Pages

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Nhân quyền: Quốc hội yêu cầu chính quyền Mỹ cứng rắn hơn với Việt Nam

RFI
Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha (DR)
Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha (DR)
Trong  cuộc điều trần trước một tiểu ban của Hạ viện hôm qua, 05/06/2013, các dân biểu Mỹ đã một lần nữa thúc giục chính quyền Obama phải tỏ ra cứng rắn hơn với Việt Nam trên vấn đề nhân quyền, nhất là sau đợt đàn áp mới đây, qua việc kết án tù giam các blogger.
Tiếp theo sau cuộc điều trần ngày 04/06 trước Tiểu ban châu Phi, Y tế Toàn cầu, Nhân quyền Toàn cầu và các Tổ chức Quốc tế, thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Mỹ, với sự tham gia của các nhân chứng người Việt, hôm qua, 05/06/2013, đến lượt tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương mở cuộc điều trần về quan hệ Mỹ-Việt, với sự tham gia của hai quan chức Ngoại giao cao cấp, và trong đó vấn đề nhân quyền đã là một trong những trọng tâm.
Trong cuộc điều trần ngày 04/06, người chủ trì là dân biểu Christopher Smith đã nhấn mạnh rằng Việt Nam là một trong những quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất, thế mà chính quyền Obama lại không có hành động gì để buộc Hà Nội cải thiện tình trạng này. Ông Smith cũng nhắc lại là báo cáo thường niên của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế tiếp tục yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt CPC.
Trong buổi điều trần hôm qua, đến lượt chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce ghi nhận, chỉ một tháng sau cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt tại Hà Nội, chính quyền Việt Nam đã kết án tù nặng nề hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vì tội rải truyền đơn. Ông Royce, dân biểu bang California, nơi tập trung đông người Việt nhất, cho rằng việc Hoa Kỳ hành động không đi đôi với lời nói là « vô trách nhiệm ».
Về phần dân biểu Gerry Connoly, một đảng viên  Đảng Dân chủ của tổng thống Obama, cảnh báo rằng Quốc hội Mỹ có thể bác bỏ việc phê chuẩn hiệp định mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, nếu không có những cải thiện tình trạng nhân quyền. Việt Nam hiện là một trong 12 quốc gia đang hoặc sẽ tham gia đàm phán về TPP.
Như vậy là ý kiến của ông Connoly, dân biểu bang Virginia, cũng là nơi có đông người Việt sinh sống, tương đồng với quan điểm của đại diện tổ chức Human Rights Watch trong cuộc điều trần trước đó vào ngày 04/06. Ông John Sifton, Giám đốc Vận động, Ban Á châu của Human Rights Watch đã đề nghị Uỷ ban Đối ngoại chất vấn chính quyền Obama một cách nghiêm khắc về nội dung đối thoại giữa Mỹ với Việt Nam.
Theo ông John Sifton, đã đến lúc chính phủ Hoa Kỳ cân nhắc các hành động như loại Việt Nam ra khỏi đàm phán về Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP hay các đàm phán thương mại song phương khác, và bắt đầu xét lại hợp tác quân sự với Hà Nội.
Là quan chức Bộ Ngoại giao mở đối thoại nhân quyền với Việt Nam vào tháng tư ở Hà Nội, phó trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Dan Baer nhắc lại rằng Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 120 tù chính trị và ông báo động về chiến dịch trấn áp trên mạng Internet ở Việt Nam.
Cũng trong buổi điều trần hôm qua, ngay chính ông Joe Yun, quyền phó trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á, đã cảnh báo tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đang xấu đi. Ông Joe Yun cho rằng Hoa Kỳ có ảnh hưởng đáng kể đối với Việt Nam, vào lúc mà hai cựu thù trong chiến tranh đang nỗ lực xây dựng các quan hệ mậu dịch và an ninh trong một vùng mà hiện đang đối đầu với sự trỗi dậy mạnh mẽ Trung Quốc.
Quan chức Ngoại giao cao cấp này hy vọng là những sự yểm trợ của Hoa Kỳ cho các tổ  chức  xã hội dân sự ở Việt Nam , cũng như việc đẩy mạnh quan hệ kinh tế sẽ giúp thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào: