Pages

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Vì sao nông dân vẫn nghèo?


Năm 2010, ĐBSCL sản xuất hơn 20 triệu tấn lúa, 500 ngàn tấn trái cây, khai thác 900 ngàn tấn hải sản và nuôi hơn 1,5 triệu tấn thuỷ sản. Lúa đưa vào chế biến gần 11 triệu tấn gạo, xuất khẩu hơn 6 triệu tấn.
Lượng hàng hoá cung cho thị trường mỗi năm đều tăng, uy tín của sản phẩm mỗi năm đều tăng, nhưng giá cả hoàn toàn do người tiêu thụ trong nước lẫn nước ngoài định đoạt.

Nhà nông đứng đầu gian khó

Do đó, cái cảnh được mùa mất giá là chuyện thường xảy ra mỗi năm, và giá chỉ tăng khi nông ngư dân hết hàng.

Chính phủ chỉ giúp các doanh nghiệp mua hàng với giá có lời chứ chưa giúp nông dân bán hàng với giá có lời. Chưa kể có mặt hàng mà các doanh nghiệp không “thèm” mua mà chỉ “thèm” nhập khẩu, như muối. Riêng về gạo, gần như mỗi năm nông dân đều lo lắng bị hạn chế xuất khẩu gạo.

Và mỗi lần như thế là giá lúa giảm, gây ra xáo trộn trong sản xuất và đời sống của nông dân, khiến “nhà nông” – vốn được xếp hàng đầu trong mối liên kết bốn nhà: nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp – phải đối phó với nợ phân, nợ thuốc, nợ giống…

Ảnh minh họa (IE)

Nông ngư dân bên cạnh cần tiêu thụ hết sản phẩm, dĩ nhiên còn cần phương tiện và vật tư cho sản xuất và hàng tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu đời sống, cần những tiện nghi sinh hoạt để nâng cao đời sống tinh thần, hưởng thụ văn hoá và để giữ chân thanh niên ở lại với ruộng vườn.

Về phương tiện sản xuất, trong khoảng năm năm gần đây, các sáng kiến hay cải tiến kỹ thuật liên quan đến canh tác lúa, trái cây, nuôi thuỷ sản ngày càng hiếm. Công tác lai tạo giống mới gần như chựng lại mà chủ yếu nhập giống của Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc về thích nghi với điều kiện địa phương là chính. Thỉnh thoảng nông dân gặp nạn giống giả (bắp, gà).

Về bảo vệ động thực vật, có nhiều nhà khoa học và doanh nhân nước ngoài, kể cả Việt kiều, nói nông dân ĐBSCL đang sử dụng các loại thuốc trừ sâu mà các nước tiên tiến đã cấm dùng chừng 15 – 20 năm rồi. Thỉnh thoảng nạn phân giả, thuốc trừ sâu giả, thức ăn nuôi tôm giả vẫn xuất hiện, nhưng các cơ quan chuyên trách chỉ… theo sau sự thiệt hại của nông ngư dân.

Nông dân tự xoay xở là chính

Việc bảo hiểm cho toàn ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục được “nghiên cứu”.

Trong kế hoạch năm năm 2006 – 2010 của bộ Kế hoạch và đầu tư cũng không có hạng mục đầu tư nào cho các công trình thuỷ lợi lớn của ĐBSCL. Kênh lớn, kênh nhỏ lần hồi bị bồi lắng, dân tự lo nạo vét thì cũng chỉ nạo được kênh cấp ba. Nạo vét kênh mương còn giúp nông ngư dân đưa sản phẩm trực tiếp đến thị trường tiêu thụ, giảm bớt trung gian của thương lái, tăng thêm thu nhập.

Do thuỷ lợi chưa hoàn chỉnh, việc giành đất nuôi tôm và trồng lúa vẫn còn tiếp diễn ở vùng ranh ngọt mặn.

Máy móc nông nghiệp tuy có hiện tượng bùng phát, nhiều sáng kiến cơ giới hoá trong khâu gặt, đập, tuốt, sấy, nhưng tựu trung là do nông dân mua từ Trung Quốc hoặc do các trường nông nghiệp và chính nông dân chế tạo.

Các đơn vị Nhà nước chưa được đầu tư từ ngân sách nghiên cứu chế tạo rốt ráo, hạ giá thành, hỗ trợ tín dụng, mở rộng phạm vi ứng dụng. Chưa thấy tổng công ty Nông nghiệp có một cơ sở chuyên doanh máy nông nghiệp có cho nông dân thuê mua (leasing) hoặc khai thác dịch vụ cày, bừa, gặt, đập, sấy, tồn trữ.

Nếu cây lúa của thập niên 80 được các nhà quản lý và các nhà khoa học chăm sóc chu đáo với bốn cái “hoá”: sinh học hoá, hoá học hoá, thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá là những cái cầu căn bản cho sản xuất nông ngư nghiệp, thì ngày nay gần như được khoán trắng cho nhà nông. Có được chăng là nhà băng tiếp tục hỗ trợ tín dụng làm mùa, mua máy móc.

Về hàng tiêu dùng và tiện nghi sinh hoạt, ngày nay hàng hoá được đưa về nông thôn ngày càng nhiều, nhưng hàng kém chất lượng cũng không phải ít. Các đơn vị quản lý chất lượng và quản lý thị trường chưa làm hết chức năng, cũng làm nghèo thêm cho dân nông thôn, dù lượng hàng hoá cầu của thị trường nông thôn mỗi năm đều tăng theo nhịp tăng dân số và thu nhập tăng.

Vì sao nông dân nghèo?

1. Đất canh tác ngày càng bị manh mún do dân số nông thôn tăng nhanh; đất nông nghiệp ngày càng teo tóp do phải “hy sinh” cho các khu công nghiệp, các sân golf, đất xây dựng hạ tầng và nhà ở.

2. Lao động ngày càng thiếu do thanh niên nông thôn chán ruộng vườn vì vất vã mà thu nhập thấp, vì nông thôn thiếu tiện nghi sinh hoạt, vì tâm lý nghề nghiệp.

3. Vốn đầu tư cho nông nghiệp nông thôn trong tổng vốn đầu tư ngày càng giảm so với sự đóng góp của ngành vào GDP. Các đầu tư vào giống, cơ giới, thuỷ lợi, phòng trừ sâu bệnh, nghiên cứu và phổ biến tin tức thị trường ngày càng ít so nhịp tăng trưởng của nông ngư nghiệp. Mạng lưới tín dụng nông nghiệp của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa mở rộng đến các hợp tác xã và quỹ tín dụng nông thôn. Nội hàm tín dụng nông thôn còn hạn chế cho vay để phát triển các mặt đời sống.

4. Lý do từ chính sách: ngoại trừ các chính sách nhằm thu mua nông ngư sản khi có biến động tăng hay giảm của thị trường thường có lợi cho doanh nghiệp, các chính sách căn bản cho phát triển nông ngư nghiệp như về đất đai, về đào tạo lao động, về tín dụng còn hoặc rất ít hoặc bất cập; chính sách về tam nông, về đầu tư cho nông nghiệp nông thôn không hấp dẫn các nhà đầu tư kể cả trong và ngoài nước; các quy hoạch về nông nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ từ đầu vào đến đầu ra của nông ngư sản.

(Theo SGTT )

http://bee.net.vn/channel/2043/201102/Vi-sao-nong-dan-van-gheo-1788788/

Không có nhận xét nào: