Pages

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Quốc hội bất nhất với báo chí

Cho, cấm rồi lại cho tường thuật ‘lấy phiếu tín nhiệm’

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm của Văn phòng Quốc hội CSVN vừa loan báo sẽ cho báo chí tham dự buổi “lấy phiếu tín nhiệm”, diễn ra vào ngày 10 tháng 6.

Giới theo dõi các diễn biến chính trị tại Việt Nam tin rằng, áp lực càng lúc càng lớn từ dư luận đã khiến nhà cầm quyền Việt Nam bối rối và trở nên bất nhất, khi phải quyết định, có cho báo giới tham dự sinh hoạt này hay không.

Một buổi bỏ phiếu của Quốc hội Việt Nam. (Hình: Dân Trí)
Theo một nghị quyết do Quốc hội CSVN thông qua hồi cuối năm ngoái, thì tại kỳ họp quốc hội lần này, các đại biểu Quốc hội sẽ bày tỏ sự tín nhiệm, 'đối với 49 cá nhân đang là: Chủ tịch Nhà nước, Phó Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và những thành viên khác của chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước'

Ở bước đầu tiên “lấy phiếu tín nhiệm”, nếu cá nhân nào bị 2/3  đại biểu Quốc hội xác định là “tín nhiệm thấp” thì Quốc hội Việt Nam sẽ thực hiện tiếp bước thứ hai – “bỏ phiếu tín nhiệm”, để quyết định có miễn nhiệm cá nhân đó hay không.

Hồi đầu, khi công bố nghị quyết về “lấy phiếu tín nhiệm”, Quốc hội CSVN loan báo sẽ công khai toàn bộ diễn biến và kết quả.

Sau đó, blogger Trương Duy Nhất, tổ chức cho độc giả của blog “Một góc nhìn khác”, bày tỏ sự tín nhiệm của họ đối với các viên chức lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, rồi kết quả cho thấy, phần lớn các viên chức này không được tín nhiệm để đảm trách chức vụ hiện tại.

Quốc hội Việt Nam tiếp đó đột ngột thông báo, họ đã quyết định không cho báo giới tham dự buổi báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị tổ chức ‘lấy phiếu tín nhiệm’, ‘bỏ phiếu tín nhiệm’ và các phiên thảo luận về vấn đề này”.

Riêng blogger Trương Duy nhất thì bị “bắt khẩn cấp”.

Chuyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội CSVN đổi ý, cấm báo chí tham dự những buổi họp, thảo luận về “lấy phiếu tín nhiệm” cũng như việc bắt giữ blogger Trương Duy Nhất đã bị chỉ trích kịch liệt.

Cuối cùng, vào giờ chót, Chủ nhiệm của Văn phòng Quốc hội thông báo, báo giới sẽ được tham dự ngay từ đầu (từ lúc các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu cho đến lúc công bố kết quả số phiếu theo từng chức danh). Kết quả sẽ được công bố theo ba mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Cũng theo Văn phòng Quốc hội CSVN, các đại biểu Quốc hội sẽ chỉ bày tỏ mức độ tín nhiệm của họ đối với 47 cá nhân, hiện là: Chủ tịch Nhà nước, Phó Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và những thành viên khác của chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao. Chứ không phải là 49 cá nhân như thông báo ban đầu, bởi hai cá nhân hiện là Bộ trưởng Tài chính và Tổng kiểm toán Nhà nước, vừa được Quốc hội phê chuẩn.

Dù Quốc hội CSVN đã cho báo giới tham dự - tường thuật buổi “lấy phiếu tín nhiệm” nhưng rất ít người tin rằng, kết quả “lấy phiếu tín nhiệm” sẽ phản ánh đúng mức độ tín nhiệm của dân chúng, đối với các viên chức lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Tuần trước, qua báo chí, ông Dương Trung Quốc, một đại biểu của Quốc hội Việt Nam khuyên dân chúng, “đừng quá kỳ vọng” vào chuyện “lấy phiếu tín nhiệm”

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: