Pages

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Để dân không quay lưng

Hoàng Phương Loan

Trong chính trị, quần chúng giảm sút lòng tin với đảng coi như có khủng hoảng rồi. Mình phải lấy lại lòng tin của quần chúng nhân dân… khôi phục không phải bằng lời nói, lời hứa suông mà bằng tấm gương, bằng đường lối chính sách cụ thể, phục vụ lợi ích của đại bộ phận nhân dân, GS Dương Phú Hiệp phân tích.

Trò chuyện với phóng viên Tuần Việt Nam nhân nghị quyết trung ương 4: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay vừa được đưa ra, GS.TS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng lý luận Trung ương trăn trở:Chúng ta cứ nói nâng cao sức chiến đấu của đảng, theo tôi, chỉ hợp với thời chiến. Bây giờ phải nâng cao sức sáng tạo của đảng: đưa ra được học thuyết mới, tư duy mới phù hợp với đất nước mình, chặng đường phát triển hiện nay của mình. Đồng thời, phải nâng cao sức hấp dẫn của đảng.
Có thể nói, phải quy định rất rõ ràng, tỉ mỉ chức nào thì trách nhiệm đến đâu, quyền lợi thế nào. Nếu chỉ quy định ở vị trí nào được cấp ô tô, cấp nhà diện tích bao nhiêu… thì chỉ để cho người ta tranh giành nhau. Còn nếu quy định rõ trách nhiệm, không làm được thì phải kỉ luật thế nào, thì người ta cũng ít tranh giành quyền. Lãnh đạo càng cao thì sức hấp dẫn phải càng cao.

Trước đây, người ta nhìn thấy đoàn, đảng hấp dẫn vô cùng, phấn đấu để vào. Mỗi lần thấy đảng viên ở lại họp, người ta thấy thiêng liêng lắm, chắc là bàn vấn đề hệ trọng. Bây giờ, do sai lầm của mình, do lời nói việc làm không đi đôi, sức hấp dẫn của đang đang dần dần giảm sút. Đến lúc này, hơn lúc nào hết, phải phải nâng cao sức sáng tạo và sức hấp dẫn của đảng ta.
Là một nhà nghiên cứu lí luận của Đảng, ông có thể làm rõ căn nguyên của việc đảng mất dần sức hấp dẫn, thưa ông?
GS Dương Phú Hiệp: Sức hấp dẫn của đảng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết ở đường lối, cương lĩnh, chính sách. Đọc đường lối, người ta thấy sát với đời sống, gắn với lợi ích thì người dân thấy hấp dẫn. Bài hát hay, nghe vài lần là thuộc. Bài hát dở, dù có sa sả tối ngày thì cũng không đi vào lòng người được. Sức hấp dẫn của đảng trước hết phải ở cái hay của đường lối, chủ trương, chính sách. Người dân thấy lợi ích của mình được phản ánh trong đường lối, chính sách ấy.
Hai là, sức hấp dẫn của con người cụ thể, nhất là lãnh đạo. Bác Hồ có sức hấp dẫn kì lạ, vì cả cuộc đời vì dân, vì nước. Đảng viên không đòi hỏi phải như Bác Hồ, nhưng phải học Bác, không chỉ vì cá nhân của anh mà quên quần chúng xung quanh anh. Đảng viên lo cho mình đồng thời phải cùng lo cho cái chung, cho tổ quốc, cho nhân dân và cho Đảng.
Phải quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của đảng viên và các cấp lãnh đạo. Ta thường hay nói quyền lợi thôi. Ví dụ, vào được cấp nào thì có ô tô riêng đưa đón, được cấp đất, cấp nhà…
Đảng là một khái niệm trừu tượng. Sức hấp dẫn của đảng phải từ những con người cụ thể trong đảng, trước hết là lãnh đạo của đảng. Nói đảng là của giai cấp công nhân, giai cấp cách mạng nhất, tiền phong nhất… Cái gì cũng nhất, nhưng nhìn con người cụ thể thì không thấy thế thì làm sao còn hấp dẫn.
Con người cụ thể của đảng trước hết là người lãnh đạo, phải là tấm gương soi cho mọi người như Bác Hồ. Một lãnh tụ vừa có tầm trí tuệ cao, lại vừa có cuộc đời trong sáng như pha lê và dám quyết đoán. Ngay sau CMT8 năm 1945, Bác Hồ từng dám quyết tạm thời giải tán đảng vì cuộc đấu tranh cứu nước, còn bây giờ có nhiều việc, lãnh đạo không dám quyết, không dám chịu trách nhiệm gì cả.
GS Dương Phú Hiệp: Bây giờ mấy triệu đảng viên, số lượng nhiều nhưng chất lượng đảng viên thì phải xem lại.
Thế hệ các ông, để được vào Đảng là một quá trình nỗ lực phấn đấu, là mục tiêu và động lực cống hiến của không ít người. Cái hăng hái, nhiệt tình ấy hình như ít thấy trong thời điểm này. Nhiều người có ấn tượng bây giờ không ít người vào đảng không vì lí tưởng, mục tiêu cao đẹp, mà để rộng đường tiến thân. Cá nhân ông đánh giá thế nào?
Đúng là có tình trạng đó. Thời chưa giành chính quyền, vào đảng là phải hi sinh, thậm chí chết cho đảng, cho tổ quốc. Lúc đó, người ta nghĩ đến cuộc sống nô lệ, lầm than, cuộc đấu tranh sinh tử làm người đảng viên luôn đứng hàng đầu trên các mặt trận. Giành được chính quyền rồi, đảng thành đảng cầm quyền, nảy ra vấn đề đảng cầm quyền thế nào. Xu hướng thoái hóa cũng bắt đầu. Vấn đề tranh giành quyền lực nảy nở. Bởi có quyền lực là có nhiều thứ lợi lộc đi kèm.
Khi tranh giành quyền lực, người ta dùng nhiều thủ đoạn xấu xa: hoặc nịnh bợ, hoặc ô dù, hoặc chạy chọt, mua bán, hoặc cài cắm con cháu vào các chức có lợi thế… Xu hướng này có vẻ ngày càng nặng.
Chính sách “có tài, có đức, có chức, có quyền” rất hay nhưng thực tế không ít trường hợp ngược lại. Không ít trường hợp người ta cài cắm, đưa con cháu của mình vào các vị trí chủ chốt… Nhân dân biết hết. Các nghị quyết thì nói hay mà sao không ít lãnh đạo làm dở như thế. Người ta suy nghĩ, bất bình, cái bất bình thể hiện bằng những chuyện tiếu lâm, đàm tiếu, châm biếm….
Từ bất bình, người dân phản ứng. Lúc đầu dân nuôi đảng, bảo vệ đảng, sau giành chính quyền rồi, cứ nói chính quyền của dân, do dân, vì dân, nhưng người ta thấy thực tế không ít nơi chỉ là của mấy anh giành quyền với nhau thôi. Anh có quyền lực rồi lại không vận động, thu phục nhân tâm, đi vào lòng người mà dung quyền lực ấy để áp đặt này khác…, từ đó, uy tín của đảng giảm dần. Đó là chưa kể tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hối lộ, sa đọa lối sống… 19 điều cấm đối với đảng viên, thực hiện được bao nhiêu?
Quan trọng nhất là nói và làm phải đi đôi, còn nói hay, viết hay nhưng làm dở, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo thì sẽ mất uy tín, nói người ta không nghe nữa và nếu còn để tình trạng đó xảy ra thì sẽ là một sự báo động nguy hiểm.
Khi số người vào đảng vì mục đích tiến thân, tư lợi trên danh nghĩa của đảng nhiều lên, sức mạnh của Đảng sẽ ra sao, thưa ông?
Nếu nói về kinh tế, ta đang lo chất lượng của phát triển kinh tế, chú trọng phát triển chiều rộng không phải chiều sâu, lo số lượng chứ không phải chất lượng. Với Đảng cũng thế thôi.
Từ 5000 đảng viên năm 1945 mà thực hiện kháng chiến thành công, bởi khi đó, đã quy tụ được quần chúng xung quanh mình. Bây giờ mấy triệu đảng viên, số lượng nhiều nhưng chất lượng đảng viên thì phải xem lại. Kém không phải ở chỗ trình độ học thức. Đảng viên bây giờ phai nhạt lí tưởng. Cũng có lí do. Ngày xưa nói: Liên Xô hôm nay là Việt Nam ngày mai. Bây giờ ngày mai đó không còn, người ta biết đi theo hình ảnh nào?
Ta cũng đã nêu được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”… Đó là mục tiêu hay, đi vào lòng người, thay vì XHCN chung chung. Hiện nay Việt Nam còn là nước nghèo, lạc hậu thì nên ít bàn những chuyện xa xôi, mà nên bàn thực tế, khắc phục những khoảng cách phát triển.
Về cách làm cũng phải khác trước. Như việc Đảng viên có được làm kinh tế tư nhân không, tranh cãi mấy chục năm trời, từ 1987 mãi đến ĐH X năm 2006, mới trả lời được câu hỏi ấy. Chúng ta đã quá giáo điều. Chúng ta nói kinh tế tư nhân là bóc lột, là xấu, vậy tại sao xấu lại đẩy nhân dân làm, còn đảng không làm. Sao việc xấu lại ấn cho dân?
Trong tư duy của ta còn giáo điều, khuôn mẫu, câu nệ, còn là tù binh của những nguyên lí sách vở.
Trước hết, phải trở lại nguyên tắc dân chủ, từ việc lựa chọn cán bộ, kết nạp đảng… Nếu chịu lắng nghe cấp dưới, thì sẽ loại bỏ được thành phần nịnh bợ. Không dân chủ thì vẫn bố trí cán bộ sai, kết nạp sai.
Ở mình tồn tại nghịch lí, giữa đảng với dân có khoảng cách, mà trong đảng lại có nhiều cán bộ xấu nên trong dư luận mới truyền nhau, khi được hỏi ý kiến có kết nạp anh A vào Đảng không, người ta bảo: chúng tôi rất hoan nghênh. Kết nạp anh ấy vào Đảng sẽ làm cho quần chúng được trong sạch. Có nghĩa là, người ta thấy trong đảng có nhiều người xấu.
Những câu lưu truyền trong dân đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Trước chúng ta nói: “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, bây giờ thì dân gian truyền nhau: “làng nước đi mau kẻo đảng viên xơi hết”….
Những chuyện như vậy để thấy đảng bây giờ ít hấp dẫn quần chúng.
Một cái làm mất hấp dẫn của đảng, là sinh hoạt chi bộ không có nội dung hấp dẫn. Đi họp hay không cũng được. Chuyện bình bầu mấy tốt, chẳng làm được gì cho đảng, cho dân cũng được bầu. Nói cách khác, hình thức chủ nghĩa tương đối nặng trong đảng, nhà nước ta. Gắn với chủ nghĩa hình thức là tâm lí thích khoe khoang, thích được khen, không muốn bị chê, không thích phê bình. Có ông tự phê bình rằng tôi xin nghiêm túc tự phê bình rằng tôi có khuyết điểm rất lớn là làm việc quá say sưa, quên thời gian. Anh kể khôn thế chỉ có lợi cho anh thôi, chứ đâu phải là tự phê bình.
Muốn chuyển đảng từ không hấp dẫn sang hấp dẫn ngay không dễ. Phải cả quá trình phấn đấu rất gian khổ mới trở thành một đảng hấp dẫn.
Trong chính trị, quần chúng giảm sút lòng tin với đảng coi như có khủng hoảng rồi. Mình phải lấy lại lòng tin của quần chúng nhân dân.
Đương nhiên để lấy lại lòng tin không dễ. Lòng tin có thể được khôi phục không phải bằng lời nói, lời hứa suông mà bằng tấm gương, bằng đường lối chính sách cụ thể, phục vụ lợi ích của đại bộ phận nhân dân.
Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh chính là cách đang được áp dụng để để nêu gương, thưa ông. Tuy nhiên, có một số vị cựu lãnh đạo Đảng từng nhận xét cuộc vận động này đang nhằm không trúng đối tượng. Góc nhìn của ông?
Đó được xem là sáng kiến trong lúc không biết làm thế nào để đảng viên, quần chúng có cái học tập thiết thực. Đáng tiếc thực tế trong cuộc vận động, ai đọc thuộc lòng, có khiếu diễn thuyết thì được thưởng còn trong cuộc sống thực tế có noi gương không lại là chuyện khác.
Nhẽ ra cấp trên phải học tập trước, lãnh đạo học tập, noi gương trước. Nếu không được như Bác Hồ nhưng có nhiều những điều tốt đẹp được thấy ở đồng chí này, đồng chí khác…, nhất là ở lãnh đạo thì cấp dưới và quần chúng sẽ nói theo.
Nếu những người lãnh đạo mà có điều tiếng này khác, cài cắm con cháu, người thân vào bộ máy, xây nhà lầu… từ nguồn tài chính bất minh… thì sẽ làm mất uy tín của đảng.
Do đó, điều cần hơn là tấm gương của những người lãnh đạo. Nhìn ông Chủ tịch, Bí thư… ông nào cũng có nét của Bác Hồ trong đó, thì dân phấn khởi. Các vị chỉ chăm chăm lo cho mình, gia đình mình… mà lo cho dân ít quá… thì dân buồn và bất bình, có khi quay lưng lại.
Còn nữa
Theo: Tuần VN.

Không có nhận xét nào: