Pages

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Đông Nam Á: Thế giới mạng trở nên phức tạp trong bối cảnh bất đồng chính kiến gia tăng

Chính phủ các nước Đông Nam Á đang viện tới những công cụ pháp lý mới và những quyền lực nhà nước hà khắc trong bối cảnh hệ thống internet ngày càng cho phép các công dân trẻ tuổi chỉ trích các nhà lãnh đạo chính trị “bám trụ” quá lâu.

Không phải tất cả các quốc gia Đông Nam Á này đều hiệu quả như Trung Quốc cùng “Vạn lý Tường lửa” nổi tiếng của nó, thứ có thể lọc tất cả từ các bài viết trên microblog cho đến việc tìm kiếm thông tin thông thường trên internet. Tuy vậy, tốc độ mà những quốc gia như Singapore, Malaysia, Campuchia và Việt Nam đang tiến hành áp đặt các biện pháp kiểm soát lại gây lo ngại cho những người ủng hộ nhân quyền, họ sợ rằng việc hạn chế tự do internet hơn nữa có thể bóp nghẹt tự do ngôn luận và tước đi sinh lực của nền kinh tế.

Tháng này, Singapore đã áp đặt các biện pháp kiểm soát có chủ đích lên các phương tiện truyền thông internet, trong khi đó Malaysia cho biết họ có thể bổ sung một số quy định về Internet nhằm mục đích bảo vệ trẻ vị thành niên. Campuchia thì đang cân nhắc các luật lệ bài trừ tội phạm internet mà theo các nhà hoạt động thì chúng có thể được sử dụng nhằm chống lại những người chỉ trích chính phủ, cũng như Philippines đang phải chống chọi với những thách thức pháp lý nhằm vào đạo luật tương tự được thông qua vào năm ngoái của họ. Trong khi đó, đến thời điểm này của năm 2013, Việt Nam đã bỏ tù số blogger bất đồng chính kiến nhiều hơn cả năm 2012.

Những nỗ lực như thế diễn ra giữa lúc khả năng truy cập internet băng rộng và di động đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á, nơi có vài trong số những nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Các nhà phân tích cho rằng kết quả là các tầng lớp trung lưu mới nổi của khu vực được đào tạo tốt hơn và ít tôn trọng giới quan chức hơn.

Theo Cythia Wong, chuyên gia nghiên cứu Internet kỳ cựu của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (Washington), “nhiều chính phủ đang bắt tay vào kiểm soát Internet vì lo sợ cách thức mà các phương tiện truyền thông xã hội có thể hỗ trợ sự tranh luận tự do hoặc các phong trào xã hội”, đặc biệt là ở những quốc gia đã áp đặt ảnh hưởng hoặc sự kiểm soát nặng nề lên các phương tiện truyền thông truyền thống.

Tuy vậy, “nhiều chính phủ lại đang vật lộn để hiểu hệ thống internet hoạt động như thế nào… Kết quả là họ mở rộng phạm vi áp dụng của các đạo luật truyền thông truyền thống sang lĩnh vực internet một cách hoàn toàn vô lý, trước sự khác biệt về công nghệ.”

Trong trường hợp của Singapore, các nhà phân tích cho rằng các biện pháp mới đánh dấu một sự chuyển hướng khỏi cái gọi là phương pháp tiếp cận quản lý “chạm nhẹ” (light touch), theo đó Đảng Nhân dân Hành động nhìn chung không áp đặt ảnh hưởng nhà nước nặng nề lên các phương tiện truyền thông trực tuyến như đối với báo đài chính thống.

Các quan chức nhấn mạnh rằng những quy định mới nhằm mục đích làm cho các quy định pháp luật về truyền thông trở nên hài hoà chứ không nhằm hạn chế bất đồng chính kiến trên mạng. Các nhà hoạt động e ngại rằng Đảng Nhân Dân Hành Động (vốn chi phối Singapore từ năm 1959) đang tìm cách ngăn Internet cung cấp thêm động năng cho những người chỉ trích chính phủ, đặc biệt là sau những thành công có tính lịch sử của phe đối lập trong các cuộc bầu cử gần đây.

Tại Malaysia, các giới chức đã cân nhắc việc bổ sung các biện pháp kiểm soát mạng sau khi liên minh Mặt trận Quốc gia (nắm quyền từ năm 1957), giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử tháng Năm vừa qua trước một phong trào đối lập vốn dựa nhiều vào các phóng viên báo mạng và truyền thông xã hội để thu hút sự ủng hộ. Thủ tướng Najib Razak đã gạt bỏ việc tuân thủ các quy định theo kiểu Singapore, nhưng lại đề xuất rằng các biện pháp tự quản lý có thể được theo đuổi nhằm khuyến khích các chủ blog và website tin tức tiết lộ danh tính. Bất kì quy định tiếp theo nào cũng sẽ tuân theo một đạo luật mới thông qua vào năm ngoái, vốn buộc các nhà trung gian internet (như những người chủ hệ thống Wi-Fi hoặc các biên tập viên trang mạng) phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những tài liệu được cho là khích động hoặc bôi nhọ phát tán thông qua tài khoản của họ.

Theo Fathi Aris Omar, biên tập viên của cổng thông tin độc lập Malaysiakini, “những điều luật như thế tạo ra một trình tự bí mật cho việc kiểm soát internet, và có thể đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng thậm chí ngay cả khi chính phủ chưa sử dụng chúng ngay lúc này.”

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Đa phương tiện Malaysia Ahmad Shabery Cheek cho biết chính phủ đã xem xét quy định bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi những nội dung internet phản cảm nhưng lại nói rằng quốc gia này “vẫn giữ nguyên cam kết đối với tự do ngôn luận”, thứ tự do đồng hành với trách nhiệm dành cho những người sử dụng mạng .

Tại Philippines, quốc gia được biết với nền báo chí tự do, đã hoãn thực thi một đạo luật chống tội phạm mạng trước những thách thức về pháp lý của các phóng viên và các nhà hoạt động nhân quyền. Những người chỉ trích công kích rằng định nghĩa của nó về phỉ báng trên mạng là quá rộng, hình phạt đưa ra thì quá nặng (tối đa 12 năm tù), cũng như những quyền hạn điều tra thì quá rộng nên có thể xâm phạm quyền riêng tư. Điều này khiến các cơ quan chức năng phải đề xuất những sửa đổi, lưu ý đến những quan ngại như thế.

Campuchia đang suy nghĩ về một đạo luật chống tội phạm mạng mà các nhà hoạt động rằng nó có thể được dùng để hạn chế chỉ trích nhằm vào thủ tướng Hun Sen, người đã tại vị quá lâu. Tháng 12 vừa rồi, các nhà chức trách Phnom Penh đã cấm các quán cà phê Internet hoạt động trong vòng bán kính 500 m từ bất kì trường học hoặc cơ sở giáo dục nào. Một động thái mà các nhà chức trách nói rằng nhằm hạn chế trẻ em tiếp cận những nội dung phản cảm như sách báo khiêu dâm, tuy nhiên các nhà hoạt động lại chỉ trích quy định này là nhằm đàn áp các nhà bất đồng chính kiến trên mạng.

Thái Lan thì bị chỉ trích rằng các nhà chức trách sử dụng luật quân chủ và tội phạm máy tính để giám sát internet và cản trở các đối thủ tiềm năng. Vào tháng 5.2012, một chủ trang web ở Thái đã bị kết tội vì đã không nhanh chóng xóa những bình luận được coi là xúc phạm nhà vua. Bà bị phạt và kết án tù treo.

Tại quốc gia láng giềng Việt Nam, Đảng Cộng Sản đã mở rộng chiến dịch đàn áp giới blogger vì bị cho là đăng những bài viết chống chính quyền.

Một điểm sáng cho các quyền tự do mạng đã được mở rộng là Myanmar, nơi mà chính quyền bán dân sự đã cho phép những quyền tự do báo chí lớn hơn và thúc đẩy việc sử dụng internet như một phần trong những cải cách rộng lớn về kinh tế và chính trị nhằm mục đích hiện đại hóa một đất nước nghèo khó do một nửa thế kỷ dưới chế độ quân sự. Tuy nhiên, các điều luật hà khắc trước đây từng được sử dụng để bỏ tù phóng viên, người bất đồng chính kiến vẫn còn nguyên đó.

Theo các nhà phân tích, các phương thức này rất có thể vẫn được duy trì bởi những chính phủ thiếu các nguồn lực tiên tiến để kiểm soát internet. Mặt dù vậy, vẫn có những nỗ lực giám sát song phương từ các chính phủ phương Tây, bao gồm chương trình bí mật Prism của Mỹ. Chương trình đã thu thập thông tin từ các công ty internet của Mỹ với mục đích giám sát nước ngoài, đã bị cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Edward Snowden tiết lộ. Các quan chức Mỹ đã bảo vệ chương trình và xem xét việc truy tố Snowden, người được biết lần cuối ở Hong Kong sau khi đã dành cho một tờ báo ở đây cuộc phỏng vấn phát hành vào thứ Tư.

Robin Mansen, giáo sư về truyền thông mới và Internet tại Trường Kinh tế London cho biết: “Thứ cân bằng đặt giữa tự do ngôn luận và bảo mật là một câu hỏi mở và gây tranh cãi. Truyền thống thì hoàn toàn khác biệt giữa các quốc gia Đông Nam Á nhưng câu hỏi này thì lại tương đồng.”

Tại Singapore, hơn 1000 người biểu tình chống các quy định mới về việc cấp giấy phép Internet vào thứ Bảy vừa qua. Đây là cuộc biểu tình hiếm hoi tại quốc gia có trật tự cao này. Hàng chục người mặc áo thun đen tuần hành với các biểu ngữ và bày tỏ thái độ cung kính trước một tấm bia mộ giả với những lời lẽ tiếc thương cho cái chết cảm nhận được của tự do ngôn luận.

Theo Bridget Welsh, nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Quản trị Singapore, sự phản ứng mạnh mẽ và bất ngờ như vậy cho thấy sự kiểm duyệt mạnh tay hơn có thể phản tác dụng trước sự trỗi dậy của một tầng lớp trung lưu am hiểu công nghệ. “Các chính phủ đang nhìn về quá khứ trong khi thực tế là họ đang tìm cách quản lý tương lai.”

Chun Han WongWSJ, 12.6.2013
* James Hookway tại Bangkok và Celine Fernandez tại Kuala Lumpur đã đóng góp cho bài viết này.
Nguồn: Wall Street Journal
Bản dịch của Luna Nguyen

(Defend the Defenders)

Không có nhận xét nào: