Pages

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Mỹ tố Hải quân Trung Quốc đang hướng vào chiến tranh biển



 

Hải quân Trung Quốc đang tập trung vào chiến tranh trên biển khi thường xuyên vi phạm quyền hàng hải của các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông đồng thời thách thức họ bằng nguyên tắc “cái gì của tôi là của tôi và chúng ta chỉ đàm phán những thứ thuộc về bạn”, một quan chức tình báo cấp cao của Hải quân Mỹ đã đưa ra nhận định như vậy.

“Trung Quốc đang kiểm soát những vùng lãnh hải chưa từng được quản lý hay kiểm soát bởi bất kỳ chính quyền nào được gọi là Trung Quốc trong 5.000 năm qua”, Đại úy James Fanell, Phó Chỉ huy các chiến dịch tình báo và truyền thông tại trụ sở của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, cho biết.

Theo ông Fanell, Hải quân Trung Quốc đang sử dụng tàu an ninh hàng hải dưới sự quản lý của một cơ quan dân sự nào đó để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

“Giờ đây, các con tàu kiểu đó thường xuyên thách thức quyền tài nguyên ở các vùng đặc quyền kinh tế mà Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam được hưởng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)”, Đại úy Fanell cho biết tại một hội nghị quốc phòng ở San Diego hồi tuần trước.

Theo ông Fanell, việc Trung Quốc hồi năm ngoái chiếm bãi cạn Scarborough nằm cách tỉnh Zambales của Philippines chỉ 185km là một minh chứng rõ ràng nhất về sự hiếu chiến của Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã phái 7 nhóm tàu nổi và một số lượng lớn nhất tàu ngầm từ trước đến này vào Biển Đông để tham gia tập trận chiến đấu, chỉ huy và kiểm soát.

“Chắc chắn, Hải quân Trung Quốc đang tập trung vào chiến tranh trên biển cũng như đang tập trung vào cách làm chìm những hạm đội đối phương. Sự bành trướng trên biển của Trung Quốc phần lớn là vì mục đích đối phó với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ”, ông Fanell cho biết.

Theo Đại úy Fanell, nhiều nước trong khu vực đều rất quan ngại trước một “Trung Quốc bá chủ” và kết quả là họ hoan nghênh Hải quân Mỹ đến khu vực. “Chúng tôi giờ đây có nhiều nơi để triển khai tàu chiến hơn là số lượng tàu chiến mà chúng tôi có”, ông Fanell cho biết. Đây là thực tế bởi Philippines và Nhật Bản gần đây luôn tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ trong các cuộc tranh chấp giữa họ với Trung Quốc.

Ông Fanell cho hay, mỗi sáng thức dậy, ông và đội của mình thường phải mất cả tiếng đồng hồ để tiếp nhận các bản báo cáo cũng như thông tin tình báo về những diễn biến ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

“Mỗi ngày, thông tin đều là về Trung Quốc. Trung Quốc giờ luôn là trung tâm của hầu hết các hoạt động và tranh chấp ở những vùng biển thuộc khu vực Đông Á”, Đại úy Fanell cho biết.

“Chúng tôi cần Trung Quốc hành xử như một cường quốc và là một nước có trách nhiệm. Nhưng đó không phải là Trung Quốc mà chúng tôi theo dõi hàng ngày trong suốt thập kỷ qua”, ông Fanell nói thêm.

Trung tâm An ninh Mỹ mới – một tổ chức tư vấn ở Washington cũng đưa ra một đánh giá tương tự rằng, các tàu hải giám phi quân sự của Trung Quốc đang phá vỡ an ninh khu vực theo cách có thể dẫn đến xung đột.

Hải quân Trung Quốc tập trận cả trong Tết âm lịch

Trong một diễn biến có liên quan, tờ PLA Daily – cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc hôm qua (8/2) đưa tin, Hải quân của nước này sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở Tây Thái Bình Dương cả trong dịp Tết âm lịch Quý Tỵ sau khi "hoàn thành sứ mệnh tuần tra định kỳ" ở Biển Đông.

Theo tờ PLA Daily, đội tàu chiến của Hạm đội Biển Bắc Trung Quốc hôm qua đã đi qua Kênh đào Bashi ở Biển Đông, giữa đảo Mavudis nằm về phía cực bắc quần đảo Batanes của Philippines, và đảo Orchid.

Nhóm tàu trên đang trên đường đến Tây Thái Bình Dương để tiếp tục tập trận trong dịp Tết Âm lịch. Tờ báo của quân đội Trung Quốc không cho biết cụ thể cuộc tập trận sắp tới sẽ có nội dung như thế nào.

Tuy nhiên, theo PLA Daily, các tàu chiến của Trung Quốc sẽ tiến hành các bài diễn tập hợp tác chống tàu ngầm với sự phối hợp của máy bay, các bài diễn tập chống cướp biển và nhiều bài tập khác ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước khi vào Tây Thái Bình Dương. Đây là hành động vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng hơn nữa của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo thuộc Biển Đông. Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

Hải quân Trung Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận rầm rộ ở Biển Đông kể từ sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương kêu gọi quân đội đáp ứng mục tiêu “chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến tranh thực sự và để giành chiến thắng”.

Trung Quốc bắt đầu gây sóng gió dữ dội ở Biển Đông từ hồi tháng 4 năm ngoái. Nếu theo đúng như nhận định của các nhà phân tích việc Trung Quốc “khuấy đảo” Biển Đông chỉ là để lôi kéo sự chú ý của dư luận nước này ra khỏi những vấn đề khó khăn trong nước trước thềm Đại hội Đảng. Tuy nhiên, có vẻ như nhận định trên đã không đúng bởi sau khi đại hội này kết thúc, mọi việc không hề dịu đi. Thay vào đó, sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, Trung Quốc dường như lại leo thang hơn nữa trong các hành động nhằm khẳng định chủ quyền một cách phi lý ở Biển Đông.

(VnMedia)

Không có nhận xét nào: