Pages

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới

AFP photo
Cảnh đồng quê ở Hội An
Gia Minh, biên tập viên RFA

Vào đầu năm nay, chính quyền Việt Nam cho tiến hành tổng kết Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới Việt Nam giai đoạn 2009-2011.
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, và đến nay có đến gần hai phần ba cư dân vẫn sống nhờ vào canh tác các loại cây trồng, vật nuôi.
Tuy nhiên, những chuyển dịch mang tính khách quan và chủ quan khác đang khiến cho nông thôn mỗi ngày một ‘thay da đổi thịt’ không còn là những làng quê sau lũy tre làng như trước đây.
Tình trạng dân số gia tăng nhanh chóng, đô thị hóa, công nghiệp hóa chuyển đổi đất canh tác thành đất thổ cư, khu công nghiệp … đang khiến cho đất nông nghiệp bị thu hẹp lại. Vừa qua chính quyền Việt Nam phải lên tiếng kiên quyết giữ cho được chừng 3 triệu 800 ngàn héc ta đất lúa cho đến năm 2020.
Trong quá trình chuyển biến thực tế đó diễn ra thì chính phủ Việt Nam cũng đề ra chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới. Tin tức trong nước cho biết tất cả các tỉnh thành đều hưởng ứng chương trình của chính phủ đề ra. Ngân sách trung ương cấp cho chương trình này cũng nhiều và địa phương chi ra cũng không kém.


19 tiêu chí


nong-nghiep-2rfa-250.jpg
Ruộng lúa diện tích nhỏ thấy nhiều ở miền Nam. RFA photo.
Đơn vị hành chính nhỏ nhất là xã tiến hành xây dựng nông thôn mới phải đạt đến 19 tiêu chí đề ra. Có thể nêu ra một số tiêu chí như xã phải có chợ, nghĩa trang, nhà dân trong xã là mái cứng, thu nhập đầu người tăng 2-2,5 lần, chuyển dịch cơ cấu lao động chỉ có 35% lao động nông nghiệp còn lại phải chuyển sang loại hình khác, phi nông nghiệp…

Giáo sư Tô Duy Hợp, thường trực Hội Xã hội học Việt Nam, người tham gia công tác nghiên cứu về nông thôn mới của Việt Nam có đánh giá về chương trình này trong thời gian qua:
"Vấn đề nông thôn mới này cần phải gắn với chủ trương của chính phủ. Đây là chiến lược do chính phủ vạch ra, mà vạch ra trên nghị quyết của Trung ương Đảng Khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau đó thành ra những nghị định triển khai chiến lược của chính phủ. Nên theo tôi đây là chiến lược đưa đến phong trào mà do chính phủ đặt ra chứ không phải do người dân nghĩ ra.
Người ta làm theo công thức 19 tiêu chí. 9 tiêu chí này thực ra được khái quát hóa từ 11 nội dung.
GS Tô Duy Hợp
Sau hai năm thực hiện thì người ta tổng kết và thấy rằng tại những xã, huyện, tỉnh được chọn, mà trên qui mô toàn quốc chỉ có 11 xã được chọn thí điểm thôi; trong khi đó các tỉnh- thành địa phương cũng chọn ngần ấy xã để thực hiện điển hình trước. Người ta làm theo công thức 19 tiêu chí. 9 tiêu chí này thực ra được khái quát hóa từ 11 nội dung. Ở cấp xã thì tiêu chí là qui hoạch về tổng thể, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, vấn đề sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh, hệ thống chính trị…
Đối với mỗi tiêu chí người ta lại đưa ra một số chuẩn. Người ta chia làm hai mức: thứ nhất đến năm 2015, xong đến 2020. Chiến lược này được làm đến năm 2020. Một số chỉ tiêu % cho những mốc thời gian đó được đưa ra."

Nơi có nơi không


cong-nong-nghiep-250.jpg
Đưa máy móc vào sản xuất, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp. Source vfej.vn.
Ông Huỳnh Kim, một người dân tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long chuyên sản xuất lúa cho biết qua tuyên truyền ông có biết về chương trình này; nhưng trong thực tế tại địa phương của ông kế hoạch triển khai xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới chưa được thực hiện:

"Chỗ tôi ở huyện Tân Hồng từ đó đến nay không nghe nói gì. Phát triển của nông thôn có phát triển, cũng có xây đường, bệnh viện nâng cấp nhưng không biết những điều đó có nằm trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới hay không.Tôi có nghe nói ở trên đài nhưng ở chỗ tôi không thấy có gì.
Hiện thấy đang làm đường, nhưng không biết đó có phải trong chương trình đó không. Vậy có phải nếu không có chương trình nông thôn mới thì không làm đường sao?"
Tại những xã thí điểm triển khai xây dựng nông thôn mới thì theo giáo sư Tô Duy Hợp, có nơi làm được một ít, có nơi vẫn chưa thể thực hiện theo yêu cầu.
"Hiện nay có tình trạng thế này: kế hoạch của chính phủ là lấy cấp xã làm đơn vị xây dựng, rồi người ta đầu tư 200 tỷ đồng Việt Nam cho một nhiệm kỳ đến năm 2020. Khoản này được chia thành ba phần: một phần là vốn Nhà Nước, một phần là vốn nội bộ - gọi là ‘vốn xã hội hóa’, phần thứ ba huy động từ các doanh nghiệp ngoài xã, ngoài huyện, ngoài nước đóng góp vào.
Tôi có nghe nói ở trên đài nhưng ở chỗ tôi không thấy có gì.
Ô. Huỳnh Kim
Các xã điển hình thì như tôi biết hiện nay tại Hà Nội có xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ), cách trung tâm Hà Nội chừng 20 cây số họ sử dụng một phần ba nguồn kinh phí đó để xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu điện, đường, trường, trạm xá, nhà văn hóa bưu điện… Một số hình thức sản xuất mới như hợp tác xã cổ phần do cán bộ, nhân dân đóng vào hoặc do hợp tác với một công ty nào đó ngoài xã và cùng chia lãi cho nhau. Ở đó người ta làm hoa xuất khẩu, rau sạch… Nhiều hình thức mà người ta tổ chức lại.
Đánh giá chung thì có những điểm như sau: nhờ có tiền và có những hoạt động mới như thế nên có thay đổi trông thấy rõ như đường sá được nâng cấp lên. Xây dựng nhà văn hóa, nhưng nội dung sinh hoạt tại Nhà văn hóa đó cũng không rõ. Chủ yếu ở nông thôn ‘đình’ vẫn là trung tâm, rồi chùa, còn nhà văn hóa chỉ để hội họp thế thôi.
Một chỉ tiêu nâng chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn là khó khăn... "
Vậy những lý do gì cản trở kế hoạch xây dựng những thí điểm nông thôn mới tại Việt Nam như thế? Đây là nội dung sẽ được gửi đến quí thính giả trong phần trình bày tiếp theo.

Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (Phần 2)

Trong một chương trình trước, chúng tôi trình bày với quí vị về một số thực tiễn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại Việt Nam trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2011.
RFA
Nông dân Đồng Bằng Sông Cửu Long



Phần trình bày hôm nay đề cập đến một số vấn đề liên quan bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới Việt Nam.

Có tiêu chí nhưng thiếu chính sách

Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam đề ra 19 tiêu chí cho một xã được xem là điển hình nông thôn mới.
Là một người hoạt động trực tiếp trong việc canh tác lúa, ông Huỳnh Kim từ Đồng Tháp phân tích một số tiêu chí mà Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đề ra.

Lúa chín, mùa thu hoạch trên ĐBSCL- AFP photo
Lúa chín, mùa thu hoạch trên ĐBSCL- AFP photo
Trước hết đối với tiêu chí thu nhập của các hộ dân tại xã nông thôn mới phải tăng từ 2 đến 2,5 lần thì ông nông dân Huỳnh Kim có ý kiến:

“Vấn đề xây dựng nông thôn mới theo quan điểm của tôi: khi nói tăng thu nhập cho người dân bằng cách nào? Đối với người nông dân làm lúa Đồng bằng Sông Cửu Long thì phải tăng thu nhập từ làm lúa bằng cách tăng năng suất và giảm giá thành. Đây là việc của chính phủ phải tác động vào. Nếu muốn cuộc sống của người nông dân tăng 2,5 lần thì giá lúa phải tăng lên bao nhiêu, năng suất lúa tăng lên bao nhiêu. Nói đến người trồng trái cây cũng vậy. Có khi tăng thu nhập mà không tăng lợi nhuận.
Tôi nghĩ điều quan trọng trong chương trình nông thôn mới là phải làm cho nông dân giàu lên.”
Còn nếu nhà nước muốn tác động vào thì phải có chính sách. Tiêu chí đặt ra mà không có chính sách sẽ không hợp lý.
Ô. Huỳnh Kim
Ông này không đồng ý với chỉ tiêu còn chừng 35% lao động trong nông nghiệp, phần còn lại phải chuyển sang lao động trong các ngành nghề khác:
“Vấn đề người nông thôn không làm ruộng nữa là chuyện tự nhiên; còn nếu nhà nước muốn tác động vào thì phải có chính sách. Tiêu chí đặt ra mà không có chính sách sẽ không hợp lý. Ví dụ như tôi, nếu muốn tôi bỏ ruộng thì con cái tôi phải bỏ trước, không làm nông dân nữa. Muốn thế phải có hệ thống giáo dục sao cho con cái người nông dân có nghề để không còn làm ruộng nữa.
Khi con cái tôi không còn làm ruộng và tôi lớn tuổi không làm được nữa thì tôi sẽ cho thuê hay bán đất đó lại cho người nông dân khác. Có ý kiến nói sao nông dân cứ cho con đi học đại học. Thực tế lo thế tốn kém lắm chứ, nhưng nếu không học đại học thì sau này không có việc làm. Do đó phải cải cách giáo dục lại.”

Còn nhiều vấn đề


034_1626386-250.jpg
Nông dân ĐBSCL đập lúa vụ Hè-Thu. AFP photo
Ông Huỳnh Kim cũng nêu ra vấn đề đất đai hiện nay và công việc hình thành cái mà Bộ Nông nghiệp - Phát Triển Nông thôn Việt Nam cho là nông thôn mới:

“Ngày xưa người ta tích tụ đất đai vì đất hoang hóa; người dân chỉ báo cho chính quyền. Nay người dân làm ruộng được họ sẽ không bán. Tích tụ phải tích tụ vài trăm héc ta một chỗ, ngoài ra người có tiền sẽ không đầu tư vào ruộng vì cực mà lợi nhuận ít. Tích tụ không có giá trị gì ở Việt Nam.”
Người theo dõi công tác này lâu nay là giáo sư Tô Duy Hợp thì đưa ra lý do chưa thể triển khai thí điểm nông thôn mới theo yêu cầu đề ra:
“Việc làm tại chỗ cực kỳ khó khăn. Tỷ lệ 40% về số người có bằng cấp được đào tạo về chuyên môn, tay nghề thì không biết có nơi nào đạt được hay không.
Việc tuyên truyền, quan điểm mới thì có nhưng thực tế ‘mới’ chưa rõ ngoại trừ những chỗ như có cơ sở hạ tầng, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập. Chủ yếu là tuyên truyền chứ tôi đến nơi chưa thấy cuộc sống thay đổi rõ.
Trong khi đó thì những vấn đề rắc rối tại nông thôn ngày càng tăng lên như sự cách biệt giàu nghèo ngày càng rõ; khả năng tái nghèo luôn rập rình vì không có năng lực bền vững. Xóa đói giảm nghèo chỉ là việc chạy theo thành tích thôi, chứ đó là một vấn đề lớn.”

Tiêu chí không thực tế


le-tich-dien-250.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cày luống cày đầu tiên trên cánh đồng Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) sáng mùng Bảy Tết Nhâm Thìn (29/1/2012). Photo courtesy of nguoiduatin.vn.
Còn chuyên gia trong ngành nông nghiệp ở cấp trung ương thì có đánh giá thế nào? Ông Lương Thế Phiệt, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông Thôn có đánh giá về chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam với ý kiến nói có một số tiêu chí hiện nay không thể đạt được.

“Thực ra không phải không thể đạt được. Việt Nam không chủ trương xây dựng nông thôn mới trong vòng năm năm hoặc 10 năm, mà chúng tôi đặt ra quá trình trong 30-40 năm đến năm 2050. Tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội, hạ tầng của từng địa phương nên có thể đối với tiêu chí này địa phương này thuận lợi hơn thì hoàn thành trước; những địa phương chưa thuận lợi như ‘vùng sâu, vùng xa’, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì có thể đến năm 40-50 của thế kỷ này mới hình thành ‘nông thôn mới’. Tôi nghĩ không thể không đạt được mà có thể phải bỏ hoặc điều chỉnh một số chỉ tiêu.
Tùy tình hình, có một số nơi có yêu cầu chỉnh sửa nên chúng tôi đang tiến hành.”
Tôi nghĩ không thể không đạt được mà có thể phải bỏ hoặc điều chỉnh một số chỉ tiêu.
Ô. Lương Thế Phiệt
Hôm ngày 6 tháng 2 vừa qua, ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước Việt Nam đã đến huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam để đánh giá việc xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại đó. Qua báo cáo của địa phương thì bốn xã Đại Cường, Đại Hiệp, Đại Hồng, Đại Phong của huyện Đại Lộc đạt được 14/19 tiêu chí, và hộ nghèo giảm xuống còn hơn 15% mà thôi.
Tại buổi lễ tổng kết diễn ra hồi ngày 13 tháng giêng vừa qua, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn cho biết trong 11 xã điểm có 4 xã đạt 18 tiêu chí đề ra. Thu nhập của người dân tại những xã điểm đó tăng 62% so với năm 2008.
Trước đó hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết sẽ cho điều chỉnh 7 tiêu chí cho phù hợp với từng vùng miền khác nhau tại Việt Nam, nhất là tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và miền núi. Bảy tiêu chí cần phải chỉnh sửa đó là thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, kiến cố hóa kênh mương, nghĩa trang nhân dân, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
Việt Nam đề ra chỉ tiêu đến năm 2015 chừng một phần năm số xã trên cả nước đạt các tiêu chí về nông thôn mới, vào năm 2020, phân nửa các xã tại Việt Nam là nông thôn mới.
Đến cuối năm 2010, Việt Nam có 11,112 đơn vị hành chính cấp xã. Con số này hiện nay được nói gần 12 ngàn.

Không có nhận xét nào: