Pages

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Thị Trường Chứng Khoán VN Kể Như Đã ‘Chết Lâm Sàng’

Thị Trường Chứng Khoán VN Kể Như Đã ‘Chết Lâm Sàng’; Thị trường Bất Động Sản biến ngân hàng và toàn bộ kinh tế thành con tin

HANOI (VB) -- Thị Trường Chứng Khoán Việt Nam kể như đã chết lâm sàng, và kinh tế Việt Nam đang bắt đầu “một thập niên mất mát” để liên tục suy trầm -- đó là nói theo bản phân tích của Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng trên báo doanh nghiệp VEF.vn hôm Chủ Nhật 20-11-2011.
Trong khi đó, bản tin trên báo Đại Đoàn Kết nói rằng sàn Thị Trường Chứng Khoán VN ngaỳ càng vắng giao dịch, và các công ty chứng khoán liên tục cho nhân viên nghỉ việc hay chuyển sang từ quy chế nhân viên sang quy chế cộng tác viên.
Bài viết của Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng trên VEF có nhan đề “Trả giá vì đầu cơ” trong đó nêu nguyên nhân qua lời nhận xét của một chuyên gia là, “thị trường Bất Động Sản đang biến các ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế thành con tin.”
Tác giả Phạm Chí Dũng giải thích về nguyên do “đầu cơ” là độc đáo của kinh tế VN và TQ, đã sinh ra siêu lợi nhận, và bây giờ kinh tế cả nước phaỉ trả giá bằng suy trầm.
Tác giả nhận xét, trích:
“...dần dà các nhà đầu tư và nghiên cứu nước ngoài cũng hiểu ra một bí quyết tối quan trọng: thị trường càng thiếu minh bạch thì lại càng dễ đầu cơ. Mà đầu cơ lại là gốc rễ của tư bản, của siêu lợi nhuận. Phần lớn các thị trường mang tính đại chúng ở Việt Nam, trừ thị trường ngoại tệ thường dao động ngang và một số thị trường hàng hóa đặc thù, đã luôn đạt đến điểm mơ uớc về siêu lợi nhuận trong đầu cơ như thế.

Sẽ là "Thập kỷ mất mát" của Việt Nam?
Thế nhưng cũng không khác gì quy luật tăng trưởng - suy thoái trong đầu cơ quốc tế, sự vận hành của nền kinh tế đầu cơ ở Việt Nam cũng mang tính chu kỳ với hệ quả tất yếu phải xảy ra. 20 năm qua có lẽ đã đủ cho một chu kỳ tăng trưởng, đủ để hoạt động đầu cơ ở nước ta phải gánh chịu những hậu quả do chính nó gây ra.
Cuộc khủng hoảng năm 2008 chắc chắn mới chỉ là bước dạo đầu của "Thời kỳ mất mát". Vào năm 2009, khi các TTCK và thị trường BĐS ở Việt Nam phục hồi phần nào, một số chuyên gia đã vội vã cho đó là hình dạng hồi phục chữ V của nền kinh tế Việt Nam.
Nhưng thực ra đã chẳng có chữ V nào hết. Nền kinh tế phải cần đến gói kích cầu khoảng 8 tỷ USD mới gượng dậy được đôi chút. Nếu như gói kích cầu đó đủ mạnh và có đủ ý nghĩa như những người có trách nhiệm thường tuyên bố, hẳn là tình hình kinh tế hiện nay đã không đến nỗi quá bĩ cực.
Trong khi GDP giảm sút một cách chắc chắn, lạm phát lại giương oai diễu võ đầy tự tin, còn tất cả các thị trường đều đổ dốc. Ngoại trừ thị trường vàng vẫn còn giữ giá cao nhưng thanh khoản lại sụt giảm đến mức báo động, ẩn dụ được dành cho thị trường BĐS và TTCK là "chết lâm sàng".
Đó là hình ảnh gì vậy? Có lẽ đúng như nhà kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, lấy mốc từ năm 1991, chưa bao giờ tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta lại xấu như hiện nay. Không thể nói khác hơn là một cuộc suy thoái đang trở lại. Hoặc chính xác hơn, đây là một cuộc khủng hoảng được dạo nhịp đầu tiên của nó.
IMF đang cảnh báo nước Mỹ có thể rơi vào một "thập kỷ mất mát" như người Nhật đã từng bị như thế vào những năm 80 của thế kỷ trước. Còn ở Việt Nam, có lẽ chúng ta nên thận trọng hơn, tuy vẫn phải nghĩ đến "Thời kỳ mất mát", một thời kỳ mà có thể kéo dài nhiều năm. Thực tế cho đến nay, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tạo nên cơn dư chấn ở Việt Nam dài đến 4 năm. Nhưng ngay tại thời điểm này, ai cũng nhận ra rằng 4 năm chưa phải đoạn kết của bộ phim. Trong khi, 4 năm tiếp theo với tình thế khó khăn, hoặc còn lâu hơn thế, là một khả năng "trong tầm tay". Khi đó, "Thập kỷ mất mát" có thể ứng nghiệm với trường hợp Việt Nam.”...”(hết trích)
Bản tin nhan đề “Chứng khoán thời... "của nợ"...” trên báo Đại Đoàn Kết ngày 19-11-2011 ghi nhận về thị trường chứng khoán VN:
“...Công ty chứng khoán cũng... nằm thở
Sàn vắng ngắt vài tuần gần đây là điểm chung của không ít công ty chứng khoán. Một môi giới của công ty chứng khoán T cho biết số người lên sàn ngày càng thưa thớt, một phần vì đã có giao dịch qua mạng, một phần vì thị trường ảm đạm quá, lên sàn càng buồn thêm. Cắt giảm nhân sự hóa ra lại là hoạt động quan trọng nhất của công ty chứng khoán trong thời điểm này...
...Rốt cục sự thanh lọc của thị trường đã khiến không ít môi giới rơi vào cảnh nợ đầm đìa, thậm chí có người còn xin chuyển công tác vào địa bàn khác để "trốn nợ”. Số liệu quý 3 vừa qua cho thấy, hầu hết các công ty chứng khoán có quy mô lớn đều có sự co hẹp nhất định, cả về mạng lưới lẫn nhân viên. Ngay cả những công ty như SSI số nhân viên cũng giảm hơn 100 người so với thời điểm cuối năm ngoái.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán còn cho biết sẽ sắp xếp lại nhân sự theo hướng chuyển thành cộng tác viên. Môi giới sẽ không còn nằm trong hệ thống nhân sự cứng nữa mà ăn theo doanh số. Tìm được nhiều khách thì có thu nhập, không có thì... nằm im.”

Không có nhận xét nào: