Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Trung Quốc có học theo Hải Phòng?


Hồi đầu năm nay xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên lãng (Hải Phòng). Về mặt lý, đất đầm tôm vẫn thuộc quyền của gia đình ông Vươn được sử dụng hợp pháp, tiếp tục sản xuất, nhưng thành phố Hải Phòng và huyện Tiên Lãng lại cố tình nói là ông Vươn vi phạm hợp đồng, vùng đầm tôm nay đã là “đất Nhà nước” (?!).
Các đơn khiếu kiện cả hơn 3 năm của ông Vươn đều bị chính quyền lờ đi, thậm chí phản bác. Cùng với việc dùng uy lực chính quyền, công an, bộ đội địa phương cưỡng bức ông Vươn, người ta đã nhanh chóng vét hết sạch tôm cá trên đầm của ông Vươn. Các đơn khiếu kiện cả hơn 3 năm của ông Vươn đều bị chính quyền lờ đi, thậm chí phản bác. Cùng với việc dùng uy lực chính quyền, công an, bộ đội địa phương cưỡng bức ông Vươn, người ta đã nhanh chóng vét hết sạch tôm cá trên đầm của ông Vươn.

Học theo kinh nghiệm đó của Hải Phòng, nay Trung Quóc tranh giành Hoàng Sa, Trường Sa, vẽ ra “đường Lưỡi Bò”, đơn phương tuyên bố cả biển Đông là của Trung Quốc, rồi nhanh chóng rầm rộ đẩy xuất bến 23.000 tàu đánh cá các loại hiện đại, công suất lớn, tràn ngập muốn vét sạch biển Đông. Luận điểm của Trung Quốc vẫn khăng khăng trơ trẽn rằng: “Biển của tao, cá cũng là của tao, xưa nay chúng mày vào đây xâm phạm chủ quyền lãnh hải, ăn cắp của Trung Quốc”(!?)
Các “bài” của Hải Phòng trong vụ Tiên Lãng sao mà y chang Trung Quốc bây giờ vì lòng tham mà rình rập, tìm cách chiếm đoạt của người khác. Họ đã bất chấp pháp lý, bỏ qua mọi dư luận, không đếm xỉa đến cả danh dự và lòng tự trọng, hàm hồ rằng “đất nơi ấy là của tao, đầm nuôi tôm nơi ấy là của tao, rồi cả vùng biển ấy là của tao!”. Cùng với tuyên bố giành phần, ngay sau đó Trung Quốc dùng sức mạnh “lấy thịt đè người áp đảo”, huy động lực lượng lớn các loại tàu công suất cao vơ vét hải sản, tài nguyên trên biển. Đúng là “vừa ăn cướp vừa la làng”. Việc trùng khớp về thủ đoạn này, khiến người ta nghĩ rằng Trung Quốc đã học được từ vụ Tiên Lãng –Hải Phòng chăng, ai là thầy của ai đây?
Trước hành động cướp ngày trắng trợn của Trung Quốc, Hội nghề cá Việt Nam đã phản ứng quyết liệt. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nói: “Gần đây Trung Quốc liên tục có những hành vi gây hấn và việc đưa tàu cá xuống biển Đông nằm trong các hoạt động này. Chính Trung Quốc đang mâu thuẫn ngay trong hành động mà họ coi là “xác lập chủ quyền” trên biển Đông. Trừ những vùng biển sâu ở bắc Hoàng Sa và nam Trường Sa là ngư trường đánh bắt cá ngừ thuận lợi thì các vùng biển còn lại ở Trường Sa, Hoàng Sa – vùng biển có nhiều san hô, đảo chìm, tàu cá đánh bắt hiệu quả ở đây phải là tàu câu. Nhưng các tàu Trung Quốc xuống khu này đa số không phải là tàu câu. Không những vậy, thông tin từ phía Philippines còn cho biết tàu Trung Quốc khai thác cả san hô, phá hoại môi trường. Vậy các tàu hải giám, ngư chính của Trung Quốc với mục đích bảo vệ ngư trường, bảo vệ hoạt động đánh cá (mà họ tự coi là hợp pháp) vì sao không có hành vi ngăn chặn?”.
Trong tình huống này, Hội Nghề cá VN vẫn triển khai với hội nghề cá địa phương ra sức giữ bình tĩnh, kiên quyết đánh bắt, bảo đảm hiệu quả kinh tế và gắn chặt với việc bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền. Hội đã yêu cầu tỉnh hội phải nâng cấp độ cảnh giác, nâng cấp độ liên kết tổ chức sản xuất giữa các tàu cá. Sự hiện diện dân sự trên biển là góp phần khẳng định chủ quyền bằng dân sự và tăng tai mắt của nhân dân trong việc phát hiện hành vi xâm phạm chủ quyền của tàu cá Trung Quốc.
Chúng ta sẽ đánh bắt bình thường trên ngư trường mà cha ông đã xác lập chủ quyền VN phải bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế. Với việc đưa hàng chục nghìn tàu cá đến biển Đông, Trung Quốc tỏ rõ thái độ coi thường một nguyên lý cơ bản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Đó là các quốc gia phải hợp tác bảo vệ nguồn hải sản. Trữ lượng cá trên biển Đông đã sụt giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường. Hành động này của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến quyền lợi của VN và Philippines. Ngư dân Trung Quốc không chỉ hủy hoại nghề cá của VN và Philippines, mà cả an ninh lương thực của hai quốc gia Đông Nam Á. Việc đưa hàng chục nghìn tàu cá đến biển Đông sẽ khiến căng thẳng gia tăng, đặc biệt khi tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của VN và Philippines.
Ông Thắng cảnh báo: Nếu Trung Quốc có thể gây sức ép với VN và Philippines bằng số lượng tàu cá đông đảo trong hai ba năm tới đây, dần dần Bắc Kinh sẽ kiểm soát hoàn toàn nguồn cá trên biển Đông. Kế tiếp Trung Quốc sẽ đưa các giàn khoan dầu đến các vùng nước có tranh chấp để kiểm soát nguồn năng lượng dưới đáy biển. Điều VN cần làm là tăng cường tối đa hoạt động giám sát trong EEZ của mình và thông tin đầy đủ mọi trường hợp xâm phạm của tàu cá Trung Quốc và chủ động có phương án đối phó không những bằng những công hàm phản đối qua đường ngoại giao như từ trước đến nay mà cần có thái độ quyết liệt hơn, tố cáo với công luận thế giới, hội đồng bảo an LHQ và các tổ chức quốc tế hành động xâm phạm chủ quyền, biển đảo, phá hoại hòa bình và an ninh trên biển Đông cũng như khu vực Châu Á-TBD. Chúng ta tránh quan hệ đối đầu với TQ nhưng cũng không thể lùi bước trước sự bạo hành của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Hòa bình không thể bảo toàn khi an ninh trên biển Đông bị uy hiếp !
Như Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) gợi ý Việt Nam phải phản đối chính thức các vụ tàu Trung Quốc xâm lấn với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và đưa các vụ việc này ra các diễn đàn đa phương, quốc tế, trong đó có các cuộc họp của ASEAN vào tháng 11 tới. Trước mắt VN , Philippines và các nước liên quan cần khẩn cấp thúc đẩy thành lập một cơ chế quản lý nghề cá chung theo khuôn khổ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) nhằm ngăn chặn nguy cơ nguồn cá trên biển Đông cạn kiệt. Về lâu dài, VN cần tăng cường năng lực của lực lượng cảnh sát biển, phải có những biện pháp quyết liệt đặc biệt để đối phó với sự gây hấn của Trung Quốc trong EEZ.
Bùi Văn Bồng

Không có nhận xét nào: