Theo: VnExpress
Người sửa xe ở vỉa hè từ chối vá lốp cho khách với lý do hết giờ, chủ hiệu tạp hóa chỉ bán dưa cà với giá 2.000 đồng trở lên, có người còn mắng xơi xơi vào mặt người mua khi họ mặc cả.
Vòng vèo tìm được chỗ vá xe, lại phải năn nỉ hết sức, chị Huệ, nhân viên hành chính của một công ty ở Hà Nội vẫn không thể thuyết phục được bác sửa xe ven đường vá giúp chiếc lốp xe máy bị nổ. Lúc đó khoảng 21h, bác sửa xe nói: “Giờ này, tôi đã thu xếp xong đồ, chuẩn bị về. Có gì mai qua đây sửa”._
Bác Hòa (cán bộ nghỉ hưu ở Thanh Xuân- Hà Nội) cũng rơi vào cảnh tương tự. Đi chợ về, chỉ còn thừa đúng 1.000 đồng, bác rẽ vào quán bán dưa để mua nốt số tiền đó. Nhưng khi nghe bác nói “Cho một nghìn tiền dưa”, chủ quán không buồn đứng dậy, thủng thẳng đáp: “Một nghìn đồng thì được mấy miếng. Dưới 2.000 đồng, tôi không bán từ lâu rồi”.
Bác Hòa nói thêm là nhà chỉ có 2 vợ chồng già ăn cơm nên không cần nhiều, thì người bán trả lời thẳng là 1.000 đồng, quá ít nên họ không bõ lấy. “Tôi nhớ ngày trước có 200 đồng được bát cà, tô dưa. Giờ, tiền mất giá, 1.000 đồng cũng không mua được. Mà ai đời có chuyện khách đi năn nỉ người bán như bây giờ không chứ”, bác Hòa tâm sự.
Mua với số tiền nhỏ bị khách hàng từ chối, còn ai dám mạnh dạn mặc cả sẽ bị mắng xơi xơi. Chị Thu Hà mặc cả một chiếc áo giá từ 110.000 đồng xuống còn 60.000 đồng đã bị người bán phản ứng và mắng sỗ sàng vào mặt. “Đây tôi đưa cô 200.000 đồng, cô đi mua cho tôi 3 bộ xem có được không? Ai coi khách là thượng đế chứ đây thì không nhớ”, một phụ nữ bán quần áo rong bằng xe đẩy trong phố Phương Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lớn tiếng quát.
Câu chuyện thật như đùa khiến không ít khách hàng giật mình. Trong lúc cuộc sống khó khăn, ai cũng muốn tranh thủ kiếm thêm tiền, được đồng nào hay đồng đó nhưng không ít người dửng dưng với khách.
Bản thân những người kinh doanh “chê tiền” cũng có lý do của họ. Khi được hỏi, người bán quần áo rong trong sự việc trên cho biết, do cô không nói thách nhiều, hàng lại bị khách trả giá quá đáng nên cô mới xử sự như vậy. “Ai chẳng mong bán được hàng. Nhưng mua thì mua, không thì thôi chứ cầm cái áo voan của người ta mà trả thế thì tôi không chấp nhận được”, cô nói.
Anh Nguyễn Văn, chủ cửa hàng sửa xe máy tại phố Khương Trung cho hay, anh mở cửa hàng từ 8h sáng đến tận 19h. Làm việc cả ngày vất vả, phục vụ khách hàng như thượng đế nhưng đến quá 7h là anh cương quyết đóng cửa. “Ai làm việc cũng cần có giờ nghỉ ngơi. Nếu mỗi khi có khách tôi đều phục vụ thì cả đêm cũng không hết việc”, anh Văn cho hay.
Còn những những người kinh doanh dưa cà cho hay, hiện nay, giá nguyên liệu mua ngoài chợ đều rất đắt nên với 1.000 đồng, nếu bán quá ít, họ thấy áy náy, khách mua về lại kêu đắt rẻ. Còn nếu bán cho khách nhiều một chút thì họ có lãi. “Thử tính xem, giờ 1.000 đồng mua được cái gì nữa. Đến cốc nước chè cũng lên 2.000 đồng rồi”, chủ một quán dưa gần chợ Hôm nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc coi khách hàng là thượng đế, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi là một nét đẹp trong văn hóa kinh doanh. Nếu khách hàng chưa hài lòng, họ sẽ không bao giờ quay trở lại. Do đó, những người tiểu thương phải đặt tâm lý mình vào khách hàng để hiểu và thông cảm với tâm trạng của người khách, nhất là trong trường hợp khách hàng cần đến mình. Bởi việc đối xử, phục vụ khách không chỉ là văn hóa mà còn liên quan đến đạo đức trong kinh doanh. “Những tiểu thương phục vụ tận tình, biết giúp đỡ khách hàng trong những lúc khó khăn sẽ được khách luôn nhớ và biết ơn”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, đa phần, những người kinh doanh “chê tiền” đều tập trung ở những tụ điểm làm ăn nhỏ, lẻ với những mặt hàng, dịch vụ có giá trị không lớn. “Trong cuộc sống quá ư vất vả, người kinh doanh có một phần ấm ức vì làm vất vả những chẳng kiếm được bao nhiêu lại không được dư luận xã hội tôn trọng nên nhiều người đã dễ dãi trong cách ứng xử”, bà Lan chia sẻ.
Bách Hợp – Xuân Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét