Pages

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Kinh tế Syria 'què quặt vì cấm vận'

Quân nổi dậy Syria
Tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn ở Syria
Một trong các doanh nhân hàng đầu Syria nhận định rằng kinh tế nước này đang khốn đốn vì lệnh trừng phạt của nước ngoài và chính quyền cũng dần rệu rã.
Faisal al-Qudsi, con trai của cựu Tổng thống Syria Nazem al-Qudsi, nói với BBC rằng hoạt động quân sự của chính quyền Syria sẽ chỉ kéo dài được thêm sáu tháng, và sau đó "hàng triệu người sẽ đổ xuống đường".

Thế nhưng ông cho rằng chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ đấu tranh tới giờ phút cuối cùng.
Đợt biểu tình kéo dài 11 tháng chống ông Assad đã làm hàng nghìn người chết.

Các nhóm nhân quyền nói con số người thiệt mạng là hơn 7.000, trong khi chính quyền cho hay ít nhất 2.000 cảnh sát và binh lính hy sinh khi "chiến đấu với các băng nhóm tội phạm và khủng bố".
Tình trạng bạo lực tiếp tục hôm thứ Bảy, khi lính Syria nã súng vào người tham dự một đám tang, sau chuyển thành biểu tình tại Damascus. Những người đấu tranh nói ít nhất một người chết tại thủ đô và 20 người khác ở các nơi trong nước.
Phát biểu trên chương trình Weekend World Today của BBC, ông Qudsi nói nền kinh tế đã què quặt vì cấm vận, và cho dù Iran đã chuyển tiền cho Syria, chắc chắn là chưa đủ.

Đằng nào cũng thất bại

Ông Qudsi nay quản lý một ngân hàng đầu tư đặt tại London và tham gia khá tích cực vào việc đầu tư trong kinh tế tư nhân ở Syria.
Ông nói làn sóng biểu tình đã phá hủy ngành du lịch và lệnh cấm xuất khẩu dầu cùng các sản phẩm khác đã giảm GDP một cách đáng kể.
Theo ông, dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương giảm từ 22 tỷ đôla xuống còn 10 tỷ và vẫn đang tiếp tục thu nhỏ.
Ông nói chính quyền sẽ chỉ chống lại người biểu tình thêm được chừng độ sáu tháng nữa, vì "quân đội cũng mỏi mệt và không tiến đi đâu được nữa".
"Họ sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán, hoặc ít nhất cũng phải chấm dứt giết chóc. Nhưng lúc họ ngừng bắn giết thì hàng triệu người sẽ đổ xuống đường."
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trạch Tuyển
Trung Quốc đã cử đặc phái viên tới Syria tìm hiểu tình hình
"Vậy cho nên đằng nào họ cũng thất bại."
Ông Qudsi nói thêm: "Bộ máy chính quyền đang dần rệu rã và gần như không tồn tại ở các điểm nóng như Homs, Idlib, Deraa. Không có tòa án, cảnh sát không quan tâm trấn áp tội phạm và tình trạng này đang ảnh hưởng rất xấu tới chính quyền".
Thế nhưng ông Qudsi nói ông Assad sẽ đấu tranh đến cùng vì ông ta và người ủng hộ ông cho là "thế giới đang âm mưu chống lại chính phủ Syria".
Trong khi đó, phe đấu tranh nói lực lượng chính phủ tiếp tục vây quanh thành phố Homs, việc bắn phá khu vực Baba Amr được nối lại trong ngày Chủ nhật, nhằm vào hàng trăm quân nổi dậy tại đó.
Phóng viên BBC, Jim Muir, nói các nhóm nhân quyền sợ là một cuộc giết hại hàng loạt có thể xảy ra nếu như lính chính phủ tổ chức tấn công quy mô lớn.
Ngoại trưởng Anh William Hague một lần nữa kêu gọi Tổng thống Assad từ chức.
Ông nói ông lo ngại rằng Syria sẽ "tụt dần vào nội chiến", đồng thời chỉ trích Nga và Trung Quốc đã không thông qua dự thảo của Liên Hiệp Quốc.
Đặc phái viên của Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trạch Tuyển, đã tới Damascus để tìm hiểu tình hình.
Ông Trạch đã gặp gỡ một số nhân vật đối lập, và một trong số họ nói với ông rằng tuy họ sẵn sàng đối thoại một cách nghiêm túc, họ cho rằng chính phủ Syria đã mất hết tín nhiệm.

Không có nhận xét nào: