Pages

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Trung Quốc: ‘Tuột tay’ Myanmar, ‘lọt lưới’ Triều Tiên


Đã từng có lúc Bắc Kinh rất yên tâm khi xây dựng được những “phên dậu” khá chắc chắn như Triều Tiên hay Myanmar. Nhưng thời thế thay đổi quá nhanh và chính những quốc gia này đã dần dần nhận ra bộ mặt thật của Trung Quốc nên đang tìm cách thoát khỏi cái bóng của Bắc Kinh bằng mọi giá.

Người dân Myanmar biểu tình phản đối Trung Quốc

Để “tuột tay” Myanmar?

Nói về mối quan hệ giữa 2 quốc gia đã có thời là đồng minh rất thân thiết này, một nhà phân tích của Myanmar có lần đã bình luận với hãng tin AFP rằng: “Trung Quốc đã bị bất ngờ và chưa nhận thức hết tầm mức của những thay đổi tại Myanmar”. 

Sở dĩ có nhận định này là bởi trong thời gian qua, Trung Quốc đã để lộ yếu điểm của mình là sự bất ngờ trước tốc độ mở cửa nhanh chóng của chính quyền Myanmar và đang gia tăng nỗ lực để giành lại vị thế của mình tại quốc gia Đông Nam Á mà họ đã từng “nắm giữ” trong suốt thời kỳ chế độc tài quân phiệt.

Nhờ đã tiến hành những cải tổ chính trị ngoạn mục kể từ khi tập đoàn quân sự giải thể, nhường chỗ cho một chính phủ dân sự vào tháng 03/2011, Myanmar nay được cả thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây, ve vãn. Nhưng Trung Quốc đã không ngờ ván bài sẽ được sắp xếp lại như vậy, vì ban đầu cứ nghĩ rằng những cải tổ nói trên chỉ là bề ngoài. Mới đây, khi Tổng thống Myanmar Thein Sein đã đi thăm Trung Quốc và ông Tập Cận Bình đã bóng gió rằng “một số thế lực bên ngoài” không muốn thấy “một sự phát triển lành mạnh, suôn sẻ và nhanh chóng trong quan hệ Miến-Trung”.

Chỉ mới cách đây 2 năm, Bắc Kinh còn dùng quyền phủ quyết của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an để tránh cho Myanmar bị quốc tế trừng phạt hơn nữa và vẫn đầu tư ồ ạt vào nước láng giềng, lợi dụng lúc các nước Tây phương còn bị cấm cửa. Trong một thời gian dài, Trung Quốc là đồng minh duy nhất yểm trợ vô điều kiện cho Myanmar, nhưng theo các nhà quan sát, chính vì quá ngột ngạt với sự hiện diện của Trung Quốc mà chính quyền Myanmar đã phải tiến hành cải cách, xích gần lại phương Tây.

Chỉ 6 tháng sau khi lên cầm quyến, tổng thống Thein Sein đã ra lệnh đình chỉ dự án đập thủy điện khổng lồ do Trung Quốc tài trợ. Từ đó đến nay, nhiều vấn đề đã cản trở nỗ lực của Bắc Kinh giành lại vị thế đã mất ở Myanmar.
Theo giới truyền thông quốc tế, Bắc Kinh cũng đã can dự vào các cuộc đàm phán giữa chính quyền Myanmar với quân nổì dậy sắc tộc thiểu số Kachin. Các trận giao tranh giữa lực lượng này với quân chính phủ đe doạ đến công trình xây dựng đường ống dẫn dầu khí giữa Ấn Độ Dương với Trung Quốc. Hai vòng đàm phán đã diễn ra ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng việc Bắc Kinh tập trung quá nhiều vào quyền lợi của họ có thể khiến Myanmar bất bình.

Nhưng về lâu dài, Myanmar cũng khó mà quay lưng lại với một quốc gia mà hiện vẫn chiếm 1/3 đầu tư ngoại quốc trực tiếp. Ngay cả lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi cũng nhìn nhận tính chất thiết yếu của quan hệ Miến-Trung. Bà cho rằng: “Chúng ta phải hòa thuận với láng giềng, dù chúng ta có muốn hay không”. Quan điểm và những hành động gần đây của giới lãnh đạo Myanmar cho thấy, họ đang khéo léo tìm cách để giảm dần và tiến tới tách biệt một cách tối đa sự ảnh hưởng của Trung Quốc đến các quyết sách trong nước. Nói một cách khác, Myanmar đang dần dần tuột khỏi tay Bắc Kinh mà Bắc Kinh không thể làm gì được.
Nông dân Myanmar biểu tình phản đối dự án khai thác mỏ của Trung Quốc cướp đất canh tác của họ.

“Lọt lưới” Triều Tiên

Không có được sự khôn khéo như Myanmar nhưng chính quyền Triều Tiên do chủ tịch Kim Jong-un đứng đầu cũng đã cho thấy họ dần dần trở nên khá “cứng đầu” với cả đồng minh Trung Quốc. 

Nhìn lại cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên từ đầu tháng 4 đến nay người ta sẽ thấy dường như sự kiên nhẫn mà Trung Quốc dành cho Bình Nhưỡng đã cạn dần. Lần đầu tiên kể từ hàng chục năm nay, Trung Quốc phê chuẩn nghị quyết gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng vì đã bất chấp để tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3. Trước đó, Bắc Kinh đã lên tiếng kêu gọi Kim Jong-un “đừng làm” nhưng chủ tịch Kim vẫn cứ làm và thậm chí là còn phớt lờ mọi phản ứng và thái độ của Trung Quốc để đẩy sự căng thẳng  trên bán đảo Triều Tiên lên cao. Ở một góc độ khác, khi Triều Tiên “tạo điều kiện” cho Mỹ tăng cường triển khai tên lửa ở Đông Bắc Á, ở Thái Bình Dương, “vẽ đường” cho tàu chiến Mỹ áp sát biển Hoàng Hải, cho máy bay B-52, máy bay ném bom tàng hình B-2 hay tiêm kích F-22 “lượn vè vè” trên bầu trời Đông Bắc Á… thì cũng là lúc Bắc Kinh vô cùng nhấp nhổm. Không lo lắng làm sao được khi mà Triều Tiên đã không còn là “tấm lá chắn” hữu hiệu cho cửa ngõ của Trung Quốc mà còn dụ kẻ địch bao vây Trung Quốc chặt chẽ hơn.

Trung Quốc đã rất bực bội khi không thể “khống chế” được Triều Tiên như trước và đến nỗi ông Chủ tịch Tập Cận Bình đã phải tuyên bố “không quốc gia nào được phép đẩy một khu vực và thậm chí là cả thế giới vào tình trạng rối loạn chỉ vì lợi ích cá nhân”. Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman cho rằng những bình luận trên của ông Tập là chưa có tiền lệ. “Sau khi quan sát sự khó chịu ngày càng gia tăng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với Triều Tiên trong nhiều năm qua, tôi thấy có vẻ lần này sự giận dữ của họ đã đến tới đỉnh điểm”, ông Huntsman nói.


Căn cứ vào những thông tin được tiết lộ gần đây trong bài viết của Tiết Lý Thái, một nhà nghiên cứu của Trung tâm an ninh và hợp tác quốc tế thuộc ĐH Stanford (Mỹ), trong cuộc gặp mặt giữa cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton với cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il hồi tháng 8/2009 tại Bình Nhưỡng, ông Kim đã không ngần ngại tuyên bố với Bill Clinton rằng tình cảnh cùng quẫn của Triều Tiên hiện nay là do chính sách “hại người, ích ta” mà Trung Quốc đã áp dụng suốt nhiều thập kỷ qua với Triều Tiên. Đồng thời việc Triều Tiên rút khỏi vòng đàm phán 6 bên (về vấn đề giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên) nhằm mục đích thoát khỏi sự trói buộc của Trung Quốc mà thôi và nếu Mỹ viện trợ cho Triều Tiên, nước này sẽ trở thành thanh trì kiên cường nhất đối kháng với Trung Quốc. Cuối cùng là Bình Nhưỡng bộc lộ ý đồ có thể tiến hành các hoạt động “đe dọa hạt nhân” với Trung Quốc nếu Mỹ “chiều theo yêu cầu” của Triều Tiên.
Dù chưa thực sự “lọt lưới” nhưng rõ ràng, sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng đã giảm đi rất nhiều. Trung Quốc sẽ làm gì để níu kéo Myanmar và kiểm soát Triều Tiên như ngày xưa? Rất có thể, câu trả lời là: “Không gì cả” vì ý đồ lợi dụng các nước này để phục vụ cho các lợi ích của Trung Quốc đã bị lộ hoàn toàn.

Không có nhận xét nào: