Pages

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Dấu chân tiến hóa của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á

Ernest Bower*, CSIS

Đặng Khương chuyển ngữ

Trong vòng hai tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta và các cán bộ chủ chốt của ông, trong đó có Đô đốc Robert F. Willard, Tư lệnh chỉ huy của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, đã tích cực giải thích các chi tiết về vấn đề ngân sách quốc phòng và ý nghĩa của nó đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương mà Tổng thống Barack Obama đã công bố vào ngày 05 tháng 1, 2012. Các đối tác ở khu vực Đông Nam Á muốn hiểu rõ ý định của Hoa Kỳ là gì để họ có thể hiệu chỉnh các phản ứng đối với Trung Quốc cũng như tìm cách liên kết các chi tiết này vào trong kế hoạch chính trị của nước của họ.

Tham gia toàn diện
Khi Hoa Kỳ tiến hành các bước để thực hiện lời hứa của Obama về “trục” chính sách đối với châu Á, thì các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nên đầu tư thêm thời gian gặp gỡ các đồng nghiệp ở toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương để nói thêm về ý định của Hoa Kỳ. Trong khi làm như vậy, điều quan trọng là chỉ ra rằng quyết định tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực là một phần trong tổng chiến lược toàn diện bao gồm cam kết kinh tế mạnh mẽ và chính trị.
Nói cách khác, Hoa Kỳ phải nhận thức rõ ràng rằng chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương không chỉ là một cách tiếp cận để chiếm ưu thế về các vấn đề an ninh nhưng đây còn là cam kết mở rộng và lâu dài. Hoa Kỳ đã nhấn mạnh lại sự cam kết lâu dài trong các vấn đề an ninh cũng như kinh tế và sẽ tập trung thêm vào một số vấn đề mới liên quan đến chính trị.
Cân bằng là trọng điểm

Cân bằng là thành phần quan trọng nhất trong công thức này. Nếu các quốc gia châu Á không tin rằng Hoa Kỳ dự tính sẽ đẩy mạnh vai trò của mình về khả năng cạnh tranh kinh tế, thì họ sẽ không đi theo hướng an ninh trong “trục” mới mà Hoa Kỳ đã đề ra. Các hành động cụ thể trong vấn đề này là vô cùng quan trọng và nó bao gồm: tiếp tục các bước tiến bộ và lãnh đạo ở cấp cao tập trung vào thương mại, đặc biệt là các cuộc đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership); thương lượng về các đóng góp thương mại của châu Á đối với nền kinh tế đang phục hồi của Hoa Kỳ cũng như các tăng trưởng dài hạn; chào đón các dự án đầu tư từ châu Á; thể hiện sự sẵn sàng để thương lượng về các vấn đề kinh tế và tài chính tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS); và Hoa Kỳ phải tổ chức các chuyến thăm liên quan đến kinh tế ở cấp tổng thống và/hoặc ở cấp chính phủ. Các quan chức cao cấp Hoa Kỳ cần phải hiểu những mối liên kết và mở rộng các điểm này là vô cùng quan trọng và việc này cần được hỗ trợ bởi các hành động cụ thể.
Trấn an Trung Quốc
Các nước Đông Nam Á cần Hoa Kỳ tỏ rõ các ý định trong khu vực này. Điều cần phải hiểu là cuối cùng thì Hoa Kỳ vẫn muốn có mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Một chiến lược lớn, hiệu quả và bền vững đối với Hoa Kỳ là nên nhắm mục đích thuyết phục Trung Quốc rằng họ có thể đáp ứng các vấn đề năng lượng, thực phẩm, và các mục tiêu an ninh hàng hải và mở rộng sức mạnh kinh tế của họ trong khuôn khổ an ninh và thương mại trong khu vực.
Khu vực này lo lắng bởi vì họ không biết Trung Quốc đang muốn gì. Họ không biết Trung Quốc sẽ xác định chính vài trò của Trung Quốc như thế nào trong những thập kỷ tới. Tất nhiên sức mạnh kinh tế và tăng trưởng luôn được chào đón, nhưng bằng cách sử dụng ‘quân sự’ để cố gắng xác định chủ quyền tại khu vực tranh chấp như Biển Đông, biên giới Trung–Ấn, và một số nơi khác đã nâng mức cảnh báo đối với các nước láng giềng của Trung Quốc. Nhìn về phía trước trong quá trình chuyển đổi lãnh đạo ở Trung Quốc vào cuối năm nay, ngay cả những chuyên gia tốt nhất của Trung Quốc cũng không thể nói chắc chắn yếu tố nào sẽ xác định tư thế mới của đất nước này trong năm 2013 và trong tương lai.
Điều nghịch lý là, trong khi nhờ sự gia tăng đáng ngờ của Trung Quốc mà các quốc gia Đông Nam Á khác đã mạnh mẽ thúc đẩy Hoa Kỳ nên đóng vai trò tích cực hơn tại khu vực này, thì một số nước khác lại lo ngại về sự tái xuất hiện tại đây của Hoa Kỳ được diễn giải như để kiềm hãm hay phải đối Trung Quốc.
Các nước Đông Nam Á hiện nay tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ không phải tiếp tục suy thoái: dấu hiệu phục hồi đã khuyến khích các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách rằng các mô hình của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục vận hành và tạo ra kết quả tốt. Mặt khác, nỗi lo sợ chế độ công quản Mỹ-Trung, hay “G-2″, cũng đã giảm xuống trong thời gian qua. Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bình thường hóa và ổn định các mối quan hệ, nhưng rõ ràng giữa hai nước vẫn chưa đồng ý về một số vấn đề vượt trội trên phạm vi toàn cầu. Điều mà không có ai trong khu vực Đông Nam Á muốn là sự cạnh tranh trực tiếp tương tự như cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. May mắn thay, cả Bắc Kinh và Washington dường như đồng ý ở điểm đó.
Xoay chuyển, chứ không phải căn cứ

Theo dõi các chiến thuật vừa qua thì rõ ràng đó là một công thức chiến thắng cho Hoa Kỳ. Về mặt chiến lược, Hoa Kỳ phải tiếp tục tham gia vào các mối quan hệ trên khắp châu Á. Họ cần phải lắng nghe và thấu hiểu những gì mà các đối tác truyền thống cũng như các đối tác mới của họ đang cần và muốn. Tư thế đó đã được phản ánh trong các phương pháp tiếp cận phòng thủ mới ở châu Á. Đô đốc Willard cho biết, trọng tâm là “xoay chuyển, chứ không phải căn cứ,” nghĩa là Hoa Kỳ sẽ mang dấu chân nhẹ hơn nhưng có mặt khắp nơi ở châu Á.
Đó là một cách tiếp cận thông minh và bền vững nếu được thực hiện tốt và nhất quán. Châu Á có thể sẽ thấy sự hiện diện mới của Hoa Kỳ “bên trong chân trời” trong các thập kỷ tới – chia sẻ các phương tiện cần thiết, tiến hành tập trận chung, và quan trọng hơn, cung cấp hàng hoá công cộng cũng như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Hy vọng các nỗ lực này không chỉ bao gồm các liên minh như Úc, Philippines, và Nhật Bản, mà còn mở rộng đến các nước như Singapore, Malaysia, Việt Nam, và có thể là Indonesia trong tương lai gần.
Mục tiêu cuối cùng là để cho Trung Quốc tham gia vào những nỗ lực này. Một điểm quan trọng là để Trung Quốc chấp nhận lời mời đã được thảo luận nhiều lần trong quá khứ liên quan đến việc tập trận chung trong khu vực như cuộc Hổ mang Vàng. Xây dựng lòng tin và mở rộng mối quan hệ với quân đội của Trung Quốc là mục tiêu lâu dài của Hoa Kỳ. Làm như vậy sẽ giúp các đối tác của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á cảm thấy nhẹ nhàng hơn và có thể giúp đảm bảo hòa bình và thịnh vượng ở khu vực năng động nhất của thế giới.
* Ernest Z. Bower là một cố vấn cấp cao và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, DC)
Nguồn: TCPT.

Không có nhận xét nào: