Việt-Long, RFA
Tình trạng giết hại thường dân ở thành phố Homs của Syria trở nên đặc biệt trầm trọng từ hôm chủ nhật và thứ hai, sau khi ít nhất trên 6 ngàn người đã thiệt mạng trên khắp nước Syria từ đó đến nay. Liệu quốc tế có khiến bàn tay sắt Al-Assad lui bước?
Lội ngược dòng
Hôm thứ ba lúc xe tăng tiến vào Homs cũng là lúc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov làm việc tại Syria và bênh vực chính phủ al-Assad sau khi Moscow và Bắc Kinh phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo An. Vì sao Nga và Trung Quốc đi ngược lại ý nguyện của cả phương Tây và khối Á Rập khi phủ quyết dự thảo đó?- Với Nga, Syria là đồng minh Á Rập duy nhất còn lại tại Trung đông. Nga là nước cung cấp vũ khí chính của Syria, và Nga còn có một căn cứ hải quân chiến lược tại Syria ở thành phố cảng Tartous nhìn ra Địa Trung Hải, cho nên Nga buộc lòng phải bênh vực al-Assad bằng mọi giá.
Trung Quốc thì không muốn Syria rơi vào vùng ảnh hưởng của phương Tây nếu chính quyền Al Assad sụp đổ nhờ sự can thiệp chính trị của phương Tây cùng các nước Á Rập thân phương Tây. Còn một điểm chính nữa, là hai nước này không muốn phương Tây một lần nữa lại dùng Liên Hiệp Quốc để lật đổ một chế độ đồng minh của họ như đã từng làm.
Lập trường của khối Á Rập
Sáu nước vùng Vịnh Ba Tư trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đã ra thông cáo cho biết họ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria. Đó phải chăng là lập trường của các nước Á Rập đối với Syria?- Nói đến các nước Á Rập thì Hội nghị 21 quốc gia trong Liên Đoàn Á Rập vào tuần tới sẽ cho ta thấy rõ nét hơn. 6 nước Hội đồng vùng Vịnh đã thúc giục hội nghị này đề ra những biện pháp mạnh để giải quyết cuộc leo thang nguy hiểm của chính quyền Al Assad.
Liên Đoàn Á Rập gồm 22 quốc gia Hồi giáo kể cả Syria, nhưng Syria bị tạm thời trục xuất hồi tháng 11 năm ngoái vì hành động đàn áp dân chúng. Hôm thứ hai Tổng thư ký Liên Đoàn Á Rập Nabil Elaraby tuyên bố rằng hành động của Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo của Hội đồng Bảo An đã khiến hai nước này mất tín nhiệm đối với thế giới Á Rập.
Khi được hỏi về hành động của Nga tại Syria, ông nói nước Nga đang trì hoãn cho Syria bằng cách khuyến dụ Al Assad nhượng bộ một số điểm và giảm bớt cuộc tàn sát. Từ những quan điểm như vậy có thể được hiểu là Hội nghị tuần tới của Liên Đoàn Á Rập sẽ thúc giục, hay nói đúng hơn là thúc bách Tổng thống al Assad sớm thực hiện kế hoạch chuyển giao quyền hành để tổ chức bầu cử như Liên Đoàn Á Rập đề nghị.
Al-Assad nhượng bộ?
Nhưng liệu ông al-Assad có nhượng bộ trước áp lực của khối Á Rập hay không, và nếu không thì sao?- Có ý kiến cho rằng có nhiều khả năng ông al-Assad không nhượng bộ, vì đang có sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc. Mới hôm thứ tư Ngoại trưởng Nga còn nói việc của Syria phải để cho người Syria quyết định.
Ông Lavrov kêu gọi các nước có ảnh hưởng với phe chống đối ở Syria hãy khuyên phe này ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ, cho biết ông al-Assad chỉ định phó Tổng thống sẵn sàng nói chuyện với phe chống đối. Trong khi đó thì Damascus tấn công mãnh liệt để làm giảm sức mạnh của lực lượng chống đối trên bàn đàm phán, nếu có sự thương thảo.
Thủ tướng Vladimir Putin cũng phụ hoạ rằng sự can thiệp của nước ngoài vào Syria chẳng khác nào thả con bò vào trong tiệm đồ sứ Trung Hoa. Điều đó chứng tỏ Moscow không bỏ rơi al-Assad.
Trong khi đó nghị sĩ John McCain của Mỹ kêu gọi Washington nên nghiên cứu việc võ trang cho phe chống đối. Và ở Hoa Kỳ người ta đã lo ngại rằng tình hình Syria sẽ biến thành cuộc chiến tranh uỷ nhiệm giữa một bên là phương Tây cùng đa số quốc gia trong khối Á Rập, bên kia là Nga với Iran.
- Tuy nhiên có ý kiến lạc quan hơn, hy vọng không xảy ra chiến tranh. Chính quyền Obama nói là sẽ không có chuyện Hoa Kỳ dùng giải pháp quân sự ở Syria hay võ trang cho phe chống đối mà phải tìm cách khác để chấm dứt cuộc bạo động.
Washington vẫn còn hy vọng biện pháp cấm vận và bao vây kinh tế có thể khiến al-Assad phải nhượng bộ, song song với kế hoạch hỗ trợ và thúc đẩy khối Á Rập gây áp lực chính trị buộc ông này phải trao quyền cho phó Tổng thống để xứ Syria chuyển mình sang dân chủ.
Mỹ dùng quân sự hay ngoại giao?
Tuy nhiên Nga và Trung Quốc vẫn bênh vực al-Assad trong khi có tin cho hay Ngũ giác đài đang nghiên cứu một kế hoạch quân sự như một kế hoạch dự phòng trong giả thuyết tình hình xấu nhất, để trình Tổng thống Obama vào lúc cần thiết, thì mối hy vọng đó liệu có thành sự thật?- Ý kiến lạc quan tin rằng Nước Mỹ luôn luôn có nghiên cứu dự phòng về quân sự trong mọi tình hình trên thế giới, trong khi Tổng thống Obama đã nói Mỹ sẽ sử dụng cạn kiệt giải pháp ngoại giao trước đã, và ông cho là có thể giải quyết được bằng ngoại giao.
Phần nước Nga thì cũng phải nể mặt khối Á Rập. Nga có thể có biểu hiện điều đó sau hội nghị Liên đoàn Á Rập trong tuần tới. Trong khi đó Trung Quốc không có nhiều quyền lợi kinh tế và chiến lược ở Syria, ngay cả ở Trung Đông nữa.
Vì thế Hoa Kỳ và phương Tây cùng khối Á Rập có thể thuyết phục được Trung Quốc ngả theo phía mình hay ít ra cũng đứng trung lập, bỏ phiếu trắng chẳng hạn. Tuy nhiên còn một yếu tố nữa cần quan sát, đó là hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, là nước thành viên khối NATO, được coi là nơi Mỹ và châu Âu trông cậy để giải quyết vấn đề Syria, và có làm gì thì cũng làm qua Istanbul. Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ triệu tập hội nghị quốc tế về Syria, sau hội nghị 21 nước Liên đoàn Á Rập. Thế giới đang chờ xem.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét