Nhóm PV
Bà Đặng Thị Hoàng Yến đã bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội nhưng dư luận đang rất quan tâm đến trách nhiệm của TAND tỉnh Long An trong việc xét xử vụ án ly hôn kỳ lạ vì nó để lại hậu quả quá lớn
Mỗi năm, cả nước có hàng chục ngàn vụ ly hôn nhưng chưa vụ nào lại “đình đám” như vụ ly hôn giữa bà Đặng Thị Hoàng Yến (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Đức) và ông Việt kiều Mỹ Jimmy Trần. Sự “đình đám” của vụ án ly hôn này bởi lẽ bà Yến lúc đó đang là đại biểu Quốc hội, còn người chồng bà Yến muốn ly hôn lại là một đối tượng đang bị Bộ Công an truy nã do lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Sức hút” của nó còn nằm ở cách xét xử rất kỳ lạ của TAND tỉnh Long An.
Xét xử “thần tốc”
Hệ thống lại trình tự thời gian, có thể nói hiếm có vụ án ly hôn nào lại được TAND tỉnh Long An giải quyết một cách chóng vánh như vụ ly hôn giữa bà Đặng Thị Hoàng Yến với ông Việt kiều Mỹ Jimmy Trần, hơn nữa đây lại là vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài. Vậy đằng sau đó là gì?
Ngày 10-5-2010, bà Yến nộp đơn xin ly hôn với chồng là ông Jimmy Trần. Cuối tháng tháng 7-2010, TAND tỉnh Long An phân công thẩm phán Lê Văn Lắm thụ lý vụ kiện ly hôn. Ngày 16-9-2010, ông Jimmy Trần bị Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an khởi tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Bản án ly hôn ngày 6-10-2010 do TAND tỉnh Long An ban hành |
Như vậy, từ khi TAND tỉnh Long An thụ lý vụ án đến khi xét xử sơ thẩm chỉ vỏn vẹn chưa đến 2 tháng rưỡi trong khi bà Yến và ông Jimmy Trần đăng ký kết hôn ở Mỹ, nhưng bà Yến lại nộp đơn yêu cầu ly hôn ở Việt Nam thì cần phải đối chiếu với văn bản nước ngoài để xem việc kết hôn thế nào, thỏa thuận tài sản ra sao…?
Hơn nữa, bị đơn có quốc tịch Mỹ, tòa án phải làm thủ tục ủy thác tư pháp thông qua Lãnh sự quán Việt Nam ở nước sở tại, mời đương sự lên ghi nhận ý kiến… Nghĩa là có hàng loạt công việc phải giải quyết theo đúng trình tự và rất mất thời gian. Thực tế, những trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài ít nhất phải mất từ 6 tháng đến 1 năm, có vụ phải mất 2-3 năm vẫn chưa giải quyết xong.
Không chung sống được thì có quyền ly hôn nhưng về nguyên tắc, khi kết hôn với người nước ngoài nếu trong 1 năm không liên lạc thì tòa án có thể giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp này, ông Jimmy Trần vừa ra khỏi Việt Nam vào tháng 7-2010 thì cũng ngay trong tháng, TAND tỉnh Long An thụ lý đơn kiện và tháng 10-2010 giải quyết cho ly hôn, không cần động viên hòa giải để đoàn tụ.
Trong khi đó, Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận danh sách sơ bộ đại biểu ứng cử Quốc hội khóa XIII và HĐND tỉnh Long An khóa XIII, nhiệm kỳ 2011 – 2016 được diễn ra vào tháng 3-2011(?!).
Bản án ra đời cũng “thần tốc”
Không chỉ xét xử “thần tốc”, việc ban hành bản án cũng “thần tốc” không kém. Cụ thể, biên bản kết thúc phiên tòa (thể hiện trong hồ sơ) được ghi rõ vào lúc 11 giờ 5 phút ngày 6-10-2010, chủ tọa Lê Văn Lắm đã đọc và ký tên. Thế nhưng, tại biên bản “tống đạt bản án hôn nhân sơ thẩm” cho nguyên đơn thể hiện rõ: “Vào lúc 11 giờ 00 phút ngày 6-10-2010, tại trụ sở TAND tỉnh Long An... tiến hành tống đạt bản án hôn nhân sơ thẩm số 19/2010/HNGĐ-ST ngày 6-10-2010 cho bà Đặng Thị Hoàng Yến”. Như vậy, trước khi phiên tòa xét xử vụ án “xin ly hôn” kết thúc, TAND tỉnh Long An đã có sẵn bản án do thẩm phán Lê Văn Lắm ký tên, đóng dấu để tống đạt cho nguyên đơn.
Sau gần 3 tháng xét xử, TAND tỉnh Long An không giao bản án cho VKSND tỉnh Long An. Khi làm công văn đề nghị, VKSND tỉnh Long An nhận được bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 19/2010/HN-ST ngày 6-10-2010 do TAND tỉnh Long An gửi vào ngày 6-1-2011 (gồm 9 trang đánh máy).
Tiếp đó, VKSND tỉnh tiếp tục nhận một bản án khác từ nguồn bưu điện gồm 10 trang đánh máy, cùng số 19/2010/HN-ST ngày 6-10-2010 nhưng văn phong hoàn toàn xa lạ mà theo thông lệ từ trước đến nay, kể cả TAND Tối cao, chưa từng có bản án nào của tòa án Việt Nam mang văn phong đó. Vậy những thuật ngữ xa lạ đó từ đâu ra? Có mẫu như vậy không? Một luật sư khi đọc bản án phải thốt lên: “Hình như nó được sao chép từ một bản án ly hôn ở Mỹ, hoàn toàn xa lạ!”.
Một người có nhiều năm kinh nghiệm như thẩm phán Lắm chắc chắn phải nắm rõ nguyên tắc bản án đã tuyên thì không được sửa một câu nào. Vậy thì vì lý do gì mà một vụ kiện, một số thụ lý, thẩm phán Lắm lại cho ra 2 bản án với đoạn nhận định dài - ngắn hoàn toàn khác nhau? Đằng sau việc này có đơn giản là sai sót về nghiệp vụ?
Hậu quả lớn
Ngày 26-5, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã bị Quốc hội khóa XIII chính thức bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội do không trung thực trong việc khai lý lịch ứng cử. Sự không trung thực thể hiện qua 2 nội dung cốt lõi: Bà Yến có thời kỳ từng là đảng viên nhưng không kê khai; có chồng là tội phạm đang bị truy nã nhưng cũng bỏ ngoài hồ sơ lý lịch ứng cử.
Như vậy, việc Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Yến có liên quan mật thiết đến bản án ly hôn kỳ lạ mà TAND tỉnh Long An xét xử. Bởi nếu không có bản án ly hôn thì khi tiến hành hiệp thương để chọn danh sách sơ bộ đại biểu ứng cử Quốc hội của tỉnh Long An, bà Yến đã bị loại ngay từ đầu vì khi đó ông Jimmy Trần vẫn là chồng của nữ doanh nhân này.
Cho nên, sau khi sự việc lùm xùm, trả lời báo chí, bà Yến cho rằng việc ly hôn của bà với ông Jimmy Trần đã được “giải quyết xong” vào ngày 6-10-2010 tại Việt Nam, trong khi ngày nộp hồ sơ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là 18-3-2011 nên không nhất thiết phải kê khai trong hồ sơ ứng cử! Còn ông Võ Lê Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Long An, cho rằng “khi thẩm tra tư cách người ứng cử thì không có gì sai sót vì lúc đó bà Yến đã có bản án ly hôn do TAND tỉnh Long An ban hành”.
Rõ ràng, vụ án ly hôn kỳ lạ do thẩm phán Lê Văn Lắm - TAND tỉnh Long An trực tiếp xét xử đã “có công lớn” trong việc dọn đường để bà Yến bước vào nghị trường. Nay, dù bà Yến đã bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội nhưng hậu quả của vụ việc để lại không hề nhỏ.
Cách xử án của ông Lắm có dấu hiệu của hành vi “ra bản án trái pháp luật” gây hậu quả nghiêm trọng, thế nhưng, ông Lắm chỉ bị lãnh đạo TAND tỉnh Long An kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng, khiển trách về mặt chính quyền do “sai sót về nghiệp vụ”, sau đó ông Lắm nộp đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.
Vấn đề dư luận đặt ra: Nếu TAND tỉnh Long An không giải quyết cho ly hôn một cách “thần tốc” thì chắc chắn chuyện đáng tiếc trên đã không xảy ra. Vậy tại sao ông Lắm lại được “hạ cánh an toàn”, còn trách nhiệm của TAND tỉnh Long An trong vụ việc này ra sao?
Vụ việc có thể bị phanh phui...
Nhà báo Lê Hoàng Hùng (phóng viên Báo Người Lao Động) là người đầu tiên phát hiện việc xét xử kỳ lạ của TAND tỉnh Long An trong vụ ly hôn này nên anh quyết định điều tra. Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu, đầu tháng 1-2011, nhà báo Hoàng Hùng đến TAND tỉnh Long An đăng ký làm việc với lãnh đạo tòa để làm rõ nghi vấn: Vụ ly hôn này xử có đúng thẩm quyền, việc phân chia tài sản dựa vào đâu, vì sao xử một lần lại có 2 bản án...? Sau đó, lãnh đạo tòa họp và hẹn sẽ trả lời sau, tuy nhiên, chưa đến thời gian hẹn thì nhà báo Hoàng Hùng đã bị sát hại.
Nếu nhà báo Hoàng Hùng không gặp nạn, những điều khó hiểu trong phiên xử ly hôn “thần tốc” và những sai sót trong bản án ly hôn “kỳ lạ” có lẽ đã được phanh phui. Điều đó đồng nghĩa với việc bà Hoàng Yến khó có thể ứng cử vào Quốc hội, các cơ quan chức năng cũng không phải mất thời gian “giải quyết hậu quả” của việc này.
Theo: NLĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét