Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012
Tàu chiến các cường quốc kéo ra Biển Đông.
Tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân Mỹ ở Biển Đông
(VnMedia) - Trong cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough hiện nay, Biển Đông đang trở thành điểm nóng đáng chú ý nhất thế giới bởi cuộc “đua” tàu chiến rầm rộ giữa 4 cường quốc.
Những cường quốc tham gia vào cuộc “đua” tàu chiến ở Biển Đông lần này gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Sau khi tàu ngầm hạt nhân tối tân của Mỹ đến vùng biển đang dậy sóng, Trung Quốc cũng “không vừa” khi triển khai cùng lúc 5 tàu chiến hàng đầu của mình đến khu vực. Nối tiếp hai siêu cường Trung, Mỹ, đến lượt Ấn Độ và Nhật Bản cũng đưa tàu chiến của mình ra Biển Đông.
Tất nhiên, không phải vô cớ mà các nước trên triển khai tàu chiến ở Biển Đông. Đằng sau vỏ bọc là các chuyến thăm hữu nghị, sự hiện diện của những chiếc tàu ngầm, tàu chiến, tàu quân sự ở Biển Đông đều mang một thông điệp, một ý đồ hay một ẩn ý sâu xa nào đó.
“Nóng” cuộc “đua” tàu chiến ở Biển Đông
Mở màn cuộc đua tàu chiến ở Biển Đông là Mỹ - cường quốc quân sự số 1 thế giới, cũng là nước đang can thiệp tích cực vào cuộc đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc và Philippines.
Nằm trong kế hoạch quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương, trong thời gian gần đây, Mỹ đã không ngừng đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực. Khi vụ tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh nổ ra, với tư cách là đồng minh của Philippines, Mỹ có cái cớ để tăng cường sự hiện diện ở vùng biển giàu tài nguyên này. Hơn nữa, Mỹ cũng tuyên bố, họ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo sự an toàn cho các tuyến đường chiến lược ở Biển Đông.
Vì vậy, hồi giữa tháng 5, Mỹ đã đưa tàu ngầm tấn công tối tân USS North Carolina đến khu vực gần bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông. Đây chính là nơi chứng kiến cuộc đối đầu “nảy lửa” giữa Philippines và Trung Quốc trong gần 2 tháng qua.
Tàu ngầm USS North Carolina thuộc lớp Virginia của Mỹ đã cập cảng Subic Freeport, gần bãi cạn Scarborough, hôm 13/5 và ở lại đây đến ngày 19/5. Theo phát ngôn viên Hải quân Philippines - Trung tá Omar Tonsay cho biết, tàu ngầm Mỹ đến Biển Đông để thực hiện sứ mệnh bổ sung lực lượng cho quân đội Mỹ tại Philippines.
USS North Carolina là chiến hạm thuộc thế hệ tàu ngầm tấn công đa chức năng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia. Con tàu này có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chống ngầm, chống tàu nổi, yểm trợ cho lực lượng đặc biệt, giám sát, trinh sát và tác chiến thủy lôi.. Với chiều dài hơn 106m và trọng lượng hơn 7.800 tấn khi lặn, USS North Carolina là một trong những tàu ngầm có khả năng tàng hình cao nhất và được trang bị công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.
Sự xuất hiện của một trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân nhất của Mỹ ở khu vực Biển Đông đã khiến Trung Quốc tức giận và lo ngại. Bắc Kinh tin rằng, sự hiện diện của tàu chiến Mỹ trong khu vực là một mối đe dọa chiến lược đối với Trung Quốc và nó cũng cho thấy Mỹ đang ngấm ngầm ủng hộ Philippines.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã có hành động đáp trả Mỹ và Philippines. Sau khi tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân của Mỹ vừa rời đi thì Trung Quốc lại khiến Biển Đông nổi sóng lớn bằng việc triển khai cùng lúc 5 tàu chiến ra Biển Đông.
Hôm 19/5, đúng ngày tàu ngầm USS North Carolina của Mỹ rời khỏi vịnh Subic của Philippine, Trung Quốc đã điều động 5 tàu chiến đến gần hải phận của nước láng giềng đang có tranh chấp với họ. Những con tàu này gồm có 2 tàu khu trục lớp Type-052B, hai tàu khu trục nhỏ lớp Type-054A và một tàu vận tải đổ bộ Type-071.
Theo thông báo của Bắc Kinh, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, 5 tàu chiến của Trung Quốc còn được giao trách nhiệm hỗ trợ cho các tàu thuyền đánh cá nước này ở khu vực bãi cạn Scarborough nếu có tranh chấp xảy ra.
Cuộc “đua” tàu chiến ở Biển Đông chưa dừng lại ở hai “kỳ phùng địch thủ” Mỹ-Trung. Chỉ vài ngày sau sự xuất hiện của 5 tàu chiến Trung Quốc, một loạt tàu của Lực lượng Hải quân Ấn Độ cũng rầm rập tiến tới Biển Đông. 4 tàu của Hải quân Ấn Độ có mặt tại Biển Đông gồm tàu INS Rana, Shakti, Shivalik và Kurmak.
Sự hiện diện cùng lúc của 4 tàu Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông khiến cho cuộc đua tàu chiến của các cường quốc ở vùng biển đầy sóng gió này thêm “nóng”.
Góp phần “gia tăng nhiệt” ở Biển Đông là Nhật Bản – một trong những cường quốc hàng đầu ở khu vực Châu Á và cũng là “địch thủ” lâu đời của Trung Quốc. Tin từ Manila cho biết, Nhật Bản đang cử 3 chiếc tàu huấn luyện quân sự đến Philippines trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày vào tuần tới. Theo lịch trình, nhóm tàu chiến của Nhật Bản dưới sự chỉ huy chung của Chuẩn Đô đốc Hidetoshi Fuchinoue sẽ đến vùng biển ngoài khơi đảo Corregidor của Philippines vào ngày 28/5. Đây là chuyến thăm được tuyên bố là để tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hải quân hai nước.
Đằng sau cuộc đua tàu chiến ở Biển Đông
Quan chức các nước tham gia cuộc “đua” tàu chiến ở Biển Đông khẳng định, hoạt động của họ chỉ đơn thuần là những chuyến thăm định kỳ, không liên quan gì đến căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, sự thực là đằng sau cuộc “đua” đặc biệt đó có những thông điệp và ý đồ của mỗi nước.
Với Mỹ, việc nước này triển khai tàu ngầm hạt nhân tàng hình tối tân ở Biển Đông ngoài mục đích trấn an nước đồng minh thân thiết Philippines còn mang theo thông điệp gửi đến Bắc Kinh.
Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Vì tầm quan trọng của Biển Đông, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm khu vực biển này. Thông điệp mà Washington muốn gửi đến Bắc Kinh là họ sẽ không để Trung Quốc độc chiếm vùng biển quan trọng này.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng muốn phát đi tín hiệu răn đe và cảnh báo với Mỹ và Philippines thông qua sự điều động 5 tàu chiến của nước này đến Biển Đông ngay sau sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân Mỹ. Bắc Kinh một mặt muốn răn đe Manila không được lôi kéo bên thứ 3 vào cuộc tranh chấp giữa hai nước ở Biển Đông. Mặt khác, Bắc Kinh cũng cảnh báo Mỹ tránh xa khu vực Biển Đông và tránh xa cuộc tranh chấp lãnh hải của nước này với Phillipines ở bãi cạn Scarborough.
Về phần mình, với tư cách là hai cường quốc trong khu vực Châu Á, Ấn Độ và Nhật Bản chắc chắn cũng không muốn để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh cũng như vị thế của hai nước này trong khu vực. Việc huy động tàu chiến của Ấn Độ và Nhật Bản ẩn chứa hàm ý của hai nước này là họ sẽ không đứng ngoài các vấn đề ở khu vực Biển Đông.
Ngoài ra, Tokyo còn muốn phát đi thông điệp, nước này sẽ không nhượng bộ trước Trung Quốc, giống như Philippines đã làm. Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở đảo Senkaku.
Kiệt Linh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét