Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

Làn sóng dân chủ lay động các chế độ chuyên chế Ả Rập



Biểu tình chống chính phủ Yemen tại Sanaa ngày 3/2/11.
Reuters



Trọng Nghĩa
Sau Tunisia, Ai Cập, sẽ đến lượt chế độ chuyên chế nào nào bị phong trào đòi dân chủ của người dân làm chao đảo ? Câu hỏi này đã được nêu bật vào hôm nay với các diễn biến liên tiếp tại Yemen và Jordanie, cho thấy là thành công bước đầu của cuộc ‘’cách mạng hoa lài’’ ở Tunisia đã tạo ra một cơn chấn động tỏa ra toàn thế giới Ả Rập.
Trường hợp của Yemen là thí dụ điển hình về hiện tượng ‘’vết dầu loang’’, xuất phát từ Tunisia. Vào hôm nay, hàng chục ngàn người Yemen đã lại tập hợp tại Trường Đại Học Sanaa, thủ đô Yemen, để đòi hỏi Tổng thống nước này phải từ chức. Để đối phó với phong trào chống đối, tương tự như tại Ai Cập, chính quyền Yemen đã huy động những người trung thành với chế độ tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ ở gần đấy.

Phải nói là thái độ phẫn nộ của người dân Yemen đối với chế độ của Ali Abdullah Saleh đã lên rất cao, đặc biệt là vào lúc nhân vật này đang tìm cách bám víu vào quyền lực độc tôn và bị nghi ngờ là muốn thiết lập chế độ cha truyền con nối. Dù đã làm Tổng thống Yemen từ 32 năm nay, ông Saleh vẫn chưa cảm thấy hài lòng.

Không những dự định tiếp tục ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa, đương kim Tổng thống Yemen còn bật đèn xanh cho các nghị sĩ trong đảng cầm quyền của ông điều chỉnh Hiến Pháp để ông được làm Tổng thống suốt đời. Không chỉ thế, phe đối lập tại Yemen còn cho rằng ông cũng đang âm mưu để con trai trưởng của ông, hiện chỉ huy một đơn vị tinh nhuệ trong quân đội Yemen lên kế vị ông làm Tổng thống.

Tuy nhiên, các biến cố tại Tunisia và Ai Cập như đã làm cho người dân Yemen phấn chấn trở lại. Trong những ngày gần đây, hàng chục ngàn người liên tục xuống đường phản đối Tổng thống Saleh tại thủ đô Sanaa. Bốn người đã toan tính tự thiêu.

Trước phong trào chống đối, Tổng thống Saleh đã cố gắng trấn an. Thoạt đầu ông đã tung ra một loạt những biện pháp xã hội và kinh tế, trong đó có việc tăng tiền lương, với hy vọng là có thể thuyết phục được dân chúng Yemen, bị xếp vào diện nghèo nhất trên bán đảo Ả Rập.

Thế nhưng, phong trào phản kháng không thuyên giảm, và vào hôm qua, 02/02/2011, người đứng đầu nhà nước Yemen đã tung ra những tín hiệu hào dịu liên tiếp hướng về phe đối lập. Trên bình diện chính trị, ông cho biết là sẽ dời cuộc bầu cử mà ông dự trù vào tháng tư tới đây, và sẽ không tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ nữa. Mặt khác ông cho biết là sẽ cho dừng kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, cũng như tuyên bố chống lại hình thức cha truyền con nối trong chính trị.

Như vậy là chế độ Yemen đã có dấu hiệu lùi bước. Tương tự như tại Vương Quốc Jordan lân cận. Tại nơi này, kể từ ngày 14 tháng Giêng vừa qua, các cuộc biểu tình của người dân chống nghèo khó và bất công cũng liên tục xẩy ra. Tình hình này cũng khiến chính quyền lo ngại, và Quốc vương Abdullah II đã phải cố gắng xoa dịu nỗi bất mãn của dân chúng.

Sau cuộc xuống đường rầm rộ của hàng ngàn người dân theo lời kêu gọi của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ngày 28 tháng Giêng, kêu gọi cải cách và thay đổi chính phủ, ngày 01 tháng Hai vừa qua, vua Abdullah đã cách chức thủ tướng của mình để thay thế bằng một cựu thủ tướng, nguyên là cựu cố vấn quân sự của nhà vua. Nhân vật này chính thức nhậm chức vào hôm nay.

Ngay cả tại Syria, nơi Tổng thống cai trị với bàn tay sắt, phong trào phản kháng cũng manh nha trong những ngày gần đây. Ngay sau khi nổ ra các biến cố tại Tunisia Ai Cập, Tổng thống Syria al Assad đã không ngần ngại gọi phong trào phản đối trong khu vực là một "loại bệnh tật." Đối với ông, vùng Trung Đông bị lâm vào cảnh "trì trệ", nhưng theo ông, "các vi trùng đang lây nhiễm" trong khu khu vực sẽ không thể lan qua đất nước của ông, mà ông theo ông rất "ổn định". Thế nhưng, mới đây, trên mạng Facebook, một lời kêu gọi đã được tung ra để yêu cầu người Syria tập hợp vào ngày mai thứ sáu để phản đối tình trạng "tham nhũng, chuyên chế và bạo ngược" tại nước này.

Trên đây chỉ là một vài thí dụ về tác động nảy sinh từ cuộc cách mạng hoa lài, đã khiến nhà độc tài Ben Ali ở Tunisia phải bỏ chạy ngày 14/01 vừa qua.Câu hỏi đặt ra là liệu làn sóng dân chủ đang đang lên trong vùng liệu có thành công như tại Tunisia hay không vì các chế độ chuyên chế không dễ dàng chịu thua. Thế những có một điều chắc chắn đã được ghi nhận. Đó là các chế độ này không còn có thể dửng dưng trước nguyện vọng của người dân như trước.

Không có nhận xét nào: