(VnMedia) - Uỷ viên Quốc vụ Viện Trung Quốc - ông Đới Bỉnh Quốc
hôm qua (15/5) cáo buộc, Philippine đang ăn hiếp Trung Quốc ở Biển Đông. Liệu có
chuyện cường quốc hùng mạnh số 1 Châu Á lại bị nước láng giềng bé nhỏ như
Philippine hiếp đáp?
Manila và Bắc Kinh đang mắc
kẹt trong một cuộc đối đầu gay gắt vì tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Cuộc đối
đầu này đã kéo dài dai dẳng suốt hơn một tháng qua mà chưa có dấu hiệu dịu đi.
Không những thế, độ nóng của nó còn ngày một tăng.
Trong cuộc khủng hoảng mới nhất ở Biển Đông này, người ta chứng kiến một
Philippine cứng rắn và mạnh mẽ hơn. Liệu có phải sự không khoan nhượng này của
Manila đã khiến giới quan chức lãnh đạo ở Trung Quốc nghĩ rằng họ đang bị
Philippine “ăn hiếp”?
Tuy nhiên, bất kỳ ai theo dõi
diễn biến cuộc đối đầu giữa Philippine và Trung Quốc ở khu vực bãi cạn
Scarborough hiện nay đều có thể trả lời được câu hỏi ai đang hiếp đáp
ai.
Ai đang đe dọa ai?
Kể từ sau khi xảy ra vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippine
thuộc lớp Hamilton và hai tàu hải giám của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp bãi
cạn Scarborough hôm 8/4, Bắc Kinh liên tục thể hiện thái độ cứng rắn và quyết
liệt hơn rất nhiều so với phía Manila.
Về lời nói,
Trung Quốc đã và đang tung ra những lời cảnh báo, đe doạ “sặc mùi thuốc súng”.
Có vẻ như Bắc Kinh đang tăng cường dùng “võ mồm” tấn công Philippine. Cấp độ
căng thẳng trong những lời đe doạ, cảnh báo này cũng ngày một tăng lên theo thời
gian.
Hồi đầu tuần trước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Trung Quốc Fu Ying đã triệu tập Đại biện Philippine tại Trung Quốc đến để trực
tiếp bày tỏ sự phản đối về những diễn biến quanh cuộc tranh chấp lãnh hải hiện
tại giữa hai nước ở bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông.
Trong cuộc gặp gỡ này, bà Fu đã “tố” Manila không những “không chịu thừa
nhận sai lầm nghiêm trọng” mà còn có những hành động “làm leo thang căng thẳng”.
Kèm theo những lời tố tội này, Thứ trưởng Fu còn “đe”, phía Trung Quốc đã chuẩn
bị sẵn sàng để đáp trả bất kỳ hành động nào làm leo thang tình hình căng thẳng
từ phía Philippine.
Ngoài đe doạ trực tiếp, phía
Trung Quốc còn “tận dụng” các tờ báo chính thức của nước này để phát đi một loạt
cảnh báo sắc lạnh và những thông điệp mang đầy tính răn đe dành cho
Manila.
Mới đây, cũng trong tuần trước, tờ Tân Hoa xã
có bài viết kêu gọi Philippine đừng bao giờ thử thách ý chí bảo vệ chủ quyền
lãnh thổ của Bắc Kinh. Bài báo này nhấn mạnh, chủ quyền lãnh thổ là lợi ích then
chốt của Trung Quốc và sẽ không có chỗ cho sự nhượng bộ ở đây. Bắc Kinh nhắn nhủ
Manila rằng, tốt hơn hết là nước này nên dừng ngay những hành động gây hại và
quay trở lại con đường đúng đắn càng sớm càng tốt.
Đáng chú ý nhất trong các đòn tấn công bằng lời nói của Trung Quốc vào
Philippine là sự lên tiếng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).
Phát biểu trên tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của PLA, giới lãnh đạo
quân sự Trung Quốc tuyên bố, “đừng tìm cách lấy đi dù chỉ một cm lãnh thổ của
Trung Quốc”. Giới quan chức quân sự Trung Quốc cho rằng, Manila nên lùi bước để
nhận được sự "tha thứ" của nhân dân Trung Quốc và của cộng đồng quốc
tế.
Chưa hết, Trung Quốc còn tuyên bố, họ đã rất kiềm
chế trong vấn đề đảo Hoàng Nham. “Nếu một người nào đó nhầm lẫn sự tử tế của
Trung Quốc là sự yếu đuối và coi Trung Quốc chỉ là một ‘con hổ giấy’ thì họ đã
sai lầm một cách khủng khiếp”, PLA Daily cảnh báo.
Trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra “hiếu chiến” thì phía Philippine
lại điềm tĩnh hơn dù vẫn cứng rắn. Trong những phát biểu của giới lãnh đạo ở
Manila, người ta hầu như không thấy có những ngôn từ mang tính đe dọa, cảnh báo
hay thách thức.
Thay vào đó, Manila chỉ tố cáo những
hành động “quấy rối”, “hiếu chiến” của tàu thuyền Trung Quốc ở khu vực tranh
chấp, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nước này. Đồng thời,
Philippine cũng thể hiện mong muốn đưa tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ra
giải quyết tại tòa án quốc tế.
Manila từng thừa
nhận, về sức mạnh quân sự, họ không thể nào địch nổi cường quốc khổng lồ như
Trung Quốc. Vì vậy, việc họ đe dọa Trung Quốc là điều khó có thể xảy
ra.
Ai đang uy hiếp ai?
Không chỉ thông qua lời nói, với những hành động của Trung Quốc và
Philippine trong thời gian vừa qua, người ta cũng có thể nhìn thấy rõ ai đang uy
hiếp ai.
Sau khi xảy ra vụ va chạm tàu thuyền ở bãi
cạn Scarborough, nước huy động nhiều tàu thuyền đến khu vực tranh chấp nhất là
Trung Quốc chứ không phải Philippine. Tàu thuyền Trung Quốc đã rầm rập đổ về bãi
cạn Scarborough. Có những thời điểm số tàu thuyền Trung Quốc hiện diện ở khu vực
tranh chấp lên tới 14, thậm chí là 30 trong khi phía Philippine chỉ có vọn vẹn
vài ba tàu thuyền ở đây.
Điều đáng lo ngại hơn là
những động thái của các tàu thuyền Trung Quốc ở khu vực tranh chấp. Trong hơn
một tháng qua, đã có vài lần xảy ra những vụ đối đầu giữa tàu thuyền Trung Quốc
và Philippine và lần nào nguyên nhân cũng được xác định là từ phía Trung
Quốc.
Hôm 17/4, tàu hải giám và máy bay tuần tra của
Trung Quốc bị “tố” là đã có hành động “quấy nhiễu”, “ngăn cản” tàu nghiên cứu
khảo cổ của Philippine đang làm việc tại bãi cạn
Scarborough.
Mới đây nhất, hôm 28/4, Manila cáo buộc
Bắc Kinh đã dùng chiến thuật “dọa dẫm” với nước này sau khi một tàu cao tốc của
Trung Quốc bất ngờ tiếp cận một cách nguy hiểm với hai tàu của Philippine ở khu
vực tranh chấp trên Biển Đông.
Trong vụ đụng độ này,
tàu Trung Quốc đã tăng tốc vượt qua hai tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển
Philippine ở tốc độ 37km/giờ, tạo ra những cơn sóng lớn làm rung lắc mạnh tàu
thuyền của Philippine.
Manila cho biết, họ đã phải
ghi chép lại toàn bộ những hành động của Trung Quốc ở vùng tranh chấp để chứng
minh sự “dọa dẫm” của nước này đối với họ.
Sau những
vụ dọa dẫm kiểu trên, Trung Quốc tuần vừa rồi còn tiến hành một cuộc tập trận
hải quân quy mô lớn để “răn đe”, “thị uy” đối thủ. Cuộc tập trận này có sự tham
gia của 5 tàu chiến lớn của Trung Quốc, trong đó có tàu Kunlun Shan. Kunlun Shan
là một trong những chiếc tàu chiến lớn nhất và được trang bị vũ khí hùng hậu
nhất của Hải quân Trung Quốc.
Ngoài ra, trong cuộc
đối đầu ở Biển Đông hiện nay, chính Trung Quốc mới là nước lên tiếng đế cập đến
xung đột và chiến tranh ở Biển Đông. Tin đồn chiến tranh cũng xuất phát từ phía
Trung Quốc sau khi có thông tin Quân khu Quảng Châu, Hạm đội Biển Đông và một số
đơn vị quân đội Trung Quốc nhận được lệnh nâng cấp độ chuẩn bị chiến tranh lên 2
trong thang cấp độ là 4.
Với những diễn biến nói
trên, tuyên bố về việc "Trung Quốc đang bị Philippine ăn hiếp ở Biển Đông" quả
là một phát biểu gây sốc!
Kiệt
Linh
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét