Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Do Thái -Ba Tư: Đánh hay không đánh?

Thời gian gần đây, việc xây dựng các lò nguyên tử ở Iran đã trở thành đề tài thời sự nóng bỏng, Mỹ và Tây Âu thì cho các lò nguyên tử này nhằm chế tạo bom hạt nhân trong khi Iran thì khăn khăn là chỉ nhằm mục tiêu hòa bình; qua các bản báo cáo, Cơ quan năng lượng hạt nhân quốc tế (AIEA -Agence Internationale à l’Energie Atomique) giúp thế giới thẩm định lý lẽ của đôi bên, thật sự trắng đen vẫn chưa rõ.
Nói là đôi bên, nhưng thực ra vấn đề này chỉ có Mỹ và Tây Âu là lo ngại nhiều nhứt, các nước Nga, Tàu thì làm ra vẻ trung lập, cũng dễ hiểu vì Nga thì cung ứng các thiết bị xây dựng các lò nguyên tử, Tàu thì khách hàng quan trọng về nhiên liệu, phần lớn các nước khác thì có thể nói là dửng dưng.
Tại sao có sự lo ngại này?

Ai cũng biết phần lớn tín đồ Hồi giáo không ưa dân Do thái, ngoài giáo điều khác biệt nhau, họ còn coi Do thái đang chiếm đất đai của họ, thái độ hống hách thường xuyên của Do thái đối với dân Palestine luôn hâm nóng mối thâm thù này, nên họ luôn công khai hay ngấm ngầm hậu thuẫn cho lãnh tụ Hồi giáo nào dám công khai thách thức Do thái như trường hợp S. Hussein (Irak) trước đây, bây giờ là các giáo chủ Ba tư.
Coi như sống giữa lòng địch, Do thái ý thức nguy cơ sống còn của mình, nên luôn củng cố tiềm năng quân sự hơn hẳn các nước lân bang, và sẵn sàng đập tan từ trong trứng nước mọi mầm mống có thể gây nguy hại cho họ, bằng chứng là họ đã đơn phương (?) oanh tạc các lò nguyên tử Osirak (do Pháp cung cấp trang thiết bị) ở Irak (7-1981) và Deir ez Zor (do Nga) ở Syrie (9-2007).
Là đồng minh chí cốt, Mỹ luôn hậu thuẫn cho Do thái trong mọi tình huống, yểm trợ trang thiết bị quốc phòng tối tân, phủ quyết mọi lên án trước Hội đồng bảo an LHQ, nên hai bên đều thông đồng nhau trong mọi quyết định, nói trắng ra là Do thái chỉ làm khi được Mỹ «bật đèn xanh».
Còn đối với Ba tư lần này thì sao?
Theo suy luận duy lý (logique) thì đáng lẽ Do thái phải ra tay từ lâu rồi, nhưng sao đến nay vẫn án binh bất động, ngoài những tin tức rò rỉ là sẽ oanh tạc phá hủy các lò chế tạo nguyên tử; khác với mấy lần trước (đánh Irak và Syrie), tin tức chỉ xì ra sau khi oanh tạc, như vậy hư thực thế nào? Còn xét về mặt tâm lý (chó sủa chó không cắn) thì liệu cuộc chiến có cơ may không xảy ra chăng?
Có nguồn tin cho rằng Do thái muốn ra tay nhưng Mỹ còn chần chờ, nói là Do thái nhưng thực ra cũng có một thành phần trong chánh quyền không muốn dùng giải pháp quân sự; dầu đúng sai thế nào, sự kiện này cho thấy tình hình hiện nay khá phức tạp.
Về mặt địa lý chính trị:
- Tình hình khu vực Trung Đông khác hẳn trước khi xảy ra cái gọi là «mùa xuân Á rạp» cách đây một năm, một số lãnh tụ độc tài thân Mỹ hay Tây Âu bị hạ bệ, các cuộc bầu bán dân chủ cho thấy các tổ chức Hồi giáo đã chiếm thượng phong, tầm ảnh hưởng của Tây phương đối với khu vực đang nóng bỏng này do đó cũng sa sút nhiều, trên bình diện thế giới, Mỹ cũng không thể đơn phương hành động như 9 năm về trước (lúc đánh Irak), cũng như không đủ uy thế để gây áp lực các thành viên không thường trực trong Hội đồng bảo an LHQ theo quan điểm hay chủ trương của mình, dĩ nhiên nếu không thuyết phục được Nga, Tàu làm ngơ (vắng mặt hay bỏ phiếu trắng) thì Tây phương cũng đành bó tay, điển hình như trường hợp Syrie hiện nay.
- So với Do thái, Ba tư là một nước đất rộng (diện tích trên 1.600.000 cây số vuông, lớn hơn 76 lần), rất giàu tài nguyên thiên nhiên (trữ lượng dầu và khí đốt được xếp vào hàng thứ tư thế giới), chiếm một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, chủ quyền một phần eo biển Ormuz (rộng mấy chục cây số, sâu trung bình 60 mét), nơi trung chuyển 1/5 nhiên liệu thế giới, người lại đông (74 triệu, đông gấp 10 lần), dân tộc này cũng không dễ khuất phục, dầu phương tiện chiến đấu thua kém, họ đã chịu đựng cuộc chiến kéo dài 8 năm trời với Irak (1980-1988), tiềm năng quốc phòng cũng không thể xem thường, ngoài việc thụ đắc một số loại võ khí tối tân từ Nga, Tàu, Bắc Hàn, họ còn tự sản xuất súng đạn, xe tăng, máy bay, tàu chiến.(1).
- Vị trí địa dư cũng không mấy thuận tiện cho cuộc oanh tạc, khoảng cách giữa hai nước trên dưới 1.300 cs, oanh tạc cơ Do thái bắt buộc phải xâm phạm không phận các quốc gia Hồi giáo như Jordanie, Vương quốc Á rạp, Syrie, Thổ nhỉ kỳ, Irak, biến cố này chắc chắn sẽ gây ra khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa họ với Do thái và Mỹ (coi như nước bảo trợ), đó là chưa kể phản ứng khó lường của thành phần tín đồ Hồi giáo cực đoan.
Vả lại, cả chục lò nguyên tử (có thể còn một số vị trí chưa biết) rải rác trong một lãnh thổ mênh mông, việc phá hủy đồng loạt tất cả cũng khó thực hiện, nếu chỉ cốt làm chậm tiến trình chế tạo bom hạt nhân thôi thì đó chỉ là giải pháp nửa vời, làm như thế có khác nào thúc đẩy họ tiến nhanh đến mục tiêu, như lấy cớ không thừa nhận sự hiện diện của các thanh tra AIEA như ở Bắc Hàn để tha hồ múa gậy vườn hoang.
- Có thể nói Ba tư mạnh lên như hiện nay một phần là nhờ Mỹ đánh vào Irak (2003), triệt hạ dùm họ một đối thủ sát nách vô cùng lợi hại (S. Hussein), người toan xua quân xâm chiếm nước họ và ngay trước khi bị treo cổ còn kêu gọi dân Irak phải chiến đấu chống Mỹ và Ba tư tới cùng, giờ đây, tình thế đã đảo ngược, lực lượng chủ yếu nắm quyền ở Irak thuộc gốc hệ phái Chiite, chiếm 54% dân số, tỷ lệ còn lại gần như chia đều giữa tín đồ phái sunnite và dân kurde, các chức sắc có ảnh hưởng trên chính trường Irak hiện nay đều đã từng sống lưu vong ở Ba tư dưới triều đại S. Hussein, có thể nói Irak chịu ảnh hưởng của Ba tư hơn là Hoa Kỳ, tương tự như ở Afghanistan, ảnh hưởng của Iran cũng không nhỏ vì vừa là lân bang vừa là đồng đạo.
Về mặt quyền lợi quốc gia
- Quyền lợi sinh tử của Do thái lần này không ăn khớp với quyền lợi của Mỹ, đối với khu vực Trung cận Đông, Mỹ muốn giữ mối quan hệ hữu hảo với các nước đồng minh Hồi giáo mà tầm ảnh hưởng đang giảm sút và trên bàn cờ thế giới, các quốc gia đang trổi dậy nhờ đủ sức mạnh tự túc tự cường đã có những quyết định độc lập, dĩ nhiên là Nga và Tàu vừa là đối tác, vừa là đối thủ, họ sẵn sàng thọc gậy bánh xe để hưởng lợi, bằng chứng là Tàu nói thẳng với Bộ trưởng ngân khố Mỹ Timothy Geithner hôm 10-1-2012 là không chấp nhận lịnh cấm vận của Mỹ và Tây Âu về việc nhập cảng nhiên liệu của Ba tư, cũng dễ hiểu là vì Tàu đang nhập cảng một số lượng lớn dầu của xứ này (khoảng 22% lượng xuất cảng), đồng thời cũng là nước đầu tư quan trọng trong ngành dầu khí tại đây (hiện ước lượng khoảng 40 tỷ mỹ kim [$]), nếu chiến tranh xảy ra thì giá dầu tăng, gây ảnh hưởng đến đà phát triển kinh tế của họ, phần Nga, họ đang hưởng nhiều mối lợi trong việc cung cấp các lò nguyên tử cho Ba tư.
- 1/3 sản lượng dầu khí thế giới di chuyển qua eo biển Ormuz, tất nhiên khi xảy ra chiến tranh thì sự lưu thông sẽ bị trở ngại ở một chừng mực nào đó (Ba tư đã từng bắn tiếng sẽ phong tỏa eo biển khi bị tấn công), nhiên liệu trên thế giới sẽ khan hiếm, giá dầu do đó sẽ gia tăng, theo ước tính của các chuyên gia về dầu khí, tùy theo thời gian dài ngắn, giá dầu hiện khoảng 100 $/thùng có thể lên 200, 300 thậm chí còn cao hơn nữa, việc phát triển kinh tế toàn cầu sẽ bị khựng lại, theo một tường trình của Mỹ (« Ensuring américa ‘s Freedom of Movement : A National Security Imperative to Reduce US Oil Dependence”), thời gian tắc nghẻn kéo dài 30 ngày sẽ gây cho Mỹ thiệt hại ước tính 75 tỷ $ trên GDP (2), trái lại, là nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, khí đốt hàng thứ nhì, Nga sẽ hưởng mối lợi to.
- Giả dụ cuộc chiến xảy ra, phần thắng hiển nhiên là nghiêng hẳn về phía có võ khí tối tân hơn, Ba tư khó đương đầu trực diện với Do thái ngay, nhưng cũng khó lường được những đòn ngầm của họ, dân Ba tư vốn đã quen chịu đựng một cuộc chiến tranh tiêu hao, nguồn tài nguyên của họ cũng rất phong phú, lại có thể tự túc về mặt võ khí, cuộc chiến cũng có thể giúp họ gia tốc trong việc phát triển kỹ thuật chiến tranh, không còn bị quốc tế dòm ngó, họ tha hồ thực hiện chương trình nguyên tử chẳng hạn, cũng cần nghĩ đến những tổ chức đồng minh, đồng đạo sẵn sàng sống chết với họ như tổ chức Hezbollah, Hamas hay những chí nguyện quân Hồi giáo quuyết tử xuất hiện khắp nơi, nội tình các tiểu vương quốc chung quanh có thể trở nên bất ổn vì chính sách nước đôi (vừa chống Do thái vừa không muốn làm phật lòng Hoa kỳ), hoặc một số phi công Do thái rơi vào tay họ -một công cụ quý giá trong việc trao đổi thương thuyết, đó là chưa nói việc hậu thuẫn ngầm của Nga, Tàu, Nga thì chờ thời cơ phục hồi vị thế thời chiến tranh lạnh, Tàu thì lợi dụng cơ hội để bành trướng ảnh hưởng.
Xem thế thì cái giá phải trả cho cuộc chiến thắng đó thật khó lượng định, cái giá này không chỉ đôi bên tranh chấp gánh chịu mà cả thế giới phải lãnh hậu quả, có lẽ vì thấy trước nguy cơ quá lớn trước mắt mà không mấy nước tán thành cuộc chiến này, kế đến là lo ngại có sự thay vị đổi ngôi trên bàn cờ thế giới mà phần bất lợi dường như không hẳn thuộc phe chủ chiến, đó là điều không mấy người muốn.
Vạng Lộc (2-2012)
Ghi chú:
(1) Theo các nhà nghiên cứu chiến lược quốc phòng (IISS: International Institute for Strategic Studies của Anh hay CSIS: Center foe Strategic and International Studies của Mỹ) thì Ba tư hiện có nhiều loại võ khí tối tân gốc từ Bắc Hàn, Nga, Tàu (hệ thống radar, phòng không, tàu vận tốc nhanh, hỏa tiển các loại, loại viễn liên từ 1.300 cs đến 1.500 cs, có thể phóng tới thủ phủ Do thái.
(2) Gross Domestic Product -Tổng sản lượng quốc nội hiện khoảng 15.000 tỷ $.

Không có nhận xét nào: