Pages

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Lưu Chí Quân và một “đế chế” tham ô (1)


(“Vụ án hỏa xa” tại Trung Quốc)

Bài 1: Những “thanh ray” hỏng của một hệ thống bất toàn
Ngày 19-4-2013, các cáo buộc liên quan cựu Bộ trưởng hỏa xa Lưu Chí Quân đã chính thức đệ trình lên Tòa án nhân dân trung cấp II (Đệ nhị trung cấp nhân dân pháp viện) tại Bắc Kinh và phiên xử Lưu sẽ được ấn định cụ thể trong thời gian tới. Vụ Lưu Chí Quân là một trong những vụ án điển hình nhất của nạn tham nhũng có hệ thống tại Trung Quốc…
Một sự kiện làm tỉnh thức

Sáng 23-7-2011, hành khách tại ga xe lửa Nam Bắc Kinh (Bắc Kinh Nam trạm) bắt đầu hối hả bước lên con tàu cao tốc “siêu hiện đại” D301, với lộ trình đến Phúc Châu, chạy trên tuyến đường sắt được đánh giá là nhanh nhất, to nhất, và mới nhất mang tên Hòa hài Tốc hành. Được thiết kế với hình dáng như đĩa bay, Bắc Kinh Nam trạm được dựng lên năm 2008, có thể đón 240 triệu lượt khách/năm, nhiều hơn 30% so với ga Penn Station của New York. Bắc Kinh Nam trạm là một trong khoảng 300 nhà ga xây mới hoặc trùng tu, được thực hiện bởi Bộ hỏa xa Trung Quốc, nơi có số nhân công tương đương toàn bộ lực lượng lao động của bộ máy Chính phủ Mỹ. Với con tàu D301, nó trông ít giống một chiếc xe lửa mà gần giống với một máy bay không cánh, với phần đầu thon tròn cùng 16 toa, được sơn trắng bóng loáng với sọc kẻ xanh. Nhân viên phục vụ D301 trông cũng hệt tiếp viên hàng không. Để được tuyển dụng, tiếp viên D301 phải xinh đẹp, cao ít nhất 1,65 m; được đào tạo cẩn thận về văn hóa phục vụ, phải luôn nhoẻn miệng cười để lộ ra ít nhất 8 cái răng – theo qui định! Tóm lại, Hòa hài Tốc hành, cùng D301, là hình ảnh tiêu biểu của công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc, là minh chứng của một sức bật phát triển không gì có thể cưỡng nổi...

Năm 2003, khi bắt đầu ngồi ghế Bộ trưởng hỏa xa, Lưu Chí Quân được giao trọng trách thiết lập một hệ thống hỏa xa dài nhất và hiện đại nhất thế giới, với tổng vốn đầu tư hơn 250 tỉ USD. Được báo chí Trung Quốc tặng hỗn danh “Lưu đại nhảy vọt” hay “Lưu khùng”, Bộ trưởng Lưu tỏ ra rất hăm hở và nhiệt tình với kế hoạch hiện đại hóa hệ thống đường sắt quốc gia. Khi tuyến hỏa xa cao tốc đầu tiên (dựa chủ yếu vào thiết kế của Đức) hoàn thành đợt chạy thử vào tháng 6-2008, chương trình hỏa xa quốc gia đã bắt đầu ngốn hơn 75% ngân sách dự toán. Tuy nhiên, thời điểm đó, khi mọi người nâng cốc hoan hỉ trước thành tựu mới, không ai bận tâm đến chi tiết này (người ta vẫn còn nhớ nhiều cán bộ hỏa xa đã… bật khóc lúc thể hiện niềm vui tột bậc trong ngày cắt băng khánh thành!).

Và khi một tuyến hỏa xa nữa được cắt băng, đích thân Bộ trưởng Lưu đã ngồi cạnh tài xế và nói: “Nếu có chết, tôi sẽ là người đầu tiên”, ý nhấn mạnh đến sự an toàn tuyệt đối của hệ thống hỏa xa cao tốc hiện đại mà ông là “cha đẻ”. Để thực hiện chính sách kích cầu trong thời điểm suy thoái vừa bùng nổ (2008), Bắc Kinh tiếp tục đầu tư vào hạ tầng đường sắt, tăng gấp đôi ngân sách cho các dự án tàu cao tốc, với kế hoạch xây khoảng 16.093 km đường sắt vào năm 2020. Trung Quốc còn dự tính xuất khẩu công nghệ tàu cao tốc cho Iran, Venezuela và Thổ Nhĩ Kỳ. Cơn sốt tàu cao tốc Trung Quốc lan đến tận Washington. Trong diễn văn Thông điệp liên bang tháng 1-2011, Tổng thống Barack Obama đã phải thốt lên rằng, sự bùng nổ công nghiệp tàu cao tốc Trung Quốc là bằng chứng rõ nhất cho thấy “hạ tầng giao thông chúng ta từng tốt nhất nhưng sự dẫn đầu của chúng ta bắt đầu trở nên tụt hậu”…

Trên đường ray, D301 vẫn lướt nhẹ như bay. Tuy nhiên, phía trước nó, có gì đó rất bất thường đang xảy ra. Lúc 7g30 tối, tại ngoại ô thành phố Ôn Châu, sét đã đánh trúng một hộp kim loại gắn vào hệ thống đường ray. To bằng cái máy giặt, hộp kim loại là một phần của hệ thống tín hiệu giúp tài xế và nhân viên điều vận biết các con tàu đang ở đâu cũng như giúp họ liên lạc với nhau để điều khiển tàu (đây là thiết bị rất quan trọng để kết nối liên lạc, đặc biệt khi tàu vào đường hầm). Khi bị sét đánh, chiếc hộp trên đã bị cháy cầu chì, dẫn đến hai hậu quả chết người: liên lạc bị cắt đứt và tín hiệu đèn cảnh báo không thể điều khiển thay đổi (từ xanh sang đỏ). Nói cách khác, tất cả hệ thống điều khiển-liên lạc giữa các tàu và giữa các điều vận viên đều trở nên bị “mù” và “điếc”. Khi phát hiện tín hiệu bị mất, một kỹ sư tại một trạm gần nơi đặt chiếc hộp đã yêu cầu nhân viên đội mưa đi xem xét, đồng thời gọi báo cho điều vận viên Trương Hoa ở trạm trung tâm Thượng Hải...

Lưu Chí Quân, Đinh Thư Miêu, và một số diễn viên trong phim Tân Hồng Lâu Mộng bị Đinh Thư Miêu dùng làm
Bộ trưởng hỏa xa Lưu Chí Quân
Và trong khi D301 phóng vùn vụt, ngay phía trước nó còn có một con tàu khác, D3115, với 1.072 hành khách, cũng đang lao vun vút đến ga Phúc Châu. Khi nhận được tin về sự cố hộp liên lạc, Trương Hoa đã gọi cho D3115, báo rằng, bởi hệ thống tín hiệu có vấn đề, nên tàu có thể bị ngắt dừng tự động (và nó sẽ lướt với vận tốc quán tính cho đến khi đến được khu vực có tín hiệu bình thường, để có thể lại được mở máy phóng nhanh với tốc độ như được thiết kế). Như dự báo, hệ thống máy tính D3115 đã tự động ngắt dừng con tàu. Tuy nhiên, khi đến khu vực tín hiệu bình thường và được tái khởi động máy, D3115 vẫn không nhúc nhích, dù tài xế cố gắng nhiều lần. Hoảng hốt, tài xế D3115 gọi cho Thượng Hải sáu lần, trong năm phút. Thật không may là Trương Hoa đã không nhận được liên lạc cầu cứu của D3115 bởi lúc đó đương sự phải giám sát đến 10 con tàu. Lúc 8g24, chiếc D301, do không nhận được bất kỳ thông tin cảnh báo nào, vẫn tiếp tục lướt nhanh. Năm phút sau, tài xế D3115 mới tái khởi động được máy và con tàu từ từ nhích đi. Đột nhiên, trên màn hình theo dõi hệ thống, một điều vận viên hoảng hốt thấy hai con tàu sắp lao vào nhau. Chiếc này húc đuôi chiếc kia. Đương sự hét to: “D301, coi chừng, cẩn thận, có một con tàu khác trong vùng của anh. D3115 đang chạy trước mặt anh. Cẩn thận, thiết bị…”. Lúc này, tài xế điều khiển D301, Phan Nhất Hằng, cũng đã thấy “tảng tường khổng lồ” D3115 lồ lộ trước mặt…

Sự kiện thảm họa Ôn Châu (làm chết ít nhất 40 người, trong đó có Phan Nhất Hằng, và làm bị thương 192 nạn nhân) đã gây chấn động khắp Trung Quốc. Báo chí được lệnh không “làm đậm” về vụ việc. Vài ngày sau, công ty sản xuất chiếc hộp tín hiệu chính thức xin lỗi về những sai lầm trong thiết kế. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở cái cầu chì bị sét đánh cháy hay “những sai lầm trong thiết kế” của chiếc hộp tín hiệu. Nó nằm ở những sai lầm trong tư duy phát triển, trong cơ chế chính trị vận hành (một cách duy ý chí) và trong hệ thống tham nhũng của Bộ hỏa xa mà người đứng đầu là Lưu Chí Quân. Sự kiện Ôn Châu chỉ là một phần trong chuỗi những bất ổn nghiêm trọng trên con đường phát triển hỗn tạp của Trung Quốc, khiến nhà báo Khâu Khải Minh của Đài truyền hình trung ương CCTV không kìm được đã phải thốt lên trong một chương trình thời sự: “Chúng ta có thể uống một ly sữa an toàn nữa không? Chúng ta có thể sống trong một căn hộ không bị đổ nữa không? Chúng ta có thể đi trên những xa lộ không bị sụp nữa không?”… Tháng 12 cùng năm, nhà chức trách công bố một báo cáo chưa tiền lệ, thừa nhận rằng có “những lỗi thiết kế nghiêm trọng”, cũng như sự tồn tại của “thái độ thờ ơ vô trách nhiệm về quản lý an toàn”, và sự việc liên quan đến 54 người, từ chính quyền đến công nghiệp hỏa xa, đặc biệt ông Bộ trưởng “Lưu khùng”.

Ngài Lưu bộ trưởng

Sinh trong gia đình nông dân, vóc dáng nhỏ con và cận thị nặng, Lưu Chí Quân lớn lên trong những ngôi làng ngoại ô Vũ Hán. Phải nghỉ học sớm vì nghèo, Lưu kiếm sống bằng cách làm nhân viên bảo trì đường sắt. Với cây búa và cái mỏ lết, hàng ngày, Lưu có nhiệm vụ đi kiểm tra các thanh ray. Tuy nhiên, Lưu có bản năng đặc biệt về quyền lực, có khả năng tiếp cận giới quyền lực, để luồn lách leo lên quyền lực. Dù không học hành đến nơi đến chốn nhưng tại các làng quê nghèo, những người “có chữ” như Lưu không nhiều, vậy là Lưu trở thành cây bút viết thuê cho các nhân vật chức sắc. Nhờ vậy, Lưu quen được nhiều “ông lớn” ở địa phương. Sau đó, Lưu lấy cô vợ vốn là con gái một gia đình có “quen biết” rộng. Năm 21 tuổi, Lưu được kết nạp Đảng. Năm 1988, Lưu tốt nghiệp Trường đảng trung ương, chuyên về triết học Marx; sau đó lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật xây dựng. Lưu thăng tiến đều trong ngành đường sắt, từ cấp quận, cấp tỉnh đến cuối cùng là trung ương. Năm 2002, Lưu được đưa vào Bộ chính trị. Một năm sau, Lưu được bổ nhiệm ghế bộ trưởng Bộ hỏa xa, được người dân gọi là “thiết lão đại” (ông sếp đường sắt), nơi đương sự cai trị một “đế chế” rộng lớn và quyền lực chỉ thua Bộ quốc phòng, với lực lượng cảnh sát riêng, tòa án riêng, thẩm phán riêng! Bộ hỏa xa Trung Quốc (cho đến khi bị giải thể tháng 3-2013) là một nhà nước trong một nhà nước.

Luôn cất trong túi cây lược đen cáu bẩn và mang chiếc kính gọng sừng vuông to bản mà người dân thường gọi đùa là “kính lãnh tụ”, Lưu yêu thích cái hình ảnh nhà lãnh đạo phải tỏ ra “gần dân”, “sống với dân”, “hiểu rõ dân”. Đó là cái mốt còn sót lại từ thời Cách mạng Văn hóa. Để chứng tỏ sự nhiệt tình trong công tác và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao độ, Lưu thường bất ngờ tổ chức nhiều cuộc họp sau nửa đêm và luôn tìm cách nào đó để cho “dân” thấy được “thói quen làm việc, quên ăn bỏ ngủ, bất kể giờ giấc” của mình. Và trong nhiều thói quen mà Lưu không bỏ được kể từ thời làm anh nhân viên kiểm tra đường sắt, phải kể đến cái thói quen… nịnh! Có lần, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ra ga trở về Bắc Kinh, Lưu đã hồng hộc chạy theo cốt để nắm tay chào cho bằng được. Một viên chức trong Bộ hỏa xa kể: “Tôi buộc phải rượt theo và la to: “Lưu bộ trưởng, Lưu bộ trưởng, giày của ông kìa! Coi chừng té!”; tuy nhiên, Lưu vẫn cười, nhăn nhở; và chạy, hồng hộc…

Thành công của Lưu Chí Quân đã mở đường cho cậu em ruột Lưu Chí Tường, người cũng được dẫn dắt vào ngành đường sắt, cũng thăng tiến nhanh và cũng tham nhũng cực kỳ nghiêm trọng. Tháng 1-2005, Lưu Chí Tường từng bị sờ gáy trước loạt cáo buộc tham nhũng, hối lộ và thậm chí giết người (chủ mưu trong vụ giết chết một nhà thầu khi người này có ý định phanh phui đương sự - nạn nhân bị đâm bằng dao bấm ngay trước mặt vợ). Lúc đó, Lưu Chí Tường là Cục phó Cục hỏa xa Vũ Hán (Vũ Hán thiết lộ phân cục phó). Khi được báo chí phanh phui, người ta mới biết Lưu Chí Tường có số tài sản trị giá đến 50 triệu USD, gồm tiền mặt, bất động sản, kim hoàn và tranh nghệ thuật (khám nhà đương sự, cảnh sát phát hiện một đống tiền khổng lồ để lâu đến nỗi bị mốc!). Lưu Chí Tường bị kết án tử hình sau giảm còn 16 năm tù. Tuy nhiên, thay vì thọ án trong nhà lao, Lưu Chí Tường lại được đưa đến bệnh viện, nơi đương sự tiếp tục “điều hành” ngành đường sắt, bằng điện thoại!

Mạnh Kim

Không có nhận xét nào: