Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Vàng hay tiền?


Năm 2012-2013, Việt Nam chịu cùng lúc ba sức ép lớn nhất góp phần chính làm cho nền kinh tế suy thoái sâu, mà trước đấy may mắn không bị vướng phải.

Đó là: thị trường bất động sản, thị trường ngân hàng và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Ba sức ép cùng hội tụ, tạo ra sự cộng hưởng và gây ra những nguy hiểm chưa bao giờ có cho nền kinh tế nước nhà. Các lời giải cho từng điểm một đã được đưa ra, nhưng lời giải tổng thể thì chưa tới.

Điều ngạc nhiên là trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, vấn đề quản lý thị trường vàng vẫn bị bỏ ngỏ. Đây là một lĩnh vực rất nóng, cực mới nhưng chưa hề được nhắc đến, kể cả cấp cao và những hội nghị, hội thảo lớn.


Thứ nhất, muốn chống "vàng hóa" tiền tệ nhưng lại quản lý bằng cách tiệm cận hóa vàng, bằng việc quy định về vàng miếng, vàng thương hiệu quốc gia và để cho giá trị của vàng miếng thương hiệu cao hơn tới gần 5 triệu đồng so với vàng bình thường cùng hàm lượng 9999.

Như vậy, đã vô tình biến vàng thành tiền. Cách làm này dù vô tình hay cố ý đã gây tác động ngược và biến nó thành một mô hình rất nguy hiểm, điều này cần phải được xem xét.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) năm 2005 đã khẳng định, trừ vàng với tư cách là vàng tài chính dự trữ quốc gia, còn lại vàng hàng hóa có hàm lượng như nhau thì phải được đối xử như nhau. Như vậy, không lý nào lại thực hiện việc dùng một cái dấu SJC để biến vàng bình thường thành vàng "thương hiệu" quốc gia!

Thứ hai, quản lý tập trung và độc quyền nhà nước mâu thuẫn với kinh tế thị trường. Rất tiếc, cho đến nay, mới có lời tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thương hiệu vàng miếng mà chưa có một đề án chính thức mang tính pháp lý về vàng thương hiệu, không có quy trình, quy chế, mà trách nhiệm, lợi ích cũng không rõ ràng.

Ngay cả Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ cũng chỉ quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chứ chưa quy định liên quan đến thương hiệu vàng miếng, thương hiệu vàng quốc gia. Nói "tùy tiện" thì hơi nặng nhưng thực sự là rất duy ý chí.

Hơn nữa, nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 được thông qua, phần về vàng ghi: "Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế”. Đây như một tiêu chí được mọi người ủng hộ.

Năm 2011, khi giá vàng trong nước đắt hơn giá vàng thế giới 2 triệu đồng/lượng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ đưa mức chênh lệch này về 400 ngàn đồng, nhưng đến cuối năm 2012, chính ông lại cho rằng, không có lý do gì để bình ổn giá vàng.

Mục tiêu mà ông quan tâm là chống đầu cơ vàng. Như vậy, quan điểm của ông Thống đốc đã thay đổi rất mạnh, rất cơ bản và rất ngược nhau.

Thứ ba, việc độc quyền của Nhà nước về vàng có gắn với lợi ích nhóm và lợi ích DN hay không khi mà mức chênh lệch giá lớn đã và đang kéo dài trong nhiều tháng qua? Tiền chênh lệch đến gần 5 triệu đồng giữa giá vàng trong nước và thế giới, chênh lệch đến 400 ngàn đồng/lượng giữa vàng thương hiệu SJC với các loại vàng khác, đã đi đâu?

Nếu tiền được bổ sung vào ngân sách nhà nước thì rất tốt, nhất là khi ngân sách nhà nước đang khó khăn. Nhưng đến nay, trách nhiệm giải trình của cá nhân về các vấn đề liên quan đến thị trường vàng vẫn chưa có.

Không dừng lại ở đó, khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ áp đặt biên độ giá vàng. Nhưng biên độ giá đó sẽ căn cứ vào đâu, nếu giá vàng trong nước không liên thông với giá quốc tế, nếu không lấy cơ chế thị trường, giá thị trường làm căn bản? Những điều này, không rõ Quốc hội có biết không, Chính phủ có biết không, nhưng rõ ràng người dân không được biết.

TS. Nguyễn Minh Phong

(DNSG)

Không có nhận xét nào: