Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

NHẬN DIỆN…TÀU CỘNG (1)



          Hồ Phong và những uẩn khúc lịch sử

                                                             Nhà văn  VŨ HUY QUANG
                                                                      (Hoa Kỳ)
          Sau chiến dịch Biên giới 1951, VN mở cửa thông thương với TQ, “đề cương văn hóa Diên An “ được rước vào VN và trở thành cái mũ kim cô úp lên đầu bao nhiêu thế hệ nhà văn cho tới tận ngày nay.Nhà văn Vũ Huy Quang  vừa gửi tới loạt bài về đề tài này.
Hồ Phong (1903-85) là bút hiệu của Trương Quảng Nhân, thuộc nhóm thân cận của Lỗ Tấn. Ông  là nhà thơ, nhà viết văn nghị luận nổi tiếng. Gốc người Hồ Bắc, gia thế thanh bạch. Đã học ở Nam Kinh, rồi Đại Học Bắc Kinh. Gia nhập Hội Thanh Niên Cộng Sản, tham gia Phong Trào Ngũ Tứ 1925. Sau khủng bố QDĐ năm 1927, sang Nhật học, rồi bị tù ở đó vì họat động thiên tả. Về Trung Quốc năm 1933, tham gia nhóm nhà văn Tả phái ở Thượng Hải. Cuối thập niên 1930 cho tới những năm ‘40, ông ngao du khắp miền Nam Trung Quốc, ra báo, viết báo phản đối chính sách “chính trị chỉ đạo văn nghệ”, cùng với một số trí thức, sau bị gọi là “bè lũ Hồ Phong”. Bị thanh trừng bởi Mao 1955. Văn tài ông có ảnh hưởng rất rộng – đặc biệt tại Thượng Hải và các tỉnh miền Nam Trung Quốc – ngay cả sau khi ĐCSTQ chiếm Hoa Lục. Sau khi bị quy kết là “phản cách mạng” vào tháng 6-1955, không ai rõ tung tích Hồ Phong ở đâu. Thời kỳ đổi mới tại Trung quốc, được minh oan năm 1979 – và phóng thích một lượt với những người nhà văn như Đinh Linh, nhà cách mạng Trịnh Siêu Lân .v.v. Hồ Phong sống được 6 năm cuối đời tại Bắc Kinh.
Trước Hồ Phong, cũng đã có những nhà văn bị hại như Hòang Thạch Vệ; sau Hồ Phong ,như Phùng Tuyết Phong, Đinh Linh…là những người cầm bút không chiu chỉ đạo trong lãnh vực  sáng tác của Đảng, thường hiểu là các nhà văn ly khai (với quyền lực). Chúng tôi viết chiến dịch Hồ Phong 1955 vì sự trùng hợp thời điểm với biến cố Văn Nghệ cũng bị lên án ở Việt Nam…như ở Trung Quốc.
I. Hồ Phong, chiến dịch 1955
Sau khi ĐCSTQ nắm quyền tại TQ năm 1949, chính sách văn hóa của Mao lan ra tòan quốc. Người đầu tiên lên tiếng chống lại, là Hồ Phong, lúc ấy rất nổi tiếng là lý thuyết gia tả phái về văn chương nghệ thuật. Ông  cùng các bạn hữu coi ”Mao Thọai” rất là máy móc, do đó tuyên bố, “máy móc đã kiểm sóat phạm vi văn chương nghệ thuật cả mười năm nay rồi…Đường lối về văn học này đã làm văn học thành triệt sinh…Khi ai muốn nói gì, người ấy phải kiếm cách đem tư tưởng Mao để diễn tả, làm cho mọi chuyện trở nên càng khó khăn hơn.” (Câu trích lại của Diêu Văn Nguyên trong bài phê bình “Chu Dương con người hai mặt” đăng trên Hồng Kỳ, #1, 1967)
Hồ Phong chủ trương rằng sự thật là nguyên tắc tối hậu của nghệ thuật. Ông ta phản đối chính sách tóm gọn văn học vào mục đích chính trị, cùng chống sự giới hạn đề tài sáng tác theo bắt buộc của Mao. Ông ta nhấn mạnh, là các nhà văn phải được có quyền tự chọn đề tài sáng tác.
Mao bèn phát động chiến dịch chống Hồ Phong năm 1955. Chiến dịch này kéo dài vài tháng liên tiếp được phát động trên tòan quốc. Chiến dịch này không chỉ nhắm vào cá nhân Hồ Phong cùng những bạn hữu của ông, mà còn nhắm vào tòan thể Đại học, Trung học, các cơ sở văn hóa…đến bất cứ ai có vẻ hưởng ứng ý kiến Hồ Phong đều bị thanh trừng. Theo báo cáo thời ấy (Trần Bạch Lan, “phỏng vấn’, Chinese Communist Party in power, tr.420-21), thì trên 130 người theo Hồ Phong bị bắt bỏ tù hoặc cho vào trại lao cải.
Ngay sau chiến dịch Hồ Phong, là chiến dịch “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” phát động từ tháng Tư đến tháng Sáu 1957. Đó là thời kỳ các nhà văn cánh Tả “đua tiếng” phê bình chính sách của Mao đối với văn chương nghệ thuật như Đinh Linh, Ngãi Thanh và Phùng Tuyết Phong, người sau, là lý thuyết gia đương thời rất nổi tiếng về văn chương nghệ thuật, đặc biệt, Đinh Linh và Phùng Tuyết Phong lại đang nắm chức Chủ tịch và phó Chủ tịch Hội liên hiệp  Văn học Nghệ thuật tòan quốc.
Tháng Sáu, Mao dẹp “Trăm Hoa” và tấn công những người trên rất tàn nhẫn. Như tháng Chín có buổi họp ở Bắc Kinh để thanh tóan Đinh Linh, khỏang trăm người hàng quan chức cao cấp trong giới văn nghệ, như Bộ trưởng và phó Bộ trưởng bộ Văn Hóa, Thẩm Nhạn Băng và Chu Dương. Buổi họp, như ở Diên An trước, kéo dài 16 ngày, hết người này đến người kia thay phiên nhau lên án, làm một mình Đinh Linh chống đỡ đến mệt lả, với tội hữu khuynh và phản động, rồi tường thuật lại những tố cáo trên báo Nhân Dân, là Đinh Linh đã liên hệ với Hòang Thạch Vệ (tác gỉa “Bạch huệ hoang dã”), rằng Đinh Linh sẽ như thế. (Hòang Thạch Vệ, đã bị cho vào tù, sau khi đến kết luận là Trốtkít. Trước khi rút khỏi Diên An, quân Cộng Sản đã bắn chết trong tù.) Sau phiên họp, Đinh Linh, Phùng Tuyết Phong, Ngãi Thanh bị bắt giữ, rồi cho vào trại lao cải.
Chiến dịch chống bè lũ Hồ Phong phát động lớn như chưa bao giờ có trên đất Trung quốc. Hồ bị chọn vì vài lí do. Ông ta có lí luận sắc bén để trả lời Chu Dương. Hơn nữa, khác với Dư Bình Pha và Phùng Tuyết Phong, ông ta không lí luận nước đôi khi chống chính sách của Mao trên chính sách văn hóa.
Hồ Phong, 1949-52
Hồ và các bạn vui mừng đón Đảng CSTQ thắng được Quốc Dân Đảng  với sự nồng nhiệt, nhưng ngòai chuyện đó, ông và bạn bè vẫn quyết tâm  không chịu sự kiểm sóat của Đảng. Một trong những bài biên khảo lí luận viết trong 1949-50, “Thông nguyên đầu đáo hồng triều” (Từ khỏi nguồn đến triều dâng), Hồ tuy bày tỏ sự đón mừng Đảng thắng lợi trong chính trị, nhưng ông ta giữ nguyên ý kiến riêng trên vấn đề sáng tác.
Vài đệ tử của Hồ Phong không cần phân biệt Mao và quan chức như Hồ. Họ cho rằng Mao chịu trách nhiệm công thức hóa văn nghệ. Chương Chấn Điều viết cho Hồ,”Bởi tôi muốn viết, tôi đọc Mao Thọai. Đọc xong, tôi không muốn cầm bút nữa.” Về việc Mao yêu cầu nhà văn ca ngợi giai cấp vô sản cùng các anh hùng của Đảng, Chương nói,”Thật là hình thức, máy móc khi nhìn việc đời…Tôi tin là chúng ta nên viết về sự chịu đựng, đau khổ, hạnh phúc, sự tìm tòi cùng trí tưởng tượng nhìn sự việc.” Chương kết luận,”Cái lối THOẠI đề ra chỉ đúng với thời Diên An chứ không đúng với thời này. Bây giờ, người ta có thể phá mọi gò bó.” Và nữa, “Tôi rất không tin  cuộc sống phải trong tổ chức. Như thế sẽ đưa đến ai ai cũng phải suy nghĩ rập khuôn. Phương pháp bây giờ tôi thấy không khác gì của Hitler…Tôi cho rằng những điều bây giờ đã có trong sách của Andre Gide rồi đó.” Sách mà Chương nhắc, là cuốn giải ảo về Liên bang Xôviết, “Trở về từ Liên Xô” của Gide. Người khác, cùng phe với Hồ, là Sử Đào đang dạy ở Đại Học Nhân Dân, sau khi Đảng khống chế tòan diện, cũng viết,”Phương pháp mới mà chúng tôi đang thực hành chỉ làm kiệt quệ con người. Lẽ ra thày dạy phải dùng trí tuệ để giảng dạy, nay thì thay đổi đến nỗi người thày không hiểu dùng đầu óc để làm gì nữa.” Sách để xuất bản của nhóm Hồ bị duyệt, coi là không đúng đường lối, bị gác lại. Bài viết trên báo cũng vậy. Áp lực đến với họ càng nhiều, đủ mặt. Một người, Lữ Kiện, còn ngây thơ đề nghị với Hồ, là có lẽ nên “gặp trực tiếp Chu Ân Lai” để giải quyết.
Nhưng rồi sự việc càng nặng về chính trị. Một thân hữu của Hồ, Thu Ngô phải viết bản tự kiểm đăng trên báo Nhân Dân ngày 8 tháng 6, 1952. Ngày càng nhiều tấn công vào nhóm Hồ Phong…vì các Tổng Biên tập báo đều cho rằng Hồ Phong là người chủ mưu trong sự chống đối, rồi không báo nào nhận đăng ý kiến của “bè lũ Hồ Phong” nữa. Rồi đến lượt Hồ cũng phải viết bản tự kiểm.
Hà Kỳ Phương và Lâm Mộ Hàn cùng chỉ trích quan điểm Hồ Phong nói về nghệ thuật (trong bản Tự Kiểm), cho rằng Hồ chỉ nói theo ý riêng mình, không phản ánh ý kíến Đảng, “Sự sai lầm to lớn của Hồ Phong là ông ta không dùng tư tưởng Mao làm chỉ đạo mà dùng tư tưởng riêng mình để vẫn chống đối mọi đường lối trong văn học cách mạng.”
Sách tham khảo:
-“Literarry Dissent in Communist China” – Merle Goldman. Harvard Unibersity Press, 1967.
-“China’s Urban Revolutionaries” – Gregor Benton. Humanties Press, 1996.
-“Lỗ Tấn Tạp Văn” –Trương Chính.  NXB Giáo Dục, 1998.
-“Chinese Revolutionary” – Wang Fan-xi. Oxford University Press, 1980.

Không có nhận xét nào: