Đào Tuấn
Còn độc quyền thì không thể có thị trường, không thể có cơ chế thị trường, thứ mà luật Giá đang như gà mắc tóc hướng tới.
Trên facebook hôm qua đã có một lời bình luận: Đại biểu QH Tây Nguyên thì để nghị đưa café vào bình ổn. Đại biểu miền Tây thì đề nghị bình ổn thuốc cho… cá. Đại biểu đồng bằng lại đề nghị với “phân, giống, thuốc trừ sâu”. Đại biểu thành phố thì để nghị không bình ổn đường, muối. Đại biểu phụ nữ đề nghị bỏ bình ổn sữa. Quá nhiều đề nghị “đưa vào, đưa ra”, đến nỗi đại biểu QH Trần Du Lịch bấm nút lần thứ hai mà đề nghị cần cân nhắc khi mở rộng diện bình ổn giá.
Bởi việc bình ổn thực chất là việc nhà nước can thiệp bằng hành chính vào thị trường. Bởi bình ổn là “cực chẳng đã”, là “lợi bất cập hại”, là “thỏa mãn bất cập hiện tại, nhưng làm hại tới sự cạnh tranh của nền kinh tế”.
Chỉ đến ngay trước phiên họp hôm qua, Ủy ban thường vụ QH mới chốt được danh sách các loại hàng hóa bỏ ra ngoài diện bình ổn. Đó là sắt thép, xi măng. Đó là vé ngồi tàu cứng, là thức ăn hỗn hợp dùng cho chăn nuôi. Điểm chung nhất của các loại “không cần bình ổn” này ngoài việc thậm chí thừa mứa, là có mức độ cạnh tranh cao trong từng chủng loại. Đại ý không vé ngồi tàu cứng đã có ô tô tư nhân. Không có xi măng Tam Điệp thì đã có xi măng Ching Phong. Còn thức ăn chăn nuôi? Không bao giờ nên bình ổn khi mà sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu của thức ăn luôn ở vào tình trạng được mùa đến rớt giá. Không thể bình ổn, bởi không thể chấp nhận tình trạng nói như ông Trần Du Lịch là “con lợn của chúng ta toàn xài hàng ngoại”.
Chính cạnh tranh đã tạo nguồn cung dồi dào. Chính vì sự dồi dào đã tạo ra sự cạnh tranh giá, nhưng là theo chiều hướng giảm.
Vì vậy, bản chất của vấn đề giá cả là sự cạnh tranh.
Hôm qua, nhiều đại biểu đã đề nghị đưa sữa, đường, muối ra khỏi danh sách bình ổn, bởi ngoài sự dư thừa dẫn đến rớt giá, đối với sữa, còn là một thị trường cạnh tranh tương đối hoàn hảo với 72 doanh nghiệp sản xuất và 230 nhà nhập khẩu. Con số này thật là “khổng lồ” so với lĩnh vực xăng dầu và điện. Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, loại hàng hóa đã được “thả nổi” thì đến giờ, cả nước giờ mới có 12 DN đầu mối nhập khẩu, trong đó, riêng “anh cả” Petrolimex có lúc đảm bảo 53% nguồn cung cả nước, chiếm lĩnh hơn 60% thị phần bán lẻ. Đối với ngành điện, vẫn chỉ là cái tên quen thuộc EVN.
Đại biểu QH Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) hôm qua đã nói đến “những xung đột lợi ích” khi bà cho rằng Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu đại diện cho EVN, vừa là cơ quan kiểm soát giá, vừa là đơn vị ra chính sách. Trong khi cơ quan quản lý đối với giá điện là Cục điều tiết điện lực thì lại nằm trong Bộ Công thương. Có lẽ, vị thế “vừa đá bóng vừa thổi còi” là lý giải xác đáng nhất cho việc Bộ Công thương khăng khăng đề nghị Nhà nước chỉ nên nên kiểm soát đối với khung giá phát, bán buôn, truyền tải, phân phối thay vì định giá bán lẻ điện bình quân.
Trước khi luật Giá ra Quốc hội, đã có vô vàn khuyến cáo “chỉ giải tỏa được bức xúc trước mắt khi không giải quyết gốc rễ vấn đề”, rằng “giảm được giá hàng hóa này sẽ làm phình to giá hàng hóa khác”, khi tinh thần của Luật vẫn là “Kiểm soát giá”, dù đó bất chấp là việc can thiệp vào thị trường một cách hành chính. Song trong một thị trường méo mó, hoặc nói lạc quan hơn là “chưa đầy đủ”, nơi mà 3-4 doanh nghiệp gần như thao túng toàn bộ thị trường bán lẻ xăng dầu, nơi mà EVN, dù danh nghĩa không độc quyền sản xuất điện nhưng vẫn to đùng hai độc quyền truyền tài và phân phối mặt hàng chiến lược là điện, thì có lẽ, dù là “can thiệp hành chính vào thị trường”, nhà nước vẫn không thể bỏ trách nhiệm quản lý.
15 năm trước, khi Viettel được thành lập - dù vẫn là DNNN, thị trường cước di động đã chứng kiến cuộc cạnh tranh giá cước chưa từng có. Giá cước, trước đó được bình luận là “ở trên trời chứ không phải trên mây” đã xuống đến dưới lòng đất, thể hiện trên chỉ số âm (-) trong CPI và các cú tuýt còi “giảm giá không lành mạnh” liên tục.
Sự méo mó của thị trường và những cơn tăng nóng về giá, và chỉ số niềm tin của dân chúng đang xuống thấp trong lĩnh vực quản lý giá chỉ có thể chấm dứt khi có sự cạnh tranh, thứ sẽ là phương thuốc hữu hiệu tạo nguồn cung và giải quyết rốt ráo bài toán giá. Bởi còn độc quyền thì không thể có thị trường, không thể có cơ chế thị trường, thứ mà luật Giá đang như gà mắc tóc hướng tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét