn Nguyễn Quang Lập. Những người này không hề chống đối chế độ hay tham gia vào một tổ chức đối lập dân chủ nào. Càng dã man hơn khi chính quyền vẫn tiếp tục xách nhiễu và truy đuổi cô Đinh Phương Thảo, con gái của thầy giáo Đinh Đăng Định đã mất cách đây gần một năm. Hay cũng giống như ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trước đây. Ông Hải xác quyết là ông chỉ làm truyền thông chứ không làm chính trị nhưng vẫn bị án tù 12 năm. Ông Hà Vũ cũng khẳng định là ông “không chống đảng và nhà nước” và ông “cũng không thuộc một tổ chức chính trị nào” vẫn bị 7 năm tù.
Trí thức Việt Nam vẫn ngộ nhận rằng chỉ cần không tham gia vào một tổ chức đối lập là có thể an toàn để phản biện các chính sách của nhà nước. Với chính quyền Việt Nam thì “không đồng ý” đã là “chống đối”, “không ủng hộ” cũng có nghĩa là “chống đối”. Chính quyền luôn có nhu cầu tạo ra một “thế lực thù địch” mơ hồ nào đó để làm cái cớ đàn áp các tiếng nói bất đồng, trong nội bộ cũng như trong dân chúng. Những người muốn lên tiếng cho dân chủ cần ý thức được điều này để chuẩn bị tâm lý cho mình. Chính quyền sẽ tìm mọi cách gây khó dễ cho những tiếng nói bất đồng. Càng “độc lập” chừng nào thì nguy cơ bị chính quyền hành hạ càng cao chừng đó. Một “phát hiện” rất thú vị của nhà báo, blogger nổi tiếng Phạm Chí Dũng là “Những con cừu lẻ loi dễ bị ăn thịt hơn!”. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Càng tham gia vào một tổ chức có uy tín, chặt chẽ và đông đảo thành viên chừng nào càng an toàn chừng đó.
2. DO CHƯA CÓ MỘT TỔ CHỨC NÀO XỨNG TẦM
Đây là suy nghĩ phổ biến của nhiều trí thức Việt Nam, kể cả những người đang đấu tranh cho dân chủ. Suy nghĩ của họ là các tổ chức chính trị dân chủ là ai? Tuổi gì? Thành tích gì? Tại sao ta lại phải tham gia vào một tổ chức vô danh như vậy? Tài năng và uy tín của ta phải khác, hoặc phải làm thủ lĩnh mới đúng tầm… Dưới con mắt của họ thì chẳng có một tổ chức nào ra gì, và nếu tổ chức đó muốn có được họ thì phải học Lưu Bị, ba lần chầu chực ở lều cỏ để thu phục Khổng Minh.
Đúng là tại Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức chính trị dân chủ đối lập thật sự hùng mạnh, kể cả chúng tôi (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên-THDCĐN). Lý do luôn là từ hai phía, từ phía các tổ chức và phía trí thức Việt Nam. Ai cũng hiểu rằng sự phát triển của một tổ chức luôn là vấn đề sống còn. Nếu không phát triển thì tổ chức sẽ tàn lụi hoặc dẫm chân tại chổ. Có nhiều yếu tố chủ quan từ phía các tổ chức, như phương pháp tiếp cận chưa hiệu quả, chưa mạnh mẽ trong việc thuyết phục mọi người tham gia, vì vậy chưa phát triển được tổ chức ở trong nước, kém liên kết giữa các thành viên, hoạt động vẫn còn trong bóng tối, tính cục bộ, nhân sự yếu kém không đủ sức hấp dẫn các lực lượng trí thức cấp tiến… Tất cả các ý kiến này đều đúng cả và ai cũng thấy được điều đó nếu không thì tổ chức đã thành công. Tất nhiên là còn nhiều việc phải làm cho bản thân các tổ chức. (xin được viết riêng bài khác)
Tuy nhiên về phía trí thức Việt Nam thì nên hiểu sao đây? Có lẽ chúng tôi đã những người lên tiếng nhiều nhất về chủ đề này, sỡ dĩ cho đến giờ Việt Nam vẫn chưa có dân chủ là do “trí thức Việt Nam kém” chứ không phải do “người dân Việt Nam kém”. Trí thức Việt Nam đã ngủ vùi trong vỏ bọc của đạo Khổng Giáo suốt hơn 2000 năm qua và vẫn chưa thực sự thức dậy. Họ bám vào câu nói nổi tiếng của nhà tư tưởng Phan Châu Trinh “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” rằng “dân trí Việt Nam còn thấp” để trốn tránh và rũ bỏ trách nhiệm của mình. Trách nhiệm đó là “hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng”. Người dân nước nào cũng vậy thôi. Ngay cả tại nhiều nước Châu Âu thì trong các cuộc bầu cử chỉ có 50-60% cử tri đi bỏ phiếu, điều này có nghĩa là gần một nữa không quan tâm gì đến chính trị. Với họ ai cũng được. Cách đây hơn 200 năm, khi Mỹ và một số nước Châu Âu bắt đầu dân chủ hóa đất nước họ thì hiểu biết của người dân họ khi đó kém xa người Việt bây giờ nhưng họ vẫn thành công. Trí thức phải đi trước để dẫn đường và kéo người dân đi theo trong khi đó thì trí thức Việt Nam lại ngồi chờ, đợi để người dân lôi đi.
Một ví dụ, ai cũng biết rằng nhờ có tổ chức Công đoàn Đoàn kết nên phong trào dân chủ đối lập tại Ba Lan mới thành công và kéo theo sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu, kể cả cái nôi khai sinh ra nó là nước Nga. Thế nhưng tổ chức này là những ai? Do ai lãnh đạo? Người Việt mình chỉ quen nhìn vào chiến thắng sau cùng mà không bao giờ để ý đến sự hình thành và phát triển của tổ chức này. Giai đoạn ban đầu của họ cũng rất khó khăn và chật vật. Nên nhớ ông Lech Walesa, người lãnh đạo Công đoàn Đoàn kết có một xuất thân rất bình thường, cha ông chỉ là người thợ mộc, bản thân ông chưa được học đại học mà chỉ học ở trường dạy nghề và sau đó làm thợ điện ở xưởng đóng tàu Lênin. Nếu trí thức Ba Lan cũng “chảnh” và “kênh kiệu” như trí thức Việt Nam thì làm sao có được Công đoàn Đoàn kết?
Hoạt động chính trị và dấn thân cho dân chủ có những đặc thù riêng, rất đặc biệt vì nó không có gì để hứa hẹn hay mặc cả ngoài sự tự do và được sống như những con người thật sự. Nếu một công ty hay tập đoàn lớn họ có thể chiêu dụ nhân tài về cho mình bằng cách “tiếp cận-thuyết phục, tiếp cận-thuyết phục và tiếp cận- thuyết phục” với mức lương cao và những điều kiện làm việc lý tưởng… Trong khi các tổ chức chính trị thì không có gì để hứa hẹn ngoài sự hy sinh và cống hiến. Một tổ chức chính trị lương thiện và đứng đắn như THDCĐN cảm thấy mình không thể làm những việc như “tiếp cận-thuyết phục” một người nào đó gia nhập Tập Hợp, vì nếu điều xấu nhất xảy ra khi người được thuyết phục và tham gia vào Tập Hợp bị bắt, nếu vợ con họ không hiểu thì họ sẽ oán trách chúng tôi, cho rằng vì chúng tôi “lôi kéo” nên giờ gia đình họ mới bị thế này thế khác… Chúng ta nên biết một điều là có gần 80% dân Nga vẫn cho rằng mọi khó khăn mà họ đang phải chịu đựng là do Mỹ và Phương Tây gây ra chứ không phải do Putin. Nhiều người Việt cũng tin như thế.
Quyết định tham gia vào một tổ chức chính trị để mở ra kỷ nguyên lịch sử mới cho đất nước là một quyết định rất khó khăn, nó đòi hỏi một bản lĩnh, sự quyết tâm và lòng can đảm. Cuộc tranh đấu này rất vĩ đại và rất xứng đáng để mỗi người Việt Nam dấn thân. Tuy nhiên tự mỗi người trí thức Việt Nam phải xác định cho mình đâu là lý tưởng và mục đích của đời người? Đóng góp hay không đóng góp cho một tổ chức để mang lại dân chủ cho Việt Nam. Mỗi người trí thức cũng phải hiểu cho rằng chúng tôi cũng chỉ là những người bình thường như bao người khác, chỉ khác chăng chúng tôi hiểu rằng phải tập hợp lại với nhau thì chúng ta mới có được sức mạnh để buộc chính quyền Việt Nam thay đổi về hướng dân chủ trong hòa bình. Ông Nguyễn Gia Kiểng sẽ không bao giờ là Lưu Bị vì ông không định làm vua nên không thể đi năn nỉ từng “tiểu Khổng Minh” để thu phục họ về làm tôi tớ cho mình.
3. DO CHƯA VƯỢT QUA ĐƯỢC CHÍNH MÌNH
Sỡ dĩ có tình trạng là các tổ chức chính trị Việt Nam vẫn dẫm chân tại chỗ là do trí thức Việt Nam vẫn chưa vượt qua chính mình. Họ vẫn xem trí thức là người phục vụ chế độ thay vì làm người lãnh đạo xã hội và đất nước. Đa số họ đều ngồi chờ, họ biết rằng chế độ cộng sản là tồi dở và sớm muộn gì rồi cũng bị đào thải nhưng họ vẫn không dám tin vào những tổ chức dân chủ non trẻ, dù rằng có những tổ chức như THDCĐN, là một tổ chức chính trị đối lập có cương lĩnh chính trị và một lộ trình tranh đấu rất rõ ràng, trong sáng và khả thi. Đã có những trí thức nổi tiếng và có quyền chức từng nói rằng nếu có một tổ chức nào đó qui tụ được vài ngàn thành viên và tổ chức được các cuộc biểu tình vài chục ngàn người tham dự là họ sẽ theo liền. Rõ ràng là thay vì tham gia để tạo ra một tổ chức hùng mạnh như vậy thì họ ngồi đợi, hơn nữa khi có một tổ chức làm được như vậy thì cách mạng đã thành công rồi, cần gì họ tham gia nữa?
Hai “căn bệnh” khá nghiêm trọng của trí thức Việt Nam mà chúng tôi đã không ngần ngại mổ xẻ đó là “không yêu nước” và “thiếu hiểu biết về chính trị do không chịu học hỏi”. Nếu yêu nước và yêu người Việt Nam thì mỗi người trí thức, đã từ lâu, phải thét lên, gào lên trước những bất công và ngang trái mà chế độ này đang gây ra từng ngày từng giờ cho đất nước và con người Việt Nam. Nếu yêu nước, yêu người Việt Nam và yêu chính bản thân thì họ phải biết rằng muốn làm chính trị thì phải học hỏi và môi trường để học làm chính trị đó là môi trường của các tổ chức chính trị. Làm chính trị là biết và có thể làm việc chung cùng nhau chứ không phải làm một nhân sĩ, đánh bóng bản thân và ngồi chờ thời. Khi nào trí thức Việt Nam lấy làm xấu hổ khi nói “tôi không làm chính trị”, “tôi độc lập”…thì may ra khi đó trí thức Việt Nam mới trưởng thành và chỉ khi đó họ mới tìm hiểu và quan tâm về “văn hóa tổ chức”, tức là khả năng làm việc chung với nhiều người trong một tổ chức.
Nói bao nhiêu cũng không đủ, nhiều lúc cảm thấy ngôn ngữ của mình cũng phải bất lực trước sự thờ ơ của trí thức Việt Nam. Tuy nhiên trí thức Việt Nam cũng chỉ có hai lựa chọn: Một là chấp nhận sự cai trị ngày càng hà khắc và độc đoán của chính quyền Việt Nam, hai là ủng hộ cho một tổ chức chính trị đối lập dân chủ còn non yếu, góp một tay để nó mạnh lên để nó thay thế cho “mô hình chủ nghĩa xã hội” đã thử nghiệm suốt 70 năm qua trên đất nước Việt Nam. Nếu ai không tin vào chúng tôi hay một tổ chức nào khác thì thử thành lập cho mình một tổ chức xem sao? Rồi thời gian sẽ làm cho họ hiểu, để xây dựng và nhất là làm cho một tổ chức phát triển trong môi trường trí thức như Việt Nam là rất khó. Trí thức Việt nam vẫn chưa vượt qua được chính mình, chưa vượt qua được tâm lý nô lệ thay vì làm một con người mới và hoàn toàn tự do.
Việt Hoàng
1 nhận xét:
Còn những dân đen như chúng tôi thì sao, phải làm gì
Đăng nhận xét