Lâu nay người ta chỉ cảnh báo về mức độ nợ công đang tăng cao mà quên đi một thực tế: một mức nợ tư cao so với GDP cũng là một chỉ dấu đáng lo ngại không kém.
Nói nợ tư là để dễ hình dung khi so với nợ công chứ khái niệm chính xác ở đây là tổng dư nợ tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam mà theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) là tương đương 125% GDP, một tỷ lệ thuộc loại cao nhất khu vực. Điều đáng nói là tỷ lệ này tăng rất nhanh trong những năm qua: từ 35%/GDP năm 2000 lên 71,2% năm 2006, 93,4%% năm 2007, 90,2% năm 2008, 112,7% năm 2009 và 125% năm 2010 (Nguồn: WB).Cho đến nay vẫn chưa ai giải đáp thỏa đáng vì sao tỷ lệ này lại tăng nhanh trong mấy năm vừa qua. Có người cho rằng đó là do bong bóng bất động sản, giá đất tăng, tín dụng cho địa ốc tăng nên tổng tín dụng tăng theo. Có người cho rằng tỷ lệ này cao là do hoạt động tài trợ tín dụng cho xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh, hiện lên trên 150% GDP nên phần tín dụng hỗ trợ cho nó cũng tăng theo. Cũng có nguồn phân tích cho là vì số lượng các tổ chức tín dụng tăng nhanh, kéo theo mức tăng tổng tín dụng chung của nền kinh tế, nhất là tăng trưởng của Việt Nam trong những năm vừa qua chủ yếu dựa vào đầu tư. Và cũng có lẽ chính sách kích cầu, qua bù lỗ lãi suất trước đây cũng là lý do cho nợ tư tăng nhanh như vậy.
Nhưng một tỷ lệ tín dụng bằng 125% GDP cho thấy nhiều điều. Một là dư nợ tín dụng tăng không tương quan với mức tăng GDP, cần một lượng tăng tín dụng cao mới làm ra một mức tăng GDP nhất định (ví dụ, năm 2007 GDP tăng 8,6%, dư nợ tín dụng tăng đến 53,4%). Hai là các kênh tài trợ vốn cho nền kinh tế không phát huy hiệu quả. Trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được bao nhiêu; thị trường chứng khoán cũng không phải là nơi doanh nghiệp trông cậy để tìm vốn. Tất cả đều trông chờ vào tín dụng ngân hàng và từ đó dễ rơi vào những rủi ro.
Rủi ro thứ nhất là nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng nhanh do quy mô của tín dụng. Một phần trăm nợ xấu ở một nền kinh tế có tổng dư nợ tín dụng chỉ bằng 50% GDP sẽ khác với 1% nợ xấu của nền kinh tế mà tổng dư nợ tín dụng lên đến 125% GDP. Theo TS Vũ Quang Việt, nguyên chuyên gia cao cấp Liên hiệp quốc, điều đáng quan ngại là nợ xấu theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đã tăng lên trên 3%; tuy nhiên do cách tính không hợp chuẩn quốc tế, các tổ chức quốc tế đã cho rằng tỷ lệ nợ xấu cao hơn 3% nhiều.
Thứ nữa, doanh nghiệp phụ thuộc vào nợ vay của ngân hàng nên một khi nền kinh tế rơi vào tình huống lãi suất ở mức cao như hiện nay, doanh nghiệp dễ rơi vào chỗ đình đốn, phá sản. Ngược lại, hệ thống ngân hàng phải chấp nhận cho “đảo nợ”, nhất là với các dự án bất động sản đang đóng băng như là giải pháp khả thi duy nhất.
Bức tranh nợ nần của các nước châu Âu hiện nay cũng cung cấp nhiều bài học mang tính thời sự, ông Việt nhận định. Trước đây người ta cũng chỉ chú tâm vào con số nợ công nhưng nay đã bắt đầu có nhiều phân tích cho thấy nguyên nhân sâu xa hơn của vấn đề nợ công bắt nguồn từ tỷ lệ tín dụng trên GDP quá cao. Trích dẫn một bài báo trên tờ New York Times, ông Việt đưa ra ví dụ về Ireland, vào năm 2007 là nước mẫu mực về nợ công – chỉ có 11% GDP. Thế nhưng khi khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, Ireland trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên và hiện đang lâm vào cảnh nợ nần ngập đầu. Nguyên do là vì nợ tư (nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp phi tài chính) lên đến 241% GDP, cao nhất trong khu vực.
Phần lớn các khoản nợ này liên quan đến sự bùng nổ giá bất động sản ở nước này và sự sụp đổ thị trường địa ốc sau đó. Lúc bất động sản lên ngôi, tín dụng tăng vọt, ngân hàng ăn nên làm ra. Khi bong bóng bất động sản nổ tung, ngân hàng rơi vào bờ vực phá sản, nhà nước phải ra tay cứu, chuyển nợ tư thành nợ công.
Tỷ lệ tổng tín dụng trên GDP cao đã là chỉ báo; chất lượng tín dụng còn là chỉ báo rõ hơn nữa nếu phần lớn tín dụng rơi vào bất động sản hay các lãnh vực khác không tạo ra doanh thu. Nếu không chú ý đến những chỉ báo này, vấn đề nợ tư và nợ công Việt Nam càng đáng báo động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét