Pages

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

10 QUYỀN CỦA NGƯỜI DÂN VÀ 10 NGHĨA VỤ CỦA NHÀ NƯỚC

Theo Tuyên ngôn Quốc Tế Bảo Vệ Những Người Đấu Tranh Cho Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 9-12-1998

Nhân kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ban hành Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, ngày 9-12-1998 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết thông qua Bản phụ đính Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, gọi là Tuyên Ngôn Quốc Tế Bảo Vệ Những Người Đấu Tranh Cho Nhân Quyền (TNQTBVNNĐTCNQ). Mục đích để đề xướng, bảo vệ và thực thi những Nhân quyền đã được thừa nhận trên toàn cầu, đồng thời loại trừ hữu hiệu các vi phạm Nhân quyền.

Vì Nhân quyền có tính toàn cầu, bất khả phân, liên lập và liên quan với nhau, nên phải được thi hành thực sự, đầy đủ, đồng đều và phổ cập cho tất cả mọi người, không phân biệt kỳ thị về chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo hay chính kiến.

Về mặt Quốc tế, nếu không có sự hợp tác bình đẳng và hữu nghị giữa các Quốc gia, thì không thể loại trừ hữu hiệu các vi phạm Nhân quyền tập thể và thô bạo do tham vọng Đế quốc bằng sự xâm chiếm đất đai, vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và tước đoạt của các Dân tộc, quyền được hành xử đầy đủ chủ quyền đối với các tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của Đất nước; do các chính thể độc tài toàn trị muốn hạn chế hoặc tước đoạt các Nhân quyền cơ bản chính đáng của người Dân.

Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ thừa nhận 10 quyền của người Dân và nêu lên 10 nghĩa vụ của Nhà nước hay Quốc gia.

A. 10 Quyền của người Dân :
1. Chiếu điều 1 Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ “với tư cách cá nhân hay hội viên của các hội đoàn, ai cũng có Quyền đề xướng và tranh thủ sự bảo vệ và thực thi Nhân quyền trên bình diện Quốc gia và Quốc tế.”

2. Ai cũng có Quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó nhân cách của mình được phát triển Tự do và các Nhân quyền ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các Công ước Quốc tế được thực thi đầy đủ.

3. Ai cũng có Quyền bảo vệ Dân chủ, đề xướng và phát huy các xã hội Dân chủ, các định chế Dân chủ và các thủ tục sinh hoạt Dân chủ.

Ngoài Quyền bình đẳng trước pháp luật, Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ đặt nặng vấn đề thực thi những quyền Tự do Dân chủ như Tự do hội họp và lập hội, Tự do ngôn luận và phát biểu, Tự do tuyển cử và Quyền tham gia chính quyền.

Rút kinh nghiệm 50 năm sinh hoạt Nhân quyền trên thế giới, Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ đã khai triển và định chế hóa các phương thức bảo vệ những quyền Tự do Dân chủ, chống những vi phạm do bạo hành hay do sự giải thích xuyên tạc của các Nhà nước (Quốc gia).

4. Quyền Tự Do Hội Họp.

Ai cũng có Quyền Tự do hội họp trong vòng hòa bình, tổ chức thuyết trình, mít tinh, biểu tình, tuần hành, để đạo đạt thỉnh nguyện lên nhà cầm quyền, hay để phản kháng những vi phạm Nhân quyền của các viên chức và cơ quan chính quyền.

5. Quyền Tự Do Lập Hội.

Ai cũng có Quyền kết hợp trong các hội đoàn dân sự hay chính trị :
5.a. Các hội dân sự sinh hoạt trong phạm vi tôn giáo đạo lý (giáo hội), kinh tế xã hội (công đoàn, nghiệp đoàn), văn hóa giáo dục, từ thiện nhân đạo, ái hữu tương tế v.v… Các hội dân sự được quyền sinh hoạt tự trị trong xã hội đa nguyên và không chịu sự giám sát của Nhà nước.
5.b. Các hội chính trị hay chính đảng sinh hoạt trong chế độ dân chủ đa đảng. Dân chủ đa đảng cộng với xã hội đa nguyên họp thành Dân chủ đa nguyên.

6. Quyền Tự Do Ngôn Luận và Phát Biểu.

Chiếu điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền “ai cũng có Quyền tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến các tin tức, ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông, không kể biên giới Quốc gia. Ai cũng có Quyền giữ vững quan niệm và phát biểu quan điểm mà không bị (nhà cầm quyền) can thiệp“.

7. Quyền tham gia chính quyền.

Ai cũng có Quyền bình đẳng cơ hội tham gia chính quyền, trực tiếp bằng cách ứng cử, hay gián tiếp qua các đại biểu do mình Tự do lựa chọn. Quyền này bao gồm cả quyền đạo đạt đến chính quyền những thỉnh nguyện, hay những phê bình chỉ trích để yêu cầu cải thiện chính sách Quốc gia.

Trái với quan niệm cổ xưa theo chủ quyền xuất phát từ Quốc gia, điều 21 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền khẳng định rằng “ý nguyện của người Dân là căn bản của mọi quyền lực quốc gia. Ý Dân phải được biểu lộ trung thực qua những cuộc tuyển cử Tự do và công bằng, theo phương thức đầu phiếu phổ thông, định kỳ và kín.”

8. Quyền được đền bù hữu hiệu.

Để chống lại những hành vi độc đoán xâm phạm Tự do, danh dự và tài sản của người Dân, ai cũng có quyền khiếu tố trước tòa án (độc lập và vô tư) để đòi đền bù hữu hiệu, như tiêu hủy một quyết định hành chánh, tuyên bố một đạo luật vi hiến, truyền phóng thích một bị cáo bị giam giữ trái phép, hay buộc Nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

9. Quyền phản kháng.

Chiếu điều 12 Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ, khi nhà cầm quyền vi phạm Nhân quyền, người Dân có quyền phản kháng trong vòng ôn hòa, bất bạo động, dưới hình thức kháng thư, truyền đơn, viết báo, họp báo, mít tinh, biểu tình, tuần hành, đình công, bãi thị, bãi khóa vv…

10. Quyền thành lập những hội truyền bá và bảo vệ Nhân quyền.

Kinh nghiệm cho biết Nhân quyền được tôn trọng và thực thi không phải do thiện chí của nhà cầm quyền, mà do sự đấu tranh của người Dân. Muốn đấu tranh phải nâng cao Dân trí và chấn hưng Dân khí.

Để nâng cao Dân trí, trước kia chúng ta có Phong trào truyền bá quốc ngữ. Ngày nay, để chấn hưng Dân khí và thực thi Nhân quyền, chúng ta phát động Phong trào truyền bá và bảo vệ Nhân quyền.

B. 10 Nghĩa vụ của Nhà nước :
Nếu người Dân có quyền đề xướng và tranh thủ sự bảo vệ và thực thi Nhân quyền, thì Quốc gia hay Nhà nước cũng có trách nhiệm phải tôn trọng và thực thi Nhân quyền. Đây là trách nhiệm tiên khởi của Nhà nước (điều 2 Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ).

Để hoàn thành trách nhiệm này, Nhà nước có nghĩa vụ :

l. Tạo điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và pháp lý để người Dân thực sự được hành xử những Nhân quyền ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ.

2. Ban hành luật lệ và các văn kiện lập quy cần thiết để những Nhân quyền này được thực sự thi hành.

3. Tu chính Hiến pháp và luật pháp Quốc gia cho phù hợp với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc. Thí dụ : điều 4 Hiến pháp 1992 CHXHCNVN đi trái với quyền Dân tộc tự quyết và quyền tham gia chính quyền ; Nghị định 37-CP năm 1997 của Chính phủ và các Pháp lệnh 25-12-2001, 02-07-2002 của Quốc hội CHXHCNVN và 31/2007/PL-UBTVQH (ban hành quy chế quản chế hành chánh, rồi sửa đổi) đi trái với quyền Tự do cư trú và đi lại, quyền riêng tư, quyền được suy đoán là vô tội, quyền Tự do thân thể và an ninh thân thể (theo đó không ai có thể bị bắt giữ nếu không có quyết định của tòa án), quyền làm việc, quyền Tự do ngôn luận và phát biểu, quyền Tự do hội họp và lập hội, quyền Tự do tuyển cử và quyền tham gia chính quyền v.v…

4. Khi nhận được đơn khiếu tố đòi đền bù hữu hiệu, Nhà nước (qua tòa án) phải mở cuộc thẩm vấn, tuyên phán quyết và truyền thi hành án văn không trì hoãn.

5. Khi có bằng chứng khả tín cho biết có sự vi phạm Nhân quyền trong quản hạt quốc gia, Nhà nước phải mở cuộc điều tra mau chóng và công bố phúc trình không chậm trễ.

6. Nhà nước có nghĩa vụ giảng dạy Nhân quyền tại các cấp bậc giáo dục như trung học, đại học, chuyên nghiệp v.v… Trong các chương trình tu nghiệp và huấn luyện luật sư, biện lý, thẩm phán, công an, quân đội, công chức vv… phải giảng dạy những kiến thức Nhân quyền liên quan đên việc hành nghề chuyên môn của các học viên.

7. Nhà nước phải đặc biệt lưu ý các nhân viên công lực hành sự về quyền và nghĩa vụ của họ như sau :

7.a. Họ không được quyền vi phạm nghĩa vụ (bằng cách đàn áp những người tham dự mít tinh biểu tình ôn hòa), hay bằng cách không ngăn cản những phần tử quá khích hành hung những người đối kháng bất bạo động.

7.b. Trong khi thi hành các công vụ liên quan đến vấn đề Nhân quyền, họ có nghĩa vụ phải tôn trọng những quyền Tự do cơ bản của người dân theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về phương diện tác phong và đạo đức nghề nghiệp.

7.c. Các nhân viên công lực không thể bị trừng phạt hay thi hành kỷ luật (như khiển trách, hạ tầng công tác, sa thải v.v…) chỉ vì không chịu đàn áp những người hành xử ôn hòa quyền Tự do phát biểu và quyền đối kháng (điều 10 Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ).

8. Nhà nước phải tôn trọng quyền đối kháng ôn hòa và dùng mọi biện pháp cần thiết như triệu dụng nhân viên công lực để bảo vệ những người đối kháng chống lại mọi bạo hành, đe dọa hay trả đũa bất cứ từ đâu tới.

9. Cùng với các hội truyền bá Nhân quyền của người Dân, Nhà nước có nghĩa vụ áp dụng mọi biện pháp thích nghi trên các lãnh vực truyền thông, lập pháp, tư pháp hay hành chánh, để phổ biến kiến thức về những quyền Dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của người Dân, kể cả những bản phúc trình thường niên về Nhân quyền của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

10. Nhà nước phải yểm trợ việc thành lập các Ủy ban Nhân quyền Quốc gia hay các Ủy ban điều tra vi phạm Nhân quyền, nhằm đề xướng, phát huy và bảo vệ Nhân quyền cho người Dân. Những cơ chế Nhân quyền Quốc gia này phải được sinh hoạt độc lập và được hưởng quy chế và ngân sách tự trị như các Viện đại học hay Viện bảo hiến.

Sau cùng, chiếu điều 19 Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ, các điều khoản trong Tuyên ngôn này không thể bị Nhà nước giải thích xuyên tạc để tước đoạt những quyền Tự do liệt kê trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Tuyên ngôn QTBVNNĐTCNQ. @@@

TM Uỷ Ban Luật gia bảo vệ Dân quyền

Ls Nguyễn Hữu Thống – 4. 2006

(Sự thật Dân cần biết 10-2)

26 NHÂN QUYỀN CƠ BẢN

đã được Công pháp Quốc tế và Liên Hiệp Quốc thừa nhận & buộc mọi Nước thành viên phải cam kết tôn trọng.

26 MỤC TIÊU CỤ THỂ của Khối 8406

& mỗi Công dân có trách nhiệm phải đấu tranh từng bước giành lại cho toàn Dân Việt Nam từ năm 2006 về sau.

I. Các Nhân quyền về thân thể :

1. Quyền sống (không bị thủ tiêu, tàn sát, khủng bố, đe dọa, quấy nhiễu vì chính kiến, chủng tộc, tôn giáo, thành phần giai cấp).

2. Quyền không bị nô lệ hay nô dịch (vì lý lịch, chủng tộc, tôn giáo, chính kiến).

3. Quyền không bị tra tấn hành hạ (dưới mọi hình thức, mớm cung, bức cung).

4. Quyền không bị giam giữ độc đoán (vì các tội vu vơ chỉ có trong các chế độ độc tài : gây rối trật tự, phá hoại chính sách đoàn kết, lợi dụng tôn giáo, lợi dụng dân chủ, xúc phạm lãnh tụ, tuyên truyền chống nhà cầm quyền,…).

5. Quyền được xét xử công bằng (tư pháp phải độc lập với hành pháp, lập pháp, công an).

6. Quyền được Tòa án bảo vệ (được bồi hoàn danh dự và thiệt hại).

7. Quyền được Luật pháp bảo vệ (không có loại tội tuyên truyền chống chế độ, chống đối chính sách).

8. Quyền được bình đẳng trước pháp luật (hiến pháp, pháp luật công bằng văn minh, có luật sư).

II. Các Nhân quyền về an cư :

9. Quyền tự do cư trú và đi lại, xuất ngoại và hồi hương (không bị quản chế hành chánh).

10. Quyền có đời sống riêng (bản thân, gia đình, nhà cửa, thư tín, điện thoại, điện thư được bảo vệ).

11. Quyền kết hôn và lập gia đình.

12. Quyền có quốc tịch.

13. Quyền tỵ nạn vì lý do chính trị, tôn giáo, chủng tộc.

14. Quyền tư hữu về vật dụng cá nhân, gia đình, tập thể, về đất đai và vốn kinh doanh.

III. Các Nhân quyền về lạc nghiệp :

15. Quyền có việc làm, lương tương xứng và được nghỉ ngơi – giải trí.

16. Quyền thành lập và tham gia Nghiệp đoàn độc lập và quyền đình công.

17. Quyền có mức sống xứng hợp cho bản thân và gia đình.

18. Quyền có an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội khi thất nghiệp, già lão.

19. Quyền bảo vệ gia đình về hôn nhân, sản phụ, hài nhi, thiếu nhi, bình đẳng giới.
20. Quyền được chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh miễn phí hoặc hợp lý, được bảo hiểm y tế.

21. Quyền được giáo dục miễn phí cấp tiểu học, rồi trung học ; học đại học đầy đủ thuận lợi.
22. Quyền về văn hóa (tự do hưởng thụ, sáng tác, được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ).

IV. Các Nhân quyền về Tự do Dân chủ :

23. Tự do tín ngưỡng – tôn giáo cách bình thường phổ quát như tại đại đa số các Nước trên thế giới.
24. Tự do tư tưởng, phát biểu, quan điểm, tự do thông tin ngôn luận, tự do báo chí.
25. Tự do hội họp, lập hội, lập đảng, biểu tình; toàn Dân được trưng cầu ý kiến về quốc sự.

26. Quyền tham gia công quyền, tự do ứng cử – bầu cử bình đẳng không bị giới hạn bởi hiến pháp, luật pháp khi không có một bản án công bằng nào ràng buộc; Quyền tham gia xây dựng, bảo vệ và quản lý Tổ quốc. Tức là Quyền Dân tộc Tự quyết.

Lm TNLT Nguyễn Văn Lý sưu tập 01.10.2010

(Tham khảo “Từ Hiến Chương 1977 cho Tiệp Khắc đến Tuyên Ngôn 2006 cho Việt Nam”

Không có nhận xét nào: