Pages

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

ASEAN và tham vọng đạt được COC vào cuối năm 2012


Source unclos
Bản đồ biển Đông và vùng chủ quyền "Lưỡi Bò"
 theo Trung Quốc.
Việt Hà, phóng viên RFA, Bangkok

ASEAN mong muốn đạt được một bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông vào cuối năm nay.
Tuy nhiên những căng thẳng đang gia tăng trên biển Đông thời gian gần đây cùng với những chia rẽ hiện có trong ASEAN dường như đang làm cho mục tiêu này của ASEAN đang ngày càng trở nên xa vời. Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.
Kết thúc hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào hồi đầu tháng 4 vừa qua, các nước ASEAN đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng là hoàn tất bản thảo COC vào tháng 7 và đi đến ký kết với Trung Quốc vào cuối năm nay. Tham vọng này của các nước ASEAN trên thực tế đang gặp phải rất nhiều khó khăn làm cho mục tiêu đề ra đang dường như quá xa vời.

Trung Quốc muốn kéo dài thời gian


Khó khăn đầu tiên để đi đến việc ký kết COC với Trung Quốc chính là những căng thẳng diễn ra gần đây trên biển Đông giữa Trung Quốc và hai nước Philippines và Việt Nam.

Sự kiện gây quan ngại nhiều nhất trong nhiều tuần qua chính là đụng độ giữa tàu của hải quân Philippines với các tàu hải giám của Trung Quốc gần khu vực bãi cạn Scaborough. Vụ đụng độ này đã khiến căng thẳng gia tăng giữa hai nước và vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Trong khi đó, những tháng đầu năm nay, cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc cũng liên tục có những cuộc khẩu chiến xung quanh vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Hồi tháng giêng năm nay, Việt Nam đã lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn phương áp dụng trên Biển Đông kéo dài từ 16 tháng 5 đến ngày 1 tháng 8. Trong tháng 3, Trung Quốc đã bắt giữ 21 ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản tại khu vực quần đảo Hoàng Sa mà cả hai nước đều đòi chủ quyền. Sự việc khiến Việt Nam phải lên tiếng
Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 20, ngày 3/4/2012.
Các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần 20, ngày 3/4/2012. AFP
phản đối và yêu cầu Trung Quốc thả các ngư dân này ngay lập tức.

Trong một bài viết được đăng tải trên website của Jamestown Foundation vào ngày 26 tháng 4 vừa qua, Tiến sĩ Ian Storey thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng những căng thẳng trên biển Đông xảy ra giữa lúc không có một cơ chế ngăn chặn các xung đột giữa các lực lượng vũ trang của các nước đòi chủ quyền có thể dẫn tới những đối đầu nguy hiểm hơn.
Tôi nghĩ lập trường của họ là thời gian ở về phía họ và do đó họkhông có lợi gì khi bị ràng buộc bởi một văn bản thỏa thuận sẽ hạn chếnhững hoạt động xây dựng và củng cố chủ quyền của họ trên biển Đông. Khi thời gian trôi đi thì Trung Quốc sẽ ở vị thế mạnh hơn để khẳng định chủ quyền của mình
Tiến sĩ Ian Storey

Cơ chế ngăn chặn xung đột là cái mà các nước ASEAN muốn tìm kiếm với Trung Quốc. Nhưng trước hết các nước ASEAN và Trung Quốc phải có được các biện pháp xây dựng lòng tin. Cả ASEAN và Trung Quốc đã đạt được bước tiến nhất định vào năm 2002 khi đặt bút ký bản tuyên bố chung của các bên, gọi tắt là DOC. 9 năm sau, vào tháng 7 năm 2011, ASEAN và Trung Quốc ký một bản hướng dẫn thực hiện DOC. Bước đi này được ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đánh giá là một bước đi đầu quan trọng hướng tới thực hiện bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông. Tuy nhiên, để đi đến được một bộ quy tắc ứng xử (COC), ASEAN đang gặp phải các trở ngại với chính Trung Quốc, nước muốn kéo dài thời gian soạn thảo bản COC này. Ngay chính trong cuộc gặp với thủ tướng Hun Sen của Campuchia vào trước thượng đỉnh ASEAN hồi cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào đã nói Trung Quốc muốn đi đến một COC nhưng không quá nhanh và vào thời gian thích hợp. Tiến sĩ Ian Storey nhận xét:

Ian Storey:
theo tôi Trung Quốc đang muốn sử dụng thời gian, họ muốn kéo dài thời gian này càng lâu càng tốt, trong cả việc thực hiện DOC lẫn chuẩn bị một bản COC. Tôi nghĩ lập trường của họ là thời gian ở về phía họ và do đó họ không có lợi gì khi bị ràng buộc bởi một văn bản thỏa thuận sẽ hạn chế những hoạt động xây dựng và củng cố chủ quyền của họ trên biển Đông. Khi thời gian trôi đi thì Trung Quốc sẽ ở vị thế mạnh hơn để khẳng định chủ quyền của mình và để tạo sức ép lên các nước đòi chủ quyền khác. Theo tôi đó sẽ là cả về khả năng quân sự, lẫn ảnh hưởng về kinh tế và chính trị.

Phó Đô đốc hải quân Philippines Alexander Pama trưng hình ảnh hai chiếc tàu hải giám Trung Quốc chặn tàu chiến Philippines trong một cuộc họp báo tại Manila ngày 11/4/2012.
Phó Đô đốc hải quân Philippines Alexander Pama trưng hình ảnh hai chiếc tàu hải giám Trung Quốc chặn tàu chiến Philippines trong một cuộc họp báo tại Manila ngày 11/4/2012.
Để tạo sức ép lên các nước thành viên ASEAN, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã sang thăm Campuchia, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, chỉ vài ngày trước khi thượng đỉnh ASEAN diễn ra. Sau đó Campuchia cho biết sẽ không đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự của thượng đỉnh. Trung Quốc cũng là nước có đầu tư trực tiếp lớn vào Campuchia với hơn 1 tỷ đô la trong năm 2011. Campuchia hiện cũng nợ Trung Quốc hơn 8 tỷ đô la.

Dấu hiệu chia rẽ trong khối ASEAN


Ảnh hưởng của Trung Quốc cũng gây chia rẽ trong các nước ASEAN trong lập trường đối với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Chuyên gia về Đông Nam Á, giáo sư Carl Thayer thuộc học viện quốc phòng Úc cho biết:
Ngay trong chính nội bộ ASEAN, mặc dù có đến 4 nước đòi chủ quyền trên các đảo và bãi đá tại biển Đông nhưng chỉ có Việt Nam và Philippines lo ngại vì các hành động của Trung Quốc, trong khi Malaysia và Brunei thì dường như không quan tâm lắm.
GS. Carl Thayer

Carl Thayer: ngay trong chính nội bộ ASEAN, mặc dù có đến 4 nước đòi chủ quyền trên các đảo và bãi đá tại biển Đông nhưng chỉ có Việt Nam và Philippines lo ngại vì các hành động của Trung Quốc, trong khi Malaysia và Brunei thì dường như không quan tâm lắm. ASEAN mở rộng và phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc và có một vài nước trong ASEAN có suy nghĩ là Việt Nam và Philippines đang gây rắc rối. Một số nước ASEAN muốn thỏa hiệp nhẹ nhàng hơn với Trung Quốc.
Theo giáo sư Carl Thayer thì Philippines và Việt Nam rất khó có thể đạt được sự đồng thuận của cả khối về vấn đề biển Đông với Trung Quốc:

Loại tàu Haijian (Hải Giám) hiện đại của Trung Quốc tuần tiểu ngày đêm trên các khu vực tranh chấp
Loại tàu Haijian (Hải Giám) hiện đại của Trung Quốc tuần tiểu ngày đêm trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. (ảnh minh họa)AFP
Carl Thayer:
Việt Nam và Phillippines là 2 nước đối lại với 10 nước. Thật khó để có thể lôi kéo ASEAN thành một khối vì các nước nhìn đây như là một mâu thuẫn mà họ sẽ phải chịu thiệt về kinh tế.
Mặc dù lãnh đạo các nước ASEAN công khai khẳng định không có chia rẽ nào giữa các nước trong khối về vấn đề biển Đông, nhưng những chuyên gia quốc tế thì cho rằng những chia rẽ này là khá rõ rệt. Tiến sĩ Ian Storey cho biết:

Ian Storey: mặc dù ASEAN có đồng thuận về những điểm cơ bản như mong muốn duy trì hòa bình ổn định trong khu vực nhưng vẫn có khác biệt. Ví dụ Philippines muốn bộ quy tắc ứng xử COC phải bao gồm cả cơ chế giải quyết tranh chấp thì một số nước không cho rằng đó là một ý kiến hay. Philippines muốn đưa ra đề nghị về một khu vực hợp tác phát triển hòa bình chung của họ vòa bản COC nhưng một số các nước thành viên khác lại phản đối.
Việt Nam và Phillippines là 2 nước đối lại với 10 nước. Thật khó đểcó thể lôi kéo ASEAN thành một khối vì các nước nhìn đây như là một mâu thuẫn mà họ sẽ phải chịu thiệt về kinh tế.
GS. Carl Thayer

Vào hồi đầu năm 2011, chính phủ Phillipines đưa ra đề xuất biến khu vực tranh chấp thành một khu vực hợp tác hòa bình hữu nghị. Khác với DOC và COC, đề xuất mới của Philippines hướng tới việc giải quyết tranh chấp hơn là điều hòa căng thẳng. Tuy nhiên ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng phản đối đề nghị này và cho rằng đây là cách để Philippines đưa Hoa Kỳ vào cuộc.

Trong khi Phillipines và Việt nam mong muốn các nước ASEAN soạn thảo COC trước khi thảo luận với Trung Quốc thì các nước ASEAN khác lại mong muốn đưa Trung Quốc vào bàn thảo luận ngay từ đầu. Trong bản tuyên bố cuối cùng của thượng đỉnh ASEAN 20, nước chủ tịch ASEAN là Campuchia nói rằng ASEAN sẽ soạn thảo bản COC nhưng đồng thời cũng tham khảo ý kiến với Trung Quốc. Bằng cách này, Trung Quốc đương nhiên có thể gây ảnh hưởng mạnh lên quá trình soạn thảo COC và có thể hướng quá trình này theo chiều mà họ muốn. Giáo sư Carl Thayer giải thích:

Carl Thayer:
ý tưởng ban đau là ASEAN sẽ soạn thảo COC rồi sau đó mới đưa cho Trung Quốc giờ đây đã bị thay đổi theo cách dù Trung Quốc không ngồi vào bàn soạn thảo với ASEAN nhưng trong suốt quá trình đó, một ai đó ví dụ như tổng thư ký ASEAN hay Campuchia sẽ luôn cho Trung Quốc biết chi tiết và lấy phản ứng từ Trung Quốc để đưa vào bản thảo. Vậy nếu Trung Quốc nói không thì làm sao ASEAN có thể tiếp tục thảo COC?

Trung Quốc đã nhiều lần nói không với các bản thảo hướng dẫn thực hiện DOC của ASEAN trước khi đi đến ký kến vào tháng 7 năm 2011. Trung Quốc cũng nói không với những đề xuất nhằm tìm cách giải quyết tranh chấp của Philippines. Câu hỏi đặt ra là liệu mục tiêu đạt được một COC với Trung Quốc vào cuối năm nay của ASEAN có quá tham vọng?

Không có nhận xét nào: