Pages

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

NGUYỄN CAO QUYỀN - VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG : HÒA HAY CHIẾN ?

 Giống như sự thay đổi của khí hậu, sự chuyển biến trong nền chính trị quốc tế luôn luôn ở thế động.  Đối với mọi quốc gia trên thế giới thì trong thời gian gần đây, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự tiến bộ của giao thông đã biến địa cầu thành một ngôi làng nhỏ.  Đó là sự thay đổi quan trọng nhất mà chúng ta cần chú ý.
            Vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20, nhờ cấu trúc đế quốc của nước Anh đã có sẵn trên thế giới, Hoa Kỳ tuy lập quốc chưa bao lâu, nhưng đã bước vào hàng ngũ lãnh đạo hoàn cầu trong thời gian Đệ Nhất Thế Chiến.

            Sang Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ vẫn đứng trong hàng ngũ “Tứ Cường” với Anh, Nga và Trung Quốc là đồng minh.  Nhưng rồi Đệ Nhị Thế Chiến nhanh chóng chấm dứt.  Đế quốc Anh tan rã, cách mạng cộng sản thành công ở Trung Quốc và thế “Tứ Cường” biến thành “Chiến Tranh Lạnh”.  Thế giới chia thành ba phe đối nghịch : phe Tự Do, phe Cộng Sản và Thế Giới Thứ Ba.  Hoa kỳ và Liên Xô cầm đầu hai phe Tự Do và Cộng Sản là hai phe đấu tranh quyết định vận mạng của thiên hạ.
            Cuộc đấu tranh chưa phân thắng bại thì Liên Xô sụp đổ và Hoa Kỳ bước vào ngôi vị “số một” của thế giới.  Ngôi vị này buộc nước Mỹ phải có một nền ngoại giao hoàn toàn đổi mới.
Tuy đã tiến vào ngôi vị “số một”, nhưng vị trí này hiện nay của Hoa Kỳ đang bị Trung Quốc đe dọa.  Từ hơn hai thập kỷ nay, Trung Quốc đã xuất hiện như một địch thủ nguy hiểm của Hiệp Chúng Quốc, với một quân đội trang bị hiện đại hơn hai triệu binh sĩ và với một nền kinh tế bỏ lại Hoa Kỳ xuống hàng thứ hai.
Đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận, và thực tế này dần dần đưa  đến câu hỏi với nhiều lo lắng là : liệu Hoa Kỳ có giữ được hoà bình trước thái độ ngang ngược  tại Biển Đông của Trung Quốc hay không ? Chiến tranh nếu phải nổ ra chắc là điều không ai mong muốn.
Những đoạn viết tiếp theo hy vọng sẽ đóng góp với độc giả thêm một số ý kiến để chúng ta cùng mở rộng tầm nhìn vào một vấn đề đang đe dọa sinh mạng của nhân loại.
Trung Quốc và bốn thực tế của Á Châu -Thái Bình Dương
Thực tế thứ nhất là sau khi Mao Trạch Đông chết vào năm 1976, nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa từ một chế độ xả hội chủ nghĩa toản trị đã chuyển sang chế độ độc tài với một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Nền kinh tế đó, tuy phát triển nhanh mạnh, nhưng nó vẫn mang trên cơ thể nó những điễm đen khó chữa.  Trước tiên, phải nói là giai cấp trung lưu, tuy đã đông đến vài chục triệu người, nhưng vẫn chỉ là một số nhỏ so với toàn thể dân tộc.  Hố cách biệt giàu nghèo loãng rộng.  Dân số, từ 800 đến 900 triệu người, tiếp tục ở trong tình trạng túng quẫn không có lối thoát và không có tương lai  Những tiêu chuẩn dân chủ và pháp trị, nhân quyền của nền văn minh Tây Phương,  vẫn là chuyện xa vời.  Nhiều con mắt chuyên môn nhận xét rằng cuộc cách mạng dân chủ của Trung Quốc , bắt đầu từ hơn một thế kỷ nay, vẫn chưa chấm dứt.
Thực tế thứ hai là Hoa Kỳ, không thể không lưu tâm, đến sự dân chủ hóa và phát triển của nước Cộng Hoà Trung Hoa (tức Đài Loan). Sự dân chủ hóa và phát triển của Đài Loan, đã làm cho thế giới kinh ngạc và coi như một phép lạ trang thế kỷ 20.  Tỷ số thất nghiệp đã xuống thấp chỉ còn 2%  và đa số nông dân đã có thể mua vé máy bay, đi nghỉ hè để đến thăm kỳ quan Grand Canyon cùa Hoa Kỳ.
Với dân số chỉ bằng 2% dân số Trung Quốc, GDP của Đài Loan đã bằng 30% GDP của Hoa Lục  Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 6 hoặc thứ 7 của nước Mỹ.  Sự phát triển kỳ lạ của Đài loan về hai phương diện kinh tế và dân chủ, đã thúc đẩy tinh thần dân tộc địa phương đánh bại Quốc Dân Đảng Trung Hoa trong các cuộc bầu cử,  và giữ cho Đài Loan độc lập với Hoa Lục.
Tinh thần dân tộc của Đài Loan đã khẳng định Đài Loan là một nước độc lập và có chủ quyền, trong tất cả mọi khía cạnh của thuật ngữ đó.  Tuy nhiên sự khôn ngoan đòi hỏi họ phải nói rằng “vào lúc này chưa có lợi lộc gì để tuyên bố rõ ràng như vậy”.
Thực tế thứ ba là sự thay đổi tính cách trong quan hệ giữa hai nước. Tính cách của quan hệ đó thay đổi,  là vì có sự thay đổi tư thế của mỗi bên về tầm nhìn từ thế giới bên ngoài : nếu Trung Quốc nổi lên như một cường quốc, thì Đài Loan cũng không chịu kém, vì Đài Loan đã được thế giới ngưỡng mộ như một nước dân chủ, có một nền kinh tế phát triển không thua gì Trung Quốc và nhiều nơi khác.  Chính giữa họ với nhau, sự phát triển  này đã đưa đến những thái độ hòa hoãn và hợp tác trong thời gian qua, được thế giới hoan nghênh và kính nể.  Mặc dầu vậy trong thâm tâm của đôi bên tinh thần dân tộc vẫn ngự trị và chi phối.
Thực tế thứ tư là ảnh hưởng của sự chấm dứt Chiến Tranh Lạnh.  Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, đã thay đối quan hệ giữa bốn đại cường khu vực là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga.  Nói khác, nguy cơ chiến tranh xảy ra giữa các đại cường nay cũng đồng thời chấm dứt.  Bây giờ,  Hoa Kỳ không còn nhu cầu phải cạnh tranh từng bước với Liên Xô như hồi trước nữa.  Cảm nhận rằng sự bành trướng không được người nước ngoài ưa chuộng, hơn nữa lại hao tài tốn của, nên nước Mỹ đã thu mình lại để lo công việc của chính mình.
Nhiều người cho rằng, đây là một sự lầm lẫn của Hoa Kỳ.  Lầm lẫn là vì nếu Hoa Kỳ rút lui thì Trung Quốc sẽ điền thế vào chỗ trống và sự ổn định của vùng Á Châu-Thái Bình Dương sẽ tùy thuộc vào ý muốn của Bắc Kinh.  Thật ra chúng ta không nên quên rằng vào thời điểm ngày nay, khi mà chủ nghĩa đế quốc không còn nữa, thì tâm thức bá quyền phải được gỡ bỏ, và thế giới đa cực sẽ có nhiều triển vọng ổn định hơn là thế giới đơn cực.
Nền ngoại giao mới của Hoa Kỳ phải làm gì để có ổn định
Đứng trước bốn thực tế nói trên của Á Châu-Thái Bình Dương và an ninh của Hoa Kỳ, vấn đề hòa hay chiến với Trung Quốc lại được đặt ra.
Tại Hoa Kỳ, nhóm chủ chiến là nhóm Heritage Foundation.  Từ lâu nhóm này coi Trung Quốc như một quốc gia phạm pháp (delinquent nation), thách thức mọi luật pháp quốc tế liên quan đến các vấn đề nhân quyền, an ninh và kinh tế của thế giới.  Lập trường  của họ là không thể để cho Bắc Kinh tự do hành động như vậy được.
Từ quan điểm này, nhóm Heritage Foundation, khuyến cáo Hoa Kỳ nên có thái độ rứt khoát và rõ rệt với Trung Quốc và nói rõ cho Bắc Kinh biết rằng cách ứng xử như vậy của Trung Quốc là không thể chấp nhận được bởi cộng đồng quốc tế.  Hoa Kỳ chỉ nên có với Trung Quốc những cuộc nói chuyện liên quan đến những vấn đề đặc biệt mà Hoa Kỳ quan tâm, và chấm dứt mọi đàm phán về những chuyện không cần thiết.
Tuy nhiên ngoài quan điểm hiếu chiến của Heritage Foundation ra, thì tại Hoa Kỳ, việc cổ võ cho hòa bình vẫn vang lên ngay từ buổi ban đầu.  Những tiếng nói này hô hào Hoa Kỳ nên coi Trung Quốc như một đối tác mới trỗi dậy, chứ không như một kẻ phạm pháp cần trừng phạt.
Nhóm sau này không ngớt nhắc nhở giới chính trị Hoa Kỳ đừng nên quên rằng, trên quãng đưởng dân chủ hóa Trung Quốc đã phải chịu ba thập kỷ phá hoại tàn nhẫn của Mao Trạch Đông, ngăn cản không ít cả hai tiến trình hiện đại  hóa và tòan cầu hóa mà hậu quả còn  kéo dài đến ngày nay.
Giờ đây những tiếng nói của nhóm thứ hai này đang lấn át quan điểm của nhóm thứ nhất và càng ngày người ta càng được thuyết phục bởi những lý luận hòa bình dễ nghe hơn.  Lúc này, số đông tại Hoa Kỳ cho rằng những biện pháp trừng phạt Trung Quốc bằng kinh tế thường là những biện pháp phản tác dụng.  Số đông này nhìn nhận Trung Quốc là một nước lớn đang trỗi dậy và nhiệm vụ của Hoa Kỳ lả phải tìm hết cách để giúp đỡ  quốc gia này nhanh chóng hội nhập vào cộng đồng thế giới.
Thế nhưng, về việc này một câu hỏi thường được đặt ra mà vẫn chưa được giải quyết rứt khoát là : bằng cách nào để giúp đỡ Trung Quốc thực hiện hiệu qủa sự hội nhập đó ?  Đây là điểm chính yếu mà nền ngoại giao mới của Hoa Kỳ cần phải quan tâm để sẵn sàng thỏa mãn Bắc Kinh.
Lý luận theo lẽ phải thường tình thì ở vào vị trí “số một” hiện nay, nếu Hoa Kỳ muốn giữ cho thế giới một trật tự ổn định thì Washington phải có một thái độ cứng rắn đối với những nước nào muốn đi ra khỏi trật tự đó.  Nhưng nếu Hoa Kỳ chưa sẵn sàng  để có một thái độ như vậy, thì Hoa Kỳ phải làm cách nào để tìm được một mẫu số chung cho những sự khác biệt cần giải quyết.
Lẽ cố nhiên là làm được việc này không phải dễ.  Người Trung Quốc cũng như người Hoa Kỳ đều cho rằng họ là những người được Thượng Đế lựa chọn để lãnh đạo thế giới, vì vậy vấn đề nhường nhịn nhau là cần thiết và vô cùng tế nhị.  Để tránh đụng chạm đưa  đ̣ến đổ vỡ, điều quan trọng nhất là hai bên đều phải có một sự hỗ tương kính trọng và một tinh thần hợp tác chân thành, để đóng góp vào sự phát triển của nhân loại.  Hoa kỳ phải có một chính sách ngoại giao bao trùm lên tương lai thế giới,  với một tinh thần luân lý cao độ, còn Trung Quốc cũng phải nương theo chiều hướng này mà hành động, để vừa giữ cho thế giới được hòa bình vừa mang lại cho dân tộc tối đa lợi ích.
Trung Quốc phải coi vấn  đề nhân quyền mà Hoa Kỳ quan tâm như một vấn đề cần giải quyết cùa chính mình, còn Hoa Kỳ luôn luôn cần có thái độ klính trọng và coi Trung Quốc như một trong những trung tâm văn minh của thế giới.  Nếu làm được như vậy, thì trong cùng một lúc Trung Quốc có thể giải quyết được cả vấn đề thống nhất với Đài Loan, Hong Kong và Macao.
Tuy thế giới ngày nay đã trở hành một ngôi làng nhỏ nhưng giữa các nước có văn hóa khác biệt vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết.  Giải quyết qua thương lượng chứ không phải bằng vũ lực như trong dĩ vãng.  Cần thận trọng không cho bất cứ một cái “đầu nóng” nào có thể đưa nhân loại vào nguy cơ hủy diệt.  Mọi mầm mống chiến tranh phải triệt để tiễu trừ.
Trung Quốc, muốn cư xử như một nước lớn, thì phải hướng tầm nhìn sang thế giới chung quanh, một thế giới đang có một cuộc sống dân chủ an bình.  Một thế giới mà từ khá lâu đã có những luật lệ và nếp sống riêng biệt của nó.  Một thế giới, từ khá lâu đã thoát khỏi những giai đoạn lịch sử bị chi phối bởi những luật lệ chậm tiến và khắc nghiệt.
Giờ đây, sau khi Liên Xô đã sụp đổ thì chiến lược “ngăn chặn” cũng không còn nữa.  Trung Quốc và một vài quốc gia khác có thể sống thoải mái với các chế độ chính trị họ đang say mê theo đuổi, nhưng trong cuộc chạy đua với thế giới đương đại đến những tiêu đích dân chủ, Trung Quốc không được dùng đến bạo lực.
Nếu có bằng chứng lịch sử chứng minh rằng các lãnh thổ như Đài Loan và một vài đảo nhỏ khác là những lãnh thổ của mình thì thế giới cũng có thể nhìn nhận nhưng tuyệt đối không được dùng bạo lực để ép buộc họ đi theo chủ nghĩa cộng sản.  Hoa Kỳ đồng ý nguyên tắc của Đặng Tiểu Bình về “một quốc gia hai chế độ”nhưng việc thống nhất với Bắc Kinh của các lãnh địa này phả được thực hiện bằng phương pháp hòa bình.  Việc Bắc Kinh muốn thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực cũng quan trọng không kém gì việc Hoa Kỳ giữ cho mảnh đất này đứng ngoài chủ nghĩa cộng sản.
Vào lúc này quyền lợi của mỗi nước đều tùy thuộc vào sự ổn định và thịnh vượng của nước bên kia, và con đường độc đạo để cà hai nước cùng đi theo là sự ổn định để cùng phát triển trong hòa bình với thế giới văn minh.
                                                            *
Cho nên phải kết luận rằng, trong thời kỳ hậu Chiến Tranh Lạnh, nền ngoại giao của Hoa Kỳ phải đối mặt với ba thực tế : thứ nhất, thế giới hiện nay đang là thế giới đa cực; thứ hai, cách tốt nhất để Hoa Kỳ theo đuổi những mục tiêu về dân chủ, kinh tế và an ninh của chính mình, là phải thương lượng với Trung Quốc, trên căn bản một sự hỗ tương kính trọng và hợp tác chân thành; thứ ba,cách tiếp cận này, phải được coi trọng hơn một sư đối đầu nguy hiểm với Trung Quốc.
Trung Quốc, qua sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, đã biết tại sao phải hợp tác với Đài Loan và Hong Kong, để không sụp đổ như Liên Xô.  Chính vỉ thế, mà ông  đã chủ trương nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”.  Chính vì thế, mà cuộc thống nhất với Đài Loan, đã giảm nhiều nhiệt độ.  Chính vì thế, mà Trung Qốc mới có sự phát triển kinh tế lẫy lừng như ta thấy hiện nay.  Người Trung Hoa đã thuộc lòng bài học này.
Nhiều người lo sợ, đặt câu hỏi là : việc hợp tác và để cho Trung Quốc tung hoành trong thế kỷ này, có thể nào nguy hại đến tương lai của nước Mỹ hay không ?  Câu trả lời là : tương lai của mối quan hệ Hoa Kỳ và Á Châu -Thái Bình Dương, hiện nay, vẫn còn mờ mịt, chưa rõ rệt.  Tuy nhiên có mấy điều chắc chắn có thể ghi nhận : Hoa Kỳ sẽ là quốc gia bá quyền cuối cùng của nhân loại; nền kinh tế của Trung Quốc không phải là mô hình hấp dẫn để thế giới noi theo; tiêu đích dân chủ, là tiêu đích cuối cùng để nhân loại tiến tới; và nếu chiến tranh không xảy ra, thì “diễn biến hòa bình” sẽ có lợi cho phe dân chủ hơn là cho khuynh hướng độc tài./ 

Không có nhận xét nào: