Pages

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Mỹ xem xét lệnh cấm bay ở Syria



Quân nổi dậy đang chiến đấu trên đường phố Aleppo
Quân nổi dậy đã thoái lui ở một số nơi ở Aleppo trước sự tấn công dữ dội của quân chính phủ
Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ dấu hiệu hôm thứ Bảy ngày 11/8 cho thấy họ có thể áp đặt lệnh cấm bay ở Syria trong lúc trận chiến giữa phiến quân và quân chính phủ ở Aleppo vẫn đang rất quyết liệt và bạo lực bùng nổ ở trung tâm thủ đô Damascus.
Hãng tin Anh Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu sau cuộc gặp với người tương nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ở Istanbul rằng Washington và Ankara nên xây dựng các kế hoạch hành động chi tiết về cách thức hỗ trợ cho quân nổi dậy hiện đang chiến đấu để lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

‘Một khả năng’


Khi được hỏi về khả năng áp đặt lệnh cấm bay lên các khu vực hiện do phe nổi dậy kiểm soát, Clinton cho biết đó cũng là một khả năng và rằng bà và Ngoại trưởng Davutoglu đã đồng ý khả năng này cần được ‘phân tích sâu hơn nữa’ nhưng bà cũng nói rằng trước mắt chưa có quyết định gì về vấn đề này.
“Các cơ quan tình báo và quân đội của chúng tôi có trách nhiệm và vai trò rất quan trọng cho nên chúng tôi sắp sửa thành lập một nhóm công tác để làm công việc này,” bà nói.
“Đó là một điểm để suy nghĩ khi bàn thảo về tất cả các hành động có khả năng, nhưng chúng tôi không thể đưa ra quyết định thấu đáo mà không phân tích cặn kẽ cũng như lên lên kế hoạch chặt chẽ,” bà nói.
Tuy nhiên, phát biểu này của Ngoại trưởng Clinton là sự đề cập gần nhất về khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria của chính quyền Washington.
"Quân đội chính quy đang đối đầu với rất nhiều chiến binh rất linh động. Công thức thành công của họ (phiến quân) là chiến thuật du kích. Họ đang bẻ gãy sống lưng của quân đội (chính phủ)."
Gerhard Schindler, người đứng đầu cơ quan tình báo Đức
Trong cuộc khủng hoảng Libya hồi năm ngoái, khối Nato và các đồng minh Ả Rập đã áp đặt vùng cấm bay để hỗ trợ cho quân nổi dậy ở nước này lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Cho đến mãi gần đây phương Tây vẫn tiếp tục lảng tránh ý tưởng lặp lại bất kỳ hành động can thiệp nào giống như ở Libya vào Syria.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu phát biểu rằng đã đến lúc các cường quốc bên ngoài có các bước đi quả quyết để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở các thành phố như Aleppo – nơi mà lực lượng của ông Assad đã chiến đấu với quân nổi dậy được ba tuần.

‘Ván cờ tàn’

Trong lúc này, người đứng đầu cơ quan tình báo Đức cho biết quân đội Syria đã bị suy yếu do thương vong cùng với tình trạng đào tẩu và đào ngũ.
“Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy ván cờ tàn của chế độ đã bắt đầu,” Gerhard Schindler, người đứng đầu cơ quan tình báo Đức BND, nói trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Die Welt, Reuters cho biết.
“Quân đội chính quy đang đối đầu với rất nhiều chiến binh rất linh động. Công thức thành công của họ (phiến quân) là chiến thuật du kích. Họ đang bẻ gãy sống lưng của quân đội (chính phủ),” Schindler nhận định.
Bất chấp ưu thế về hỏa lực, quân đội của Assad đã phải căng mình ra trong cuộc chiến kéo dài đã hàng tháng trời với các chiến binh ngày càng có khả năng chiến đấu và được tổ chức tốt. Chiến sự đã lan tỏa ra nhiều thành phố cũng như nhiều khu vực ở nông thôn vào lúc này hoặc lúc khác.
Ngoại trưởng Mỹ Clinton và người tương nhiệm Thổ Nhĩ KỳAhmet Davutoglu
Bà Clinton là quan chức Mỹ có bình luận gần nhất về sự can thiệp quân sự vào Syria
Tuy nhiên, cơn ác mộng của chính phủ Assad không dừng ở đó. Có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột ở Syria có thể lan sang các nước láng giềng.
Quân đội Syria và Jordan đã xung đột ở khu vực biên giới khi những người tị nạn Syria tìm đường vào lãnh thổ Jordan, Reuters dẫn lời một nhà hoạt động đối lập Syria chứng kiến cuộc xung đột cho biết.
Ông nói các xe thiết giáp đã được huy động trong cuộc chạm trán ở khu vực Tel Shihab-Turra này – cách thủ đô Amman của Jordan 80 cây số về phía bắc.
Không có tin tức về thương vong bên phía Jordan.

Chiến sự Aleppo

Trên chiến địa ở Aleppo, xe tăng và quân đội chính phủ đã nã pháo vào quân nổi dậy ở gần quận Salaheddine vốn từng là cứ địa của phiến quân và nằm án ngữ cửa ngõ phía nam của Aleppo.
Quân nổi dậy cho biết họ buộc phải rút lui trong trận chiến mới nhất trong thế giằng co không dứt giữa hai phe ở Salaheddine – một phần của Aleppo mà quân nổi dậy chiếm giữa hồi tháng trước.
Quân chống đối Syria ở Aleppo, vốn thua xa về quân bị so với quân chính phủ, đã kêu gọi sự hỗ trợ quân sự từ bên ngoài. Họ cho rằng nếu họ có thêm vũ khí và những khu vực họ kiểm soát gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ được áp đặt lệnh cấm bay thì họ sẽ có một căn cứ an toàn để chống lại lực lượng của ông Assad.
"Lý do chúng tôi phải lui quân khỏi quận Salaheddine là vì thiếu vũ khí. "
Abu Thadet, một tư lệnh của quân nổi dậy ở Aleppo
“Lý do chúng tôi phải lui quân khỏi quận Salaheddine là vì thiếu vũ khí,” Abu Thadet, một tư lệnh của quân nổi dậy ở Aleppo. Ông này cũng cho biết là lính của ông sẽ tập hợp lại để phản công.
“Chúng tôi có thể chống cự được các đợt ném bom, nhưng các tay súng bắn tỉa mới là khó chịu,” ông nói.
Vị tư lệnh này cho biết một phần ba số lính trong đơn vị của ông đã bị thương – đa phần là do các tay bắn tỉa ẩn náu trong các khu vực mà quân nổi dậy đang kiểm soát.
Người của ông đã phải tạo những lỗ hổng trên tường của các ngôi nhà để tạo hành lang an toàn cho việc di chuyển xung quanh Salaheddine.
Còn ở thủ đô Damascus, nơi quân đội Assad đã giành lại quyền kiểm soát một số khu vực từ tay quân nổi dậy hồi tháng trước, một cư dân đã cho Reuters biết có một vụ nổ ở gần trụ sở Ngân hàng trung ương và sau đó là tiếng súng nổ.
Đài truyền hình nhà nước Syria cho biết chính quyền đang truy đuổi ‘những phần tử khủng bố’ đã cho nổ bom tại Merieh, một khu vực gần ngân hàng trung ương. Truyền hình Syria cáo buộc những người này là ‘xả súng bừa bãi để tạo sự hoảng loạn cho người dân’.

Không có nhận xét nào: