Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011-11-09
Nhiều vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam thừa nhận tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm, lâu nay ăn sâu tận cội rễ, vì xuất hiện từ bộ ngành trung ương đến cấp xã ấp.Tham nhũng tràn lan
Qua báo chí người ta được biết đã có những món tiền thất thoát khổng lồ hàng tỷ đô la, như vụ án Vinashin chẳng hạn; bên cạnh đó là thói tham nhũng vặt, đang diễn ra khắp nơi, khắp chốn. Hầu như ai ai cũng chống, cũng chê tình hình nhũng lạm đó, nhưng trong thực tế phải chấp nhận, thỏa hiệp, vì không cách nào dứt điểm được.Nạn tham nhũng lặt vặt được báo chí gọi là chi phí bôi trơn, tiền lót tay, lại quả, văn hóa phong bì. Mới đây, tờ Pháp Luật thành phố có bài viết mang tựa đề “Tham nhũng vặt: ai cũng ghét, nhưng phải thỏa hiệp” đồng thời ghi lại một vài mẫu chuyện thường ngày, có thật mà người dân phải chịu đựng hay chứng kiến.
Một nhân chứng kể lại với nhà báo là muốn nhanh chóng có phòng điều trị cho người thân, chị phải lo “trà nước” số tiền 150 ngàn đồng cho nhân viên phụ trách, nếu không “biết điều” thì đành phải xếp hàng, chầu chực.
Vẫn theo báo Pháp Luật thành phố thì muốn y tá tiêm thuốc nhẹ tay, người bệnh cũng cần dúi cho họ 40 ngàn đồng, cần thay tấm gạc mới, sạch sẽ, phải dúi thêm 20 ngàn đồng. Trước khi bệnh nhân được đưa lên bàn mổ, người nhà phải lót tay gần 2 triệu đồng cho các y, bác sĩ chuyên lo ca giải phẫu. Tính ra, sau vụ mổ khẩn cấp đó, gia đình người bệnh phải nộp cho y viện trên 3 triệu đồng, nhưng tiền “trà nước” chỗ này, chỗ kia, tốn hết hơn 6 triệu đồng.
Ông Nam, một bệnh nhân ở Gia Định, từng nhiều lần trải qua những ca mổ lớn nhỏ, kể lại về cung cách làm việc của các nhân viên y tế:
Trước mắt thì tham nhũng vẫn tràn lan, đâu đâu cũng vậy, tuy không công khai, nhưng nếu mình có một phong bì, dúi tiền vào đó, thì rõ ràng là được các y tá chăm sóc tốt hơn.“Chuyện tham nhũng thì báo chí Việt Nam đều công nhận là có, hiện giờ đang phát động chiến dịch không lo phong bì cho các nhân viên ở bệnh viện, bác sĩ, y tá. Đang tổ chức hội thảo và những phong trào không dùng phong bì như vậy, sự việc đó có thật và nhà nước đang tìm cách chấn chỉnh. Công khai thì tham nhũng có thật, nhưng người ta cũng nói rằng cần phải tạo nên phong trào khuyến khích nhân viên bệnh viện không nhận thù lao, bao thơ gì hết.
Ông Nam, một bệnh nhân
Trước mắt thì tham nhũng vẫn tràn lan, đâu đâu cũng vậy, tuy không công khai, nhưng nếu mình có một phong bì, dúi tiền vào đó, thì rõ ràng là được các y tá chăm sóc tốt hơn. Còn đối với bác sĩ, những ca bệnh nặng cần phẩu thuật thì chuyện phong bì cũng có xẩy ra, đưa tiền trước cho bác sĩ thì sẽ được mổ tốt hơn. Ngoài ra trong các dịch vụ mổ, bây giờ phải xếp hàng chờ đợi dài quá, mình cần mổ gấp, để được lên lịch mổ trước, thì phải có gì đó đối với người xếp lịch, sẽ được ưu tiên lên trước.
Ở Việt Nam bây giờ chuyện bôi trơn ở ngành nào cũng có, không riêng gì ngành y tế, xã hội, giáo dục cũng vậy. Như ngành giao thông, các xe tải khi trên đường, gặp cảnh sát giao thông, phải có phong bì, lót tay thì mới đi tiếp được, nếu không sẽ gặp trở ngại rất nhiều. Đây là thông tin chính thống, nhà chức trách Việt Nam cũng công nhận một cách gián tiếp là có tham nhũng trên mọi lãnh vực.”
Ý thức người dân
Về vấn đề tham nhũng trong nhà trường, giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trường trung học dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội trình bày quan điểm của ông về chuyện phụ huynh hay tặng quà cho các thầy cô, được dư luận gọi là “văn hóa phong bì” trong ngành giáo dục:“Đúng là hiện tượng phong bì không những chỉ trong ngành giáo dục mà cũng có ở các ngành khác nói chung. Tôi nghĩ là trong giáo dục, trước hết chúng ta nên thanh toán điều đó, phải công nhận rằng tình cảm của phụ huynh đối với thầy giáo khi đưa một món quà, nhân dịp Tết hay ngày 20 tháng 11, thì chúng ta rất tôn trọng vì thể hiện tấm lòng, dùng bông hoa hay món quà gì, nhỏ thôi, điều đó thì mình không khắt khe gì. Người ta đưa đến để chứng tỏ tấm lòng của phụ huynh và học sinh, chứ không phải để xin xỏ điều gì, cái đó là được. Nhưng với động cơ không tốt, đưa phong bì, đưa tiền, với số tiền khá lớn, thì chắc chắn là nhằm mục đích khác.”
Vẫn theo báo chí thì sở dĩ có nạn tham nhũng vặt là vì cán bộ, công chức, không sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của mình theo đúng quy định, khiến người dân phải tự hiểu, phải “biết điều” và xử sự sao cho “đẹp lòng” các công bộc của dân, để công việc được êm thắm.
Theo báo Pháp Luật thành phố thì 59% doanh nghiệp được hỏi xác nhận là họ phải mất chi phí bôi trơn trong chuyện thương lượng với cán bộ thuế vụ, quản lý thị trường, thì công việc làm ăn mới suôn sẻ.
Từ Saigon, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nói lên suy nghĩ của ông về kết quả thăm dò đó, mà ông cho là không phù hợp với thực tế, tuy nhiên ông tin rằng còn có phương cách giải quyết :
“Trong những bài tôi viết nói về cải cách hành chánh trước đây, tôi cho rằng, đất nước Việt Nam mà muốn phát triển thì phải cần có cố gắng từ phía chánh phủ, doanh nghiệp, người dân, cùng biến nền kinh tế nước mình thành một nền kinh tế có chi phí thấp, giúp cho doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt hơn.
Các chính sách lớn như về thuế, về tín dụng, lãi suất thấp, kể cả những chi phí tiêu cực, liên quan đến bộ máy hành chánh cũng liên quan rất nhiều đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đứng trên góc độ kinh tế, một nước muốn phát triển, thì phải tạo một môi trường kinh doanh, trong đó doanh nghiệp được hưởng những chi phí giảm hơn các đối tác của họ ở những nước khác về mặt thuế suất.”
Mặt khác theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Hỗ Trợ Cộng đồng, thì khi đặt câu hỏi với trên 1200 thanh niên ở các tỉnh và thành phố, đã có từ 30% đến 50% cho biết sẵn sàng tham nhũng hoặc hối lộ, nếu mang lại được lợi ích cho bản thân mình.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho đây là một dấu hiệu đáng ngại, nếu quả thật số liệu ấy phản ánh đúng thực trạng xã hội hiện giờ:
“Mình không dám tin điều đó là sự thật, văn hóa của mình chẳng lẻ lại suy đồi như vậy hay sao? Nếu đó là một kết quả thăm dò thì tôi nghỉ đó là hiện tượng mà người ta xem như việc đưa hối lộ hay nhận hối lộ, để dành lấy cơ hội tốt hơn người khác, không có điều kiện làm vậy. Đây là vấn đề khá nghiêm trọng của nền kinh tế Việt Nam, nếu thật sự như thế thì rất đáng buồn.”
Tuy nhiên, ông vẫn tin rằng những hiện tượng tiêu cực ấy sẽ được chấn chỉnh, nếu lãnh đạo nhận thức được sự suy đồi đó:
“Chúng ta đều có quan tâm sâu sắc, đối với những vấn đề có ảnh hưởng không tốt, tuy nhiên mình cũng khó có một sự cải thiện gì. Với tư cách nhà báo thì có thể nêu những điều đó lên, để lãnh đạo quốc gia có đối sách như thế nào để xây dựng bộ máy hành chánh tốt, để có nền văn hóa, giáo dục tốt đẹp hơn.”
Theo người dân trong nước thì tham nhũng vặt chỉ mới là phần nổi của tảng băng mà thôi. Phần chìm chính ở cơ cấu các cấp định hình suốt lâu nay trong xã hội dưới chế độ hiện hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét