Bản dịch của Nguyễn Thành (Defend the Defenders) – Chính quyền Việt Nam có một lịch sử được ghi nhận rất rõ ràng trong việc tùy tiện giam giữ những người thực thi một cách chính đáng các quyền con người cơ bản của họ. Mặc dù chính phủ Việt Nam chấp thuận một số khuyến nghị chung chung về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo trong UPR 2009, họ đã bác bỏ các khuyến nghị cụ thể liên quan đến việc giam giữ tùy tiện và quả quyết rằng việc họ sử dụng các cáo buộc an ninh quốc gia là phù hợp với luật quốc tế. Trên thực tế, chính sách bỏ tù các tiếng nói chỉ trích chính quyền bằng các cáo buộc an ninh quốc gia – một thực tế ngày càng tệ hơn trong vài năm trở lại đây – là trái với các cam kết mà chính phủ Việt Nam đã tự nguyện công nhận theo ICCPR. Với những chi tiết trên đây, Freedom Now đệ trình các khuyến nghị sau đây…
*
BẢN ĐỆ TRÌNH GỬI CAO ỦY LIÊN HỢP QUỐC VỀ NHÂN QUYỀN
ĐÁNH GIÁ ĐỊNH KỲ PHỔ QUÁT (UPR): CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Phiên thứ 18
Hội đồng Nhân quyền – Nhóm Công tác UPR
Giới thiệu
1. Freedom Now đệ trình riêng bản báo cáo này nhằm trợ giúp Hội đồng nhân quyền trong việc kiểm điểm các chính sách và việc thực thi của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam). Freedom Now là một tổ chức phi đảng phái, phi chính phủ hoạt động nhằm giải phóng các tù nhân lương tâm trên toàn thế giới thông qua các hoạt động vận động pháp lý, chính trị và quan hệ công chúng. (1)
2. Báo cáo này mô tả cách chính phủ Việt Nam tùy tiện giam giữ, vi phạm luật pháp quốc tế. Như miêu tả dưới đây, chính quyền đã sử dụng các quy định pháp luật về an ninh quốc gia để bịt miệng một số lượng ngày càng nhiều tiếng nói đối lập ở quốc gia này. Bất chấp các cam kết của chính phủ – thường được nhắc đi nhắc lại trong quan hệ với các tổ chức và đại diện quốc tế – điều này vi phạm các nghĩa vụ mà Việt Nam đã tự nguyện cam kết theo luật quốc tế, bao gồm cả các điều khoản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), mà Việt Nam là một bên ký kết.
Lịch sử việc giam giữ tùy tiện ở Việt Nam
3. Chính quyền Việt Nam có một lịch sử dài và được ghi nhận rõ ràng về việc giam giữ các cá nhân vì họ thực hành các quyền cơ bản. Năm 1994, Nhóm Công tác của Liên Hợp Quốc về giam giữ tùy tiện (sau đây gọ tắt là Nhóm Công tác của LHQ) – một ban gồm năm chuyên gia độc lập từ nhiều nơi trên thế giới – đã tiến hành một nhiệm vụ tìm hiểu thực tế tại Việt Nam. Ngoài việc nêu lên những quan ngại về việc tôn trọng các tiêu chuẩn tố tụng, Nhóm Công tác của LHQ còn nhấn mạnh các hạn chế về quyền tự do ngôn luận ôn hòa bằng cách lạm dụng các quy định pháp luật mơ hồ về an ninh quốc gia. Đặc biệt, Nhóm Công tác của LHQ lưu ý rằng các điều khoản của Bộ luật Hình sự gắn với an ninh quốc gia, từ Điều 72 đến Điều 100, không hề có sự phân biệt giữa các hoạt động chính trị ôn hòa với việc sử dụng bạo lực. (2) Theo đúng nghĩa, các điều khoản này đã được nhận thấy là nhằm hạn chế trái phép quyền của công dân Việt Nam trong việc thực thi các quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội của họ. (3)
4. Sau khi nhận được nhiều đề nghị tiếp nối, vào năm 2000 chính phủ Việt Nam đã thông báo cho Nhóm Công tác LHQ về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự. (4) Tuy nhiên, bất chấp việc loại bỏ hoặc sửa đổi một số điều luật, các nhà chức trách Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng các cáo buộc an ninh quốc gia, giờ đây đã được soạn thảo theo các Điều từ 79 đến 92 và Điều 258 Bộ luật Hình sự, nhằm trừng phạt những người thực hành các quyền cơ bản, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo.
5. Đặc biệt, chính phủ tiếp tục kết án các nhà hoạt động dân chủ và lãnh đạo tôn giáo độc lập, như Linh mục Công giáo Thadeus Nguyễn Văn Lý, với những án tù dài. Mặc dù chỉ là một trong nhiều vụ, thực tế việc ông bị cầm tù liên tục là điển hình. Cha Lý là một trong những nhà bất đồng chính kiến và người kêu gọi tự do tôn giáo và dân chủ hàng đầu ở Việt Nam. Ông đã ở tù 18 trong số 36 năm vừa qua như một hệ lụy. Năm 2001, nhà cầm quyền bắt cha Lý sau khi ông đệ trình lời chứng viết tay cho Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ. Chính quyền xử ông 15 năm tù vì nhiều cáo buộc, trong đó có việc phá hoại chính sách đoàn kết của chính quyền theo Điều 87. Được thả năm 2005 sau sự phản đối kịch liệt của quốc tế việc việc giam giữ ông, Cha Lý khôi phục lại việc vận động của ông, và đồng sáng lập một số tổ chức và nhà xuất bản độc lập. Tuy vậy, vào năm 2007, chính quyền bắt ông một lần nữa, lần này là với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88. Bị kết án 8 năm tù nữa, Cha Lý được tại ngoại vì lý do y tế vào tháng 3 năm 2010 sau khi ông phải chịu đựng một loạt cơn đột quỵ và một khối u não đang phát triển, nhưng nhà cầm quyền lại bắt ông 16 tháng sau bất chấp các vấn đề sức khỏe kéo dài của ông.
6. Để phản ứng với những thực tế này, Nhóm Công tác của LHQ đã tận dụng hai vụ giam giữ vi phạm pháp luật quốc tế của Cha Lý. Trong bản đánh giá số 20/2003, Nhóm Công tác của LHQ giữ quan điểm cho rằng cáo buộc theo Điều 87 là tùy tiện, nhắc lại với chính phủ Việt Nam rằng “bày tỏ trong nhiều ý kiến quan ngại về Việt Nam và trong báo cáo chuyến thăm của họ tới quốc gia này, những cáo buộc mơ hồ và không chính xác như mô tả trong Điều 87… đưa đến một bất lợi là không cho phép phân biệt giữa các hành vi bạo lực gây tổn hại cho an ninh quốc gia với việc thực thi một cách ôn hòa các quyền tự do ý kiến và tự do ngôn luận”. (5) Tương tự, trong bản đánh giá số 6/2010, Nhóm Công tác của LHQ nhận thấy việc giam giữ Cha Lý vì cáo buộc tuyên truyền theo Điều 88 là tùy tiện và kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức, nhấn mạnh rằng việc giam giữ ông ấy “là nhằm đáp lại việc thực hành ôn hoà các quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do phát ngôn về chính trị của ông”. (6)
7. Trường hợp của Cha Lý, tuy vậy, không phải là duy nhất. Nhóm Công tác của LHQ đã nhận thấy kết cục tương tự trong tám trường hợp khác kể từ khi Việt Nam sửa đổi Bộ luật Hình sự. Những trường hợp như thế bao gồm các vụ giam giữ các cá nhân theo Điều 79 (tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), Điều 80 (tội gián điệp), Điều 88 (tội tuyên truyền), Điều 89 (tội phá rối an ninh), và Điều 258 (tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước). (7) Các trường hợp này còn có biểu hiện điển hình của việc vi phạm các thủ tục tố tụng – đặc biệt các quyền được trợ giúp pháp lý bởi một người do chính họ chỉ định, quyền không bị tra tấn hoặc ngược đãi, quyền tự bào chữa, và quyền được xét xử công khai thường bị vi phạm trong các quá trình tố tụng chống lại các tiếng nói đối lập ở quốc gia này. (8)
Đánh giá định kỳ toàn cầu năm 2009
8. Trong Đánh giá định kỳ toàn cầu năm 2009, chính phủ Việt Nam đã chấp thuận hàng loạt các đề xuất nói chung liên quan đến việc cải cách luật hình sự, cam kết với các cơ quan của LHQ và việc tôn trọng các quyền con người cơ bản. Chính quyền (Việt Nam) đã chấp thuận đề xuất rằng họ “cam kết đối thoại với các chuyên gia quốc tế về xây dựng pháp luật, bao gồm cả việc xem xét lại Bộ luật Hình sự… (và) tiếp tục làm việc để đảm bảo rằng các đạo luật chính… tương thích với những cam kết trong các hiệp ước nhân quyền quốc tế của Việt Nam”. (9) Thêm nữa, ngoài việc thừa nhận nhu cầu “gia tăng sự phối hợp với các thủ tục đặc biệt của LHQ”, (10) chính phủ (Việt Nam) đã chấp thuận nhiều đề xuất thúc giục họ tôn trọng các quyền tự do cơ bản được bảo vệ bởi ICCPR, trong đó có quyền được xét xử công bằng, quyền tự do ngôn luận và quyền tự do tôn giáo. (11)
9. Tuy nhiên, trong khi tán thành với các đề xuất chung chung liên quan đến các quyền con người cơ bản này, họ bác bỏ một số đề nghị cụ thể và hợp lý. Bất chấp việc thừa nhận sự cần thiết của sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận, chính phủ (Việt Nam) bác bỏ đề xuất liên quan đến việc đảm bảo quyền tự do và độc lập của báo chí. (12) Chính quyền này cũng bác bỏ các đề xuất cụ thể nhằm vào việc giam giữ tùy tiện hoặc việc hạn chế một cách tùy tiện các quyền tự do cơ bản. (13)
10. Khi giải thích về việc bác bỏ các đề xuất này, chính phủ Việt Nam bỏ qua các quan ngại về các hạn chế quyền cơ bản bằng cách lưu ý rằng các các đạo luật riêng của quốc gia này “rõ ràng đáp ứng quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận theo pháp luật và việc thực thi pháp luật quốc tế”. (14) Tuyên bố này phản ánh phần lớn Báo cáo quốc gia của chính phủ này, vốn cho rằng “pháp luật liên quan đến an ninh quốc gia phù hợp với các điều kiện kinh tế – xã hội (của quốc gia đó) cũng như pháp luật quốc tế mà Việt Nam tham gia” và rằng “không có cái gọi là ‘tù nhân lương tâm’ và không có ai bị bắt giữ vì chỉ trích chính quyền”. (15)
Gia tăng việc giam giữ tùy tiện, vi phạm pháp luật quốc tế
11. Trong khi việc chính phủ Việt Nam thừa nhận trong bản UPR 2009 rằng nhân quyền “là các giá trị phổ quát của nhân loại” (16) được hoan nghênh, họ cũng phải thừa nhận rằng việc tiếp tục sử dụng các cáo buộc an ninh quốc gia để trừng phạt các ý kiến bất đồng một cách ôn hòa là đi ngược với các cam kết quốc tế tự nguyện của họ.
12. Kể từ bản UPR năm 2009 – đặc biệt từ đầu năm 2011 khi các phong trào đấu tranh dân chủ quét qua Trung Đông và Bắc Phi – các các tổ chức nhân quyền đã ghi nhận sự gia tăng của việc giam giữ tùy tiện được thực hiện bởi chính quyền Việt Nam. Việc bỏ tù các nhà hoạt động ở Việt Nam gia tăng trong năm 2011 và tiếp tục tăng trong năm 2012, khi chính quyền kết án tù ít nhất 40 người – một con số này đã bị vượt qua tính đến thời điểm này của năm 2013. (17) Chính quyền cũng có vẻ mở rộng phạm vi đối tượng bị truy tố với các cáo buộc an ninh quốc gia. Ngoài các đối tượng truyền thống bị giam giữ tùy tiện ở Việt Nam – ví dụ các nhà vận động dân chủ và tự do tôn giáo – thì các nhạc sĩ, blogger, nhà vận động quyền và các nhà tổ chức hội đoàn độc lập đều đã và đang đối mặt với các cáo buộc an ninh quốc gia trong những năm gần đây. (18) Chẳng hạn, hồi năm 2010, các nhà hoạt động công đoàn độc lập Đoàn Huy Chương,Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng phải nhận án tù từ 7 năm đến 9 năm theo Điều 89 (tội phá rối an ninh) vì chủ ý tổ chức đình công và rải truyền đơn các yêu sách của công nhân. (19) Tương tự, những blogger Việt Nam như Trương Duy Nhất phải đối mặt với án tù với các cáo buộc theo Điều 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ) hay Điều 88 (tuyên truyền). (20)
13. Mặc dù chính phủ Việt Nam kiên trì cho rằng việc khởi tố các nhà hoạt động theo các cáo buộc an ninh quốc gia là phù hợp với các cam kết quốc tế, những đòi hỏi đó rõ ràng là sai trái. Thực vậy, Nhóm Công tác của LHQ xác định chính xác và lặp đi lặp lại nhiều lần rằng điều này mâu thuẫn với luật quốc tế. (21) Như chính phủ Việt Nam thường xuyên lưu ý, họ tham gia vào một số hiệp ước nhân quyền then chốt, bao gồm cả ICCPR, thứ rõ ràng bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tôn giáo và quyền chống lại việc giam giữ tùy tiện.
14. Trong khi nhìn chung các quyền phổ quát trong ICCPR có thể đưa ra một vài hạn chế trong một số trường hợp, Ủy ban Nhân quyền LHQ (Ủy ban) vẫn kiên trì nhấn mạnh tính hạn hẹp của những hạn chế này. Ủy ban, nơi có nhiệm vụ giải thích các nghĩa vụ phát sinh theo ICCPR, lưu ý rằng “khi một quốc gia thành viên áp đặt các hạn chế lên quyền tự do ngôn luận thì những hạn chế đó có thể không gây tổn hại cho bản thân quyền đó”. (22) Trong bối cảnh này, Ủy ban giữ quan điểm rằng những sự hạn chế như thế này “có thể không bao giờ được viện dẫn như một sự biện hộ cho việc bịt miệng bất kỳ cuộc vận động dân chủ đa đảng, các nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền nào”. (23) Tuy nhiên, chính hoạt động này tiếp tục dẫn đến những bản án tù lâu năm theo các quy định về an ninh quốc gia của Việt Nam. Dĩ nhiên, việc chính quyền tiếp tục bỏ tù các nhà hoạt động, blogger, và các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa rõ ràng đi ngược lại với những cam kết quốc tế tự nguyện của Việt Nam.
Kết luận và khuyến nghị
15. Chính quyền Việt Nam có một lịch sử được ghi nhận rất rõ ràng trong việc tùy tiện giam giữ những người thực thi một cách chính đáng các quyền con người cơ bản của họ. Mặc dù chính phủ Việt Nam chấp thuận một số khuyến nghị chung chung về tự do ngôn luận và tự do tôn giáo trong UPR 2009, họ đã bác bỏ các khuyến nghị cụ thể liên quan đến việc giam giữ tùy tiện và quả quyết rằng việc họ sử dụng các cáo buộc an ninh quốc gia là phù hợp với luật quốc tế. Trên thực tế, chính sách bỏ tù các tiếng nói chỉ trích chính quyền bằng các cáo buộc an ninh quốc gia – một thực tế ngày càng tệ hơn trong vài năm trở lại đây – là trái với các cam kết mà chính phủ Việt Nam đã tự nguyện công nhận theo ICCPR. Với những chi tiết trên đây, Freedom Now đệ trình các khuyến nghị sau đây:
- Trả tự do ngay lập tức và chấm dứt truy tố các cá nhân theo các cáo buộc an ninh quốc gia chỉ bởi vì họ thực thi một cách ôn hòa các quyền con người cơ bản được bảo vệ bởi ICCPR, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo.
- Sửa đổi các điều khoản của Bộ luật Hình sự, cụ thể là từ Điều 78 đến Điều 92 và Điều 258 để bảo vệ một cách dứt khoát quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do tôn giáo một cách ôn hòa.
- Đảm bảo rằng những người bị buộc tội xâm phạm an ninh quốc gia được hưởng các tiêu chuẩn được quốc tế thừa nhận về tố tụng.
- Hợp tác, trả lời và tuân thủ đầy đủ các khuyến nghị của tất cả các đề xuất của các cơ quan thực hiện sứ mạng theo thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền – trong đó có Nhóm Công tác của LHQ về Giam giữ Tùy tiện.
*
Chú thích:
1. Như nhiều tổ chức khác, Freedom Now hoạt động như một nhà tư vấn pháp lý quốc tế miễn phí nhằm trả tự do cho các công dân Việt Nam như Cha Nguyễn Văn Lý, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnhvà Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.
2. Báo cáo của Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện: Chuyến thăm Việt Nam (21-12-1994) U.N.Doc. E/CN.4/1995/31/Add.4 tại tr 35.
3. Sđd. tr 58.
4. Báo cáo của Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện: 2001 (20-122000) U.N.Doc.E/CN.4/2001/14 tại tr 65 – 67.
5. Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, Ý kiến số 20/2003.
6. Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, Ý kiến số 6/2010.
7. Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, Ý kiến số 42/2012(các nhà hoạt động công đoàn bị buộc tội theo Điều 89), 27/2012(các nhà hoạt động dân chủ bị buộc tội theo Điều 79 và 88), 46/2011(các nhà hoạt động vì quyền đất đai bị buộc tội theo Điều 79), 24/2011(luật sư nhân quyền bị buộc tội theo Điều 88), 1/2009(nhóm các nhà hoạt động và blogger bị buộc tội vi phạm Điều 258, cùng nhiều tội khác),13/2007(nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền bị buộc tội theo Điều 80), 19/2004(bác sĩ và là nhà hoạt động dân chủ bị buộc tội theo Điều 80), and 1/2003(luật sư và nhà vận động cải cách bị buộc tội theo Điều 88).
8. Xem: Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, Ý kiến số 42/2012(các nhà hoạt động công đoàn độc lập Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị biệt giam lâu năm và bị đánh đập nhiều lần, bị từ chối cho tiếp cận luật sư trước và trong phiên tòa của họ, bị kết án theo những thủ tục kín nơi họ không được phép tự bào chữa)
9. Báo cáo của Nhóm Công tác về Đánh giá định kỳ toàn cầu, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (5-10-2009) U.N. Doc. A/HRC/12/11 tại tr 99(11) [hereinafter Báo cáo năm 2009]
10. Sđd. tại tr 99(22).
11. Sđd. tại tr 99(44) (“Take all necessary steps to ensure that citizens can fully enjoy the rights to freedom of expression and freedom of religion.”) Xem Id. Tại tr 99(44, 42, 47, 48, 50, 52, và 53).
12. Sđd. at tr 101(chuyển tiếp tới tr 41(d)) (“Ensure that the media can operate freely and independently.”). Xem Sđd. (chuyển tiếp tới tr 35(a), 35(b), 41(e), 47(b), 51(a), 59(b), 63(b), tại 63(c)).
13. Trong các đề xuất mà chính phủ không ủng hộ có: sửa đổi Bộ luật Hình sự để “đảm bảo không thể áp dụng các biện pháp tùy tiện hoặc cản trợ quyền tự do ngôn luận”, “đảm bảo các tổ chức báo chí được tự do ngôn luận mà không phải lo ngại về việc bắt giữ tùy tiện hoặc truy tố” và “cho phép các cá nhân được lên tiếng trong hệ thống chính trị… trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm… bãi bỏ các điều khoản “an ninh quốc gia” mơ hồ như Điều 84, 88 và 258 vốn được sử dụng để kết án những ai có tiếng nói bất đồng với chính quyền hoặc với các chính sách của họ” Sđd. Tại tr 101 (chuyển tiếp tới tr 63(c), 64(d), 66(a), và 66(b)).
14. Xem tại phần Kết luận và Khuyến nghị, Voluntary Commitments and Replies Presented by the State under Review, Hội đồng nhân quyền (16 tháng 9 năm 2009), UN Doc. A/HRC/12/11/Add.1tại tr 11.
15. Báo cáo năm 2009, supra ghi chú 9, tại tr 75. Chính quyền tạo ra những lập luận tương tự, tuy ít trực diện hơn, trong Báo cáo quốc gia của họ khi họ nhấn mạnh “chính ách đảm bảo nhân quyền trong khi vẫn trừng trị nghiêm khắc các vi phạm pháp luật…” 2009 National Report: Vietnam, Hội đồng nhân quyền, UN Doc. A/HRC/WG.6/5/VNM/1(Feb. 16, 2009) tại tr 26.
16. Báo cáo năm 2009, supra chú thích 9, tại tr 6
17. Testimony of John Sifton, Asia Advocacy Director for Human Rights Watch, Điều trần: Nhấn mạnh các vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam trước Đối thoại Mỹ-Việt (11-4-2013), Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, Tiểu ban phụ trách châu Phi, y tế toàn cần, nhân quyền toàn cầu và các tổ chức quốc tế.
18. Xem 2012 Country Reports on Human Rights Practices: Vietnam,Bộ ngoại giao Mỹ, tại §§ 1(d) và 2(a).
19. Nhóm Công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, Ý kiến số 42/2012.
20. Vietnamese Blogger Arrested for “Anti-State” Writings, Đài Á châu tự do (27-5-2013); Bloggers Imprisoned in Mass Sentencing in Vietnam, Ủy ban bảo vệ các nhà báo (9-1-2013).
21. Xem supra chú thích 7.
22. Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, General Comment 34tại tr 21.
23. Sđd. tại tr 23.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét