Pages

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Tiên Lãng: Một sự trưởng thành của Xã Hội Dân Sự


Lý Thái Hùng


Từ lúc xảy ra vụ chính quyền huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, đưa hơn 100 công an và bộ đội đến “cưỡng chế” chiếm 19 hécta đất mà Huyện đã giao cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn nuôi trồng thủy sản tại Cống Rộc, xã Vinh Quang hôm mồng 5 tháng 1 năm 2012; đã có hàng trăm bài viết đề cập về thảm kịch này dưới nhiều góc nhìn khác nhau.
Đúng 1 tháng sau, từ ngày 6 đến 10 tháng 2, ông Nguyễn Tấn Dũng chủ tọa một Hội nghị của các cơ quan liên hệ để nghe báo cáo về vụ cưỡng chế này. Có thể nói đây là Hội nghị được triệu tập khá bất thường trong hệ thống chính trị cộng sản. Trên nguyên tắc, ông Dũng không cần phải triệu tập và ngồi ghế chủ tọa một Hội nghị cấp trung ương để giải quyết những “tranh chấp” giữa một gia đình nông dân với chính quyền Huyện. Ông Dũng chỉ cần giao cho thành phố Hải Phòng hoặc cao hơn là Bộ Nông nghiệp trực tiếp giải quyết là đủ.

Hiện chưa biết Hội nghị nói trên sẽ đưa ra kết luận ra sao, nhưng đọc qua hai văn bản: 1/ Báo cáo của Chủ tịch Huyện Tiên Lãng ngày 12 tháng 1 năm 2012 giải thích lý do vì sao đã ra lệnh cưỡng chế khu đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn và sự ngoan cố chống lại chính quyền của gia đình ông Vươn; và 2/ Báo cáo của ông Lương Văn Trong, phó chủ tịch Liên chi Hội nuôi trồng thủy sản Huyện Tiên Lãng ngày 20 tháng 1 năm 2012 về sự thật liên quan tới việc giao đất, thu hồi đất, giải quyết khiếu nại, cưỡng chế của Huyện Tiên Lãng, người ta thấy rõ tình trạng sứ quân trong hệ thống chính trị cộng sản.
Một cách tổng quát, Huyện Tiên Lãng đứng lên trên ba lập luận sau đây để “cưỡng chế” thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
1/ Chính quyền Huyện Tiên Lãng chỉ giao đất cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn khai thác trong thời hạn 14 năm (1993-2011) trong khi theo Luật Đất Đai ban hành năm 1993 thì quy định là 20 năm, tức đến 2014 mới hết hạn. Hết thời hạn ông Vươn phải có nhiệm vụ hoàn trả và không nhận bất cứ bồi thường nào, dù là ông và gia đình có bỏ ra hàng trăm triệu đồng để phát triển thêm cho đất nước 19 héc ta đất bồi.
2/ Ông Đoàn Văn Vươn đã làm đơn kháng cáo lên Tòa án Huyện nhưng bị thua và sau đó kháng cáo lên Tòa án thành phố Hải Phòng. Trước khi mở phiên phúc thẩm, ông Vươn đã rút lại toàn bộ yêu cầu kháng cáo nên Tòa án thành phố Hải Phòng đình chỉ việc xét xử. Huyện Tiên Lãng đã gửi thông báo yêu cầu ông Vươn nếu muốn tiếp tục sử dụng đất thì phải làm các thủ tục thuê đất theo quy định của Huyện, nhưng ông Vươn không chịu làm mà còn hăm dọa sẽ “chống lại đến cùng” nếu Huyện không tiếp tục giao đất cho gia đình ông. Ông Đoàn Văn Vươn ngoan cố.
3/ Ông Đoàn Văn Vươn là cư dân của xã Bắc Hưng không có hộ khẩu ở xã Vinh Quang nên không có cơ sở để được Huyện Tiên Lãng tiếp tục giao đất sử dụng lâu dài vì phải giao lại cho xã Vinh Quang quản lý trực tiếp.
Trong khi đó, qua bản Báo cáo của ông Lương Văn Trong đại diện cho những gia đình nông dân đang được giao đất để nuôi trồng thủy sản tại xã Vinh Quang cho thấy là chính quyền Huyện Tiên Lãng đã dựng ra một kế hoạch chiếm đất không chỉ đối với gia đình ông Vươn, mà còn đối với các gia đình nông dân khác tại xã Vinh Quang không nằm trong phe nhóm của anh em ông Chủ tịch Huyện Lê Văn Hiền và Chủ tịch xã Vinh Quang là Lê Thanh Liêm. Ông Trong đã vạch ra ba thủ đoạn của cán bộ Huyện Tiên Lãng:
1/ Huyện Tiên Lãng đã viện dẫn Luật Đất Đai 1993 theo quan điểm riêng để thu hồi đất giao cho nông dân khai thác là: 1/ Thu hồi không giao lại; 2/ Thu hồi không bồi thường; 3/ Thu hồi giao về cho Ủy ban nhân dân xã quản lý. Ngoài ra, thời gian giao đất không nhất thiết là 20 năm mà có thể là 5 năm, 10 năm hay 14 năm tùy theo quyết định của Huyện. Đây là hình thức “quốc hữu hóa” theo ý đồ riêng của Huyện.
2/ Huyện Tiên Lãng chỉ nói phần đầu ông Đoàn Văn Vươn rút lại đơn kháng cáo tại Tòa án thành phố Hải Phòng; nhưng lại không nhắc gì đến biên bản thỏa thuận giữa đại diện chính quyền Huyện Tiên Lãng với ông Đoàn Văn Vươn vào sáng ngày 9 tháng 4 năm 2010, trước sự chứng kiến của Thẩm phán Tòa án Hải Phòng rằng Huyện Tiên Lãng đồng ý tiếp tục giao đất cho gia đình ông Vươn khai thác. Thế nhưng sau đó, Huyện Tiên Lãng lại lờ đi bản thỏa thuận này và tiếp tục ban hành lệnh cưỡng chế vào ngày 24 tháng 11 năm 2011.
3/ Khi có lệnh cưỡng chế, gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã viết đơn khiếu nại lên Chủ tịch Huyện, Tòa án Huyện, Chủ tịch thành phố Hải Phòng kể cả việc tiếp xúc giải thích với cơ quan công an Huyện nhưng tất cả đều im lặng.
Ông Lương Văn Trong đã kết luận trong bản báo cáo của mình rằng vụ cưỡng chế 19 hécta đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn biểu hiện bản chất: chiếm đoạt và hủy hoại tài sản của người dân có tổ chức và kế hoạch của Huyện Tiên Lãng. Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Khánh, chánh văn phòng Huyện Tiên Lãng thì tuyên bố rằng: “họ không làm sai luật.”
Bản chất của vụ án Tiên Lãng không khác gì những vụ án đã từng xảy ra trong quá khứ như vụ cưỡng chế thu hồi đất tại làng Kim Nổ, huyện Đông Anh ngoại ô Hà Nội; tại Huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, Huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận… Nhưng vào lúc đó, nhà cầm quyền Cộng sản đã bưng bít mọi tin tức nên các cuộc đấu tranh của nông dân đã không được loan tải rộng rãi để tạo sự quan tâm trong dư luận. Vụ Tiên Lãng đã có sắc thái đặc biệt.
Thứ nhất là hầu hết các tờ báo “lề phải” đã loan tải và bình luận về các diễn tiến xảy ra vụ cưỡng chế khá thuận lợi cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, đặt nghi vấn về tính hợp pháp những quyết định cưỡng chế của phía chính quyền huyện Tiên Lãng. Các bài báo sau đó loan tải trên mạng Internet giúp cho người dân hiểu rõ vấn đề và nhờ vậy đa số dư luận đứng về phía gia đình ông Vươn.
Thứ hai là sự kiên trì đấu tranh của bà con trong Liên Chi Hội nuôi trồng Thủy sản tại xã Vinh Quang do anh Đoàn Văn Vươn làm chủ tịch và ông Lương Văn Trong phó chủ tịch. Mặc dù anh Vươn bị bắt nhưng Liên Chi Hội nuôi trồng thủy sản tiếp tục hoạt động, tấn công thẳng vào sự sai trái của Chủ tịch Huyện và nhất là dám viết một báo cáo phản luận lại báo cáo của Huyện Tiên Lãng và cho rằng đây là âm mưu ăn cướp có tổ chức.
Thứ ba là các Văn phòng Luật sư đã tích cực nhập cuộc sẵn sàng đứng ra thụ lý hồ sơ để bênh vực cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải đã gửi đơn lên ông Nguyễn Tấn Dũng đề nghị khởi tố công an Hải phòng trong việc phá sập nhà ông Đoàn Văn Vươn. Một số Blogger đã đứng ra kêu gọi giúp đỡ tài chánh cho gia đình ông Vươn đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất vì nhà cửa đã bị chính quyền đập phá mà lại đổ thừa…. cho dân.
Thứ tư là sự lên tiếng của những thành phần cao cấp phê phán các hành vi sai trái của Huyện Tiên Lãng: từ ông Lê Đức Anh (cựu chủ tịch nước), ông Đặng Hùng Võ (cựu Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường), cho đến cựu Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước (Nguyên Tư lệnh quân khu 4) và nhất là của Luật sư Lê Đức Tiết (ủy viên trung ương đoàn Mặt trận tổ quốc) cho rằng vụ Tiên Lãng là biểu hiện của sự phân hóa trầm trọng giữa chính quyền và người dân. Sự lên tiếng của một số cựu quan chức Cộng sản đã phần nào cho thấy là dù bênh vực chế độ đến đâu không thể nào đứng về phía những kẻ đẩy dân đi vào con đường cùng.
Những sắc thái đặc biệt nói trên phát sinh từ chính khát vọng dân chủ của người dân cùng với sự mở rộng mạng thông tin Internet trong khoảng 5 năm qua đã giúp hình thành một nền tảng xã hội dân sự tại Việt Nam. Nếu không có nền tảng này, vụ Tiên Lãng có lẽ đã chìm xuồng hay khó có thể trở thành một áp lực lớn để buộc chính phủ của ông Dũng phải tổ chức Hội nghị bàn biện pháp giải quyết.
Cũng chính nền tảng xã hội dân sự này, nhân danh 20 gia đình nông dân nuôi trồng thủy sản trong huyện, ông Vũ Văn Luân, tổng thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản đặt thẳng vấn đề với Chủ tịch thành phố Hải Phòng 5 biện pháp giải quyết:
Thứ nhất là thu hồi quyết định cưỡng chế đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Thứ hai là trả lại toàn bộ tài sản và bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Vươn trong vụ cưỡng chế bất hợp pháp của huyện Tiên Lãng.
Thứ ba là truy tố những tổ chức và cá nhân ra quyết định cưỡng chế về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt và hủy hoại tài sản của công dân.
Thứ tư là thu hồi quyết định yêu cầu người dân huyện Tiên Lãng ngừng đầu tư nuôi trồng thủy sản.
Thứ năm là nhanh chóng giao lại đất để người dân yên tâm tiếp tục sản xuất.
Ông Nguyễn Tấn Dũng và Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt những đòi hỏi rất chính đáng của nông dân. Nhưng giải quyết các đòi hỏi này, ông Dũng sẽ phải đối phó ra sao trước những giải thích của cán bộ Huyện Tiên Lãng khi viện dẫn rằng họ làm đúng theo luật đất đai do trung ương ban hành năm 1993. Tiên Lãng là một vụ án gây tiến thoái lưỡng nan cho Bộ chính trị và đó chính là bước trưởng thành của xã hội dân sự, đẩy chế độ độc tài phải lùi bước.
Lý Thái Hùng
Ngày 6/2/2012
Nguồn: viettan.org

Không có nhận xét nào: