Pages

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Nhiêu Lộc ngày ấy, bây giờ...

Nhiêu Lộc - Con kênh có tuổi đời cao nhất, dài nhất thành phố Sài Gòn mà dân Sài Gòn ai cũng biết.


Kênh Nhiêu Lộc khi nước ròng. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)
Thời Sài Gòn là vùng đất mới với cái tên Gia Ðịnh thành, kênh Nhiêu Lộc bắt nguồn từ khu vực Bàu Cát (Tân Bình), với chiều dài gần 9 ngàn rưỡi mét, Nhiêu Lộc băng qua quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, quận 10, quận 3 rồi đổ ra sông Sài Gòn (quận 1, gần xưởng đóng tàu Ba Son). Trải qua mấy trăm năm vật đổi sao dời, bãi biển hóa nương dâu, đầu kênh Nhiêu Lộc bị lấp mất một đoạn dài, giờ đây, cái đầu cụt của nó bị đường Lê Bình (quận Tân Bình) cắt ngang như một vết dao chém phũ phàng. Lê Bình là tên một con đường nhỏ mới mở sau năm 1975, gần nhà thờ Vinh Sơn và chùa Khuôn Việt. Con kênh từ đây kéo dài đến gần cầu Thị Nghè gọi là Nhiêu Lộc, đoạn cầu Thị Nghè (gần Sở Thú, quận Bình Thạnh) đổ ra sông gọi là rạch Thị Nghè.
Theo cách hiểu thông thường của ngôn ngữ dân gian miền Nam, sông lớn hơn kênh, kênh lớn hơn rạch, rạch lớn hơn mương. Hiện nay, cái đoạn rạch Thị Nghè bề ngang nó lớn hơn phần đầu được gọi kênh Nhiêu Lộc. Không hiểu tại sao lại có cách gọi ngược như vậy (lấy lớn gọi cho nhỏ, lấy nhỏ gọi cho lớn). Cái tên Nhiêu Lộc-Thị Nghè của con kênh này có từ thế kỷ 18, phải chăng thuở xa xưa ấy đoạn kênh Nhiêu Lộc to lớn hơn Nhiêu Lộc bây giờ?
Hồi xưa, dòng kênh Nhiêu Lộc thoáng đãng, nước trong xanh trôi lững lờ, là nơi cho trẻ em bơi lội những ngày hè nóng nực, người lớn câu cá, bắt ốc bắt cua kiếm sống: “Lối ngoài cạnh Bà Nghè dòng trắng hay tờ quyến trải...” (Phú cổ Gia Ðịnh). Người dân cất nhà sống dọc hai bên bờ kênh rất nhiều.
Cái “dòng trắng” nên thơ, tha thướt, mong manh như tờ giấy quyến trải dài ấy ngày nay đã biến mất, hóa thành con rắn lớn đen sì xấu xí hằm hè như siết chặt lấy cổ họng cư dân thành phố Sài Gòn. Hai bên bờ kênh chính quyền thành phố đã giải tỏa trắng nhà dân từ năm 2003 để ủi thành 2 con đường nhỏ có phần khang trang và đặt cho nó cái tên mới là đường Hoàng Sa, đường Trường Sa. Hai con đường này bắt đầu từ đường Lê Bình, chạy song song nhau và kết thúc ở cầu Thị Nghè, nếu đứng trên cầu Thị Nghè thì đường Hoàng Sa bên trái, Trường Sa bên phải. Hai bờ kênh được xây kè xi măng nhìn cũng rất hoành tráng, đẹp mắt nếu bạn chỉ đứng xa xa mà ngắm nghía.
Buổi sáng cuối tháng 8, nước thủy triều dâng lên ngập mấp mé bờ kè bê-tông, tôi đi xe máy dọc đường Hoàng Sa, Trường Sa, điều đầu tiên tôi cảm nhận được là mùi hôi thúi của dòng nước đen bẩn từ dưới kênh xông lên xộc ồng ộc vào mũi, khiến tôi không dám thở bằng mũi dù đang mang khẩu trang kín mít. Ðến gần hơn, trên mặt nước đục ngầu đen sì sì kia là váng trắng cùng bong bóng đục lờ lờ thi nhau nổi lều bều trắng mặt nước. Ðến gần hơn chút nữa, hoặc lên giữa cầu Trần Quang Diệu, Lê Văn Sỹ, Công Lý, Trần Khắc Chân, Hoàng Hoa Thám, Cầu Bông, Thị Nghè nhìn xuống, bạn sẽ thấy hàng hàng lớp lớp đủ thứ rác lơ lửng trong dòng nước đen ngòm. Từ các loại bao bì, bịch ni-lông cho đến rác sinh hoạt, rác buôn bán ở chợ đều có mặt cùng nhau “chen vai thích cánh”.
Hai bên bờ kênh, tức là dọc hai bên vệ đường Hoàng Sa, Trường Sa, thỉnh thoảng lại có từng đống rác to bành trướng chen lẫn với từng đống xà bần xây dựng như những quả đồi nhỏ nhấp nhô chạy dài.
Kinh khủng hơn là khi nước triều rút xuống lòi hai bãi bùn đen (đen đến mức độ không có gì đen hơn nữa) trơ ra dưới cái nóng gay gắt của Mùa Hè. Ðược sự “trợ giúp” của nhiệt độ, mùi bùn, mùi thối bốc lên nồng nặc không thở nổi.
Nghe nói, hồi trước năm 1975, ông Nguyễn Văn Trỗi chui xuống gầm cầu Công Lý lợi dụng lúc nước ròng định đặt mìn ám sát bộ trưởng quốc phòng Mỹ thì bị phát hiện và bị bắt đem lên (tất nhiên lúc bị bắt ông Trỗi còn sống nhăn mạnh khỏe). Nếu là bây giờ, có lẽ ông Trỗi chưa cần ai bắt đã lăn đùng ra ngất xỉu chìm luôn dưới kênh vì chịu hổng nổi mùi thúi, hoặc bị “nhiễm trùng” mà “die” luôn.
Nếu nói về cái sự khoái nhậu, khả năng thích nghi để nhậu mọi lúc mọi nơi thì có khi dân Việt Nam đứng hạng nhất thế giới, đặc biệt là dân Sài Gòn. Số là từ khi hai bờ kênh Nhiêu Lộc được giải phóng rộng rãi, thoáng đãng, đường sá được cán nhựa mới cũng khang trang hơn thì “kính thưa các loại quán nhậu” mọc lên đến hàng trăm cái. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2003 có hơn 80 quán nhậu, đến đầu năm 2007 con số quán nhậu tại đây tăng lên hơn 800 quán và có chiều hướng “liên tục phát triển” chớ không thấy quán nào xin trả giấy phép nghỉ bán. Hình như dân ta không lấy cái sự thúi đen nổi tiếng cả nước (hổng chừng cả thế giới nữa) của kênh Nhiêu Lộc làm xấu hổ hay làm phiền, mà có vẻ như “tự hào” khi trương lên trước cửa quán mình tấm bảng hiệu nhiều màu sắc rực rỡ hoành tráng: “Bánh xèo Nhiêu Lộc”, “Cà phê Nhiêu Lộc”, “Lẩu xí quách Nhiêu Lộc”, “Bia hơi Nhiêu Lộc”, v.v. với cách trình bày đặc biệt nhấn mạnh chữ “Nhiêu Lộc”.
Hai bờ kênh giờ đây còn có sự chễm chệ của hàng loạt lô-cốt xanh lè, những cái máy xúc, máy ủi to sù sụ lẫn những căn nhà dã chiến dựng bằng khung sắt lợp tôn xanh cho công nhân nghỉ.
Không đen, không thúi làm sao được khi tất cả miệng cống đều xả thải trực tiếp ra kênh Nhiêu Lộc mà không qua biện pháp xử lý nào. Ông Lương Minh Phúc - phó giám đốc ban quản lý dự án Ðại lộ Ðông Tây và Môi trường nước cho rằng nước kênh đen thúi là “do yếu tố lịch sử mà hệ thống cống thoát nước của chúng ta nhận cả nước thải sinh hoạt và nước mưa rồi đưa thẳng ra kênh” để biện minh cho khả năng quản lý tồi tệ của chính quyền làm môi trường ngày càng xấu đi. Hình như ông Phúc “quên” rằng, cái “yếu tố lịch sử” mà ông viện dẫn ra để biện minh là cách đây 30 năm, người dân khu chợ Ông Tạ bắt lên hàng nồi ốc luộc ăn, hay ngồi câu phút chốc đã có vài ký cá rô và họ sẵn sàng làm chứng về vấn đề này. Còn bây giờ thì đến cá dưới kênh cũng không sống nổi.

Vất rác thoải mái. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)

Người dân Sài Gòn đang sống hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc trông chờ vào dự án cải thiện môi trường hoàn thành, nhưng dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2003 với kinh phí đầu tư “hoành tráng” hơn 199 triệu USD do nhà thầu Trung Quốc thi công đến nay vẫn è ạch chưa thấy chuyển biến tích cực. Nước kênh vẫn đen sì sì, mùi vẫn bốc lên hôi thúi nồng nặc mỗi ngày, lô cốt, máy đào vẫn choán hết lối đi, bụi bặm, tiếng ồn vẫn tiếp tục ngày đêm “tra tấn”, còn người dân chỉ biết cắn răng mà chịu trận.
Chịu hết nổi, tháng 11 năm 2010, một chủ quán ăn tại tư gia là ông Nguyễn Văn Lang (nhà mặt tiền đường Hoàng Sa, phường Ða Kao, quận 1) đã khởi kiện Sở Giao Thông vì để lô cốt “mọc rễ” quá lâu. Tiến trình vụ kiện cũng è ạch, chây ỳ chẳng kém gì những cái lô cốt chễm chệ trước nhà ông Lang, cho đến nay chưa thấy có ông Lang thu được kết quả gì khả quan.
Than ôi! Biết đến bao giờ kênh Nhiêu Lộc mới trong xanh trở lại như xưa?

Không có nhận xét nào: