Pages

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

TQ ảnh hưởng chính trị VN tới đâu?

Tướng Nguyễn Chí Vịnh
Hoa Kỳ nói Tướng Nguyễn Chí Vịnh không
phải là người "dễ nắn gân"
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã có điện tín dài bốn trang đánh giá về ảnh hưởng của Trung Quốc tới chính trị nội bộ Việt Nam.

Điện tín đánh đi ngày 27/1/2010 được Wikileaks công bố cho thấy Đại sứ Michael Michalak dùng tới những từ như "móng dài" và "răng nhọn và sắc" của "gấu trúc", ám chỉ Trung Quốc.
 
BBC không có điều kiện để kiểm chứng toàn bộ các ý kiến nêu ra trong những điện tín ngoại giao của Mỹ bị rò rỉ qua Wikileaks nên chỉ có thể trình bày lại các nét chính để giới thiệu.

Điểm chung của nội dung này là Hoa Kỳ theo dõi rất kỹ các cuộc tranh luận nội bộ và biết đến nhiều nhân vật tại Việt Nam, từ quan chức quốc phòng, Đảng, giới nghiên cứu và đại biểu quốc hội.
Nhưng kết luận của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ về mức độ ảnh hưởng của Bắc Kinh lại khác xa so với những người chỉ trích Trung Quốc ở Việt Nam.
Điện tín nhận định các chỉ trích Trung Quốc đã tăng lên trong những tháng trước Đại hội 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam do sự phản đối việc Trung Quốc tham gia vào dự án bauxite cũng như lệnh "cấm đánh cá" mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra trên Biển Đông.
Đại sứ Michalak nói một số quan chức cao cấp của Việt Nam từng bị tố cáo thân Trung Quốc và đây là việc dán 'mác' nhiều khi có động cơ chính trị.
Phía Hoa Kỳ dẫn lời một nguồn tin khẳng định rằng Trung Quốc lợi dụng lòng tham của các đảng viên Đảng Cộng sản và tạo cơ hội để họ có thể thu lợi cá nhân.
Nguồn khác lại nói Trung Quốc lưu giữ hồ sơ của các "cán bộ đang lên" và ủng hộ những người có chung lý tưởng trong khi ngăn cản những ai làm mất lòng họ.
Trong khi đó đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Dũng, thành viên ủy ban hợp tác quốc hội Việt Nam - Trung Quốc, lại tỏ ra nghi ngờ ảnh hưởng của Bắc Kinh tới các vấn đề nhân sự.
Nhưng điện tín cũng nói ông Nguyễn Lân Dũng cho rằng các quan chức Việt Nam có thể "tự kiểm duyệt" khi biết dư luận chung nói Việt Nam chịu sức ép của Trung Quốc.
'Chiến đấu và chiến thắng'
Đại sứ quán ở Hà Nội dẫn lời một tổng biên tập báo và một giáo sư luật than phiền rằng Việt Nam chấp nhận đề nghị của các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Hà Nội, những người muốn Việt Nam sa thải các nhà báo viết bài chống Trung Quốc.
Một số blogs chính trị của Việt Nam, theo bức điện tín, cũng đổ lỗi cho Trung Quốc khi Việt Nam kết án blogger Điếu Cày, tức Nguyễn Văn Hải, về tội trốn thuế.
"Trung Quốc không thể bắt Việt Nam phải theo và công chúng Việt Nam cũng không làm như vậy được."
Đại sứ Michael Michalak
Các blogger nói vụ kết án ông Hải có động cơ chính trị và ông là người có quan điểm chống Trung Quốc và đã lập kế hoạch phân phát các áo phông khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Điện tín cũng dẫn nguồn tin nói với Thời báo Kinh tế Viễn đông rằng Tổng cục II, cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng và khi đó do Tướng Nguyễn Chí Vịnh điều hành, là "một trong những công cụ chính để Trung Quốc gây ảnh hưởng lên Việt Nam."
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói Tổng cục II có thể là nghi phạm vì cơ quan này từng dính tới vụ scandal "dạng Watergate" khi họ nghe lén các đối thủ trong Bộ Chính trị của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong thập niên 90 và bố vợ của ông Nguyễn Chí Vịnh, Tướng Đặng Vũ Chính, người cũng từng nắm Tổng cục II, bị cho là vu khống Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nhưng Đại sứ Michalak cũng nói Tướng Vịnh không phải là người mà Trung Quốc "dễ nắn gân".
Ông Michalak nhắc lại Tướng Vịnh từng nói thẳng về khả năng xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc và trong một cuộc gặp với quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, tướng Vịnh đưa ra một bức tranh về các ảnh hưởng "lành" của Trung Quốc.
Ông Vịnh nhấn mạnh rằng thành công về kinh tế của Trung Quốc tạo nhiều cơ hội cho Việt Nam và có thể đảm bảo ổn định trong khu vực.
Điện tín của Hoa Kỳ nói ông Vịnh không lảng tránh vấn đề Biển Đông. Ông tướng này bác bỏ tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc và nói Việt Nam "biết cách chiến đấu và chiến thắng".
Tướng Mã Hiểu Thiên của Trung Quốc từng phát biểu về quan hệ với Việt Nam
Lợi ích và mưu đồ
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói các cách tiếp cận giống nhau của Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề như bất đồng chính kiến phản ánh hệ thống chính trị, ý thức hệ giống nhau bên cạnh sự ám ảnh chung của hai bên về ổn định nội bộ và an toàn chế độ.
Điện tín trích lời Giáo sư Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, nói rằng Việt Nam là Trung Quốc là hai nước Cộng sản theo hướng tư bản ít ỏi trên thế giới và các nhà lãnh đạo hai nước có nhiều điểm chung.
Đại sứ Michalak cũng nhận định: "Trung Quốc không thể bắt Việt Nam phải theo và công chúng Việt Nam cũng không làm như vậy được."
Hoa Kỳ nói Đảng Cộng sản Việt Nam chọn làm theo Trung Quốc những gì có lợi cho họ, chẳng hạn như kìm hãm những tư tưởng chống chế độ được công chúng ủng hộ hay chỉ thay đổi tới mức mà quyền lợi của họ không bị ảnh hưởng.
Điện tín viết: "Vấn đề là ảnh hưởng của Trung Quốc ít tính trực tiếp hơn nhiều so với những gì các nhà chỉ trích nói và nó thường xuyên phản ánh qua lợi ích, mưu đồ và niềm kiêu hãnh.
"Việt Nam làm sao để có thể đối phó hiệu quả với Trung Quốc là đề tài gây chia rẽ nội bộ đáng kể, nhưng đây là cuộc thảo luận không đơn thuần chỉ là giữa phe thân và chống Trung Quốc.
"Thật dễ dàng khi chúng ta và cả những tiếng nói chỉ trích từ bên trong Việt Nam chỉ tay về phía Trung Quốc.
"Cuối cùng thì Việt Nam vẫn nhất quyết độc lập và chính họ phải chịu trách nhiệm về những thành công hay thất bại của [chính sách này]."

Không có nhận xét nào: