Song Chi/Người Việt
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày Nhà Báo Việt Nam, 21 Tháng Sáu là báo chí truyền thông của nhà nước lại tràn ngập những thông tin, hình ảnh các lãnh đạo tỉnh này, sở kia đến thăm, tặng hoa và chúc mừng báo A, B, C… các quan chức, giới trí thức, doanh nhân… chúc mừng ngày nhà báo.
Việt Nam có hơn 700 cơ quan báo chí nhưng đều nằm dưới quyền điều hành của một đảng Cộng Sản. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
|
Rồi những bài viết ca ngợi thành tựu của nền báo chí cách mạng, phản bác những lời chỉ trích của thế giới về tình trạng không có tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.
Cứ như thể nghề báo thật sự được coi trọng, báo chí có thể làm đúng chức năng phản ánh sự thật, là quyền lực thứ tư trong xã hội.
Thực tế ai cũng biết trong một chế độ độc tài độc đảng như ở Việt Nam, báo chí chỉ là công cụ của nhà cầm quyền, hoạt động dưới sự quản lý và giám sát của Bộ Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam, và dưới sự định hướng của ban tuyên giáo trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam.
Do vậy, mặc dù ở Việt Nam có hơn 700 tờ báo in, 67 đài phát thanh-truyền hình trung ương và địa phương, 34 báo điện tử, hàng ngàn trang thông tin điện tử nhưng “chỉ có một tổng biên tập” mà thôi.
Việc phải luôn luôn viết trong tâm thế có thể bị bật đèn đỏ thổi phạt bất cứ lúc nào khiến các nhà báo dần dần có thói quen tự kiểm duyệt, tự biên tập, né tránh tất cả mọi đề tài bị nhà nước xếp vào loại “nhạy cảm”.
Bên cạnh đó, trong một môi trường mà đạo đức xã hội ngày càng tha hóa, đạo đức nghề nghiệp của nhiều nhà báo dường như cũng ngày càng xuống thấp.
Xã hội đã lắm ung nhọt, rác rưởi, nhưng chính một số nhà báo, bằng những bài viết vô lương tâm, vô trách nhiệm của mình, đã ném thêm rác vào đời sống tinh thần của người đọc.
Loại rác rưởi dễ thấy nhất là những bài báo “lá cải”, chạy theo những đề tài, yếu tố gợi dục, bạo lực để câu khách.
Trên một số trang tin, báo mạng và cả báo giấy, ngày nào cũng tràn ngập tin tức về các vụ “cướp, giết, hiếp” các kiểu, trong và ngoài nước. Vấn đề không chỉ nằm ở số lượng mà còn ở cách khai thác thông tin, từ cách giật tít nhằm câu khách cho đến nội dung đi sâu quá chi tiết vào những vụ án, nhất là án tình, hiếp dâm hoặc giết người man rợ.
Trên một số trang tin, báo mạng và cả báo giấy, ngày nào cũng tràn ngập tin tức về các vụ “cướp, giết, hiếp” các kiểu, trong và ngoài nước. Vấn đề không chỉ nằm ở số lượng mà còn ở cách khai thác thông tin, từ cách giật tít nhằm câu khách cho đến nội dung đi sâu quá chi tiết vào những vụ án, nhất là án tình, hiếp dâm hoặc giết người man rợ.
Có những vụ án được báo chí khai thác liên tiếp hàng chục bài, từ lúc mới xảy ra cho đến khi bắt được hung thủ, ra tòa, kết án, thậm chí khi hung thủ đã vào trại giam một thời gian báo chí cũng xới lại.
Trong cách đưa tin của báo chí Việt Nam nhiều khi phải nói là rất thiếu lương tâm. Những vụ bán dâm, hiếp dâm, giết người, kẻ phạm tội bị phơi bày tên tuổi mặt mũi đã đành, còn nạn nhân, tuy cũng có để tên tắt, tên giả nhưng lại tiết lộ thông tin về quê quán, nhà cửa, nơi học, nơi làm việc… nên nếu bà con làng xóm, bạn bè quen biết với nạn nhân thì cũng dễ đoán ra.
Các nhà báo dường như không hề nghĩ đến chuyện nạn nhân hay kể cả người thân, con cái của kẻ thủ ác sẽ sống tiếp cuộc đời của họ ra sao.
Ðời tư của các nghệ sĩ, giới biểu diễn cũng là một đề tài được báo chí lá cải thường xuyên khai thác. Những thông tin kiểu ngồi lê đôi mách, dòm qua lỗ khóa, rồi nào những hình ảnh “lộ hàng”, khoe thân…
Thật ra dân chúng ở đâu trên thế giới thì cũng thích tìm hiểu những thông tin về giới nghệ sĩ, những người nổi tiếng, và báo chí lá cải ở đâu thì cũng rất biết cách khai thác đề tài này. Nhưng ở các nước dân chủ pháp trị, có luật pháp hẳn hoi, nếu báo chí đưa tin không đúng sự thật sẽ bị kiện ra tòa, có khi sập tiệm.
Vấn đề của Việt Nam là báo chí cứ tha hồ viết, một số người nhiều khi bị đưa tin không đúng hoặc bị xâm phạm đời tư quá đà cũng ít khi muốn kiện. Bởi vì cũng đã có vài vụ nghệ sĩ kiện báo chí nhưng rồi mất thời gian, mệt mỏi mà cũng chẳng đi đến đâu.
Ðó là chưa kể cứ đưa tin các người đẹp tậu xế hộp siêu sang, ở những ngôi nhà lộng lẫy, mặc những chiếc váy hàng hiệu đắt tiền, cặp bồ với các đại gia… là vô tình cổ xúy cho lối sống chạy theo vật chất, coi chuộng bề ngoài.
Nhưng đáng nói hơn là những bài viết có liên quan đến những nhân vật, những vụ án có yếu tố chính trị, chẳng những không khách quan mà còn xuyên tạc sự thật, bôi nhọ, vu khống đủ kiểu.
Từ những vụ biểu tình phản đối Trung Quốc cũng bị đài truyền hình nhà nước xuyên tạc thành gây rối trật tự công cộng, đi biểu tình vì nhận tiền của các thế lực thù địch xúi giục… cho đến những người yêu nước, bất đồng chính kiến.
Từ nhà văn Dương Thu Hương, Tướng Trần Ðộ, thượng tọa Thích Quảng Ðộ… trước kia cho đến Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức, Luật Sư Lê Công Ðịnh, thạc sĩ tin học Nguyễn Tiến Trung, các blogger Ðiếu Cày, Anh Ba Sài Gòn, Công Lý và Sự Thật, sinh viên Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Ðinh Nguyên Kha… đều là nạn nhân của hệ thống báo chí truyền thông làm theo lệnh đảng.
Báo chí bôi nhọ đời tư, xuyên tạc mục đích đấu tranh của họ vì yêu nước, vì mong muốn Việt Nam sẽ thay đổi trở thành một quốc gia tự do, dân chủ, thoát khỏi sự lạc hậu đói nghèo và nguy cơ xâm lược từ Trung Quốc. Trong khi họ hoàn toàn không có điều kiện để tranh luận, chứng minh ngược lại.
Mới đây nhất là vụ tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực để phản đối cách hành xử của một số cán bộ, giám thị trại giam số 5 Thanh Hóa. Sau nhiều ngày im lặng không đếm xỉa gì đến vụ tuyệt thực và yêu cầu của ông Vũ, khi thấy dư luận ngày càng căng, cộng với phong trào tuyệt thực đồng hành cùng Cù Huy Hà Vũ lan rộng trong và ngoài nước, nhà cầm quyền đã đối phó bằng cách cho báo chí, truyền hình đồng loạt đưa tin ông Vũ không hề tuyệt thực, vẫn béo khỏe.
Báo chí “lề dân” đã nhanh chóng vạch trần những điểm không thuyết phục, phi lý, chứng tỏ một sự cắt dán, xảo trá của những bài báo, clip nói trên. Nhưng những thông tin do báo, đài của nhà nước tung ra cũng làm cho một số người dân, ngay cả những người từng ủng hộ ông Vũ, hoang mang, nửa tin nửa ngờ.
Sự thật vẫn là sự thật. Cuối cùng lá thư của ông Cù Huy Hà Vũ tuyên bố kết thúc cuộc tuyệt thực sau 25 ngày, khi trại giam số 5 Bộ Công An buộc phải ra văn bản giải quyết đơn của ông đã chứng minh ông thật sự tuyệt thực.
Ông Cù Huy Hà Vũ cùng gia đình và những người ủng hộ đã hai lần chiến thắng nhà cầm quyền và cả mạng lưới truyền thông “lề đảng” hùng hậu. Lần thứ nhất, nhà cầm quyền định bôi nhọ ông bằng “2 bao cao su”, nhưng khi trò bẩn thỉu hèn hạ này bị vạch trần thì chính họ cũng phải đánh bài lờ, không nhắc đến trong phiên tòa xử ông Vũ. Và lần này, âm mưu bôi nhọ ông Vũ không tuyệt thực cũng đã thất bại.
Không hiểu những “nhà báo” và cả những ông tổng biên tập, giám đốc của những tờ báo, đài đã ra lệnh cho cấp dưới viết, làm những video clip xảo trá như vậy có khi nào cảm thấy tự xấu hổ, nhục nhã? Và đội ngũ những dư luận viên, blogger tay sai tư cách mạt hạng thi nhau bôi bác, cười cợt vụ tuyệt thực này nữa.
Thực tế, không phải nhà báo “lề đảng” nào cũng bán rẻ lương tâm. Vẫn còn đó những nhà báo có thực tâm thực tài, đau đáu với vận mệnh đất nước, với thực trạng xã hội nát bét và số phận còn quá thiệt thòi của dân tộc Việt Nam trong một thể chế chính trị lạc hậu, sai lầm như hiện nay.
Có những người trong số họ đã chấp nhận bỏ báo để làm người viết lách tự do, gia nhập hàng ngũ báo chí “lề dân”, hoặc nếu chưa thể bỏ nghề được vì miếng cơm manh áo thì cũng cẩn trọng với ngòi bút, hoặc chọn những cách viết khiến người đọc có thể hiểu được sự thật “giữa hai hàng chữ”.
Chế độ độc tài nào rồi cũng phải sụp đổ. Dù sớm dù muộn.
Nhân ngày Nhà Báo Việt Nam, chỉ muốn nhắn với tất cả những người mang danh nhà báo nhưng không có lương tâm nghề nghiệp, hoặc chấp nhận làm bồi bút cho nhà cầm quyền bôi nhọ những người yêu nước, kể cả những kẻ đến giờ này vẫn còn viết lách, làm phim tiếp tục xuyên tạc sự thật lịch sử, bưng bô cho chế độ… Rằng trong thời buổi công nghệ kỹ thuật tiên tiến này, không một bài báo, video clip, bộ phim… nào đã đưa ra có thể xóa sạch không dấu vết.
Nếu không còn biết xấu hổ là gì thì cũng nên biết sợ cho điều này và tương lai của chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét