Người đàn ông có hành vi xâm
hại con gái ruột của mình tại toà.
|
Lại thêm lần nữa, dư luận chấn động vì hành vi gây án một cách man rợ của gã thanh niên 27 tuổi, xuống dao hạ sát bé gái 4 tuổi để tiện bề thực hiện hành vi xâm hại chị của bé. Đau đớn thay, chị bé gái ấy vừa mới 8 tuổi.
Cũng trong thời điểm đó, Cơ quan Công an truy bắt được kẻ cưỡng dâm rồi hạ sát một bé gái khác. Sau khi gây án, hung thủ xóa hiện trường bằng cách quẳng thi thể của cô bé tội nghiệp ấy xuống một cái giếng hoang. Nạn nhân mới 11 tuổi. Giữa nạn nhân và hung thủ có mối quan hệ họ hàng. Nạn nhân gọi hung thủ là… ông bác.
Bạo tàn hơn, bé gái đang tắm. Gã đàn ông ấy phá cửa xông vào, dùng sức mạnh để thỏa mãn bản năng của giống đực. Giữa bé gái và gã đàn ông ấy, có mối quan hệ không thể gần hơn được nữa. Bé gái gọi hung thủ là cha ruột. Vài ngày trước, Tòa án nhân dân Tp HCM tuyên gã mức án 18 năm tù giam vì hành vi “Hiếp dâm trẻ em”.
1. Lâu rồi, người dân sinh sống tại Tp HCM hoảng hốt với những vụ việc liên quan đến “sát thủ trên đường phố”. Ở thời điểm ấy cứ cách vài ngày là lại xảy ra một vụ việc có kịch bản tương tự nhau, va quệt xe dùng hung khí hạ sát lẫn nhau.
Nỗi sợ hãi đó bị xóa nhòa bởi vụ án vợ đốt chồng là nhà báo. Trong khi, đám đông còn đang choáng váng với ngọn lửa thiêu rụi ân tình ấy thì lại xuất hiện thêm một vụ việc nghiêm trọng. Nội dung có thể tóm gọn đơn giản, vợ thua cờ bạc đòi bán nhà, chồng không chịu nên đầu độc chồng.
Trên thực tế, những mâu thuẫn dẫn đến tội ác trong đời sống vợ chồng hoặc các mối quan hệ khác là điều vẫn thường xảy ra. Thế nhưng người đàn bà đốt chồng và người đàn bà đầu độc chồng đã gây chấn động dư luận là bởi dẫu ít dẫu nhiều thì họ cũng là những người có danh phận. Rất ít người có thể nghĩ rằng trong những gia đình ấy lại xuất hiện một thành viên có cách hành xử tàn nhẫn đến vậy. Nói điều này để thấy rằng, cái ác đã hiển hiện khắp mọi nơi
Mức độ nghiêm trọng của các vụ việc khiến người ta có cảm giác rằng, có thể sự thương tâm đã đến giới hạn cuối cùng. Thế nhưng, một Lê Văn Luyện đã xóa nhòa cái hy vọng mỏng manh ấy. Tội ác của Lê Văn Luyện là điều không nên nhắc lại, nhưng vẫn đau lòng với câu hỏi không có mệnh đề trả lời “Tại sao vẫn có một bộ phận thanh thiếu niên sùng bái Lê Văn Luyện?”.
Tại sao vẫn có những cậu nhóc mài đao, mài kiếm chuẩn bị thực hiện các hành vi gây án, chụp ảnh đăng đầy trên các diễn đàn mạng với khẩu hiệu đầy tự hào “đàn em anh Luyện”. May mà cơ quan công an đã kịp thời tóm cổ được những đàn em mặt búng ra sữa của sát thủ tuổi dưới 18 tám ấy.
Một khi cái ác đã được tung hô. Một khi hành vi giết người cướp của được xem là biểu tượng của số má giang hồ. Một khi hành động gần như là xóa sổ một gia đình được ca tụng như là một chiến công… thì chuyện gì lại không thể xảy ra.
Sòng phẳng và cần thiết phải thừa nhận, ở thời điểm hiện tại, ngay chính lúc này, xã hội đang đối mặt với cái mà tôi tạm gọi là “sự lệch chuẩn về đạo đức”.
2. Sự lệch chuẩn được thể hiện rất rõ trong hoàn cảnh của mọi cá nhân. Đôi lúc có cảm giác, không còn cái chuông nào đủ lành để phát ra tiếng kêu nhằm gióng một hồi cảnh tỉnh về sự lệch chuẩn ấy (?!).
Như được phát triển theo lối “tuần tự nhi tiến”, sự lệch chuẩn đạo đức đã vươn quá tầm kiểm soát.
Lý ra, ngay khi xảy ra vụ việc thầy giáo xâm hại nữ sinh, hiệu trưởng mua dâm học trò… Đối với một dân tộc có truyền thống “Nhất quân, nhì sư, tam phụ”, đại khái “Trước là vua, sau đến thầy, thứ ba là cha”, thì trước hành vi xóa nhòa sự kính trọng của cả một hệ thống tư tưởng ấy. Những người có trách nhiệm nhất thiết phải nhanh chóng hành động để đưa ra giải pháp nhằm chấn chỉnh lại sự lệch chuẩn về đạo đức.
Tiếc thay, cuộc chấn hưng đã không xảy ra.
Lâu dần, như căn nhà tranh vào mùa mưa lũ bị dột nát, không còn phương thức nào có thể cải tạo hay vá víu lại được nữa. Tội ác đã không còn hạn định về biên độ.
Cái ác kinh khiếp đến mức, báo chí đã cạn từ để miêu tả hành vi của những kẻ thủ ác, như “cuồng dâm, biến thái, bệnh hoạn, man rợ, súc vật, thú tính”… những tính từ miêu tả hoặc danh từ miệt thị mà cách đây vài năm, rất hiếm thấy xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Một khi không còn những rào cản đạo đức vô hình, thì biết lấy gì để ngăn cản cái ác.
Những giá trị truyền thống giờ thành điều lạ trong xã hội. Thay vì kính trọng cha mẹ, ông bà… bọn trẻ nhào lên Facebook mắng từ trên xuống dưới các thành viên của gia đình. Rồi nhanh chóng ùa nhau hôn… cái ghế còn hơi ấm của một gã bất nam bất nữ có tên Bi (Rain) đến từ xứ sở Hàn Quốc. Bọn trẻ sưu tập những hình ảnh của người bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động… rồi thay nhau chuyển lên mạng Internet nhằm chứng minh mình là “một người quan trọng”. Ngoài ra, bọn trẻ không quan tâm đến cảm xúc hay sự mất mát của người thân người bị nạn.
Đương nhiên, đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ thanh thiếu niên trong xã hội. Nhưng, cái đáng lo ngại chính là, sự vô cảm lan nhanh không thua kém gì loại virus tạo nên thứ dịch hạch nào đó.
Sự lệch chuẩn về đạo đức hình thành ngoài ý muốn, có sự giúp sức vô tình (cũng có thể là cố ý) của những “quái thai” truyền thông. Họ nhân danh báo chí, lên án cái ác bằng cách “gặm đến mòn răng” nỗi đau của chính người bị hại lẫn gia đình của người bị hại. Họ ra rả vào tai đám đông những tình tiết án mạng, những tiểu tiết một vụ xâm hại… Họ khơi mở hết khả năng chữ nghĩa của mình để cung phụng bức tranh xã hội toàn màu đen kịt cho đám đông thưởng ngoạn.
Cái ác không được phân định để ngăn chặn từ tư tưởng và sự phục vụ cho thói quen ve vuốt trí tò mò của đám đông. Cứ vậy mà tăng tiến cho đến lúc trở nên quen thuộc..
Cái ác trở nên quen thuộc thì làm gì còn có biên độ của sự giới hạn(?!)
Ngô Minh Luân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét