Pages

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

”Thế lực thù địch”, đâu đây?

Khải Nguyên

Mấy lâu nay, các vị lãnh đạo đảng và nhà nước, mỗi lần huấn thị, thường hay nhắc nhở phải đề phòng “những thế lực thù địch”. Chớ vì nghe nhiều, quen quá mà nhàm. Cũng chớ vì nghe nhiều, quan tâm quá rồi đi đâu cũng “ra ngõ gặp …” như từng “ra ngõ gặp anh hùng” hoặc “ra ngõ gặp nhà thơ”.

Ngày trước, dân ta vẫn được dạy rằng: có hai loại kẻ thù của nhân dân: kẻ thù dân tộc và kẻ thù giai cấp.

* Kẻ thù giai cấp, hiểu một cách “thường dân”, là những kẻ nào chống chủ nghĩa xã hội, chống phe xã hội chủ nghĩa (một cách thông dụng hoặc giản đơn hoá, nói “cộng sản” là nói “chủ nghĩa xã hội” và ngược lại, mặc dù theo chủ thuyết thì chủ nghĩa cộng sản “cao” hơn chủ nghĩa xã hội); hay “chữ nghĩa” một chút thì là kẻ thù ý thức hệ.

Trước đây, có các thế lực tư bản-đế quốc chống chủ nghĩa xã hội, chống phe xã hội chủ nghĩa thật. -Bởi, họ sợ “bóng ma” (từ dùng của Mác và Ăngghen trong “Tuyên ngôn của đảng cộng sản”) CS đã hiện hình thực sự. Do vậy, họ đã xúm lại định bóp chết nước Nga đỏ sau cách mạng tháng Mười ; không được thì bao vây (giá họ tiên đoán được viễn cảnh tự hoại của Liên xô!) -Bởi, như một lãnh tụ Liên xô xưa, nếu tôi không nhớ nhầm thì là Khơrutsôp, từng tuyên bố trước một nhà báo Mĩ rằng sẽ chôn vùi chủ nghĩa tư bản. -Bởi, người ta sợ “làn sóng đỏ”. Chẳng phải Mĩ giúp chính quyền Sài Gòn là để “ngăn ngừa cộng sản” đó sao? Chẳng phải đã có những nước không do đảng cộng sản hay đảng công nhân lãnh đạo vẫn trưng cái từ “xã hội chủ nghĩa” vào tên nước, hoặc tuyên bố theo chủ nghĩa Mac-Lênin đó sao? (Còn nhớ năm 1988, khi nghe tổng thống một nước châu Phi tuyên bố như thế, người viết bài này đã trả lời ông bạn đang cùng đi trên đường phố thủ đô nước nọ rằng: người ta dùng như một chiêu bài để lôi kéo dân chúng và để dễ bề độc tài).

Sau khi Liên xô và phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ, năm 1990-91, để “cứu chủ nghĩa xã hội” ban lãnh đạo CHXHCN Việt Nam chủ trương liên kết với người “anh em cùng ý thức hệ”, do vậy đã nhân nhượng Trung cộng, và thậm chí, nghĩ là Bắc kinh sẽ vừa lòng, đề ra phương án bắt tay với bọn diệt chủng Khơme đỏ đang tàn lụi (theo hồi kí của cựu thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ). Đến đây, có mấy điều đáng ngẫm.

Một là, Bắc kinh có quan tâm đến bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ ý thức hệ CS không? Ngay từ 1954, ở Giơnevơ, một mặt, bất chấp quyền lợi của “người anh em đồng chí” VN, trưởng đoàn TQ Chu Ân Lai “đi đêm” với phái đoàn Pháp, mặt khác, tìm cách cầu thân với trưởng đoàn Mĩ (nhưng bị lờ đi). Cho đến cuộc đàn áp và tàn sát những người biểu tình, chủ yếu là sinh viên, ở quảng trường Thiên An môn năm 1989, đâu phải họ bảo vệ chủ nghĩa xã hội! Vì mục tiêu đấu tranh của cuộc biểu tình không phải chống chế độ XHCN mà đòi quyền dân sinh và chống tham nhũng. Họ thờ ơ với sự kiện chủ nghĩa xã hội bị xoá ở Liên xô và Đông Âu, mà có khi còn mừng vì không còn đối thủ “đại bá” nữa. Cái gọi là “chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Quốc” đâu phải phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội mà một trong những cái đích là cả xã hội ai ai cũng “làm theo năng lực, hưởng theo việc làm”! [Thực ra, chế độ chính trị, xã hội nào cũng có thể hướng tới lí tưởng này, dẫu khó đạt nhưng còn khả thi. Nó không ảo tưởng như nguyên tắc “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, -ảo tưởng đối với dân chúng thôi, còn với nhiều đại gia quan chức hay doanh nhân ở VN, ở TQ, … thì “làm (chưa chắc) theo năng lực, (nhưng vẫn) hưởng theo nhu cầu” đã là “hiện thực” lâu rồi!]. Cụm mĩ từ kia chẳng qua là cái chiêu bài che đậy những ý đồ, âm mưu, thủ đoạn, phương cách thống trị dân Trung Quốc và “bình thiên hạ” (vốn vẫn náu trong máu của chủ nghĩa bá quyền đại Hán xưa nay).

Hai là, sau “chiến tranh lạnh” (tức là sau khi không còn LX và phe XHCN), các thế lực tư bản-đế quốc chắc chẳng còn sợ “bóng ma” xã hội chủ nghĩa. Chẳng cần lo “truyền nhiễm”, chẳng cần lo “hiệu ứng đô-mi-nô”! Cái họ phòng chống ở bắc Triều Tiên “xã hội chủ nghĩa” cũng là cái họ phòng chống ở Iran “không phải xã hội chủ nghĩa”; cái họ lo ngại nước Trung Quốc CS “trỗi dậy” ngày nay cũng tựa như cái mà họ từng lo ngại nước Đức quốc xã “trỗi dậy” ngày xưa. Nếu lúc này, lúc khác họ nói đến dân chủ, nhân quyền,… thì chẳng quyết liệt như giọng điệu của “kẻ thù giai cấp”; cái quan tâm hàng đầu của họ những lúc này là quyền lực, quyền lợi, lợi nhuận. Giả dụ có “chuyện” thì cũng ít có khả năng là do đối đầu ý thức hệ.

Có một “thế lực thù địch” thực sự. Đó là những cá nhân hoặc tổ chức “chống cộng”. Mệnh danh vậy nhưng chắc là cái chính chẳng phải chống “chủ thuyết CS”, bởi vì chủ thuyết này ngày nay đã “hầu như là bóng ma lịch sử”. Họ chống chế độ và con người của chế độ mang danh CS, chống một cách dữ dằn. Họ nổi “hung” với bất kì cái gì, bất kì ai dính dáng đến “phía bên kia”. Hẳn cái chính là “phục hận”. Không bàn ở đây các chuyện “ra sao?”, “vì đâu?”, v.v… Chỉ biết rằng đây là một sự rất đáng tiếc khi người ta nói “khép lại quá khứ”, “hoà giải, hoà hợp dân tộc” để bảo vệ và xây dựng đất nước, vì vị thế và thể diện của người Việt Nam, cả của Việt kiều, trong cộng đồng nhân loại. Để không còn “thù địch” cần một số điều kiện và không ít thời gian, và nhất là thiện chí của cả hai phía, trong đó chủ động hơn phải là phía có thế hơn, có vai trò lịch sử hơn.

Trường hợp vừa nói trên khác với các trường hợp sau.

Có những người chẳng quan tâm mấy đến chế dộ chính trị hay chủ thuyết này nọ; họ chỉ quan tâm đến hiệu quả điều hành và quản lí đất nước, đến tình cảnh, số phận người dân, … Giả sử họ bầy tỏ sự không hài lòng, kể cả bất bình; họ góp ý, đề nghị, yêu cầu sửa sai, cải tiến, thay đổi, … , kể cả đòi công lí, đòi xử trí, thậm chí đòi “đuổi” (chữ dùng của cụ Hồ) những bọn mọt dân, hại nước, đòi trừng trị chúng thì có là “thế lực thù địch” không? Nếu qui kết như vậy thì ngay cả ở những nước tiên tiến nhà cầm quyền cũng thường xuyên chạm mặt với những thế lực thù địch!

Có một câu hỏi dường như “nhạy cảm”, nếu không là cấm kị: “Đối lập có được không? có là thù địch không?”. Song le, không thể tránh né mãi, một khi nó tồn tại.

Có những quan tâm “thể tất” hơn. Thừa nhận xưa kia, để cứu nước, nhiều người đã tìm đến chủ nghĩa cộng sản, và đảng Cộng sản từng có công tích nhất định với đất nước. Nhưng ngày nay rõ ràng có những cái bất cập tệ hại. Tình hình có khá lên từ khi sửa sai bắt đầu từ cuối những năm 80 thế kỉ trước (“đổi mới” chẳng qua là sửa sai), nhưng chính nhiều vị lãnh đạo cũng thấy vẫn là tụt hậu hầu như mọi mặt dù chỉ mới so với một số nước trong khu vực, trong khi quốc nạn tham nhũng và những tệ lậu khác vẫn là những trở ngại khó khắc phục. Nhiều ngườì, không loại trừ đảng viên cộng sản trong đó, mong muốn đảng tự “đổi mới”, chỉnh đốn thực sự một cách “cách mạng” như đảng từng chỉ ra mỗi khi phê phán phương cách “cải lương” (Ở mức độ như dùng công cụ “tự phê và phê” thì e rằng chỉ là “nói” thôi! Quyết liệt đến như tự phê bình và phê bình trong chỉnh huấn đầu những năm 1950 mà kết quả còn rất hạn chế nữa là! –mà phẩm chất những người CS buổi ấy khác ngày nay, và đảng cần “lòng dân” hơn ngày nay!) và quyết tâm thực thi nền pháp trị. + Để cho sự lãnh đạo của đảng không phải gò ép ghi vào hiến pháp, như hồi Cách mạng, Kháng chiến; và có thể tiến tới hợp theo xu thế tất yếu lịch sử và thời đại! + Hoặc là để dọn đường cho một cuộc chuyển giao, chuyển tiếp suôn sẻ, tốt đẹp vào lúc thích hợp, vào lúc tự đảng cũng thấy hợp thời hợp thế, vì lợi ích của đất nước của dân tộc, như các lãnh tụ của đảng đã nhiều lần tuyên bố “đảng không có lợi ích nào khác” [Chẳng một ai muốn nước nhà phải trải qua tình cảnh như nước Nga bị bọn cơ hội trong chính giới và doanh giới xâu xé thời Enxin! Mà muốn như nước Nhật thời thiên hoàng Minh Trị khi Mạc phủ tự nguyện chuyển giao quyền lực đúng lúc (tất nhiên thay vì thiên hoàng là nhân dân). –Không muốn đề cập đến nước Mianma hiện tại vì chưa biết diễn biến rồi ra có như người dân nước họ mong đợi]. Như thế, có bị gán cho là “thế lực thù dịch” không?

* Về kẻ thù dân tộc, nay khó nhận dạng hơn xưa chăng? Thời thế mới, khó có chuyện đưa quân và quan lại vào cai trị, ngang nhiên đô hộ nước khác. Chủ nghĩa thực dân cũ đã hết thời. Chủ nghĩa thực dân mới còn không? Ngày nay tại nhiều nước, nhất là ở châu Phi, có tình trạng bị nước ngoài vơ vét tài nguyên, đưa người vào tranh công ăn việc làm, kể cả cấy người vào lập những “tô giới” kiểu mới, nắm yết hầu kinh tế, thao túng giới cầm quyền, “ươm” bọn tay sai, … Người ta nói các nước này sa vào chủ nghĩa thực dân mới kiểu Trung Quốc (không chỉ ở châu Phi đâu nhé!).

Ở ta, “quyền lực mềm” và “quyền lực chẳng mềm” của Bắc kinh dường như tác động đến mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, gần như hàng ngày, có khi hàng giờ. Chúng còn chiếm đoạt và âm mưu chiếm đoạt đất đai, tài nguyên, vùng biển, … nước ta. Người dân thấy rõ đây đúng là thế lực thù địch trước mắt và lâu dài chưa biết khi nào mới giải toả được. Chẳng biết các vị đang đảm đương trách nhiệm với dân, với nước có chia sẻ mối lo kia không? Có cho rằng nghĩ như thế là đã thành “thế lực thù địch” rồi không?

Nếu đất nước (lãnh thổ, lãnh hải, bao gồm cả tài nguyên) bị gậm mòn, dân tộc bị lệ thuộc, -dưới bất cứ dạng nguỵ trang “ngon ngọt” nào, thì “thế lực thù địch” thực sự là đâu?

* Để cho lòng dân li tán, xã hội vô cảm thì “thế lực thù địch” đâu đây?!

“Run tay” viết mấy dòng chân tình này, hi vọng không bị liệt vào hàng thế lực thù địch.

Khải Nguyên

(Blog Huỳnh Ngọc Chênh)

Không có nhận xét nào: