Pages

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Những bất ổn về nguồn nhân lực và hậu quả của giáo dục Việt Nam

(Tamnhin.net) - Một định nghĩa đơn giản là “ thị trường” là nơi đánh giá đúng giá trị của “hàng hóa, sản phẩm được đem ra trao đổi và sử dụng, như vậy đối với nguồn nhân lực hay gọi là “thị trường lao động” thì ở đây con người đã trở thành “hàng hóa“.



Thứ hàng hóa đặc biệt này hiển nhiên nó được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội từ lao động tri thức, lao động phổ thông đến các lĩnh vực văn hóa thể thao, vui chơi giải trí (giá trị của sản phẩm này) đều được đánh giá một cách thực tế và quy ra "tiền tệ" thể hiện bằng thu nhập cá nhân và thu nhập bình quân đầu người đối với một quốc gia. Nó cũng thể hiện được tính chất, bản chất và chất lượng của hệ thống cung cấp nguồn nhân lực đó là chất lượng (giáo dục và đào tạo của một quốc gia).

Điểm qua về nguồn nhân lực của Việt Nam

Có một nhận định trên thương trường quốc tế của các nhà đầu tư mà theo tôi nó rất "thật" và rất "buồn" đó là thị trường Việt Nam có thế mạnh và có thể thắng nếu đầu tư vì có “ nguồn nhân công rẻ mạt". Rồi chúng ta cũng ra sức lấy nó để kêu gọi các nhà đầu tư hãy "đầu tư vào Việt Nam”.

Tại sao lại phải lấy cái yếu kém ấy mà làm thành thế mạnh nhỉ? Mà trong lịch sử oai hùng của dân tộc thì trí tuệ và sức mạnh của người Việt Nam có đến mức ấy đâu? Có phải chăng chúng ta đã đánh giá chưa đúng về nguồn nhân lực của Việt Nam không hay vì một mục tiêu khác mà chúng ta đã quên đi một thứ rất quan trọng và tự hào về “Con người Việt Nam”.

Nhưng chúng ta cũng phải cần xem lại tại sao lại có sự bất cập ấy,nguyên nhân nào, hay nguồn nhân lực ở Việt Nam xuất phát từ đâu và đang ở trong tình trạng nào? Vì dân gian vẫn có câu “không có lửa thì làm sao có khói hay có bột thì mới gột nên hồ”.

Ai cũng biết nền kinh tế nước ta là kinh tế nông nghiệp, theo thống kê dân số của cả nước là hơn 85 triệu dân mà nông dân chiếm khoảng hơn 60 triệu người, như vậy chiếm khoảng từ 73 đến 75 % dân số của cả nước. Nói vậy, ắt là nguồn nhân lực của chúng ta có nguồn gốc từ nông dân rồi. Nhiều khi dân thành thị vẫn gọi là “dân nhà quê”. Nhưng thực tế nếu một nền giáo dục phát triển và có chất lượng thì người nhà quê hay nông dân đều là người Việt Nam và đều có trí tuệ và sức lao động sáng tạo không thua kém gì người thành thị cả, nhưng đặc thù ấy đã làm nên cái điểm mạnh thường quân để thế giới nhìn vào và nhận định để đầu tư?

Mặt khác, hiện nay chúng ta thấy đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, mỗi năm nhà nước thu hồi khoảng 72 nghìn ha đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, xây dựng đô thị mới mà đặc thù là theo quy hoạch treo và lợi ích nhóm dẫn đến người cày mất ruộng và nguồn nhân lực nông thôn lại có dịp thất nghiệp để sa vào tệ nạn xã hội, đến mức các cụ nhà ta phải nói rằng ”bao giờ cho đến ngày xưa”.

Vì nguồn nhân lực trong nông thôn không được khai thác, đào tạo, nên một bộ phận nhân dân ở nông thôn không có việc làm và tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" ở các doanh nghiệp hiện nay đang tăng nhanh và phổ biến (đó cũng là hậu quả của chế độ, phương thức,chất lượng của hệ thống giáo dục của ta còn nhiều bất cập như hiện nay chất lượng đào tạo ở nông thôn có thể nói chưa thể phổ cập cấp ba được vì “rất nhiều học sinh còn ngồi nhầm chỗ”.Kết luận đánh giá chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục thì mang nặng tính hình thức không thực chất.

Ở chương trình đào tạo cao hơn thì mang nặng yếu tố bằng cấp (ta phổ cập, nâng cấp hệ thống giáo dục đại học nhưng ta không chú ý đến "chất lượng" của nó do vậy ai vào trường rồi cũng ra trường và thế là cử nhân cứ như "cỏ dại" kiến thức học tập chẳng có thì làm sao đi vào thực tế lao động được. Người ta vẫn nói "nhiệt tình cộng với ngu dốt thành phá hoại, Hơn nữa, trong giáo dục lại tồn tại tình trạng "xôi chấm xôi", rồi tình trạng chưa hết cấp 3 đã học chương trình đại học, như vậy lấy đâu ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính sách đối với nguồn nhân lực đặc biệt là chu trình đào tạo chưa rõ ràng và không có quy chuẩn:

Nếu tính sinh viên đại học và cao đẳng trở lên được xem là trí thức, thì đội ngũ trí thức Việt Nam trong những năm gần đây tăng nhanh đột biến. Riêng sinh viên đại học và cao đẳng phát triển nhanh và chúng ta cũng thấy có đến mười mấy nghìn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; hàng chục ngàn giáo sư; phó giáo sư; hàng trăm ngàn thạc sĩ, cán bộ hoạt động khoa học và công nghệ; Đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài, hiệncũng có vài trăm nghìn người. Mà xét về số lượng trường đại học tăng nhanh khủng khiếp. Nó mọc ở khắp 63/64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với mật độ phổ cập đông nhất thế giới.

Vậy tại sao lại có nguồn nhân lực "rẻ mạt?

Phải chăng là chất lượng đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực quá kém, quá thấp mà chỉ phát triển theo chiều rộng không theo chiều sâu hay là do bệnh hình thức hoặc áp dụng chính sách của nền kinh tế tăng trưởng trên giấy kiểu “tăng trưởng là tăng nợ “ đối với cả nguồn nhân lực chăng?

Bên cạnh sự tăng nhanh từ nguồn nhân lực trí thức, công chức, viên chức đã dẫn ra trên đây, thấy rằng, ở Việt Nam hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực từ trí thức, công chức, viên chức còn quá yếu. Có người tính rằng, hiện vẫn còn khoảng 80% số công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan công quyền chưa hội đủ những tiêu chuẩn của một công chức, viên chức như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc. Theo ý kiến của một lãnh đạo bộ chuyên ngành cho rằng hiện nay “số lượng người tài vào làm công chức, viên chức, quản lý ở các cơ quan công quyền là rất hiếm có thể nói là không có “vì chế độ, chính sách và vì quan niệm,phương thức tuyển dụng, sử dụng lao động của hệ thống cơ quan này do vậy mới có chuyện “những nhà hoạch định ra chính sách rất “ưu tú“ mà người ta vẫn nói là ”thằng dốt vạch ra cho thằng giỏi thực hiện”! Thử hỏi hiệu quả của việc áp dụng những "tác phẩm" được gọi là chính sách hay văn bản này đến đâu nếu người sử dụng cho là không đủ " tầm" và cũng không "hợp lý".

Mặt khác chất lượng đào tạo quá thấp dẫn đến sinh viên ra trường không có nơi nhận vào làm, mà nếu nhận vào phải mất 1-2 năm đào tạo lại. Hơn nữa bằng cấp đào tạo ở Việt Nam chưa được thị trường lao động quốc tế thừa nhận thì đã đành nhưng đến nay ngay cả thị trường trong nước cũng "xem lại" việc đào tạo này thì quả là đáng báo động “không tự chủ được cả trên sân nhà “ giống như các sản phẩm hàng hóa khác thì thực sự nguồn nhân lực Việt Nam cần tái cơ cấu và tái sản xuất lại càng nhanh càng tốt.

Như vậy nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, trí thức (trong đó có công chức, viên chức) ở Việt Nam, nhìn chung, còn nhiều bất cập. Sự bất cập này đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế. Trong những năm đổi mới, kinh tế đất nước tuy có tăng từ 7,5 đến 8%, nhưng so với kinh tế thế giới thì ta còn thua kém nhiều.
Khi đánh giá thực trạng nguồn nhân lực ở Việt Nam ta thấy có những nét "rất riêng" vì nó có quy trình sản xuất cũng rất riêng như sau:

- Nguồn nhân lực ở Việt Nam rất lớn rất dồi dào nhưng chưa được “quy hoạch”, chưa được khai thác, với quy trình đào tạo hiện đại nửa vời, có thể nói một số đối tượng còn chưa được đào tạo.

- Chất lượng thấp, mâu thuẫn giữa lượng và chất cao dẫn đến khi sử dụng thì “thừa thầy thiếu thợ”

- Phát triển không đồng đều có yếu tố chia cắt và phân vùng kiểu hành chính, thiếu sự cộng lực và hợp tác, còn thiếu và rất yếu tính chất tham gia công việc nhóm hay tập thể.


Để có được những nhận định trên đây tôi thấy rằng thực tế vì chúng ta chưa đánh giá đúng thực chất nền tảng của sự phát triển kinh tế đất nước là gì ? Chúng ta vẫn tự hào "đất nước hình chữ S này là rừng vàng biển bạc”, mà không coi trọng đến yếu tố hay tài nguyên lớn và đáng tự hào nhất và có thế xây dựng, cải tạo và phát triển được đó là con người nguồn nhân lực Việt.

Chính vì vậy trước hết cần phải xác định rõ nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất của Việt Nam.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn và rừng vàng, biển bạc khai thác rồi sẽ hết nếu không nói là cạn kiệt thì ta cần phải lấy nguồn nhân lực làm tài nguyên thay thế, gọi là tài nguyên con người. Hãy xây dựng và đào tạo con người Việt với tâm hồn Việt và năng lực Việt để đem ra thị trường thế giới mà cạnh tranh (như người Nhật, người Hàn.. người ta đã làm trong suốt những năm qua).

Để có được điều ấy để bảo vệ và phát triển cũng như nâng cao chất chất lượng nguồn nhân lực thì trước hết cần nâng chất lượng cuộc sống. Chất lượng con người về sức khỏe của ngành y tế thể hiện khâu tạo nguồn tốt, rồi đến khâu chăm sóc có quy định và tiêu chuẩn, phải nuôi dưỡng về vật chất và tinh thần để con người sinh ra, bảo đảm cho họ có thể lực dồi dào, có trí tuệ minh mẫn, đó là chất lượng sống của trẻ thơ.

Mặt khác, cần làm rõ nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các nhà hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và giao nhiệm vụ ấy cho các cơ quan bộ ngành và có biện pháp giải quyết hiệu quả những vấn đề này nó có tính vừa cấp bách, vừa lâu dài, trong đó có vấn đề khai thác, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực thì cần phải chú trọng đến yếu tố “chất lượng” của sản phẩm đặc biệt này.

Đồng thời chúng ta cần có chính sách rõ ràng, minh bạch, đúng đắn đối với việc việc sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, hãy trọng dụng nhân tài, trọng dụng các nhà khoa học và chuyên gia thật sự có tài năng cống hiến cho đất nước chứ không phải là “tài giả” hay là sử dụng kiểu phong kiến vua chúa trước kia với chế độ “cha chuyền con nối” như câu ca dân gian “con vua thì tại làm vua, con sãi nhà chùa lại quét lá đa“. Vì rằng mục tiêu của chúng ta là định hướng phát triển đất nước hiện đại, tiên tiến và của toàn dân chứ không phải của một nhóm người như chế độ cũ.

Chúng ta phải giải quyết được vấn đề này một cách rõ ràng, thì nhân tài của đất nước sẽ lại tìm về tổ ấm vì “Quê hương là chùm khế ngọt”, chứ không phải là nhân tài như “lá mùa thu“ thời xưa nữa. Đồng thời phải thực hiện quét sạch những con người cơ hội, “ăn theo nói leo”, xu nịnh, bợ đỡ tồn tại trong các cơ quan công quyền.

Người dân Việt Nam rất nhạy cảm và tinh tế họ hiểu và biết được họ đang làm gì nhưng họ cũng rất cần một chính sách và đường lối để chỉ dẫn cho họ đường đi rõ ràng, minh bạch và vì dân vì đất nước nhất là giới tri thức.

Vấn đề cần bàn và cần làm ngay để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là phải định giá được chính giá trị của nó trên thực tế. Thể hiện được tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực của nước ta là nhiệm vụ hàng đầu của chính người dân (phải thể hiện được với thế giới rằng ta là người Việt Nam có tầm cao và trí tuệ Việt“. Vì ta được sinh ra trên đất Việt được sống, học tập, nghiên cứu bằng tiền và chất lượng đào tạo Việt. Khi nào ta thắng cả trên sân nhà và trên sân khách về chất lượng nguồn nhân lực thì ta mới nghĩ tới thành công.

Mới đây Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết có học có hơn, vì số người thất nghiệp hiện nay phần lớn là những người chỉ học hết trung học và không có tay nghề. Vì vậy các cơ quan chức năng phải có chính sách, biện pháp kết hợp thật tốt giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong tổng thể phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng có hiệu quả nguồn lao động có chất lượng cao,phục vụ cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Lấy chất lượng nguồn nhân lực là chất lượng của sản phẩm con người Việt chứ đừng lấy tăng trưởng theo số lượng “bằng cấp” làm mục tiêu và sử dụng.
Mai Huy

Không có nhận xét nào: