Pages

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Bí ẩn Lữ đoàn tàu ngầm số 1 Hải Quân Việt Nam

Nhất cử nhất động của chiếc tàu ngầm đầu tiên mang tên Hà Nội đã được người Việt, thông qua giới truyền thông đặc biệt quan tâm với một tinh thần phấn chấn, khi biết “KILO của ta” hiện đại hơn, vũ khí “khủng” hơn KILO cùng loại…và, chẳng bao lâu, chỉ là một cái chớp mắt so với 57 năm tồn tại của Hải quân Việt Nam, trên vùng biển Việt Nam sẽ xuất hiện lữ đoàn tàu ngầm. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều cốt yếu mà giới quân sự quan tâm.

Lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam… như thế nào?

Tàu ngầm KILO Việt Nam đóng sau KILO Trung Quốc, Ấn Độ những gần 10 năm, cho nên công nghệ, tính năng kỹ chiến thuật tiên tiến hơn, vũ khí trang bị hiện đại hơn là chuyện đương nhiên.

Nếu như 6 chiếc KILO của lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam như báo giới phân tích, so sánh từng chi tiết vũ khí, phương tiện…(chắc là phỏng đoán) với KILO của Trung Quốc thì giới quân sự nước họ, coi Việt Nam là đối tượng tác chiến trực tiếp, đã ăn ngon, ngủ yên, không việc gì phải lo lắng.

Điều họ quan tâm nhất là những đặc điểm riêng biệt của 6 KILO Việt Nam mà Nga đang hoàn thành theo đặt hàng của Việt Nam là gì.

 Tàu ngầm Hà Nội là sát thủ diệt ngầm hay sát thủ diệt tàu sân bay?
Tàu ngầm Hà Nội là sát thủ diệt ngầm hay sát thủ diệt tàu sân bay?
Chắc chắn, tàu ngầm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… là không bao giờ giống nhau, bởi, biểu hiện thứ nhất cho thấy, chẳng có một nguyên tắc tổ chức xây lực lượng quân sự nào như vậy cả và với Việt Nam thì lại càng không. Biểu hiện thứ hai, KILO mà Việt Nam đặt hàng giá cao hơn thực tế khi đang ở trong bối cảnh mối quan hệ chiến lược Việt – Nga đã tới mức tin cậy.

Hai biểu hiện này ít nhất cũng chứng tỏ một điều là lớp tàu KILO mà Nga đóng không những là đóng cho Việt Nam mà còn đóng theo yêu cầu tác chiến của Việt Nam.

Tại sao giới quân sự quan tâm những đặc điểm riêng biệt như vậy? Tại vì điều đó mới chính là yếu tố quyết định sự khác biệt giữa chủng loại KILO với nhau mà qua đó hình thành các phương án tác chiến sử dụng lực lượng tàu ngầm phục vụ cho các mục đích chiến lược, chiến dịch hay chiến thuật mà Bộ Tham mưu Hải quân Việt Nam lựa chọn triển khai.

Dễ thấy nhất như súng AK chẳng hạn, nếu nó là báng gấp thì đương nhiên để cho bộ đội đặc biệt tinh nhuệ như trinh sát, đặc công sử dụng và lối đánh của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ như thế nào thì đã rõ.

Nhưng với tàu ngầm KILO thì đặc điểm khác biệt này không dễ thấy, chỉ Bộ tham mưu Hải quân Việt Nam và giới chức Nga được đặt hàng mới biết chắc và do đó nhiệm vụ, lối đánh của từng loại tàu ngầm KILO không phải là điều mà báo chí có thể khai thác, phát hiện.

Ngoài các loại vũ khí khác như ngư lôi, thủy lôi, tên lửa phòng không ra, nếu 6 tàu ngầm KILO Việt Nam được phân bố trang bị đủ 5 biến thể của tên lửa Club-S gồm:

Tên lửa hành trình chống hạm 3M-54E tầm bắn 200km, vận tốc 2,9M, đầu đạn nặng 200kg.

Tên lửa hành trình chống hạm 3M-54E1, tầm bắn 300km, vận tốc 0,8M, đầu đạn nặng 400kg dùng để diệt tàu sân bay.

Tên lửa hành trình đối đất 3M-14E, đầu đạn 400kg, tầm bắn 275km.

Tên lửa chống tàu ngầm 91RE1 có tầm bắn 50km.

Tên lửa chống tàu ngầm 91RE2 có tầm bắn 40km.

Sáu KILO Việt Nam sẽ hình thành 3 loại nhiệm vụ quan trọng và tất nhiên sẽ có 3 lối đánh (chiến thuật) tương xứng.

Thứ nhất là tiêu diệt tàu ngầm địch, tàu vận tải quân sự, phong tỏa bến cảng, căn cứ địch. Thứ hai là tiêu diệt tàu chiến mặt nước, tàu sân bay và các mục tiêu trên bờ của địch. Và nhiệm vụ thứ 3 có thể là đặc nhiệm.

Căn cứ vào tư tưởng, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thì thường Quân đội Việt Nam không ưu tiên tính đa nhiệm trong vũ khí. Bởi lẽ, với một tiềm lực quân sự hạn hẹp thì muốn tạo ra được ưu thế khi tác chiến thì vũ khí phải có tính chuyên môn hóa cao, tính đa nhiệm của vũ khí không tạo ra được ưu thế tác chiến mà có khi trở nên lãng phi, thừa.

Vì thế, KILO Việt Nam với nhiệm vụ nào thì vũ khí phương tiện đó, dù rằng “ít mà tinh” hơn là nhiều (nhưng không bao giờ nhiều hơn họ) mà không có đặc điểm riêng biệt, độc đáo thì chẳng tạo nên sự khác biệt.

Vậy đặc điểm riêng biệt đó là gì? Một câu hỏi mà người biết không bao giờ trả lời. Đó là một trong vô vàn điều bí ẩn về Lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam.

Trong tay Việt Nam, KILO sẽ…như thế nào?

Giới quan sát Trung Quốc thì cho rằng Việt Nam còn lâu mới sử dụng thành thạo tàu ngầm KILO như Hải quân Trung Quốc. Giới bình luận quân sự quốc tế thì xếp trình độ tàu ngầm Việt Nam nằm giữa Indonesia và Singapo.

May thay cho nhân loại, đã 68 năm nay thế giới không có một kinh nghiệm chiến đấu nào của tàu ngầm và rủi thay cho các quốc gia có tàu ngầm, kinh nghiệm chiến đấu là con số O. Trong lĩnh vực quân sự, chỉ có duy nhất thực tiễn mới là tiêu chí của chân lý, vậy, Việt Nam và Trung Quốc, Indo, Singapo có gì khác nhau?

Rốt cuộc, thành thạo trong sử dụng tàu ngầm mới chỉ là tiêu chí cao nhất đánh giá việc huấn luyện thời bình. Chỉ cần có thời gian hoặc phương tiện, phương pháp huấn luyện tiên tiến (chẳng hạn như mô phỏng huấn luyện tàu ngầm mà Nga xây dựng cho Việt Nam) là có thể sử dụng thành thạo.

Nhưng sáng tạo trong sử dụng tàu ngầm mới quyết định thành bại của cuộc chiến. Sáng tạo là tố chất chỉ có được từ truyền thống dân tộc, từ bản lĩnh và trí tuệ.

Sáng tạo trong đánh giặc bảo vệ Tổ quốc và sử dụng vũ khí của Việt Nam thực tế đã chứng minh. Đó là bản chất vốn có luôn tồn tại trong hình thái chiến tranh nhân dân.

Đây là điều bí ẩn mang tính chiến thuật mà Việt Nam cũng như Trung Quốc bắt đầu từ học thuyết quân sự của riêng mình và đều từ con số 0 của kinh nghiệm chiến đấu.

Dư luận, giới quân sự nước ngoài có những lời bình, nhận xét 6 tàu ngầm KILO của Việt Nam khi tác chiến như “sẽ thay đổi cuộc chơi trên Biển Đông”, “một sức mạnh mới cho phòng thủ của Việt Nam”…không phải là điều sáo rỗng.

Tàu ngầm cốt tinh, không cốt đông, tàu ngầm là bí mật, toàn bộ phải bí mật đó chính là yếu tố quyết định tạo nên bản năng sát thủ của tàu ngầm.

Việc xuất hiện lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc lo ngại một thế trận trên Biển Đông bất lợi nếu như có hành động dùng vũ lực chiếm Biển Đông, biến thành “ao nhà” của mình.

Lê Ngọc Thống

( Baodatviet )

Không có nhận xét nào: