Pages

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Mẹ Việt nam Anh hùng như thế này sao?

http://image.qdnd.vn/Upload//phucthang/2011/2/21/21022011T21213853776.jpg

Đọc tin này, tôi nghĩ nhiều người sẽ phẫn nộ. Xây Tượng đài hơn 400 tỷ để làm gì? Tổ chức vinh danh các Mẹ Việt Nam anh hùng để làm gì? Những bài báo ca ngợi để làm gì?… Tất cả chỉ là sự giả dối, nếu như những việc như thế này còn hiện diện trên đất nước ta. Cũng qua những việc như thế này tiếp tục được đăng tải, được thông báo, chúng ta có quyền hỏi: Nhà nước này có thực sự là của Dân hay không? Vì Dân hay không ?
Xem xong tin này, mời các bạn đọc thêm truyện ngắn ” MẸ ” mà tôi sáng tác cũng nhân dịp đến thăm một bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng ở huyện Quế Sơn.
Trần Kỳ Trung

—————————————
ĐÂY! NƠI THỜ PHỤNG MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG
Di ảnh mẹ Việt Nam Anh hùng nằm trong chòi lạnh
31/10/2011 14:44:43
Bee.net: – Di ảnh mẹ Việt Nam Anh hùng Châu Thị Thứ (ở thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) được đặt trong một chiếc chòi nhỏ, trên chiếc khăn trải cũ kỹ và một bát nhang dường như đã lâu chưa có ai thắp.
Được biết, các con của mẹ Thứ đã hy sinh trong chiến tranh, mẹ được công nhận danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 2005. Giờ đây, khi mẹ nằm xuống, không một người thân, không một mái nhà cho mẹ yên nghỉ.
http://bee.net.vn/dataimages/201110/original/images792157_P1000357.JPG
Di ảnh mẹ Châu Thị Thứ đặt trong một chòi nhỏ dựng tạm trước sân một nhà hàng xóm.
Trưởng thôn Thạch Tân, ông Huỳnh Kim Ta cho biết, hiện mẹ Châu Thị Thứ còn có 2 người cháu họ xa, nhưng không ai muốn nhận thờ phụng mẹ Thứ vì nhiều lý do. Trong khi chính quyền thôn Thạch Tân có ý đề xuất đưa di ảnh mẹ Thứ đến chùa nhưng chưa được đồng ý.
Theo thống kê, xã Tam Thăng có 123 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 1994, xã Tam Thăng được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Bùi Hữu Cường
—————————–
Nguồn: Bee.net.
Bài đọc thêm:
Mẹ Việt Nam Anh hùng Châu Thị Thứ (ở thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) khi về cõi vĩnh hằng không có được một mái nhà yên nghỉ, không người khói hương. Nhìn di ảnh Mẹ đặt trong một cái chòi nhỏ, trên chiếc khăn trải cũ kỹ và một bát nhang dường như đã lâu chưa có ai thắp, lòng người xót xa đau đớn.
Xã Tam Thăng có 123 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 1994, xã Tam Thăng được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Lẽ nào một địa phương giàu truyền thống cách mạng lại để nơi thờ phụng Mẹ bơ vơ lạnh lẽo như thế ?
Lại nghĩ đến chuyện tỉnh Quảng Nam vừa qua định xây tượng đài Mẹ VNAH với kinh phí trên 400 tỉ đồng, nhưng do chưa được sự đồng thuận của dư luận nên đành tạm gác lại. Người ta chỉ biết nghĩ đến cái to tát, cái to tát mâu thuẫn với hiện thực đời thường như cái chòi nhầu nhĩ làm nơi đặt bàn thờ Mẹ VNAH đây.
Chao ôi, 400 tỉ để xây một đài tưởng niệm nguy nga, quý lắm thay. Nhưng sao một nơi thờ Mẹ chỉ bằng một phần nghìn, phần vạn số tiền đó, người ta lại thờ ơ, lạnh nhạt đến thế ? Biết trách ai đây ?
NỖI ĐAU
Nhìn ảnh Mẹ, quặn lòng đau
Cái chòi dựng tạm, nát nhàu nắng mưa
Con cái Mẹ chắc không ngờ
Nơi thờ phụng Mẹ lại xác xơ thế này ?
Chính quyền sao chẳng ai hay
Họ hàng để Mẹ thế này, sao yên ?
Phải đâu hết bạc, thiếu tiền
Cái tình cái nghĩa lụi quên mất rồi ?
Nhân tình thế thái, Mẹ ơi !
01-11-2011
Nguyễn Duy Xuân
—————–
nguon : nguyenxuandien
MẸ
truyện ngắn
Nó uống xong hớp bia, đặt chiếc ly xuống bàn, rồi nhìn tôi cười sằng sặc, mặc cho quanh mép miệng đầy bọt bia, nó không thèm lau. Mãi sau dứt tiếng cười, nó mới nói:
- Quả thực người dân nước mình đại lạc hậu, lạc hậu không thể tưởng, họ chẳng biết cái gì cả, họ cũng không phân biệt được thời hiện đại hay thời quá khứ, chán mớ đời. Cứ nghĩ lại chuyện vừa rồi, cả bọn chúng tôi không nín được cười.
- Thì ông cứ bình tĩnh kể lại cho tôi nghe, chứ ông vừa uống, vừa cười thế kia tôi chẳng biết ông định kể chuyện gì ?
Thằng bạn tôi, làm Trợ lý cho Tổng giám đốc công ty P… Nó vừa đưa một bà mẹ Việt Nam anh hùng xuống tham thành phố. Xong mọi việc nó kéo tôi đi nhậu, vào cuộc nhậu nó kể lại chuyện vừa rồi chẳng ra đầu, ra đũa làm tôi bực mình. Tôi cũng thừa biết, Công ty P… của thằng bạn tôi đang bị Thanh tra ” sờ gáy”. Lão Tổng… mà nó là trợ lý đang bị báo chí “săm soi”.Vẽ ra cái chuyện ” Đến thăm và đưa bà mẹ Việt Nam anh hùng xuống tham quan thành phố ” chẳng qua để đánh bóng tên tuổi, hoặc nữa, để có cái mà ” gỡ tội ” nếu bị đưa ra toà. Thằng này, tôi biết, nó lắm trò ma mãnh lắm! Nhưng được một điều… nó thân với tôi, đám nhậu nào, nó cũng rủ tôi đi để có bạn bù khú. Có tý bia vào, với riêng tôi, bao nhiêu chuyện ở cơ quan nó kể cho tôi nghe hết. Tôi nghe chuyện của nó ” bụng bảo dạ” nghe đâu, để đấy, chủ yếu là để ” nhậu” nhờ!
Nó lại kể tiếp câu chuyện với tôi.
- …Cũng lạ ông ạ! Té ra ở nước mình có nhiều bà già, đến gần ba chục năm, sau giải phóng đến giờ chưa bao giờ xuống phố, cái gì cũng không biết…
Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, thằng bạn gật đầu như khẳng định.
- Điều tôi nói vói ông chính xác một trăm phần trăm. Chẳng thế mấy ông chính quyền xã, khi biết chúng tôi đến thăm bà già này, họ nói : ” Bà ấy là bà già đại gàn, rất lạc hậu! Chúng tôi khổ với bà ấy rất nhiều, tính tình điên điên, khùng khùng. Từ hồi giải phóng đến giờ bà ấy chẳng đi đâu nên không biết cái chi hết, cái gì cũng so sánh với ngày xưa. Việc chúng tôi làm mà bà ấy dám so sánh với thời ngụy…” – Nói xong nó lại cười, rồi kể tiếp -Qua tiếp xúc với bà ấy, tôi thấy đúng ông ạ! Bà ấy chẳng biết mô tê, răng rứa chi cả… Đại loại thế này, thấy tôi đứng nói chuyện với mấy ông trưởng thôn, cán bộ xã, bà ấy đã rỉ tai tôi:” Con đừng nói chuyện với mấy thằng đó, chúng nó ăn chặn tiền nhà nước chia cho dân ăn tết, truy thu thuế dân nghèo còn ác còn hơn mấy thằng ác ôn ngày xưa đi truy lùng cán bộ đằng mình…” mấy ông cán bộ thôn, xã nghe bà ấy nói thế giật mình : ” Đấy ! Đấy, bà ấy lại nói bậy! Tôi nói với anh, không vì bà ta có ba con với một cháu nội là liệt sỹ được Đảng, nhà nước mình phong “Bà mẹ Việt Nam anh hùng ” thì chúng tôi cho dân quân gô cổ lại. Ăn nói không khác chi quân phản động!”. ” nhưng đó chỉ là một chuyện, bà này còn nhiều chuyện khác, buồn cười lắm, để tôi kể ông nghe.
Nốc thêm một ly bia, nó lại kể tiếp.
- Khi đưa bà ta xuống phố, thấy tàu xe nhộn nhịp, người chen lấn, tiếng chửi nhau, tiếng va quệt… bà ấy ngơ ngác, gần như không hiểu điều gì đang xảy ra trước mắt mình. Trên xe, có mười hai chỗ ngồi, nhét vào thành mười sáu người, toàn thanh niên như tôi với ông, nhân chuyện gọi là ” Đón mẹ Việt Nam anh hùng ” xuống phố, đi cho sướng, cả bọn cứ nói chuyện oang oang, cươì hết cỡ. Không ngờ, đến một ngã tư, bị công an ” toét ” còi bắt dừng lại. Viên công an chào nghiêm chỉnh người lái xe, yêu cầu xuống xe xuất trình giấy tờ. Biết mình phạm luật, trên xe chở quá số người quy định, người lái xe cơ quan bước xuống nhăn nhở cười, rút trong túi ra tờ một trăm ngàn đồng kẹp vào trong sổ Kiểm định xe đưa cho viên công an. Viên công an giở sổ kiểm định ra, cất nhanh tờ một trăm ngàn đồng vào túi, nói qua loa rồi cho chúng tôi đi. Người lái xe lên xe quay lại nói với chúng tôi: ” Cứ có tiền là xong hết “. Bà già nghe vậy liền so sánh, buồn cười thiệt: ” Giống y như hồi chống Mỹ, Má đưa tài liệu vào nội thành, gặp mấy thằng cảnh sát, chúng nó đòi lục ghe chở dưa hấu của Má, trong đó có dấu tài liệu. Má gọi nhỏ thằng chỉ huy ra, nói lục ghe sẽ hỏng dưa, Má đưa cho ít tiền mà tiêu. Bọn nó nhận tiền rồi cho ghe của Má đi, giống y chang như bây chừ . Lạ hè ! Lạ hè .” . Bà ta cứ nhắc đi, nhắc lại câu nói đó. Tôi phải giải thích: ” Đây là công an đằng mình, chứ không phải cảnh sát ngụy ngày xưa đâu, họ tốt lắm, Má ơi”. Nói đến thế mà hình như … nét mặt bà ấy vẫn còn ngơ ngác như chưa hiểu !??
Thằng bạn tôi nói dứt câu, rồi uống tiếp một cốc bia. Lần này nó lấy tay chùi miệng, kể tiếp câu chuyện đón bà mẹ Việt Nam anh hùng, cho tôi nghe.
-…Chuyện ấy cũng không buồn cười bằng chuyện sau. Buổi tối đi tham quan thành phố xong, bọn tôi đưa bà ấy về khách sạn nghỉ. Ở khách sạn hiện đại nhé, trong phòng có điều hoà, quạt máy, bình nước nóng, chúng tôi còn đưa thức ăn thật ngon lên phòng phục vụ tại chỗ cho bà ta. Thương mẹ Việt Nam anh hùng đến thế còn gì !
- Nhưng các ông phải có người ở với mẹ trong phòng chứ! – tôi hỏi
Thằng bạn tôi nghe tôi hỏi vậy, lắc đầu quầy quậy:
- Tôi hỏi ông, được một tối tự do, không có ai đi kèm, tiền ” chùa ” của cơ quan, chúng tôi phải ăn chơi xả láng, ai chịu ở chung phòng với bà ta, mà ở chung với một bà già thì có chuyện gì để nói. Chúng tôi giao tất cả cho bọn nhân viên khách sạn. ” Bà ấy yêu cầu gì, khách sạn cứ đáp ứng, Công ty sẽ thanh toán…”. Chúng tôi nói với bọn lễ tân khách sạn như vậy. Bọn lễ tân khách sạn nghe thấy vậy, sướng rơn, dạ vâng rối rít, thực hiện ngay yêu cầu của chúng tôi. Thằng tổ trưởng tổ lễ tân khách sạn lập tức cho hai, ba đứa thanh niên đội mũ lưỡi trai, áo bỏ trong quần, đeo ca vạt khiêng bà già lên phòng. Mới đầu bà già quẫy đạp không chịu, hét toáng lên: ” Tôi có làm gì đâu, chỉ đi tham quan mà tại sao mấy người lại bắt bớ tôi.” Bọn tôi buồn cười quá, mà không dám cười, lại phải giải thích một hồi, bà ấy mới coi như …hiểu. Mà cũng chẳng biết bà ấy có hiểu không !?? Rồi chúng tôi đang ngồi nhậu dưới nhà hàng thì một con nhân viên khách sạn chạy đến, nói hớt hải :” Các anh ơi, chúng em bê thức ăn vào phòng của Mẹ, Mẹ không chịu ăn, mấy món ăn này, Mẹ nói, không quen. Mẹ cứ đòi có rau lang luộc chấm với mắm cái. Cái đó khách sạn bọn em lấy đâu ra…”. Chúng tôi đang lúng túng về sự đòi hỏi oái ăm này của bà già, thì con nhân viên khách sạn lại nói tiếp :” Mẹ nói với tụi em:” Nhìn mấy món các con đưa vào Má sợ lắm, nó y như những món ăn của mấy thằng quân cảnh hồi còn thằng Mỹ ở đây. Chúng nó đưa vào phòng giam dụ Má ăn để chiêu hồi, khai ra cán bộ đằng mình…Thôi đi, các con, Má không ăn được. Bê ra ngoài hộ Má”. Chúng em lại phải bê mấy món ăn đó ra. Giờ làm thế nào đây, các anh ?”.
Đúng là một bà già lẩm cẩm, làm khổ chúng tôi. Ngay tối đó, một thằng trong bọn phải về nhà tìm rau lang luộc cho bà già. Khi đưa đĩa rau lang luộc đến lại xảy ra một chuỵện nữa. Bà ấy không chịu ở trong phòng lạnh, cứ đòi ra ngoài nằm ở hành lang. Bà ấy nói: ” Má muốn xuống phố, gặp anh em đằng mình, xem thành phố mình thay đổi như thế nào ? Các con không đưa má đi, lại nhốt Má vào một cái hầm giam lạnh lẽo, không bóng người như thế này. Các con ơi! Má có tội tình chi đâu?.”.Bọn tôi phải giải thích ông ạ ! Nào đây là khách sạn năm sao, chứ không phải phòng giam. Không khí lạnh ở trong phòng là do máy điều hoà sản sinh ra để giữ sức khoẻ. Trong phòng không có người, trông vắng vẻ thế chứ bên ngoài rất đông, Má cứ gọi hoặc bấm chuông khắc có ngươì đến nói chuyện với Má.”.Tôi nói đến như vậy, bà ta vẫn không hiểu, lại còn nói với tôi:
- Má tiếc lắm !
- Má tiếc điều chi.
- Má không còn sức khoẻ, để sinh con.
- ” Má nói chi mà lạ vậy ?”. Nghe bà ấy nói như thế, tôi ngạc nhiên.
- Để mấy đứa con của Má lớn lên tiếp tục hoạt động cách mạng. Má thấy hình như đất nước mình vẫn chưa giải phóng.
” Ông nghe bà ấy nói vậy có buồn cười không ?”- Thằng bạn tôi nói xong câu nói đó, nó lại cười ngặt nghẽo.
HẾT

Không có nhận xét nào: