Pages

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Văn Bút Quốc Tế hỗ trợ các nhà cầm bút Việt Nam

Khánh An, phóng viên RFA
2010-11-16

Ủy ban Văn Bút Quốc Tế khẳng định sẽ tiếp tục trợ giúp cho các cây bút bị đàn áp, cầm tù và quyền tự do diễn đạt tại Việt Nam.



RFA
Văn bút quốc tế kỷ niệm 50 năm ngày tự do diễn đạt tư tưởng 15-11.




Nhân kỷ niệm ngày Văn bút quốc tế 15/11, chuyên viên nghiên cứu Cathy McCann, thuộc Ban châu Á – Trung Đông của Ủy ban Văn Bút Quốc Tế (WiPC) đã dành cho RFA một cuộc phỏng vấn riêng. Trước tiên, bà Cathy McCann cho biết về những công việc mà Ủy ban Văn Bút Quốc Tế đang thực hiện tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới:

“Chúng tôi làm việc với nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Miến Điện và các nước khác. Cả ba quốc gia trên đều có những trường hợp bị cầm tù lâu năm mà chúng tôi có các chiến dịch để giúp đỡ cho họ.

Chúng tôi cũng có các thành viên ở khắp nơi trên thế giới để vận động các chính phủ, đồng thời sử dụng Mạng lưới Hành động nhanh (Rapid Action Network) để phát hiện ra những trường hợp khẩn cấp bị đe dọa đến tính mạng và an ninh.

Đối với các trường hợp tại Việt Nam, các chi nhánh của chúng tôi tại châu Âu và Mỹ có danh sách các trường hợp này và sẽ viết thư cho những cây bút đang bị cầm tù. Có khi chúng tôi gửi sách hoặc tiền cho họ và gia đình để hỗ trợ thuốc men, vận động cho họ được hưởng một điều kiện y tế tốt hơn.

“Hiện nay, chúng tôi đang có chiến dịch vận động cho 19 trường hợp các cây bút đang bị giam giữ tại Việt Nam.


Bà Cathy McCannChúng tôi làm việc theo từng trường hợp một. Hiện nay, chúng tôi đang có chiến dịch vận động cho 19 trường hợp các cây bút đang bị giam giữ tại Việt Nam.”

Chiến dịch trấn áp mớiKhánh An: Gần đây, nhiều blogger, nhà báo bị chính quyền Việt Nam bắt giữ hay bị phá hỏng trang mạng vì đã đăng tải những thông tin không được phép công bố hoặc vì họ nói lên chính kiến của mình, chẳng hạn như trường hợp của blogger Cô gái Đồ Long, tức phóng viên Hương Trà, hoặc blogger Anh Ba Sài Gòn, Trương Duy Nhất… Ủy ban Văn Bút Quốc tế có nghe đến các trường hợp này không và bà đánh giá như thế nào về tình hình hiện nay tại Việt Nam?

Cathy McCann: Vâng, tôi có nhận biết các trường hợp trong những tuần gần đây. Mặc dù chưa có thời gian để nghiên cứu kỹ từng trường hợp nhưng tôi biết là nhiều blogger và các cây bút tại Việt Nam mặc dù chưa bị ngồi tù nhưng họ bị kiểm soát và đàn áp trong việc viết lách. Tôi cho là những nhà báo ấy đã làm đúng điều mà họ cần làm.

Khánh An: Vâng thưa bà, Ủy ban Văn Bút Quốc tế vừa đưa ra thông cáo báo chí về trường hợp của nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi của Miến Điện vừa được trả tự do, theo bà, đây có phải là một dấu hiệu mang lại hy vọng cho những người đang đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, tự do diễn đạt trên toàn thế giới?

Cathy McCann: Đương nhiên rồi, tôi nghĩ những gì chúng ta trông thấy đang xảy ra ở Miến Điện là bà (Aung San Suu Kyi) được trả tự do và được nói lên những điều mình muốn, điều đó đương nhiên mang lại hy vọng cho tất cả mọi người.

Tôi nghĩ chúng ta có thể dùng trường hợp của bà để đưa ra công chúng những việc làm đúng đắn của các cây bút đang bị cầm tù lâu năm ở Miến Điện, Việt Nam và các quốc gia châu Á khác. Bây giờ chính là một cơ hội tốt.

Tiếp tục vận độngKhánh An: Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Văn bút Quốc tế, Ủy ban Văn bút Quốc tế có những kế hoạch gì trong tương lai cho việc đấu tranh đòi quyền lợi và tự do cho những cây bút bị cầm tù không?

Cathy McCann: Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những điều mà chúng tôi đang làm. Hiện chúng tôi đang đấu tranh cho những trường hợp bị cầm tù lâu năm, bảo vệ quyền lợi của họ và tạo áp lực trên các chính phủ về các trường hợp này. Đó là cách mà chúng tôi đang thực hiện và sẽ tiếp tục làm như thế.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những điều mà chúng tôi đang làm. Hiện chúng tôi đang đấu tranh cho những trường hợp bị cầm tù lâu năm, bảo vệ quyền lợi của họ và tạo áp lực trên các chính phủ về các trường hợp này.


Bà Cathy McCannKhánh An: Bà mới vừa đề cập đến việc tạo áp lực lên các chính phủ đang giam giữ các cây bút đấu tranh cho vấn đề dân chủ, nhân quyền, bà có thể nói rõ hơn là Ủy ban Văn bút Quốc tế làm cách nào để thực hiện điều này không?
Cathy McCann: Cái này thì tùy thuộc vào tình hình mỗi quốc gia. Chúng tôi khuyến khích các thành viên viết nghị thư cho chính phủ và cách này tỏ ra khá hiệu quả ở một số quốc gia.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sắp xếp để có thể gặp được các đại diện ngoại giao ở quốc gia mà những viên chức này sẽ đến. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hợp tác làm việc với các tổ chức phi chính phủ, chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc.

Khánh An: Vậy theo đánh giá của bà, những việc làm của Ủy ban Văn bút Quốc tế có mang lại ảnh hưởng nào không?

Cathy McCann: Tôi nghĩ là có. Nếu nói về phương diện an ninh và việc được trả tự do thì rất khó có thể đánh giá được tầm ảnh hưởng của công việc chúng tôi làm, đặc biệt là ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc và Miến Điện.

Tuy nhiên, chứng thực từ những cây bút bị cầm tù trước đây cho biết rõ ràng là việc làm của chúng tôi mang lại những ảnh hưởng nhất định, chẳng hạn như điều kiện y tế của họ được cải thiện, gia đình được đến thăm họ thường xuyên hơn, việc đối xử trong tù cũng tốt hơn.

Từ những sự thật đó cho thấy Ủy ban Văn bút Quốc tế có thể giúp đỡ cho các cây bút bị cầm tù, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ được thả ra sớm hơn, mà chỉ giúp họ có được một điều kiện tốt hơn, được bảo vệ hơn trong nhà tù.

Trong một số trường hợp, thậm chí chúng tôi không giúp được gì ngoài việc cho họ biết rằng ở bên ngoài, cộng đồng và nhiều người đang đấu tranh cho họ, đôi khi chỉ để họ thấy sự đoàn kết của cộng đồng, cho họ biết họ không bị bỏ rơi.

Chính những điều này mang lại cho những người bị cầm tù một sự nâng đỡ, hỗ trợ rất lớn trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Tôi nghĩ đó chính là những ảnh hưởng mà Ủy ban Văn bút Quốc tế có thể mang lại.

Khánh An: Xin cám ơn bà Cathy McCann đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào: