Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Thực tế là Trung Quốc chiếm đảo của Việt Nam bằng vũ lực


Là người được đào tạo chuyên sâu về luật pháp quốc tế ở các trường đại học chuyên ngành luật danh tiếng của Đức, Mỹ, từ năm năm nay dành thời gian nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến biển Đông, luật sư Trương Trọng Nghĩa phân tích thấu đáo giá trị của những tấm bản đồ đối với chủ quyền của một quốc gia.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa – ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

NĂM YẾU TỐ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN
Để chứng minh chủ quyền của một quốc gia thì phải có chứng cứ, biển Đông cũng không ngoại lệ. Có nhiều phương thức, nhiều phương pháp để thu thập chứng cứ. Cho đến nay, có năm phương thức, phương pháp hay năm loại chứng cứ chứng minh chủ quyền của một quốc gia trên biển.
Thứ nhất, phải căn cứ hành động thực tế diễn ra trong lịch sử. Trong thời nhà Nguyễn và triều Nguyễn của Việt Nam, chính quyền đã có hành động thực tiễn là chiếm hữu và khai thác trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình và liên tục với tư cách nhà nước, khi chưa có bất cứ nước nào tuyên bố chủ quyền ở đó. Chứng cứ hiện nay còn được lưu giữ là các bản chiếu lệnh cử các đội Hoàng Sa, Bắc Hải ra khai thác, bảo vệ hai hòn đảo của ta. Năm 1816, vua Gia Long còn cho thượng cờ trên đảo Hoàng Sa. Trong khi đó, hành động thực tế của Trung Quốc là dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào các năm 1956 và 1974 trong thế kỷ XX, sau khi nhà nước Việt Nam đã hiện diện, khai thác và quản lý đảo hơn 200 năm. Đó là những hành động với chứng cứ không thể chối cãi.
Thứ hai, căn cứ vào các tài liệu viết, sách báo ấn hành từ trước tới nay. Ví dụ, các tài liệu, sách cổ nước ta từ thế kỷ XVII đã ghi chép việc Việt Nam đã khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XV và chính thức kéo cờ thực thi chủ quyền từ năm 1816. Nhiều sách báo, tài liệu cổ nước ngoài cũng ghi nhận chủ quyền của Việt Nam từ thế kỷ XVII trên hai quần đảo này.
Thứ ba là các bản đồ (chiếm vị trí đặc biệt trong số các chứng cứ về chủ quyền) được phát hành một cách chính thức của nhà nước, thể hiện lãnh thổ mà quốc gia đó thừa nhận là đang có chủ quyền.
Bản đồ của nhà Thanh Trung Quốc thể hiện rõ ràng ranh giới cực Nam của họ là đảo Hải Nam
Thứ tư là các hiệp ước, hiệp định giữa các quốc gia ký với nhau.
Thứ năm là các văn bản, văn kiện nhà nước chính thức của mỗi quốc gia. Ví dụ, các châu bản triều Nguyễn, các chỉ dụ của vua chúa Việt Nam và Trung Hoa hay các quan chức chính quyền địa phương.
TRUNG QUỐC VỐN RẤT NGẠI RA BIỂN
Trong năm loại chứng cứ trên, bản đồ có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt pháp lý. Có bản đồ do nhà nước chính thức phát hành, hoặc các bản đồ lập nên bởi các nhà hàng hải, các công ty hoạt động thương mại trên biển. Ngoài ra còn có các bản đồ do chính quyền địa phương của mỗi quốc gia thực hiện. Tấm Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của nhà Thanh (Trung Quốc) ấn hành năm 1904 vừa được công bố là rất quan trọng, cho thấy lãnh thổ Trung Hoa từ xa xưa không hề có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như nhà nước Trung Quốc hiện nay tuyên bố.
Ngoài tấm bản đồ này, hiện có nhiều nhà nghiên cứu của nước ta và quốc tế đã sưu tầm và lưu giữ rất nhiều bản đồ liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc, do chính Trung Quốc phát hành, cho thấy nước Trung Hoa không hề có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trung Quốc là một quốc gia có kỹ nghệ bản đồ phát triển khá sớm. Một loạt bản đồ về lãnh thổ Trung Hoa cho đến năm 1917 không có Hoàng Sa, Trường Sa mà đều ghi điểm cực Nam Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. Đến năm 1917, bản đồ Trung Hoa dân quốc tân khu vực đồ ghi thêm đảo Hoàng Sa bằng một ô vuông phụ, nhưng vẫn chưa có quần đảo Trường Sa. Có nhiều bản đồ của Trung Quốc thể hiện giống như Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, và Trung Quốc cũng như nhiều nước khác hiện vẫn còn lưu giữ những bản đồ như vậy. Thạc sĩ Chử Đình Phúc (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) tìm thấy tám bản đồ Trung Quốc ấn hành từ năm 1905 đến 1935 đều thể hiện cực Nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam và không có Hoàng Sa, Trường Sa. Một số lượng không nhỏ bản đồ của Trung Quốc, từ cổ đại, cận đại và hiện đại, đều không hề có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cho nên, lý lẽ của Trung Quốc về “chủ quyền lịch sử” của họ trên hai quần đảo này là không thể chấp nhận được.
Nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo đã chứng minh được rằng theo các sử chí Trung Hoa, gồm cả chiếu chỉ, chỉ dụ của các hoàng đế Trung Quốc, tới thế kỷ 18, vùng biển Việt Nam chiếm gần hết vịnh Bắc Bộ, sát đảo Hải Nam. Do năng lực hàng hải của họ hạn chế, hoặc đã từng tham gia khai thác biển nhưng không thành công, Trung Quốc đã từng có chính sách không hướng ra biển. Suốt hai triều đại Minh, Thanh, Trung Quốc chỉ phòng thủ trên bờ và ven biển, không màng đến biển cả. Ngay cả đảo lớn giàu tài nguyên như Đài Loan, Bành Hồ, cũng từng được liệt vào hàng ngoại quốc trong Minh Sử. Sử sách các thời Càn Long, Quang Tự của họ thừa nhận biên giới biển của Việt Nam về phía bắc là biển Bạch Long Vĩ (không phải đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam) tiếp giáp với Long Môn cảng trấn thuộc vịnh Quỳnh Châu, và về phía đông thì tiếp với đảo Vi Châu (Trung Quốc), phía bắc của đảo Hải Nam, nghĩa là vùng biển Việt Nam chiếm phần lớn vịnh Bắc Bộ hiện nay. Sau Hòa ước Thiên Tân (1885) và các hòa ước Pháp – Thanh sau đó, chính Pháp giao lại cho triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) vùng biển Bạch Long Vĩ của Việt Nam. Nghĩa là cho đến Hòa ước Thiên Tân, sử chí của Trung Quốc ghi nhận biên giới biển của Trung Quốc chưa hề quá đảo Hải Nam, nói gì đến vùng biển Đông rộng lớn và đặc biệt là không hề có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
LÀ TÀI LIỆU CỦA NHÀ NƯỚC THÌ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
Là một luật sư có quan tâm nghiên cứu về công pháp quốc tế, tôi khẳng định, tấm Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ mà chúng ta vừa công bố, cùng với hàng loạt bản đồ khác tương tự của Trung Quốc là chứng cứ có giá trị pháp lý. Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ là bản đồ được lập ra bởi các giáo sĩ và nhân sĩ Trung Hoa và ngoại quốc được chỉ định bởi vua Khang Hy, sau đó được ấn hành bởi một cơ quan nhà nước và lưu hành chính thức, do đó đây là một tài liệu mang tính chất nhà nước.
Tuy nhiên, chúng ta phải hết sức thận trọng, thông minh và tỉnh táo khi công bố, phổ biến và sử dụng các bản đồ. Phải thu thập tất cả các loại bản đồ cổ và cận đại của Việt Nam, của Trung Quốc và của các nước khác có mô tả biển Đông hay biên giới biển Việt – Trung. Phải mau chóng, nhất thiết có được và gìn giữ kỹ những tài liệu gốc, càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Nếu không có tài liệu gốc, phải tổ chức sao chụp một cách chính xác, khoa học để sử dụng như một chứng cứ pháp lý. Phải tổ chức hệ thống hóa, nghiên cứu, phân tích các loại bản đồ khác nhau của Trung Quốc, kể cả các bản đồ có nội dung khác hay mâu thuẫn nhau, trên quan điểm khoa học và pháp lý. Công việc này cần có sự phối hợp, các cơ quan nhà nước và các nhà nghiên cứu, học giả, luật sư và giới sưu tập tư nhân, trong đó nhà nước giữ vai trò nòng cốt.
Quan điểm nhà nước Việt Nam là giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, và không loại trừ việc đấu tranh tại tòa án quốc tế. Hiện nay, Trung Quốc khước từ tòa án quốc tế, bác bỏ vai trò của quốc tế và phương thức giải quyết đa phương. Tuy nhiên, rất có thể Trung Quốc từ lâu đã và đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đấu tranh pháp lý này. Họ là một nước lớn có thực lực về chính trị, tài chính và chuyên gia. Việt Nam phải chuẩn bị để giành thắng lợi trong cuộc chiến pháp lý này, để làm sáng tỏ một sự thật trước toàn thế giới: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, đã bị Trung Quốc xâm lược bằng vũ lực và chiếm đóng trái phép. Đây cũng là trách nhiệm của thế hệ chúng ta đối với con cháu mai sau.

Không có nhận xét nào: