Tác giả : Vi Anh
Lời nguyền của dầu lửa đã từ lâu biến Con Người thành nạn nhân của địch họa tại nhiều điểm nóng của thế giới như ở Trung Đông, Nam Á. Và dầu lửa và khí đốt đang nhen nhúm Biển Đông VN thành trận đại hồng thủy vào đầu thế kỷ 21 này.
Vào khúc quanh của hai thế kỷ 20 và 21, TC trổi dậy thành một siêu cường kinh tế thế giới, thành cơ xưởng sản xuất hàng hóa rẻ tiền tràn ngập thế giới, một thế lực quân sự đang hiện đại hóa, và một nước thèm xăng dầu như thời xưa dân số quá đông, nạn đói kém thường xảy ra nên hễ gặp nhau, chào nhau là hỏi “ăn cơm chưa”. Bây giờ xăng dầu là điều kiện sống còn của nền kinh tế TC, mà tăng gia kinh tế là thế chính thống cầm quyền của TC trước nhân dân sau khi chủ nghĩa CS thất bại ở Liên xô và Đông Âu.
Thềm lục địa của Á châu Thái Bình Dương có một trữ lượng dầu khí rất lớn. TC thèm khát là phải. Báo Hoàn cầu của TC cho biết theo ước tính, Biển Đông là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Biển Đông có trữ lượng 50 tỉ tấn dầu thô, hơn 20,000 tỉ mét khối khí đốt, gấp 25 lần trữ lượng dầu và tám lần trữ lượng khí đốt hiện có của Trung Quốc. Bộ Năng lượng Mỹ ước lượng ở Biển Đông có tới 7 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Còn TC đánh giá Biển Đông có khoảng 213 tỷ thùng, quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 – 20 năm tới.
Ngày 23/07/2010, tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố “Lợi ích quốc gia của Mỹ bao hàm quyền tự do hàng hải, quyền tiếp cận các vùng biển chung của châu Á, và sự tôn trọng luật lệ quốc tế tại khu vực Biển Đông”. Và Bà còn minh định Hoa Kỳ xem việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở vùng Biển Đông là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của mình. và Washington sẵn sàng hậu thuẫn cho các sáng kiến hay biện pháp tạo niềm tin giữa các bên tranh chấp.. Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định là việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển phía Nam Trung Quốc là một “ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ”.
Trong khi Ngoại Trưởng Mỹ tuyên bố như trên thì Ngoại Trưởng TC bỏ phòng họp ra ngoài một tiếng đồng, coi lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Mỹ là tấn công Trung Quốc. Lời tuyên bố đó của Mỹ rõ rệt chống lại ý muốn và hành động chiếm Biển Đông của TC. CS Bắc Kinh đã chính thức tuyên bố Biển Đông là một trong những “quan tâm sống còn” của Trung Quốc, bên cạnh Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương. TC đã lấy hai đảo Hoàng Sa và Trường sa làm huyện Tam Sa sáp nhận vào tỉnh Hải Nam thuộc lãnh thổ của TC. TC đã đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, đưa ra kế họach làm kinh tế quốc phòng và du lịch trị giá hàng chục tỷ Mỹ Kim. TC cũng từng cấm công ty dầu Anh, thăm dò trong vùng biển gần hai đảo mà VNCS tuyên bố thuộc chủ quyền của VN.
Gần đây Mỹ cho hàng không mẫu hạm rồi khu trục hạm vào cảng Tiên Sa – Đà Nẵng. Hải quân Việt Nam và Hạm đội 7 của Hoa Kỳ lại thực hiện một loạt những hoạt động hợp tác trong khuôn khổ kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao của hai phía. Và Mỹ đã hiệp ước với Hà nội về nguyên tử dân sự trong đó đồng ý cho VN làm giáu chất uranium. Mỹ tuyên bố trước TC phản ứng, phát ngôn viên VN phải chối.
Hai thế lực đang giành thế hải thượng trên vùng biển Á châu Thái Bình Dương, có hai chiến thuật khác nhau. TC thì chủ trương giải quyết song phương với mỗi một nước tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng sa và Trường sa này là TQ, VN, Đài loan, Phi luật tân, Nam dương, Mã lai và Brunei. Còn Mỹ thì muốn quốc tế hoá, giải quyết đa phương, dựa trên hiệp hội ASEAN. Lý do bên ngoài nhiều nước đưa ra trong đó Mỹ đã chánh thức nói, đó là tự do lưu thông của con đường hàng hải huyết mạch qua Eo biển Mã lai của 60% hàng hoá quốc tế và 90% xăng dầu cho các nước Bắc Thái bình Dương đa số thân Mỹ.
Nhưng lý do bên trong ít ai nói ra nhưng mà vô cùng quan trọng là lời nguyền của dầu lửa nằm dưới đáy biển của Biển Đông đối với TC và Mỹ. Thử phóng chiếu lời nguyền của dầu lửa lên bối cảnh địa lý chánh trị thế giới, trong đó TC và của Mỹ là hai nước tiêu thụ dầu nhiều nhứt thế giới. TC phát triễn kỹ nghệ sau Mỹ nên đường dây mua, khai thác, chuyên chở dầu không qui mô, thánh nề nếp như Mỹ. Do vậy TC phải làm bạo hơn để tranh thủ thời gian. Vấn đề các mỏ dầu ở Biển Đông gần TC, TC muốn là một nguồn cung ứng sỡ hữu của mình, nguồn dự trữ an toàn của mình như các mỏ của Mỹ ở Alaska hay thềm lục địa của nước Mỹ.
Chẳng những ở Biển Đông mà thế giới này bất ổn vì TC mới vươn lên tranh giành dầu lửa với Mỹ. TC không làm cũng không được vì thiếu xăng dầu nền kinh tế TC sẽ khủng hoảng và xã hội TQ suy sụp, nhà cầm quyền CS Bắc Kinh có thể bị lật đổ vì nội loạn.
Từ thập niên 1990, TC trở thành một nước nhập cảng dầu. Nhu cầu theo thời gian và theo sản xuất tiêu thụ, tăng lên theo cấp số nhơn, nhứt là vào thời kỳ TQ bước vào giai đoạn dùng xe hơi. Năm 2009, TQ sản xuất 13.79 triệu xe hơi. Vào tháng 6 năm 2010, mỗi ngày TQ xài 10 triệu thùng dầu.
Còn Mỹ cũng chẳng thua gì, cần dầu như cần nước uống khi đi trong sa mạc. Dù TT Obama chủ trương và thúc đẩy việc sản xuất và dùng năng lượng thay thế, nhưng ít ra phải vài thập niên nữa Mỹ còn phải nhập cảng dầu mỏ. Năm 2008 Mỹ tiêu thụ một số lượng tương đương với 1 phần tư tổng sản lượng dầu của thế giới, phân nửa số đó Mỹ phải nhập cảng.
Tính chúng TQ và Mỹ tiêu thụ mất 1 phần 3 tổng sản lượng dầu của thế giới. Cả hai nước tranh nhau tăng gia số dầu nhập cảng. Trong thời gian gần đây kinh tế thế giới phục hồi, hai nước này phải chạy đua nhanh hơn nữa để nhập cảng dầu.
TC có lợi thế hơn Mỹ trong việc mua và khai thác mỏ dầu vì TC không bị rào cản về chánh trị tự do, dân chủ, nhân quyền. TC mua từ Cuba, Angola đến Kazakhstan, đang mở đường mạnh vào các nước nhiều dầu ở vùng Vịnh Ba Tư như Saudi Arabia và Iraq là hai nước có sản lượng dầu nhứt nhì thế giới. Nhưng đường biển vận chuyển dầu ở vùng này về TQ do Mỹ kiểm soát lâu đời rồi. Và TC cũng lo những nước có sản lượng dầu nhiều đang cung ứng cho TQ có thể bị Mỹ cấm vận như Iran.
Do đó TC lập đường ống dẩn dầu từ Trung Đông về tỉnh địa đầu Singkiang của TQ, qua Miến Điện, Vân Nam để đề phòng Mỹ gây trở ngại đường hải lộ qua eo biển Mã Lai. Mỹ mới đây kết nối được với Miến Điện, tạo thành một khó khăn chuyển vận dầu cho TC.
TC còn mở nhiều căn cứ hải quân quân sự tại các bờ biển hầu bảo vệ đường chở dầu, cả một xâu chuổi căn cứ hàng hải tại các nước mà TC muớn gọi là “xâu chuổi ngọc trai”.
Kế hoạch bành trướng mua, khai thác, chuyên chở dầu để giải quyết nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của dân chúng gây nhiều đụng chạm với Mỹ. Biển Đông VN đang trở thành một điểm nóng trong việc thay đổi địa lý chánh trị do việc tranh giành dầu của hai nước Mỹ và TQ tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhứt thế giới.
Trở lại VN, việc Mỹ trở lại Đông Nam Á là một tin mừng nhưng với rất nhiều dè dặt cho VN. Mỹ không có tham vọng đất đai, cũng không có tham vọng chiếm hữu các mỏ dầu bằng võ lực như TC. Nhưng Mỹ cần dầu cũng như TC, và chánh quyền Mỹ là những nhà chánh trị “cực kỳ” thực dụng, thực dụng đến đổi sẵn sàng phản bội. Mỹ chỉ cần tự do thông thương và được khai thác dầu. TC và Mỹ họ có thể giải quyết nhu cầu này giữa hai nước lớn với nhau, chia quyền lợi khai thác dầu trên đầu trên cổ những nước nhược tiểu trong vùng. Bài học Kissinger và Nixon “hy sinh” đồng minh VN Cộng Hoà khi đi được với TC trong Chiến tranh VN là một bài học cho các nước ASEAN. Làm kẻ thù của Mỹ, hay TC dễ; làm bạn với họ, rất khó. Hơ hỏng, sơ sót để họ chen vào chủ quyền của đất nước sẽ rơi vào số kiếp sống lây lất và chết dằn vặt trong nỗi buồn nhược tiểu, nỗi nhục da vàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét