Mình rất phấn khởi khi Quỹ nghiên cứu Biển Đông công bố “Giải pháp đòi lại Hoàng Sa “. Thật tuyệt vời, lâu này cứ nói đi nói lại Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam, chưa có ai công khai đưa ra một giải pháp nào để đòi lại Hoàng Sa. Bây giờ đã có rồi, mừng quá là mừng, dù chỉ là những giải pháp đại cương.
Sở dĩ có giải pháp này là nhờ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ quyền Hoàng sa một cách rất chi là mạnh mẽ và thẳng thắn. Ông nói: “Chúng ta đã làm chủ thật sự ít nhất là từ thế kỷ 17. Chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ một quốc gia nào và chúng ta đã làm chủ trên thực tế.
Năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức chính quyền Việt Nam cộng hòa. Chính quyền Sài Gòn đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.”
Chuyện này thì ai cũng biết nhưng một trong những vị đứng đầu của Đảng lên tiếng khẳng khái được như vậy quả thật xưa nay hiếm. Mọi người hoan hô Thủ tướng, mình cũng hoan hô, nhưng phải hiểu rằng đó không phải ý chỉ của Thủ tướng, đó là ý chí của Đảng, cụ thể là BCT.
”Giải pháp đòi lại Hoàng Sa” của Quỹ nghiên cứu Biển Đông là để triển khai ý chỉ của Đảng, một việc làm rất kịp thời và thiệt thực, hoan hô Quỹ nghiên cứu Biển Đông!
Trong các giải pháp, có một giải pháp hết sức quan trọng, có thể nó giải pháp của mọi giải pháp, mà Quỹ nghiên cứu Biển Đông đã nêu, đó là: “Nhà nước cần phổ biến thông tin một cách sâu rộng trong toàn dân và kiều bào để có sự hậu thuẫn cao nhất cho sự nghiệp lớn này. Nhân dân ta thông hiểu đầy đủ thì mới gia tăng sức mạnh của ngoại giao nhân dân và tác động mạnh mẽ đến nhân dân Trung Quốc và Hoa kiều trên toàn thế giới. Chúng ta cần kêu gọi tập trung chứng cứ về Hoàng Sa, đồng thời đề nghị các học giả Việt Nam trong và ngoài nước cung cấp, phân tích và hệ thống hóa các chứng cứ này.”
Thực tế lâu nay ta đang chống lại giải pháp này. Tiếng nói của dân về chủ quyền Biển Đông bị hạn chế, bị cấm đoán, các cuộc hội thảo về Biển Đông không do Nhà nước tổ chức trước sau đều bị dẹp tiệm, ai mặc áo U-no bị coi như kẻ hâm, những người biểu tình đòi chủ quyền Hoàng Sa bị coi là phản động, họ bị xua đuổi, bắt bớ, bị đánh đập và sỉ nhục. Nếu coi lời Thủ tướng là chân lý, các giải pháp đã nêu là đúng đắn thì những việc làm trên là phản động, hết sức phản động.
Nếu bảo người ta lợi dụng việc biểu thị lòng yêu nước để làm những việc phương hại đến Nhà nước, đến chế độ thì hãy chỉ ra đi. Ai lợi dụng biểu tình để chống đối chế độ thì tóm cổ họ ngay đi. 17 cuộc biểu tình vừa qua không ai chỉ ra được một người nào là lợi dụng biểu tình để chống phá chế độ cả, thế thì tại sao vẫn cấm, vẫn bắt bớ người ta?
Đến nỗi sau tuyên bố của Thủ tướng, một số người háo hức ra Bờ Hồ biểu tình ủng hộ Thủ tướng, lập tức nhóm người này bị tóm lên xe bus đưa về trại phục hồi nhân phẩm, thật là quá đáng.
Mình đã nói mình rất không thích mấy món biểu tình lặt vặt, tất nhiên nếu người khác ưa thích, họ có nhu cầu thực sự làm việc đó thì mình tôn trọng. Nhà nước cũng nên tôn trọng họ, nếu như không muốn hoan nghênh cũng nên tôn trọng họ. Bởi vì chính họ, dù rất nhỏ nhoi, cũng là một nguồn dư luận rất quan trọng tác động đến nhân dân trung Quốc và thế giới. Một khi không chứng minh được họ lợi dụng biểu tình để chống chế độ thì hãy để cho họ làm, đó là thượng sách.
Nên nghĩ sâu hơn, chín hơn, đừng vì ” không quản được thì cấm” mà đẩy người ta từ chỗ yêu nước đến chỗ ghét bỏ chế độ. Chính việc làm nông nổi kể trên đã buộc người ta cho rằng chính quí vị nếu không phản động cũng cố tình làm mất mặt Thủ tướng, chứ không là ai khác. Thật đấy.
Đôi khi muốn gặp Thủ tướng để thưa với Thủ tướng một câu, nói bớ Thủ tướng, chớ có nuôi ong tay áo! Nhưng thôi, tầm như Thủ tướng tất biết nên phải làm gì, nên dùng ai cho hợp lẽ trời.
Rứa đo rứa đo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét